YÊN BA

 Làm báo theo dõi các sự kiện quốc tế, may mắn lớn trong công việc của một phóng viên là ghi lại được hình ảnh các nguyên thủ, các nhà lãnh đạo quốc gia hàng đầu trên thế giới. Đối với tôi, một phóng viên chuyên viết tin bài chứ không phải là phóng viên ảnh, điều đó lại càng trở nên hiếm hoi...

 Trong Nhà trắng

Ngày 25/7/2013 là ngày làm việc cuối cùng trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã diễn ra cuộc gặp và hội đàm giữa Chủ tịch nước với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Nhà trắng.

Sau khâu kiểm tra an ninh nghiêm ngặt, chúng tôi được một nhân viên lễ tân Mỹ dẫn tới phía ngoài cánh tây của Nhà trắng. Ở đây, chúng tôi được phổ biến các quy định khi Tổng thống Mỹ đón tiếp Chủ tịch nước Việt Nam rồi được dẫn vào phòng họp báo của Nhà trắng ngồi chờ cùng với các phóng viên khác.

  

Sau gần một giờ, cánh nhà báo chúng tôi được các nhân viên lễ tân Mỹ hướng dẫn từ phòng họp báo theo một hành lang ra bên ngoài, hướng về phía phòng Bầu dục. Đã quá 15 phút, rồi 20 phút, 25 phút, vẫn chưa thấy gì. Chúng tôi đứng chôn chân ở ngay hành lang cạnh Vườn Hồng nổi tiếng, phía trước các nhân viên mật vụ của Nhà trắng, thỉnh thoảng lại nhích lên một chút để tiến gần đến cửa ra vào hơn!

Gần 12 giờ trưa, các nhân viên mật vụ Mỹ khoát tay ra hiệu. Tôi cùng anh Giản Thanh Sơn, phóng viên ảnh của Văn phòng Chủ tịch nước lao vào phòng Bầu dục đầu tiên. Cùng với các phóng viên của Reuters và CNN, chúng tôi chiếm được vị trí ngay hàng đầu. Trước mặt chúng tôi, ở cuối phía bắc phòng Bầu dục, trước chiếc lò sưởi nổi tiếng, bên dưới bức chân dung Tổng thống Mỹ G.Washington lồng khung mạ vàng, Tổng thống Mỹ B.Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ngồi chờ các nhà báo.

Trong bộ đồ vét thẫm mầu, một huy hiệu hình cờ nước Mỹ cài trên ve áo, cà-vạt mầu tím nhạt, Tổng thống Barack Obama ngồi có vẻ thư thái sau hơn một giờ đồng hồ hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tổng thống Mỹ ngắn gọn thông báo với các nhà báo quốc tế về việc ít phút trước đó, đã cùng với Chủ tịch nước Việt Nam nhất trí nâng quan hệ hai nước Việt-Mỹ lên tầm đối tác toàn diện!

Trong suốt gần 15 phút của buổi gặp, tôi “kéo” gần hết dung lượng chiếc thẻ nhớ 4GB trong máy ảnh để ghi lại hình ảnh của lãnh đạo hai nước, trong đó có vị Tổng thống Mỹ thứ 44, Barack Obama. Sau này còn có một số dịp khác chụp ảnh ông ở các sự kiện

 

 

 Hamburg

Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới (thường được biết đến dưới tên gọi G-20) diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7/2017 ở thành phố Hamburg, CHLB Đức.

Đó cũng là lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện ở một hội nghị quốc tế lớn tầm cỡ như G-20 sau khi ông vào Nhà trắng hồi đầu năm 2017. Người đàn ông quyền lực nhất thế giới nhưng cũng gây tranh cãi kịch liệt này mỗi khi xuất hiện ở đâu là lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận cũng như các nhà báo quốc tế.

Cơ hội tôi có thể chụp ảnh ông Donald Trump đến khi các nhà lãnh đạo G-20 và khách mời có buổi chụp ảnh chung trước khi vào các phiên họp chính.

Buổi chụp diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc tế Hamburg. Bục các nhà lãnh đạo đứng chụp ảnh được bố trí khá gần, chỉ cách phóng viên chừng 10m. Các nhà lãnh đạo được xếp đứng thành bốn hàng, đứng giữa hàng đầu là Thủ tướng nước chủ nhà, bà Angela Merkel.

Tổng thống Mỹ D.Trump cũng được bố trí đứng ở hàng đầu, lệch bên trái, giữa Tổng thống mới đắc cử của Pháp E.Macron và Tổng thống Indonesia J.Widodo. Ông D.Trump là một trong những người ra bục chụp ảnh đầu tiên! Mái tóc vàng ánh kim, áo vét sẫm mầu, cà-vạt xanh sọc chéo, trên ve áo vẫn chiếc Huy hiệu hình cờ Mỹ, Tổng thống bước ra, vui vẻ giơ tay chào các phóng viên quốc tế.

Trong khi chờ đợi lễ tân sắp xếp vị trí, vị Tổng thống Mỹ đứng cách chúng tôi chừng 7m, thoải mái chuyện trò với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Indonesia J.Widodo. Thỉnh thoảng, ông lại quay mặt về phía bục phóng viên và lập tức, ánh đèn flash nháy lên loang loáng trong tiếng màn trập của máy ảnh rào rào như mưa.

Hơn bốn tháng sau, tháng 11/2017, tôi lại có dịp chụp hình Tổng thống D.Trump một lần nữa, khi ông tới Đà Nẵng tham dự Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2017 do Việt Nam tổ chức. Nhưng lần này, do các biện pháp an ninh nghiêm ngặt, tôi chỉ có thể chụp ông ở khoảng cách xa chừng 100m, trên bục phát biểu, với kính chống đạn trong suốt bao quanh...

Nhà báo Yên Ba.

Nhà báo Yên Ba.

Gần 12 giờ trưa, các nhân viên mật vụ Mỹ khoát tay ra hiệu. Tôi cùng anh Giản Thanh Sơn, phóng viên ảnh của Văn phòng Chủ tịch nước lao vào phòng Bầu dục đầu tiên. Cùng với các phóng viên của Reuters và CNN, chúng tôi chiếm được vị trí ngay hàng đầu. Trước mặt chúng tôi, ở cuối phía bắc phòng Bầu dục, trước chiếc lò sưởi nổi tiếng, bên dưới bức chân dung Tổng thống Mỹ G.Washington lồng khung mạ vàng, Tổng thống Mỹ B.Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ngồi chờ các nhà báo.

 Lima, Peru

Tháng 11/2016. Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao APEC ở Lima, Peru. Có rất ít phóng viên viết được tiếp cận chụp ảnh các nguyên thủ, các nhà lãnh đạo quốc gia ở một kỳ họp thượng đỉnh APEC. Nhưng kỳ họp APEC năm ấy tôi đã may mắn có được tấm thẻ pool dành cho các phóng viên ảnh. Tôi được phát một cái áo giống áo phao nhưng mỏng và có mầu vàng cam, cũng giống như phóng viên các nước khác.

Chờ chừng 15 phút thì có một cô lễ tân vào phổ biến, câu đầu tiên nhấn mạnh là khi di chuyển thì phải đi chậm! Có lẽ cô ấy sợ cái khung cảnh các phóng viên nhốn nháo chạy như ma đuổi để tranh nhau chỗ tốt, tạo hình ảnh xấu cho đám phóng viên quốc tế đông nghìn nghịt ngoài sảnh. Chờ thêm mươi phút nữa thì cô gái bắt đầu dẫn cả đoàn đi. Thế là lại tái diễn cái hoạt cảnh mà ở Hội nghị APEC nào cũng xảy ra, cả đoàn lốc nhốc đi chầm chậm, xuyên qua đám đông, trong ánh mắt ghen tị của các phóng viên tụ tập đông nghịt bên ngoài.

Vòng vèo một hồi, cả đoàn vào căn phòng sẽ diễn ra nghi thức mà Hội nghị cấp cao APEC nào cũng có, ấy là lãnh đạo nước chủ nhà sẽ đứng bắt tay lần lượt từng trưởng đoàn một. Trong khi di chuyển ở những sự kiện như vậy, đã nhiều lần, tôi luôn áp dụng phương châm của vận động viên chạy 1.500m, luôn chạy ở vị trí thứ hai, thậm chí núp gió sau lưng người chạy đầu, chỉ đến khi gần về đích thì mới chuyển sang chạy 100m. Khi đến cửa phòng bắt tay thì phải chạy nước rút mới may chiếm được một chỗ tốt để chụp ảnh!

Lần này cũng thế, vừa đến cửa phòng tôi đã thấy lố nhố các phóng viên truyền hình và chụp ảnh chiếm mất mấy vị trí chính giữa. Ban tổ chức luôn dành những biệt đãi như vậy cho phóng viên các hãng lớn như CNN, Reuters...

Nhóm phóng viên ảnh tác nghiệp tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tháng 7/2021. Ảnh: TTXVN

Nhóm phóng viên ảnh tác nghiệp tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tháng 7/2021. Ảnh: TTXVN

Vậy là tôi đành phải “bơ” cô bé dẫn đường mà lao nhanh vào tìm được một chỗ sát hàng rào quây cách ly đám phóng viên. Chiếm được một chỗ ở hàng đầu khi chụp ảnh thời sự là rất quan trọng bởi vì không bị vướng cản tầm nhìn, có thể lựa chọn tối đa góc chụp sao cho vừa rõ ràng, vừa ổn về chất lượng.

Rồi tôi tiếp tục đứng chôn chân ở đấy hơn một giờ đồng hồ. Đến hai rưỡi chiều mới bắt đầu diễn ra nghi thức bắt tay.

Tổng thống nước chủ nhà Peru đứng sẵn trên tấm thảm đỏ, trước một tấm phông cũng mầu đỏ rực khiến việc điều chỉnh ánh sáng chụp rất rắc rối. Rồi không hề báo trước, Tổng thống Mỹ B.Obama xuất hiện, đi rất nhanh đến chỗ Tổng thống Peru, bắt tay rồi đứng nói chuyện thoải mái, gần gũi như hai người bạn, sau đó vẫy tay chào các phóng viên rồi biến mất sau một cánh cửa phía đối diện.

Tiếp đến lần lượt các nguyên thủ quốc gia, các lãnh đạo bước vào qua một cánh cửa, đến bắt tay, nói vài câu với ông Tổng thống chủ nhà rồi đi tiếp sang phía cửa bên kia. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi khoan thai, đứng nói chuyện không lâu.

Tổng thống Nga V.Putin vào sau cùng, vẫn lối di chuyển với cái “dáng đi xạ thủ”, tay phải khép chặt vào cạnh sườn hầu như không vung, trong khi tay trái vẫn vung vẩy bình thường...

Trong suốt cả thời gian chừng 15 phút đó, mồ hôi ròng ròng, tôi nắm chắc cái máy ảnh nặng trịch, “bóp cò” như điên. Chỉ riêng chỗ chụp ảnh các nhà lãnh đạo bắt tay ấy, tôi “kéo” được hơn 300 ảnh! Đủ để làm một bộ sưu tập ảnh các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Ngày xuất bản: Tháng 6/2025
Trình bày: ĐĂNG NGUYÊN
Ảnh: Báo Nhân Dân, TƯ LIỆU