
Việt Nam đang bước vào giai đoạn bản lề để vận hành thị trường carbon nội địa. Tuy nhiên, nếu thiếu một bộ luật khung thống nhất, minh bạch, thị trường này rất dễ trở thành hình thức, không phát huy được giá trị thực chất cũng như sức cạnh tranh toàn cầu.
Trong khoảng một thập niên qua, tín chỉ carbon đại diện cho một đơn vị phát thải CO₂ được cắt giảm hoặc hấp thụ đã trở thành hàng hóa đặc biệt trong nỗ lực giảm phát thải toàn cầu. Hiện nay tồn tại song song hai cơ chế chính: thị trường tự nguyện (Voluntary Carbon Market-VCM) và thị trường bắt buộc (compliance carbon market).
Tại thị trường tự nguyện, doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án hấp thụ carbon (như trồng rừng, chuyển đổi năng lượng) và bán tín chỉ trên nền tảng quốc tế. Giá giao dịch tín chỉ khá biến động, trung bình năm 2023 đạt khoảng 6-7 USD cho mỗi tấn CO₂ tương đương (tCO₂e) theo Ecosystem Marketplace – một nền tảng nghiên cứu của Forest Trends chuyên theo dõi giá tín chỉ carbon toàn cầu. Một số dự án chưa đạt chuẩn cao chỉ giao dịch dưới 3 USD/tCO₂e, dẫn đến lo ngại về tính minh bạch và hiệu quả thực sự của các dự án carbon.
Ngược lại, thị trường bắt buộc do nhà nước thiết kế, điều tiết thông qua hạn ngạch phát thải và cơ chế xử phạt nếu vượt trần. Hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS) hay Hàn Quốc (K-ETS) đều hoạt động theo mô hình này, với mức giá cao hơn nhiều từ 60 đến 100 USD/tấn CO₂ và hiệu quả giảm phát thải rõ ràng hơn. Theo báo cáo State and Trends of Carbon Pricing (World Bank), doanh thu toàn cầu từ các thị trường bắt buộc này đã vượt 100 tỷ USD/năm, góp phần thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

Theo ước tính tại một số hội thảo chuyên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 15 triệu tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế, với mức giá trung bình từ 5-7 USD/tín chỉ, chủ yếu theo các tiêu chuẩn quốc tế như Verified Carbon Standard (VCS) và Gold Standard (GS). Tuy nhiên, một số nghiên cứu của Forest Trends năm 2023 cũng chỉ ra rằng nhiều dự án tín chỉ tự nguyện ở Đông Nam Á chưa chứng minh được tính bổ sung và minh bạch dữ liệu, làm gia tăng nguy cơ “tín chỉ rác” và khiến các nhà mua quốc tế ngày càng khắt khe hơn trong thẩm định, đẩy giá xuống thấp.
Theo TS Nguyễn Thị Quỳnh Anh (Học viện Chính sách và Phát triển), “Việt Nam hiện có tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon đáng kể, đứng thứ 5 ASEAN với sản lượng ước tính khoảng 11,2 triệu tín chỉ mỗi năm… Tuy nhiên, tỷ lệ tín chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế còn thấp, chỉ khoảng 15%, khiến giá bán trung bình tín chỉ Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với mức toàn cầu”.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt khi tham gia các dự án carbon vẫn phải thuê tư vấn nước ngoài trong khâu thiết kế và thẩm định, làm chi phí tăng thêm 20-30% so với mặt bằng khu vực.
Tại Hội thảo “Chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon - Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị” ngày 17/6, PGS.TS Đỗ Anh Tài, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển, cho rằng để tín chỉ carbon của Việt Nam được công nhận và có giá trị thực trên thị trường quốc tế, điều kiện tiên quyết là phải có hệ thống MRV đồng bộ, minh bạch và được kiểm toán độc lập. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng một bộ luật khung cần làm rõ quyền sở hữu tín chỉ, quy trình cấp phát và cơ chế đấu giá minh bạch, đủ khả năng kết nối quốc tế, tránh tín chỉ chỉ mang tính hình thức và khó hội nhập.
Các số liệu và ý kiến trên cho thấy chừng nào Việt Nam chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn và cơ chế giám sát độc lập, thị trường tự nguyện vẫn khó thoát khỏi cảnh “giá rẻ” và thiếu động lực giảm phát thải thực chất.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã lần đầu tiên định danh “tín chỉ carbon” như một yếu tố quan trọng trong chiến lược giảm phát thải quốc gia, giao Chính phủ xây dựng cơ chế vận hành thị trường carbon nội địa theo Điều 139. Một số hội thảo chuyên đề do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cũng nhấn mạnh rằng luật này đã mở ra cánh cửa thị trường carbon, nhưng cần nhanh chóng biến quy định thành công cụ thực thi và giao dịch thực tế.
Nghị định 06/2022/NĐ-CP được xem như nền móng ban đầu, thiết lập ba trụ cột: kiểm kê khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải và thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon trong giai đoạn 2025–2027. Tuy nhiên, văn bản này vẫn thiên về định hướng, chưa đi sâu vào cơ chế vận hành cụ thể.
Ngày 9/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/8/2025), sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Nghị định mới bổ sung nhiều quy định thực thi, trong đó đáng chú ý là: phân cấp thẩm quyền thẩm định, lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở phát thải lớn, quy định cụ thể về việc đăng ký, khai báo, chuyển nhượng và bù trừ tín chỉ cũng như hạn ngạch trên Sàn giao dịch carbon quốc gia, kết nối với hệ thống đăng ký điện tử tập trung. Đây được coi là bước dịch chuyển quan trọng từ “có quy định” sang “có công cụ”.
Chuyên gia Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và thông tin truyền thông, Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế, nhận định: “Nghị định 119/2025 là bước chuyển mạnh từ ‘có quy định’ sang ‘có năng lực thực thi’. Tuy nhiên, cả hai nghị định hiện nay vẫn chỉ mang tính quy định dưới luật, chưa đủ để hình thành một khung pháp lý toàn diện, bảo đảm thị trường carbon vận hành thực chất. Nếu không sớm ban hành Luật Thị trường carbon để xác lập quyền sở hữu tín chỉ, nguyên tắc đấu giá hạn ngạch và cơ chế giám sát độc lập, thị trường này sẽ rất khó hoạt động hiệu quả”.

“Nếu không có hành lang pháp lý đầy đủ bao gồm tiêu chuẩn tín chỉ, quy trình cấp phát minh bạch, cơ chế kiểm tra chéo và chế tài xử phạt rõ ràng thì khi sàn giao dịch carbon đi vào hoạt động, thị trường có thể rơi vào tình trạng “vỏ pháp lý rỗng” và khó tạo động lực giảm phát thải thực chất”
Giảm phát thải CO2 Hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam.
Giảm phát thải CO2 Hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam.
Các công trình xanh ở Việt Nam ngày càng gia tăng.
Các công trình xanh ở Việt Nam ngày càng gia tăng.
Các công trình xanh ở Việt Nam ngày càng gia tăng.
Các công trình xanh ở Việt Nam ngày càng gia tăng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia tại Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế, việc chuyển đổi từ cơ chế khai báo tự nguyện sang nghĩa vụ kiểm kê bắt buộc sẽ là một bước nhảy vọt về tuân thủ pháp lý, đặc biệt đối với các ngành phát thải lớn như năng lượng, thép, hóa chất và xi măng nơi tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng hiện vẫn dưới 30%. Một số khảo sát sơ bộ của Cục Biến đổi Khí hậu cũng cho thấy phần lớn doanh nghiệp trong các ngành này chưa chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, công nghệ cũng như quy trình kiểm kê khí nhà kính. Ngay cả khi sàn giao dịch tín chỉ carbon được vận hành thí điểm, việc chuyển đổi từ “báo cáo tự nguyện” sang “nghĩa vụ pháp lý” sẽ tạo áp lực đáng kể nếu thiếu một khung pháp lý minh bạch, nhất quán. Chuyên gia Trần Anh Tuấn, Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế, phân tích: “Nếu không có hành lang pháp lý đầy đủ bao gồm tiêu chuẩn tín chỉ, quy trình cấp phát minh bạch, cơ chế kiểm tra chéo và chế tài xử phạt rõ ràng thì khi sàn giao dịch carbon đi vào hoạt động, thị trường có thể rơi vào tình trạng “vỏ pháp lý rỗng” và khó tạo động lực giảm phát thải thực chất”. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam nên cân nhắc xây dựng một Luật Thị trường Carbon độc lập, tách khỏi Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, nhằm giải quyết triệt để các vấn đề về quyền sở hữu tín chỉ, cơ chế tài chính carbon cũng như tăng cường khả năng hợp tác quốc tế. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng bổ sung các khuyến nghị khác nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường carbon. TS Tạ Thị Đoàn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh cần kết hợp thuế carbon với cơ chế hạn ngạch phát thải minh bạch, học hỏi mô hình EU ETS để đảm bảo tính công bằng và khả thi. TS Đặng Hoàng Hà (Trường Đại học Công đoàn) đề xuất ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa về hệ thống MRV cũng như tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh. TS Nguyễn Thị Quỳnh Anh cảnh báo nguy cơ “tín chỉ rác” nếu thiếu giám sát độc lập, trong khi ông Trần Anh Tuấn (Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế) cũng lo ngại rằng một hành lang pháp lý yếu có thể khiến thị trường carbon trở nên hình thức, thiếu hiệu lực thực chất. Những quan điểm trên đều củng cố lập luận rằng Việt Nam nên sớm ban hành một Luật Thị trường Carbon mang tính toàn diện, đồng bộ và đủ sức hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo “Chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon - Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Viện Kinh tế và Phát triển tổ chức ngày 17/6, một số ý kiến chuyên gia lưu ý rằng nếu thiếu định nghĩa rõ ràng về tín chỉ carbon, thị trường rất dễ rơi vào tình trạng hỗn loạn, khiến doanh nghiệp lúng túng trong giao dịch, thế chấp hoặc xử lý tranh chấp. Một bộ luật khung sẽ giúp bắt buộc tất cả các bên liên quan từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng đến các đơn vị kiểm toán vận hành trên cùng một chuẩn dữ liệu, tạo minh bạch và hạn chế rủi ro tín chỉ không có giá trị thực.
Ngoài ra, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, chia sẻ tại tọa đàm “Từ CBAM đến Thị trường Carbon - Lộ trình tuân thủ mới cho doanh nghiệp Việt” thuộc chuỗi “Talk GreenBiz - La bàn tăng trưởng xanh” cho rằng, CBAM đang trở thành một tiêu chuẩn thương mại bắt buộc thay vì chỉ là rào cản kỹ thuật, và doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ lưỡng nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Hiện nay, Liên minh châu Âu đã chính thức triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) với giai đoạn “tính thử” từ 2023-2025. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải nộp báo cáo phát thải kèm theo đơn hàng nhưng chưa phải nộp thuế. Từ năm 2026, nếu không nộp đủ tín chỉ carbon tương ứng với lượng phát thải, doanh nghiệp sẽ bị áp thuế carbon từ 70-90 EUR/tấn CO₂.
Các chuyên gia luật và chính sách đề xuất bộ luật khung về thị trường carbon cần bao gồm:
Trong tháng 5, tại Tọa đàm chuyên đề “Hướng tới xây dựng Luật Thị trường Carbon”, nhiều chuyên gia pháp lý và chính sách đã đồng thuận rằng Việt Nam cần sớm ban hành một bộ luật khung độc lập nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho thị trường carbon nội địa vận hành thực chất và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia khác cũng nhấn mạnh thêm rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý phải gắn với khả năng vận hành thực tiễn. TS Nguyễn Văn Hải (UNDP Việt Nam) cho rằng: “Không thể điều hành một thị trường với giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm chỉ bằng các nghị định dưới luật. Chúng ta cần một đạo luật làm rõ quyền sở hữu, giao dịch, định giá và giám sát tín chỉ carbon, quy trình giao dịch, định giá và cơ chế giám sát tương tự như cách Luật Chứng khoán đã đặt nền móng cho thị trường tài chính trước đây.
PGS.TS Đỗ Anh Tài tại Hội thảo “Chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon - Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị” cũng nhận định: “Một bộ luật khung phải làm rõ quyền sở hữu tín chỉ carbon, quy trình cấp phát, cơ chế đấu giá minh bạch và chuẩn hóa MRV (đo lường, báo cáo, thẩm định, xác minh), có giám sát độc lập để tránh tín chỉ mất giá trị thực, đồng thời đủ sức kết nối với các cơ chế quốc tế”.
Nhiều chuyên gia Hội thảo cũng kiến nghị rằng một bộ luật khung về thị trường carbon nên bao gồm các nội dung cốt lõi như: định nghĩa pháp lý rõ ràng về tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải, hàng hóa carbon và quyền sở hữu phát thải để đảm bảo cơ sở giao dịch và bảo vệ pháp lý; thiết lập quy trình cấp phát, xác minh, giao dịch, chuyển nhượng và hạch toán tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tránh trùng lặp và có thể kết nối với các thị trường khu vực và toàn cầu; cơ chế phân bổ và đấu giá hạn ngạch phát thải minh bạch, kết hợp giữa miễn phí cho ngành thiết yếu và đấu giá công khai cho khu vực thương mại, học hỏi kinh nghiệm từ EU ETS hay Hàn Quốc; đồng thời chuẩn hóa hệ thống MRV (đo lường-báo cáo-thẩm định-xác minh) đi kèm tiêu chuẩn quốc gia và tổ chức kiểm toán độc lập; song song với đó là một khung chế tài đủ mạnh chống gian lận, gian dối, làm giả tín chỉ cũng như cơ chế giải quyết khiếu nại tranh chấp rõ ràng; cuối cùng, bảo đảm cơ chế liên thông quốc tế, đặc biệt công nhận tín chỉ theo Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận Paris, để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia thị trường toàn cầu, tạo dòng vốn cho chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, theo World Bank (2023), hơn 40 quốc gia đã áp thuế carbon với mức giá từ 1-130 USD/tCO₂e, và tổng giá trị thị trường carbon toàn cầu hiện đã vượt 900 tỷ USD. Những con số này cho thấy Việt Nam rất cần một khung luật chặt chẽ, minh bạch, nhằm tránh bị gạt khỏi sân chơi quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh tín chỉ trong dài hạn.

Cuối cùng, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, khẳng định: “Quốc gia nào có khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và tin cậy sẽ chiếm ưu thế trong thu hút vốn carbon. Luật là nền tảng để tín chỉ carbon trở thành tài sản thực, chứ không chỉ là cam kết giấy. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc trong xây dựng thị trường carbon giai đoạn đầu, nhưng cần điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và năng lực trong nước. Quan trọng hơn, phải có một khung pháp lý cao nhất tức là luật để đảm bảo tính thống nhất, ràng buộc và minh bạch”.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh ba bài học quốc tế quan trọng:
• Liên minh châu Âu (EU ETS) đã áp dụng cơ chế đấu giá hạn ngạch phát thải từ năm 2013 và xây dựng luật cấp châu lục, giúp tăng tính minh bạch và giảm gian lận tín chỉ.
• Hàn Quốc (K-ETS) giai đoạn đầu cấp phát miễn phí, nhưng từ 2021 đã bắt đầu giảm dần và chuyển dần sang cơ chế đấu giá, đi theo lộ trình rõ ràng để tránh gây sốc cho doanh nghiệp.
• Trung Quốc chọn ưu tiên ngành điện lực - lĩnh vực phát thải lớn nhất để đơn giản hóa giám sát và củng cố tính tuân thủ.
Thị trường carbon là công cụ không thể thiếu để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero 2050. Tuy nhiên, nếu không có một bộ luật khung đủ mạnh và minh bạch, thị trường này sẽ khó phát triển bền vững và kết nối quốc tế. Trong bối cảnh yêu cầu minh bạch carbon ngày càng siết chặt, đã đến lúc Việt Nam cần một Luật Thị trường Carbon thực chất, đồng bộ và khả thi, qua đó khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế xanh toàn cầu.
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Nội dung: Nguyễn Hà Cường-Vũ Thuỳ Linh
Trình bày: Vũ Thuỳ Linh
Ảnh: Báo Nhân Dân, Flamingo