Nhà báo Phan Thế Cải sinh năm 1957, quê ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Vốn là một học sinh giỏi Văn nổi tiếng của Trường phổ thông cấp 3 Hương Sơn khóa 1971-1974, ông luôn mơ ước và phấn đấu trở thành sinh viên Khoa Văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội để sau đó được các tòa soạn tuyển dụng làm phóng viên báo chí.

Nhưng thời điểm ấy, hưởng ứng phong trào tuổi trẻ cả nước hăng hái lên đường đánh Mỹ, ông Cải đã tạm gác lại ước mơ của mình để lên đường nhập ngũ khi bài thi tốt nghiệp lớp 10 chưa ráo mực.

Sau 6 tháng huấn luyện ở Đại đội 13, Tiểu đoàn 4, Chính ủy Trung tá Lê Thế Thụ đã đưa ông về làm bản tin Trung đoàn 22B Quân khu 4. Ông Phan Thế Cải suốt đời không quên ơn Chính ủy, bởi đây là cơ duyên để ông phát huy được sở trường viết lách.

Hồi đó, bản tin của Trung đoàn được in chữ Roneo để phát xuống cho từng tiểu đoàn. Ông Cải tập làm “phóng viên cơ động”, xuống từng đơn vị để nắm thông tin hoạt động để về viết tin bài. Mỗi tuần, Bản tin Trung đoàn 22B ra một số.

Người biên tập, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn, Đại úy Võ Trọng Phúc khi đọc thấy những bài viết phản ánh về tập thể, cá nhân điển hình tốt do ông Phan Thế Cải viết đã nhắn nhủ: “Cậu nên gửi bài này cho Báo Quân khu 4 và Báo Quân đội nhân dân. Nếu bài được đăng thì cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn mình sẽ phấn khởi lắm”.

Được thủ trưởng động viên, phóng viên trẻ Phan Thế Cải đã gửi bài ghi nhanh “Những ngày nắng lửa trên thao trường tập luyện” tới Báo Quân khu 4 và bài báo đã được đăng trên trang nhất. Một niềm vui bất ngờ nữa là khi ông Cải gửi bài này cho Báo Quân đội nhân dân thì cũng đã được báo chọn đăng trang trọng trên trang 2. Chính những bài báo đầu đời này đã trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời cầm bút của ông.

Nhà báo Phan Thế Cải (mặc áo xanh) cùng đồng nghiệp nghe Đại tá Hoàng Xuân Vinh kể chuyện bắt sống tướng De Castries nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên.

Nhà báo Phan Thế Cải (mặc áo xanh) cùng đồng nghiệp nghe Đại tá Hoàng Xuân Vinh kể chuyện bắt sống tướng De Castries nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên.

Tháng 4/1975, Phan Thế Cải, khi đó đã trở thành cộng tác viên xuất sắc của Báo Quân khu 4, được tòa soạn cử đi dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tin viên do Trung tá Phúc Nghiệp ở Báo Quân đội nhân dân về giảng dạy.  Được lĩnh hội thêm kiến thức về nghề viết báo, chàng Trung sĩ Phan Thế Cải càng tích cực xông xáo đi và viết.

Tháng 8/1977, Phan Thế Cải được báo Nghệ Tĩnh tuyển dụng làm phóng viên tập sự, trở thành phóng viên trẻ nhất tòa soạn. Mục tiêu chiến lược của Báo Nghệ Tĩnh lúc này là bồi dưỡng và đào tạo phóng viên trẻ có sức khỏe, có trình độ nghiệp vụ báo chí. Hồi ấy, để rèn luyện những phóng viên mới vào nghề, tòa soạn báo Nghệ Tĩnh yêu cầu ai cũng phải trải qua công việc làm mo-rát (kiểm soát lỗi câu cú các tin, bài và ảnh sau khi đã xếp chữ dập bản bông tại nhà máy in). Đây là một công việc thầm lặng và rất vất vả bởi ngày hai buổi phải túc trực ở nhà in từ sáng đến tối.

Với phóng viên tập sự Phan Thế Cải, ông luôn lo lắng và cố tập trung nhất có thể để không xảy ra sai sót. Hàng ngày, ông miệt mài rà soát từng câu chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, từng chú thích ảnh và cắt xén tin bài theo yêu cầu của nhà in. Sau tuần lễ đầu tiên đầy ngỡ ngàng, ông đã thạo nghề thạo việc.

Nhờ cách phương pháp đào tạo khắt khe của tòa soạn Báo Nghệ Tĩnh, Phan Thế Cải đã rèn cho mình được đức tính cẩn thận, siêng năng chịu khó. Hơn nữa, công việc này giúp ông được đọc, nghiền ngẫm nhiều bài viết của các đàn anh, đàn chị đi trước giàu kinh nghiệm.

Chân dung nhà báo Phan Thế Cải.

Chân dung nhà báo Phan Thế Cải.

Tháng 9/1978, phóng viên tập sự Phan Thế Cải được tòa soạn cử đi dự thi Lớp đại học báo chí khóa ba, Trường Tuyên huấn Trung ương. Khóa thi ấy, có hơn 600 người dự tuyển, nhưng nhà trường chỉ lấy 150 người vào Khoa Báo chí, chia thành ba lớp: Lớp Báo viết, Lớp Phát thanh, Lớp Truyền hình, mỗi lớp 50 người. 

Phan Thế Cải đã trúng tuyển trong kỳ thi này với số điểm khá cao. Nhưng mãi đến đầu tháng 9/1979, ông mới nhận được giấy gọi nhập học. Phòng tổ chức của Khoa đã xếp ông vào Lớp Báo viết, học trong 4 năm rưỡi. Đến tháng 5/1984, ông tốt nghiệp khóa đào tạo.

Trong quá trình học tại trường, ông được trang bị đầy đủ kiến thức các bộ môn về lý luận chính trị như: Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Ngôn ngữ học, Ngoại ngữ.

Đặc biệt, về nghiệp vụ báo chí, hồi đó nhà trường thường hay mời các nhà báo nổi tiếng của Báo Nhân Dân như: Thép Mới, Hữu Thọ, Hà Đăng, Phan Quang và Vụ trưởng Báo chí Lê Quý Kỳ. Mỗi người giảng về một thể loại, không thiên nhiều về lý luận nghiệp vụ báo chí mà gợi mở cho học viên bằng những kiến thức thực thế của bản thân mình qua những chuyến đi thực tế để viết tin bài. 

Chẳng hạn, với nhà báo Thép Mới, ông kể về những ngày cùng ăn, cùng ở với những người lính và Thanh niên xung phong ở binh trạm Trường Sơn để nắm đầy đủ thông tin và viết thành công phóng sự dài kỳ “Đường mòn Hồ Chí Minh sáng đỉnh Trường Sơn”.

Nhà báo Hữu Thọ lại tập trung vào những chuyến đi dài ngày ở các vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phú để điều tra việc thực hiện khoán ruộng cho nông dân của Bí thư tỉnh ủy. Hàng loạt bài điều tra của nhà báo Hữu Thọ đã khẳng định hình thức khoán mới này là một “đột phá” lớn, “cởi trói” cho nông dân bị vây hẵm trong cơ chế “dong công, phóng điểm” của hợp tác xã nông nghiệp đã lỗi thời.  

Khoán ruộng cho từng hộ nông dân sản xuất không những nâng cao thu thập cho người lao động mà còn tích lũy được cho xã hội. Những bài báo điều tra sắc sảo của nhà báo Hữu Thọ đã giúp Bộ chính trị có một cách nhìn mới và ban hành quyết định cơ chế Khoán 10 cho nông dân. Những kiến thức rất bổ ích được học ở trường đã giúp Phan Thế Cải tích lũy thêm cho mình “cẩm nang” quý giá cho sự nghiệp viết lách về sau.

Sau khi tốt nghiệp, Phan Thế Cải tiếp tục về công tác tại Báo Nghệ Tĩnh. Mỗi ngày, nhà báo Phan Thế Cải luôn dành thời gian đọc sách báo. Đối với những bài báo hay được đăng trên các tờ báo, ông thường nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại để hiểu thêm về những vấn đề mới mà các đồng nghiệp đã phát hiện, học cách thể hiện ngôn từ, câu chữ từ các bài báo này.

Ông được đồng nghiệp cảm phục bởi có trí nhớ đặc biệt và nền tảng kiến thức rất phong phú. Phan Thế Cải có thể viết nhuần nhuyễn được tất cả các thể loại báo chí: từ những mẫu tin ngắn, đến phóng sự, ghi nhanh, bút ký, tùy bút. Đặc biệt, những bài tùy bút của ông đăng trên những Số Tết luôn ngập tràn ngôn ngữ, hình ảnh tươi tắn, thấm đẫm chất văn học.

Suốt 13 năm gắn bó với Báo Nghệ Tĩnh, ông Cải đã trở thành một trong những cây bút chủ lực của báo. Với sức trẻ dồi dào và lòng đam mê nghề nghiệp, ông sẵn sàng đi và viết ở những địa bàn xa nhất, gian khổ nhất khi được tòa soạn phân công. Ông thường xuyên có mặt trên những cung đường đầy gò cao, dốc núi ở các huyện miền núi Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong.

Mỗi lần đi lên công tác tại các huyện miền núi, nhà báo Phan Thế Cải luôn tận dụng triệt để thời gian để khai thác tối đa những đề tài mà mình tâm đắc về đời sống và những nét đẹp văn hóa của bà con người Thái, người Mông, người Khơ Mú. Nhờ vậy, các bài về dân tộc thiểu số ông phản ảnh đều mang đậm hơi thở và lời ăn, tiếng nói của họ. Bước chân của nhà báo Phan Thế Cải còn đến tận cả những vùng biển, đảo xa xôi để khắc họa hình ảnh những người lính đang ngày đêm canh giữ vùng biên cương Tổ quốc.

Một kỷ niệm sâu sắc nhất của ông là vào năm 1988, ông là một trong những nhà báo đến tiếp cận với những bệnh nhân được điều trị và chăm sóc tại Trại phong Quỳnh Lập để viết nên phóng sự đăng 3 kỳ trên Báo Nghệ Tĩnh và báo Đại đoàn kết. Bài phóng sự này, sau đó được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam.

Tháng 9/1991, theo quyết định của Quốc hội, tỉnh Nghệ Tĩnh được chia ra thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhà báo Phan Thế Cải được điều về làm phóng viên Báo Hà Tĩnh và ông gắn bó với tờ báo này cho đến tháng 8/2017 rồi nghỉ hưu.

Ông thường tự hào nói với đồng nghiệp trẻ của mình rằng, những ngày làm báo Hà Tĩnh là thời hoàng kim nhất cuộc đời làm báo của ông. Bởi đi khỏe và viết khỏe, với độ tuổi đã chín chắn lại có năng khiếu, nên tin bài của ông vượt gấp bốn lần so với chỉ tiêu tòa soạn giao.

Không những thế, nhà báo Phan Thế Cải còn là cộng tác viên đắc lực cho Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong và Ban Văn học nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều bài báo của ông đã gây sức hút với bạn đọc như Ngã Ba Đồng Lộc - lối rẽ về hiện tại (Báo Nhân Dân), Vùng đất chảo lửa túi mưa (Báo Quân đội nhân dân), Bưởi ngon Phúc Trạch (Báo Lao động).

Năm 2012, Báo Nhân Dân phát động cuộc thi viết về đề tài Xây dưng Nông thôn mới. Nhà báo Phan Thế Cải đã dành được giải B tại cuộc thi này với bài “Bản vui cây lúa, bản đẹp tình người”. Năm 2014, ông Cải tiếp tục nhận Giải Nhì cuộc thi phóng sự do Báo Nhân Dân tổ chức với tác phẩm Bi hài bình xét hộ nghèo. Ngoài ra, nhà báo Phan Thế Cải còn nhận được hàng chục giải thưởng do Báo Nhân Dân tổ chức. 

Với người làm báo, mỗi giải thưởng họ nhận là một dấu mốc đáng nhớ, là sự ghi nhận tài năng, những nỗ lực và đóng góp của họ cho nền báo chí nói riêng và cho xã hội nói chung. Với Phan Thế Cải, giải thưởng vô giá nhất trong suốt cuộc đời làm báo của ông là sự đón nhận, tâm đắc của độc giả đối những bài viết của mình và những thông tin ông cung cấp có ý nghĩa cho xã hội.

Ngày xuất bản: Tháng 6/2025
Nội dung: Ngô Tuấn
Trình bày-đồ họa: Diệc Dương