KIM ANH

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, những người làm báo thời kháng chiến với phương tiện nghiệp vụ thô sơ và “đôi chân vạn dặm”, nay đã già. Có những trang viết ngày ấy còn thấm máu các nhà báo hy sinh khi đang thực hiện sứ mệnh của mình. Họ không bị lãng quên.

Tình yêu thời chiến

Lội qua sông Trà Nô là đến nhà đấy - anh Thắng Lộc khích lệ. Nhà ở đây là cơ quan thường trú Đài phát thanh Giải phóng (CP90) tại Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nằm trên vùng núi tỉnh Quảng Nam.

Hiểu rằng ở chiến trường là ác liệt và gian khổ, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ khi từ Hà Nội vào đây, nhìn thấy “trụ sở” cơ quan chỉ là 2 chiếc lán tranh trống trải, vừa để mắc võng vừa là nơi làm việc. Trời tối rất nhanh, chợt có người gọi: Chu Thúy Hoa, ra đây! Hoa vừa tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội thì lên đường. Người yêu của Hoa là một anh học ở khóa trên, anh Lê Tất Cứ, sau tốt nghiệp thì nhập ngũ, đi B. Họ kẻ bắc người nam một năm rồi không tin tức gì. Con đường rừng tối thui dẫn sang phía tiểu Ban Văn nghệ, một anh bộ đội tiến lại - anh Cứ. Chúng tôi nấp sau lùm cây hồi hộp chứng kiến cuộc hội ngộ bất ngờ của hai con người yêu nhau trong chiến tranh.

Nhưng chiến trường không có nhiều câu chuyện lãng mạn như thế. Ai vô đây cũng phải trải qua bài sát hạch khắc nghiệt, đó là sốt rét rừng. Người sốt rét đầu tiên của đài là Hoàng Thị Dũng, cô gái Hà Nội tuổi mới đôi mươi. Dũng nằm lả đi như tàu lá chuối khô. Mọi người đều quan tâm chăm sóc, nhưng lo lắng cho Dũng nhất là anh Oanh, kỹ sư nông nghiệp đầu quân cho CP90. Anh Oanh thương Dũng, có tình cảm riêng với cô gái này. Trong khi cả đơn vị chỉ có ngô bung ăn với canh suông nấu lá sắn, anh tìm đâu ra được một lon sữa giấu kỹ trong ba-lô dành bồi dưỡng cho Dũng. Không may, một phóng viên trong khi lau súng bị cướp cò, viên đạn xuyên thủng ba-lô của anh Oanh, trúng lon sữa...

Ít lâu sau, anh Lê Văn Oanh và nhạc sĩ Lê Cường xuống công tác đồng bằng Quảng Ngãi, trúng bẫy mìn của địch, cả hai hy sinh... Trước đó, chúng tôi đã được nghe kể về liệt sĩ của Báo Nhân Dân, anh Nguyễn Trọng Định. Năm 1967, anh chia tay người yêu là một chị cùng cơ quan, đi vào chiến trường khu 5. Lúc bị trúng đạn của lính Nam Hàn vào năm 1968, máu anh thấm đẫm những trang viết chưa kịp gửi về.

 Đồng bằng

Hai tiếng “đồng bằng” thường gợi cảm xúc bình yên. Nhưng ở đây, đồng bằng lại là mặt trận ác liệt. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết đầu năm 1973, niềm hy vọng hòa bình lan tỏa. Nhưng trên thực địa ở Trung Trung Bộ, cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn, khốc liệt và anh dũng.

Anh Nguyễn Thắng Lộc phụ trách cơ quan thường trú CP90 tại Khu 5 ra Hà Nội xin nhân sự bổ sung. Bảy phóng viên lên đường lần này đều là những sinh viên vừa tốt nghiệp, còn non nớt cả trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp, nhưng vẫn tha thiết xin đi. Trong đó có 3 người của Báo Nhân Dân.

Tôi may mắn được phân công đi theo nhà báo Lệ Thu xuống tỉnh Bình Định. Cao Việt Hòa đi Gia Lai xa hơn, phải đi bộ 21 ngày mới tới. Nói may mắn là bởi trong tập thể này, chị Lệ Thu được anh em xếp ở ngôi cao cả về nghề và nhân cách, bản lĩnh. Chị vốn là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, được cử đi để phụ trách chuyên môn của Đài khu 5. Quê ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, chị theo cha tập kết ra bắc, để lại quê nhà má và các em. Má chị vì giúp đỡ cách mạng lại có chồng tập kết mà bị địch bắt tù đày. Khi chị lên đường vào nam, con trai còn quá nhỏ, mới 5 tuổi. Chỉ có người làm mẹ mới hiểu thấu tâm trạng của chị khi rời xa đứa con bé bỏng để thực hiện chuyến đi không hẹn ngày về.

... Gà gáy tan canh
Nắng hửng chân trời
Con ở lại với ông bà, con nhé
Xin cơn bấc thổi về, thổi nhẹ
Xin trưa nồng cái nắng bớt oi
Xin bình yên từng giấc ngủ trong nôi...

Bài thơ “Viết cho con” của chị đã lấy đi nước mắt của biết bao người ngày ấy. Nhà báo Lệ Thu cũng vừa từ đồng bằng trở về. Chị đã nhiều lần đối mặt với hiểm nguy, khi thì chạy địch càn, khi thì đi lạc vào vùng địch chiếm đóng, rồi khi cải trang thành dân thường đi vào vùng địch bị chúng phát hiện... có lúc đối mặt với quân lính đối phương chị đã phải rút súng lên đạn sẵn sàng hy sinh.

Nhưng không phải mọi sự việc diễn ra đều là những câu chuyện hào hùng. Chị đã bàng hoàng khi hay tin một bí thư huyện ủy mà chị rất tôn trọng khi tiếp xúc, đã “chiêu hồi”, chạy về hàng ngũ địch và khai báo tất tật, vì thế mà má chị lại bị địch bắt và chúng còn treo thưởng cho ai bắt được nhà báo Lệ Thu.

Dấn thân vào những nơi hòn tên mũi đạn, chị được đắm mình trong cuộc sống và chí khí cách mạng kiên cường của những bà má, những cô giao liên, những anh bộ đội, du kích, những cán bộ lãnh đạo phong trào... và đó là nguồn tư liệu sống động vô tận để viết và viết. Chị viết rất nhiều.

“Cuộc sống ở chiến trường khẩn trương hơn cuốn hút tôi từng giờ từng phút. Tôi lăn lộn khắp các xã thôn từ Tây đường đến Đông đường số 1..., rồi ngồi viết phóng sự, ghi nhanh, thơ, ký... triền miên. Chưa bao giờ tôi làm việc say sưa như những ngày này. Bởi vì suốt gần 20 năm nay, niềm thương nhớ miền nam trong tôi không làm sao diễn tả được” - nhà báo Lệ Thu nói.

Chị Lệ Thu bảo tôi đêm nay ta “vượt đường”, có nghĩa là từ vùng giải phóng ở phía tây đi qua vùng địch kiểm soát, qua quốc lộ 1, sang vùng giải phóng phía đông. Mỗi chuyến đi có nhiều người với các nhiệm vụ khác nhau. Giao liên dẫn đường đi trước, mọi người hàng một theo sau, lặng lẽ, khẩn trương, không chờ đợi bởi chốt địch rất gần. Đã có trường hợp rớt lại, lạc đường, hôm sau bị địch bắt. Đi gấp trong đêm mưa với dép cao-su trên mặt đường đất trơn trượt là việc tôi chưa từng trải. Bắt đầu lội ruộng, tôi ngã “oạp”. Chị Lệ Thu đi sau kéo dậy. Đôi dép râu trượt khỏi chân. Lại ngã, lại ngã... mỗi lần thế phát ra tiếng động rất nguy hiểm. Nhìn rõ chốt địch ở phía trái thi thoảng quét đèn pha, tên lính gác cầm súng đi qua đi lại, tôi có phần sợ hãi. Thế nào mà chiếc đèn pin trong ba-lô của tôi lại tự nhiên bật sáng. Cả đoàn người hốt hoảng “tắt đèn đi! điên à?!”. Tiếng nói khẽ nhưng cảm nhận rõ sự bực bội khiến tôi càng luống cuống. Chị Lệ Thu vội xoay mặt đèn xuống dưới và tắt giùm. Anh bộ đội đi phía trước buộc khăn tay mầu trắng lên quai ba-lô rồi bảo tôi: “Em cứ nhìn khăn trắng này mà đi nhé”. Tâm trạng vậy nhưng khi bước chân lên quốc lộ 1, tôi vẫn dừng lại một giây hướng nhìn về phương bắc thầm mơ ngày hòa bình.

Sau chuyến đi Khu Đông ấy, chị Lệ Thu tạo điều kiện cho tôi đi công tác độc lập. Độc lập có nghĩa là làm sao để không bị đói, không bị lạc đường, để vượt qua được cơn sốt rét, để tìm kiếm thông tin để viết... Nhưng chị vẫn dặn dò: “Chị dặn em nên cẩn thận khi đi lại, chú ý tránh bom pháo, đừng chủ quan. Chị biết là em không ngại, nhưng chị phải có trách nhiệm với em. Em không nên lao vào những chỗ nguy hiểm khi chưa cần thiết. Khi cần thì chúng ta dù có chết cũng sẵn sàng...”.

“Cuộc sống ở chiến trường khẩn trương hơn cuốn hút tôi từng giờ từng phút. Tôi lăn lộn khắp các xã thôn từ Tây đường đến Đông đường số 1..., rồi ngồi viết phóng sự, ghi nhanh, thơ, ký... triền miên. Chưa bao giờ tôi làm việc say sưa như những ngày này. Bởi vì suốt gần 20 năm nay, niềm thương nhớ miền nam trong tôi không làm sao diễn tả được” - nhà báo Lệ Thu nói.

 Một tối tôi đang ở huyện Hoài Ân thì bỗng có người tìm. Một anh bộ đội đến bảo “chú Lâm nói đến đón chị”. Tôi cả mừng vì chú chính là Sư trưởng Sư đoàn 3, tên thật chú là gì tôi chưa hỏi hoặc có mà quên mất vì ai cũng chỉ gọi chú là Lâm. Chú Lâm là chú của Lâm Minh Đức, phóng viên Báo Nhân Dân. Có vẻ như để giữ bí mật nên ô-tô bịt kín lại đi trong rừng tối. Đến nơi, chú ân cần hỏi han công việc, cuộc sống của tôi nhưng khi tôi tỏ ý muốn theo đơn vị thì chú chỉ cười. Sau này mới hiểu lúc đó đang chuẩn bị vào chiến dịch.

Bài chúng tôi viết hoặc nhờ Tuyên huấn tỉnh điện về hoặc qua đường giao liên gửi về cơ quan theo địa chỉ mật danh “3105 Vinh Quang”. Nhận được, các anh chị báo vụ lại “tạch tạch tè tè” gửi ra bắc. Một người đánh tín hiệu, một người ngồi quay cho máy chạy, mệt đứt hơi. Hoàng Thị Dũng còn nhớ “mỗi lần quay máy mệt quá ông Thủy lại réo lên: Dũng ơi cho anh cốc nước không chết khát!”.

Giải phóng

Đến tháng 3/1975 tôi được lệnh ra địa bàn Quảng Ngãi. Đi thế nào, đường nào? Đang băn khoăn thì may quá Nguyễn Thành Vinh ở Thông tấn xã Giải phóng cũng ra Quảng Ngãi nên cùng đi. Tin tức chiến thắng dồn dập, chúng tôi đi như chạy hướng về thị xã Quảng Ngãi. Sáng 25/3 thị xã giải phóng, chúng tôi đi bộ chừng 20 km trong buổi sáng đó, vào đến thị xã thì đã trưa. Một thị xã tấp nập không có ấn tượng gì về chiến tranh, được giải phóng mà không có đổ nát, hy sinh. Tôi đến trước cửa một ngôi nhà và đọc to dòng chữ trên cửa “Nhà tôi không chứa chấp cộng sản”. Bà thím đứng đó cười ngượng nghịu.

Không khí những ngày đầu giải phóng ở thị xã Quảng Ngãi thật chộn rộn trong các hoạt động ủng hộ chính quyền cách mạng, nhưng trong lòng thì tâm trạng mỗi đối tượng lại khác nhau. Một chị đến hỏi thăm tin tức của chồng đi lính “cộng hòa” đóng ở Tam Kỳ, “có ai muốn thế đâu, chỉ tại thằng Thiệu nó bắt chồng tui đi”. Một em học sinh hỏi “liệu chúng em có được đi học nữa không?”. Một bác đạp xe đến báo “trong thị xã vẫn còn kẻ chống cách mạng, chôn giấu vũ khí trong nhà. Tui báo để các chú đi lọi các nhà đóng cửa đó!”. Một người lao công già giở ra giấy chứng nhận thương binh Bộ đội Cụ Hồ từ thời kháng Pháp mà ông cất giấu đã hơn 20 năm...

Trên quốc lộ 1 xe tăng của quân ta rầm rập hướng về phía nam. Bên đường, chất cao những bó củi ghi “Củi TN”, những bao gạo ghi “Gạo TN” người dân đặt đó để cung cấp cho bộ đội trên đường hành quân, gửi theo hy vọng mãnh liệt về ngày thống nhất. Tôi dừng chân ở thôn Thạch Bi nơi có cửa biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, nằm sát quốc lộ 1 mà không nhà nào có con cái theo địch. Chứng kiến những ngày đầu hoạt động của chính quyền cách mạng, sự điều hành vất vả của mấy cán bộ trẻ từ trên R về, càng hiểu giành chính quyền đã khó, xây dựng cũng không kém phần khó khăn. Tin tức về chiến sự phía nam vẫn nóng hổi dội về. Sau cùng là tin chiến thắng hoàn toàn vào trưa 30/4/1975. Bồn chồn thật, sao mình lại không có mặt ở Sài Gòn lúc này, là câu hỏi và cũng là mong muốn của bất cứ phóng viên chiến trường nào. Ngày 10/5, tôi và nhà văn Vũ Thi Hồng (Bắc Hà), phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng khu 5, vào tới Sài Gòn...

Đã qua 50 năm, chị Lệ Thu đã sang tuổi 86 và sống tại Quy Nhơn quê nhà. Công chúng biết đến chị không chỉ là nhà báo, còn là nhà thơ với hàng chục tập thơ đã xuất bản cùng nhiều giải thưởng, là Đại biểu Quốc hội khóa IX, nhiều khóa là Chủ tịch Hội LHVHNT tỉnh Bình Định.

Ngày xuất bản: Tháng 6/2025
Trình bày: ĐĂNG NGUYÊN
Ảnh: Báo Nhân Dân, TƯ LIỆU