Sự gắn bó bền chặt giữa hai đất nước Việt Nam-Cuba được thể hiện thật sâu sắc và nhiều màu vẻ. Bên cạnh những bàn tay nắm chắc, vòng tay ôm chặt của các nhà lãnh đạo hay những dự án hợp tác quy mô quốc gia của hai nước, chúng ta có thể chứng kiến nhiều câu chuyện đời thường - những đóng góp âm thầm, tự thân của người dân hai nước. Suốt 65 năm qua, tình hữu nghị đó được vun đắp không ngơi nghỉ, đặc biệt bởi những người đã từng sinh sống, học tập, làm việc và gắn bó với cả hai đất nước. Trong trái tim và tâm trí của nhiều thế hệ người dân ở cả hai nước, Việt Nam hay Cuba, luôn là nhà, là quê hương thứ hai.

Trong kỳ 3 - kỳ cuối của loạt bài, nhóm tác giả đi sâu vào những câu chuyện đời, kỷ niệm của một số đại diện nhiều thế hệ cán bộ, chuyên gia, người dân đã từng sống, học tập và làm việc tại Việt Nam và Cuba. Vì tình yêu, họ đã đã dành tâm huyết cho sự nghiệp vun đắp tình hữu nghị hai nước.

Cuba: Ngôi nhà, quê hương thứ hai

Trong tâm trí đông đảo người Việt Nam, Cuba không phải là đất nước xa xôi như khoảng cách địa lý thực tế, bởi tình yêu và lòng biết ơn Cuba chưa bao giờ nguôi trong tâm trí người Việt. Từ quá khứ đến hiện tại, tình yêu, sự trân trọng vẫn luôn được tiếp nối qua từng câu chuyện, truyền cảm hứng và nối tiếp tình yêu qua các thế hệ về mối quan hệ thân thiết giữa hai dân tộc.

Đó không phải là khẩu hiệu, mà đã và đang được thể hiện rõ nét trong từng trải nghiệm cụ thể. Trở lại với bạn trẻ Đặng Quỳnh Anh, sinh viên ngành Truyền thông xã hội, Đại học Tổng hợp La Habana, cô cho biết, khi đến Cuba, tiếp xúc với một nền văn hóa khác hẳn, song vẫn cảm nhận được sự tương đồng giữa hai đất nước, đó là sự “thân thiện và hiếu khách”.

Trên lớp, Quỳnh Anh luôn được các bạn và thầy cô đón nhận như một người Cuba thực thụ. Hơn 4 năm học tại hòn đảo Caribe, Quỳnh Anh luôn được chào đón một cách nồng nhiệt. Cô chia sẻ: “Hai năm đầu khi đến Cuba, người dân nơi đây dẫn dắt tôi như một vị khách hiếu kỳ, nhưng bây giờ, họ coi tôi như con cháu trong nhà, như một người chị, một người em, một người bạn mà đã lâu chúng tôi không có dịp gặp mặt. Tôi thấy mình như đang trở về nhà”.

Huỳnh Dạ Thảo, một sinh viên tại Trường Y Khoa Mỹ Latin, tại tỉnh Cienfuegos cũng nhận thấy đây không chỉ là nơi học tập mà còn là miền đất của những tình cảm nồng hậu. Đến Cuba vì muốn thử sức và học hỏi kiến thức từ môi trường đào tạo y khoa hàng đầu thế giới, Dạ Thảo nhanh chóng bị thu hút bởi những buổi sáng trong xanh và bầu trời đêm đầy sao, màu nước biển xanh thay đổi theo từng thời điểm trong ngày. Cả những chiếc xe cổ và những dãy nhà theo kiến trúc cổ điển theo phong cách Mỹ Latin. Thảo còn rất ấn tượng với sự mộc mạc, chất phác của người dân Cuba. Với cô, người dân Cuba dễ mến, đáng kính, biết trân trọng lịch sử, có lòng tự hào dân tộc và yêu nước. Thảo kể: “Khi biết tôi và các bạn là người Việt Nam, họ luôn gọi chúng tôi là 'hermanos', những người anh em ruột thịt trong gia đình”.

Dạ Thảo cho biết, ngoài thời gian học tập, cô tranh thủ thời gian tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa của nhà trường để có thể gần gũi hơn với thầy cô giáo và các bạn Cuba. Nhờ đó, cô sinh viên y khoa năm 2 có thêm nhiều người bạn Cuba “hòa đồng và dễ mến”, luôn giúp đỡ cô trong học tập, cũng như trong cuộc sống. Cô tâm sự: “Các bạn luôn hào hứng khi nghe tôi nói chuyện về con người và văn hóa Việt Nam. Tình bạn giữa chúng tôi ngày một lớn lên, gắn kết và bền chặt, như tình hữu nghị vốn có giữa hai đất nước vậy”.

Dạ Thảo thừa nhận, thời gian đầu đến Cuba, không tránh khỏi những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống do rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa. Nhưng cô cảm thấy bản thân thật may mắn vì luôn nhận được tình yêu thương và giúp đỡ của các thầy cô giáo và các bạn.

Từ các bạn sinh viên cho đến những người trưởng thành từng gắn bó với Cuba luôn mang theo tình cảm sâu đậm với hòn đảo này. Dấu ấn Cuba càng được cảm nhận rõ nét trong gia đình anh Đặng Quang Thủy chị Chu Phương Nhi, hiện đang làm việc tại Công ty cổ phần ViMariel, thuộc Tổng công ty Viglacera tại Đặc khu Phát triển Mariel, tỉnh Artemisa, Cuba. Con trai anh chị, bé Hoàng Lâm, 5 tuổi, được bố mẹ gọi ở nhà với cái tên thân mật: Peso, là đơn vị tiền tệ của Cuba. Đó là cách anh chị thể hiện tình yêu với nơi đã chứng kiến từng bước trưởng thành của cả hai vợ chồng và nay là của con trai mình. Cả hai quen nhau khi sang Cuba học tập, sau khi tốt nghiệp, anh chị quay trở về Việt Nam lập gia đình. Sau một thời gian, vợ chồng anh chị quyết định sang Cuba sinh sống và làm việc.

Tâm sự về quyết định này, cả hai cùng chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy tự hào khi được làm việc và cống hiến cho sự phát triển hợp tác giữa hai nước, một nơi là quê hương, còn một nơi đã giáo dục và đặt nền móng phát triển cho cả hai vợ chồng”.

Chị Nhi bộc bạch: “Tôi cũng rất băn khoăn khi quyết định thay đổi môi trường cho con, nhưng đến giờ khi nhìn con vui vẻ lớn lên từng ngày tại Cuba, nhận được sự quan tâm chăm sóc tận tình của các thầy cô giáo Cuba, như cách mà trước đây chúng tôi đã nhận được, tôi tin quyết định của vợ chồng tôi là đúng đắn!”.

Ở trường, bé Peso học cùng các bạn Cuba và các bạn nước ngoài khác bằng tiếng Tây Ban Nha nhưng khi về nhà, anh chị Thủy - Nhi vẫn nói tiếng Việt với con, cho con xem phim và nghe các bài hát Việt Nam để con luôn nhớ về quê hương và giữ tiếng mẹ đẻ. Hiện tại Hoàng Lâm - Peso đã nói khá thành thạo tiếng Tây Ban Nha và rất háo hức mỗi khi được đến trường với các bạn. Chia sẻ về các kế hoạch trong tương lai, hai vợ chồng cho biết: “Chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều hơn vào các dự án hợp tác giữa hai nước, góp phần vun đắp tình hữu nghị thân thiết giữa hai nước, và để đáp lại những ân tình mà Cuba đã dành cho gia đình chúng tôi”.

Những trái tim Cuba mang hình Việt Nam

Nếu nhiều người Việt Nam luôn dành cho Cuba một tình cảm đặc biệt, thì ở chiều ngược lại, nhiều người dân Cuba cũng mang những ký ức sâu đậm về Việt Nam, và đặt đất nước Việt Nam vào vị trí đặc biệt trong trái tim.

Gần 40 năm kể từ ngày đầu tiên đến Việt Nam, phiên dịch viên Cuba Esteban Braulio González Hernández, vẫn nhớ như in sự giúp đỡ và tình cảm của các thầy cô giáo và các bạn đồng môn dành cho ông trong quá trình học tiếng Việt và tìm hiểu phong tục tập quán của người Việt. Ông Esteban kể lại, nhờ giáo trình đào tạo phong phú và trong các giáo viên có những thầy cô giáo đã được đào tạo ở Cuba nên lúc đầu ông không gặp nhiều khó khăn trong học tập. Ông còn được bố trí ở tại một đơn vị quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), nên hàng ngày mọi người giúp đỡ ông rất nhiều trong việc thực hành Tiếng Việt.

Phiên dịch viên Esteban Braulio González Hernández (áo trắng, ngồi phía sau) trong buổi làm việc giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz Canel Bermudez, tại đặc khu phát triển Mariel (ZEDM), 27/9/2024. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phiên dịch viên Esteban Braulio González Hernández (áo trắng, ngồi phía sau) trong buổi làm việc giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz Canel Bermudez, tại đặc khu phát triển Mariel (ZEDM), 27/9/2024. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Người Việt hiếu khách” là câu đầu tiên Esteban chia sẻ về cảm nhận khi tiếp xúc với người dân Việt Nam. Với ông, trong tiếng Việt có hai điều khó nhất, một là cách phát âm và hai là cách sử dụng đại từ nhân xưng trong giao tiếp. Ông bộc bạch: “Mặc dù đã được học và lưu ý rất nhiều trong suốt quá trình học nhưng đôi khi tôi vẫn mắc sai lầm khi giao tiếp với mọi người, bởi rất khó đoán được tuổi người Việt để có thể chọn được ngôi xưng phù hợp”. Nhưng, “bất kỳ ai khi biết tôi là người Cuba đang học tiếng Việt, đều sẵn sàng giúp đỡ, đặc biệt trong cách phát âm và cách viết tiếng Việt”, ông nhớ lại.

Sau 7 năm học tiếng Việt và 4 năm làm việc ở Hà Nội, ông Esteban trở về Cuba công tác, song ông vẫn có cơ hội tháp tùng nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Cuba sang thăm Việt Nam. Nhờ vậy, ông có thêm những người bạn và đồng nghiệp Việt Nam, những người đã dành cho ông tình cảm “như anh em một nhà”.

Tôi thực sự cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà những người Việt Nam dành cho người Cuba chúng tôi.

Cùng chung cảm xúc như ông Esteban, anh Alain Rey, hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, trải lòng: “Các thầy cô giáo và bạn bè người Việt đã có ảnh hưởng tích cực sâu sắc đến cuộc sống của tôi và gia đình tôi trong những năm tháng ở Việt Nam. Sự kiên nhẫn và tận tụy của các thầy cô giáo và bạn bè đã giúp tôi dễ dàng hòa nhập với cuộc sống hàng ngày. Nhờ vậy, tôi thêm hiểu về Việt Nam và ngày càng cảm thấy trân trọng và yêu mến nền văn hóa đất nước này”.

Để có được một Alain như ngày hôm nay, đang làm việc và cống hiến vào công cuộc thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước, anh luôn ghi nhớ ân tình mà anh và gia đình nhận được khi sinh sống tại Việt Nam. Anh không ngần ngại chia sẻ: “Thầy cô giáo đặt tên Việt Nam cho tôi là Tuấn Anh. Giờ đây tôi cảm thấy cái tên đó cũng gần gũi như cái tên mà mẹ đã đặt cho mình”.

Sau 27 năm gắn bó với Việt Nam, anh Alain luôn tự hào khi nói tốt được tiếng Việt, điều này đã giúp anh có thêm nhiều người bạn Việt Nam thuộc nhiều thế hệ và mỗi mối quan hệ đều có ý nghĩa đối với cuộc sống của anh. Anh tâm sự: “Người Việt Nam luôn hiếu khách và tử tế. Điều ấy khiến chúng tôi cảm thấy được chào đón ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến đây. Chắc chắn tình cảm này sẽ tồn tại mãi mãi trong trái tim chúng tôi, vì đất nước này đã chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cá nhân tôi và gia đình tôi”.

Chia sẻ cảm xúc về Việt Nam ở một góc độ khác, Phạm López Linh, sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố là người Việt Nam và mẹ là người Cuba. Linh nói: “Tiếng Việt với tôi là những làn điệu chèo và các ca khúc về quê hương đất nước mà bố vẫn thường nghe bằng chiếc đài cát-xét cũ như 'Nỗi buồn hoa phượng', 'Trường ca sông Lô', 'Bài ca hy vọng', 'Tình ca'… Dù không thể hiểu hết ý nghĩa của các bài hát, nhưng những giai điệu đó đã in sâu trong trí nhớ tôi”.

Năm 2009, khi tròn 19 tuổi, Linh sang Việt Nam học tiếng Việt tại Trường đại học Hà Nội. Sau nhiều năm tháng chỉ lẩm nhẩm các bài hát mà bố vẫn hay nghe bằng giai điệu, Linh đã có thể hiểu được lời ca và có thể hát theo các bài hát đó. Linh cười nói: “Tôi nghe những bài hát đó nhiều đến mức bị bạn bè cùng trang lứa trêu rằng tôi chỉ thích nghe “nhạc của các cụ ngày xưa”.

Linh chia sẻ, ngày còn nhỏ, dù bố thường vắng nhà vì công việc, nhưng Linh vẫn nhớ rất rõ, bố dành một góc trang trọng trong nhà để thắp hương và làm giỗ cho ông nội. Trong ký ức của mình, Linh thú thực không hiểu những gì bố đang làm, chỉ mong bố làm thật nhanh, để còn được ăn nem rán, một món ăn Việt Nam mà cả nhà đều rất thích. “Sau này khi về Việt Nam, tôi mới hiểu phong tục cúng giỗ của người Việt, như một cách thể hiện tình yêu và tưởng nhớ đến người thân đã khuất”, Linh giải thích.

Sống ở Việt Nam, Linh cũng cảm nhận được tình cảm mà người dân Việt Nam dành cho mình và Cuba. Trong số rất nhiều những câu chuyện thường ngày, Linh nhớ nhất câu chuyện trong lễ tưởng niệm Chủ tịch Fidel Castro tại Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội năm 2016. Linh kể: “Một cụ bà lớn tuổi mang đến buổi lễ một chiếc áo guayabera (áo truyền thống của Cuba) bằng giấy do chính bà làm và nhờ tôi nói với ngài đại sứ rằng đây là hàng mã, để đốt để gửi làm quà cho cố Chủ tịch Fidel Castro. Hiểu được tấm lòng của bà cụ, ngài đại sứ rất xúc động”.

Khác với Esteban, Alain hay López Linh, bác sĩ Alfredo García Mirete đến Việt Nam để làm việc tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cuba ở Đồng Hới, Quảng Bình. Đối với ông, đây không chỉ là một cơ hội, mà còn là vinh dự khi được cống hiến tại nơi được coi là biểu tượng của hợp tác hai nước. Được hỏi về cảm xúc của mình khi làm việc tại đây, ông chia sẻ mà không cần suy nghĩ: “Đây là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa đối với tôi”.

Tại Quảng Bình, bác sĩ Alfredo luôn cảm nhận được tình cảm chân thành mà người dân nơi đây dành cho mình. Ông chia sẻ: “Một trong những điều khiến ông bất ngờ nhất khi đến Việt Nam là rất nhiều người dân ở đây biết đến Cuba và những người Việt Nam từng học tập tại Cuba vẫn luôn giữ một tình yêu sâu sắc đối với Cuba, dù đã nhiều năm xa cách”. 

Nhìn lại 7 năm gắn bó với Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba, với những tình cảm yêu mến của người dân nơi đây dành cho mình, bác sĩ Alfredo García Mirete mỉm cười nói: “Việt Nam đã trở thành một phần trong trái tim tôi. Tôi yêu đất nước này, yêu con người, văn hóa và truyền thống nơi đây”.

Bác sĩ Alfredo García Mirete

Tự lãnh sứ mệnh ghi lại những trang sử vàng hữu nghị

Chính một phần từ những những kỷ niệm cá nhân, những gắn bó đậm sâu của mỗi cuộc đời, mỗi gia đình như thế, sự ấm nóng trong mối quan hệ Việt Nam-Cuba đã tiếp tục được ủ lửa và lan tỏa rộng rãi ở những quy mô lớn hơn của các nhóm, các tập thể, các đoàn thể, đơn vị. Đó chính là các dự án hợp tác của các doanh nghiệp hay những chương trình giao lưu văn hóa của học sinh, sinh viên và đặc biệt là các công trình nghiên cứu tâm huyết của giới học giả hai nước.

Trong nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và mối quan hệ hai nước, Tiến sĩ Ruvislei Gonzalez Saez, Giám đốc Chương trình nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Cuba (CIPI), đã tham khảo nhiều nguồn tài liệu của cả Cuba và Việt Nam. Trong số đó, ông bắt gặp những trải nghiệm cá nhân của nhiều tác giả gắn liền với mối quan hệ hai nước, song ông không tìm thấy bất kỳ tài liệu nào hệ thống hóa lịch sử mối quan hệ này. Năm 2018, Tiến sĩ Ruvislei đã có cơ hội phỏng vấn đại sứ Cuba đầu tiên tại Việt Nam, ông Mauro García Triana, người lúc đó đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Qua câu chuyện của Đại sứ, Ruvislei nhận định: “Tôi nhận ra rằng đã có biết bao kỷ niệm đẹp đẽ đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên thật đặc biệt và độc nhất vô nhị”.

Đó cũng chính là lúc Tiến sĩ Ruvislei cảm nhận rõ về sứ mệnh thôi thúc mình phải viết một cuốn sách tổng hợp lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam và Cuba. Ông kể lại: “Để phục vụ cho việc viết sách, ngoài việc tìm kiếm tài liệu trong các kho lưu trữ, tôi đã phỏng vấn các đại sứ Cuba khác cùng người thân của họ như Fredesmán Turro González và vợ của cố Đại sứ Manuel Penado. Nhờ đó, tôi đã học hỏi được nhiều điều, hiểu thêm về lịch sử của hai nước và tập hợp vào cuốn sách nhiều dấu mốc quan trọng của Việt Nam và Cuba”.

Hai năm sau cuộc phỏng vấn với Đại sứ Mauro García Triana, cuốn sách “Cuba-Việt Nam: Hai dân tộc, một lịch sử” của Tiến sĩ Ruvislei González Saez được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ hai nước. Năm 2023, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã ra mắt bản dịch tiếng Việt của cuốn sách này để giúp cho độc giả quan tâm có thể tiếp cận các nghiên cứu về quan hệ quốc tế, lịch sử và trên hết là để lưu giữ những trang sử đẹp về mối quan hệ giữa Cuba và Việt Nam.

Tiến sĩ Ruvislei còn tham gia vào các hoạt động chính trị giữa hai nước. Năm 2018, ông là một trong những người trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị hồ sơ để trao bằng Tiến sĩ Danh dự, chuyên ngành Khoa học Chính trị cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tiến sĩ Ruvislei bày tỏ, đây là “một vinh dự lớn” và là một “khoảnh khắc đặc biệt” trong cuộc đời ông. 

Ở phía bên kia bán cầu, những học giả Việt Nam nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm hiểu về Cuba. Dù chưa từng một lần đến Cuba, nhưng Tiến sĩ Lộc Thị Thủy, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội - người mà nhóm tác giả đã đưa một số ý kiến trong kỳ 1 và kỳ 2 loạt bài - đã “dành trọn trái tim” cho hòn đảo tự do, nơi đã khiến bà luôn ngưỡng mộ. Bà thể hiện niềm cảm phục: “Dù bị bao vây, cấm vận kéo dài nhưng Cuba vẫn vượt qua để vươn lên phát triển kinh tế - xã hội và có rất nhiều chính sách ưu việt như: chính sách miễn phí về y tế, giáo dục. Ngoài ra, công nghệ sinh học, dược phẩm nhất là việc bào chế ra các loại vaccine phòng chống ung thư, phòng chống các bệnh truyền nhiễm cũng rất phát triển”.

Từ ngưỡng mộ đến tò mò, Tiến sĩ Thuỷ đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu đâu là vũ khí, động lực, hay nói cách khác là nội lực để Cuba, vững tin, tiếp tục con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống lại chính sách bao vây cấm vận của Mỹ trong hơn 60 năm qua. Đó chính là lý do bà đã chọn chủ đề “Quá trình đấu tranh độc lập dân tộc ở Cuba từ năm 1991 đến năm 2016” làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành lịch sử của mình.

Dành cả trái tim mình cho các nghiên cứu về Cuba, bà bày tỏ: “Các bạn Cuba hãy coi đây là lời tri ân của cá nhân tôi đối với sự giúp đỡ to lớn, những tình cảm chân thành mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba đã dành cho Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Bà mong muốn những nỗ lực của mình sẽ góp một phần nhỏ bé vun đắp cho tình hữu nghị hai nước, giúp cho độc giả và giới nghiên cứu Việt Nam hiểu hơn về đất nước, con người và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của hòn đảo tự do, đất nước Cuba anh hùng. Cuốn sách của Tiến sĩ Thủy mang tên “Cuba đấu tranh bảo vệ độc lập trong bối cảnh mới” được ra mắt năm 2020 tại Hà Nội, đúng dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ hai nước (2/12/1960-2/12/2020). Tại buổi lễ, bà Lianys Torres Rivera, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn cuốn sách này được dịch ra tiếng Tây Ban Nha để cho không chỉ người dân Cuba đọc được mà còn cả người dân các nước Mỹ Latin đọc và hiểu hơn về sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Cuba trong bối cảnh mới.

Luôn lấp lánh những ước mơ đồng hành

65 năm trôi qua, tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cuba luôn được sưởi ấm bằng tình cảm chân thành của người dân hai nước, từ lớp người này sang lớp người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Viết tiếp những điều kỳ diệu và cao quý của ngày hôm nay để nối dài lịch sử mối quan hệ hai nước, những người mà chúng tôi gặp gỡ, phỏng vấn trong loạt bài này luôn khao khát được cống hiến để mối quan hệ Việt Nam-Cuba mãi bền bỉ với thời gian và vượt qua mọi thách thức của thời cuộc. Điều đó được hiện thực hóa qua rất nhiều dự án đang được triển khai, những ý tưởng kế hoạch đang chuẩn bị thực hiện.

Cánh đồng lúa đang vào vụ gặt ở huyện Los Palacios, tỉnh Pinar del Río của Cuba là những thành quả nổi bật đầu tiên của dự án hợp tác giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Agri VMA của Việt Nam và nông dân Cuba. (Ảnh: Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam)

Cánh đồng lúa đang vào vụ gặt ở huyện Los Palacios, tỉnh Pinar del Río của Cuba là những thành quả nổi bật đầu tiên của dự án hợp tác giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Agri VMA của Việt Nam và nông dân Cuba. (Ảnh: Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam)

Từng nhiều lần có vinh dự được góp mặt tại những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, như Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2018 và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào năm 2024, Tiến sĩ Ruvislei luôn nhận thức rõ được sự cần thiết phải tăng cường giáo dục và tuyên truyền về mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Chia sẻ về những dự định tương lai gần, Tiến sĩ Ruvislei nói: “Từ góc độ nghiên cứu có liên hệ chặt chẽ với Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, chúng tôi đang tìm kiếm những cách thức mới để duy trì và củng cố tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại học tổng hợp La Habana, phối hợp Viện Cuba Hữu nghị với các dân tộc đã khai trương Bộ môn: Nghiên cứu về Việt Nam và Hồ Chí Minh”. Đây sẽ là một không gian học thuật, nơi triển khai các hoạt động tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như nghiên cứu sự phát triển của Việt Nam đến nay, và tổ chức các chương trình khác nhằm học hỏi và phân tích sâu hơn các kinh nghiệm và các bài học quý báu của Việt Nam.

Dự kiến, các chương trình này sẽ hướng đến đối tượng là sinh viên và giảng viên đại học, không chỉ ở thủ đô La Habana, mà còn trên toàn quốc, sau đó sẽ đến với học sinh trung học phổ thông và cả những người cao tuổi - những người từng có nhiều năm gắn bó với Việt Nam trong các giai đoạn quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh. 

Cùng chung tâm tư với Tiến sĩ Ruvislei, Tiến sĩ Lộc Thị Thủy chia sẻ: “Sau khi ra mắt cuốn sách về Cuba năm 2020 đến nay, tôi chưa ngừng nghiên cứu về Cuba”. Bà Thủy tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về Cuba, về mối quan hệ Cuba với các nước Mỹ Latin và vai trò của Cuba trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhóm G77, Phong trào Không Liên kết (NAM), trong đó, Cuba đóng vai trò quan trọng. 

Cần nhắc thêm đến một nhân vật đặc biệt khác mà qua đây có thể nhận thấy, không chỉ dừng lại ở những công trình nghiên cứu học thuật, mối quan hệ gắn bó còn được vun đắp thông qua những hợp tác cụ thể, thiết thực giữa các doanh nghiệp hai nước. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Những người anh em Việt Nam (V.brothers), quản lý trang trại Amifarm Mộc Châu đang chứng tỏ mình là một trong những người tiên phong trên hành trình này.

Luôn trân trọng và hiểu rằng những thành quả ngày hôm nay của mình có được một phần là nhờ sự giúp đỡ của nhiều người Cuba thế hệ trước, ông Vinh ấp ủ những kể hoạch để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Bất cứ khi nước bạn cần sự hỗ trợ, ông đều sẵn sàng chia sẻ những điều đã học được. Ông nói: “Tôi đang có kế hoạch tư vấn và làm chuyên gia miễn phí cho Cuba trong việc xây dựng chiến lược và tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, bao gồm: Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, chế biến nông sản, xử lý  môi trường”.

Được biết, năm 2024, ông Vinh đã làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội để bàn về kế hoạch hợp tác này và nhận được sự ủng hộ từ phía cơ quan ngoại giao đại diện Cuba. Đối với ông Vinh, việc phát triển kinh doanh với Cuba không chỉ có ý nghĩa hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ, học hỏi, mà còn góp phần củng cố tình bạn thủy chung Việt Nam-Cuba. Dù biết sẽ việc triển khai sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng của một người Việt Nam trân trọng và biết ơn những gì mà nước bạn Cuba đã dành cho mình cả trong quá khứ và hiện tại, ông Vinh bày tỏ: “Tôi tin rằng việc hợp tác sẽ thành công dù cách trở địa lý, bởi chính tình hữu nghị, thấu hiểu lẫn nhau là nền tảng để tôi và đối tác Cuba tin tưởng nhau, cùng hợp tác”.

Còn đối với các bạn trẻ như Dạ Thảo và Quỳnh Anh, họ đều nhận thức rõ sứ mệnh của những người trẻ cần vun đắp tình cảm giữa nhân dân hai nước, trở thành những minh chứng rõ nét cho thấy tình hữu nghị giữa hai nửa bán cầu vẫn đang tiếp tục được kế thừa và phát triển. Dạ Thảo và Quỳnh Anh đều thổ lộ: “Hiện tại, để giúp các bạn trẻ người Cuba hiểu nhiều hơn về Việt Nam bên cạnh các nền văn hóa châu Á khác, chúng tôi mong muốn các bạn sinh viên Việt Nam tại Cuba có thể cùng nhau tổ chức những hoạt động giao lưu văn hóa với các bạn Cuba cũng như các nước khác. Ở đó chúng tôi có thể thể hiện văn hóa, đồ ăn cũng như bản sắc với các bạn nước ngoài. Điều này sẽ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và giúp duy trì tình hữu nghị của hai nước”.

Ngày đăng: 19/6/2025
Chỉ đạo thực hiện: LÊ QUANG THIỀU, PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: QUANG HƯNG, THANH HẰNG, HẢI ANH, MỸ PHƯƠNG, KIM HƯƠNG, TRANG NGÂN, HỒNG QUÂN
Trình bày: TRANG NGÂN