
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên, giảm thiểu chất thải và thúc đẩy tái sử dụng, tái chế. Việc thúc đẩy hành động, chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, hạn chế phát thải ra môi trường là yêu cầu cấp bách và xu hướng tất yếu giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết tăng trưởng xanh.
Giá trị thị trường kinh tế tuần hoàn của Việt Nam có thể đạt khoảng 2,7 tỷ USD vào năm 2030.
Hiện có khoảng 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế và công nghệ xanh tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, khoảng 30% chất thải hữu cơ tại Việt Nam đã được tái chế thành phân bón hữu cơ và các dạng năng lượng.


Kinh tế tuần hoàn hiểu một cách khái quát nhất là mô hình kinh tế dựa trên nguyên lí cơ bản “đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác”. Nền kinh tế này hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp lại mang tính khép kín. Nhờ đó, các giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế ở mức độ lâu nhất. Điều này sẽ giúp việc sử dụng tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải ở mức tối thiểu, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đi đáng kể.
“Trong cái thời gian vừa qua về phía doanh nghiệp thép Việt Nam thì cũng đã thực hiện rất nhiều giải pháp để đảm bảo tiết kiệm năng lượng cũng như cải tiến quy trình của mình để đảm bảo phát giảm phát thải carbon. Trong đấy có nhiều dự án cũng như là giải pháp được áp dụng, đem lại hiệu quả giảm phát thải cũng như tiết kiệm năng lượng như việc sử dụng khí thải lò cao, lò cốc để phát điện ở Fomosa hay là ở Hòa Phát, đem lại hiệu quả giảm phát thải rất là tốt và đáp ứng được đến 80- 90 % cái nhu cầu năng lượng lượng của nhà máy thép liên hợp.”
Ông ĐINH QUỐC THÁI - Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)

Ðề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QÐ-TTg ngày 7/6/2022 đã xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 (Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23/1/2025). Trong đó, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; tiết kiệm năng lượng: phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản) tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN.

“Chúng ta phải định hướng phát triển bền vững, xanh hóa, phải thích ứng được với các dòng sản phẩm, sử dụng những sản phẩm về tái chế, thích ứng được với yêu cầu đòi hỏi của các nhà nhập khẩu.”
Ông VŨ ĐỨC GIANG - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa. Một trong các thách thức lớn đến từ hạ tầng quản lý chất thải chưa phát triển đồng bộ. Việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là một rào cản. Việc này dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, nguồn lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn thiếu, việc tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế.
“Chúng ta đang thiếu một chương trình chung, một bộ luật chung về tăng trưởng xanh mang tính bắt buộc thực hiện trong cả nước. Điều thứ hai đó là chúng ta cũng cần xây dựng kế hoạch một cách toàn diện để phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong cái phạm vi cả nước, giữa các ngành nghề, giữa doanh nghiệp. Hiện nền kinh tế tuần hoàn chỉ được thực hiện ở những bộ phận những doanh nghiệp riêng rẽ trong nền kinh tế quốc dân.”
Ông ĐINH TRỌNG THỊNH - Chuyên gia Kinh tế

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, cần tăng cường hoàn thiện các chính sách và khung pháp lý hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế và quản lý chất thải, bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn cũng rất quan trọng. Song song với đó cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng quản lý chất thải, đặc biệt là hệ thống tái chế và xử lý chất thải, nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, việc cải thiện cơ sở hạ tầng quản lý chất thải có thể tạo ra giá trị kinh tế lên tới 1 tỷ USD mỗi năm cho Việt Nam.
“Cần phải có cơ chế giao cho doanh nghiệp thực hiện các khu công nghiệp tuần hoàn, những doanh nghiệp mà thực hiện chuyển đổi các khu xử lý rác mang tính chất quy mô cấp vùng, phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối. Chúng ta cần có những dự án mang tính tiên phong, mang tính dẫn dắt như ngọn hải đăng. Hiện đang rất thiếu những dự án, những mẫu hình mà mang tính tiên phong, mang tính thành công để cho địa phương hay doanh nghiệp người ta có thể lan tỏa.”
TS. HÀ HUY NGỌC - Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Kinh tế tuần hoàn không phải là một chiến dịch ngắn hạn. Đó là một cuộc cách mạng trong tư duy phát triển – nơi mỗi sản phẩm được thiết kế để “sống” nhiều vòng đời, mỗi người tiêu dùng là một mắt xích trong chuỗi giá trị, và mỗi doanh nghiệp không chỉ tạo ra lợi nhuận, mà còn kiến tạo giá trị xã hội và môi trường. Việt Nam đang đứng trước cơ hội “đi tắt, đón đầu”. Khi thế giới đang tìm cách sửa sai, ta có thể chọn một con đường mới – một nền kinh tế không có rác, không có lãng phí, mà chỉ có tài nguyên chưa được tái sinh.
Tổ chức sản xuất: Việt Anh - Khánh Sơn
Nội dung: Đỗ Bảo - Thanh Tú
Trình bày: Ngọc Bách
