NET ZERO CHO
NỀN VĂN MINH LÚA NƯỚC,
TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA

Cánh đồng lúa -
Biểu tượng của một nền văn minh
Từ thuở lập làng, người Việt đã sống cùng cây lúa và tạo nên một nền văn minh. Nền văn minh lúa nước không chỉ là một hình thái kinh tế nông nghiệp, mà còn là lối sống, văn hóa, ký ức và bản sắc của người Việt. Thế nhưng hôm nay, khi nhân loại đối mặt với biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng carbon, thì cây lúa bị quy kết là “tội đồ phát thải methane”. Liệu cây lúa có lỗi không, hay chính chúng ta chưa hành xử đúng với sinh khối mà nó tạo ra?

Đồng lúa - Cỗ máy quang hợp khổng lồ
Cây lúa là một trong những loài cây trồng có hiệu suất quang hợp cao nhất trong các hệ canh tác nhiệt đới. Theo tính toán, trung bình mỗi hec-ta lúa có thể tạo ra khoảng 15-16 tấn sinh khối khô mỗi vụ, tức là khoảng 30 tấn sinh khối trong một năm, gấp 4 - 5 lần tốc độ tạo sinh khối của cây keo lai hay bạch đàn. Để tạo ra lượng sinh khối này, mỗi hec-ta lúa đã hấp thụ khoảng 26 - 28 tấn CO₂ từ khí quyển thông qua quá trình quang hợp (theo các tính toán của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC)
Nếu lượng sinh khối này không bị đốt bỏ hoặc nhấn chìm trong ruộng lúa mà được lưu giữ hoặc tái chế thành các sản phẩm hữu cơ hoặc nhiên liệu sinh học thì cánh đồng có thể trở thành bể hấp thụ carbon (carbon sink) thay vì là nguồn phát thải (carbon source).
Quang hợp là quyền năng của cây xanh, nhưng lưu giữ carbon mới là trách nhiệm của con người.

Những thói quen đang “xé bỏ” công lao của cây lúa
Liệu chúng ta có biết rằng:
Khi đốt rơm rạ một cách vô trách nhiệm ngoài đồng ngoài phát thải bụi mịn và các khí độc như CO, NOₓ, chúng ta đã xóa sạch công lao hấp thụ CO₂ của lúa trong cả vụ mùa.
Khi không tận dụng rơm, trấu, chúng ta đã lãng phí nguồn tài nguyên hữu cơ tiềm năng, có thể dùng làm phân bón, hoặc nguyên liệu biochar để làm cho đồng ruộng thêm phì nhiêu hoặc làm chất đốt thay thế cho nhiên liệu hóa thạch
Khi lạm dụng phân đạm hóa học, chúng ta đã vô tình làm suy kiệt đất, tăng phát thải ô xít ni tơ (N₂O), một khí nhà kính có tiềm năng nóng lên toàn cầu (Global Warming Potencial: GWP) cao gấp 273 lần CO₂.
Khi để nước quá nhiều và liên tục, chúng ta đã vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn kị khí phát triển trong đất úng, sản sinh lượng lớn mê tan (CH₄), một khí nhà kính có GWP khoảng 28 lần CO₂.

Giấc mơ mới: Cánh đồng Net-Zero
Hành trình tiến tới Net-Zero không nhất thiết phải bắt đầu bằng công nghệ cao xa mà bằng cách thay đổi cách hành xử của chúng ta. Đó là:
Hãy không đốt rơm mà thay vào đó, nén chúng thành viên sinh khối hoặc ép thành pallet nhiên liệu, thay thế than củi và than đá trong công nghiệp.
Hãy ủ phân hữu cơ từ rơm rạ và phân chuồng để giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học, tái tạo độ phì của đất và giảm phát thải N₂O.
Hãy thử sản xuất biochar từ vỏ trấu hoặc rơm rạ, một hình thức lưu trữ carbon ổn định trong đất trong hàng thế kỷ, đồng thời cải thiện cấu trúc đất.
Than sinh học (biochar) từ vỏ trấu làm tăng độ phì của đất và cất giữ carbon hàng thế kỷ.
Than sinh học (biochar) từ vỏ trấu làm tăng độ phì của đất và cất giữ carbon hàng thế kỷ.
Vẫn biết trồng lúa là phải “nhất nước, nhì phân…”. Song hãy bỏ cách ngâm cây lúa liên tục trong nước mà thực hiện tưới luân phiên khô - ướt (Alternate Wetting and Drying: AWD), một phương pháp được chứng minh là giảm đến 50% phát thải CH₄ mà vẫn duy trì năng suất, nếu áp dụng đúng kỹ thuật.
Chỉ với những biện pháp trên, mỗi hecta lúa có thể tiến gần đến trạng thái Net-Zero, thậm chí tạo ra lượng CO₂ âm, tùy thuộc vào cách xử lý sinh khối sau thu hoạch và cách quản lý đất - nước - phân.

Từ người nông dân đến chiến sĩ khí hậu
Người nông dân Việt Nam, nếu được đồng hành và hỗ trợ đúng cách, hoàn toàn có thể trở thành người tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bằng việc thay đổi tập quán canh tác, họ không chỉ sản xuất ra lúa gạo mà còn có thể góp phần vào việc giảm phát thải ròng khí nhà kính toàn cầu.
Net-Zero không phải là mục tiêu xa vời nếu chúng ta gắn kết khoa học khí hậu với tri thức bản địa và đặt người nông dân vào trung tâm của quá trình chuyển đổi.

Gọi tên một tương lai
Bài viết này như một lời mời hãy cùng nhau bước sang một nền nông nghiệp mới - nền nông nghiệp carbon thấp, nơi mỗi vụ mùa không chỉ làm no lòng người, mà còn giúp làng quê, đất nước chúng ta mát lành hơn. Cánh đồng lúa không còn là nơi "bị kết tội" mà sẽ trở thành biểu tượng của hy vọng của một nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Net-Zero không ở đâu xa, mà có thể bắt đầu trên mỗi cánh đồng trên quê hương yêu dấu của chúng ta!

Ngày xuất bản: 26/5/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN - HOÀNG NHẬT
Nội dung: LÊ HẢI HƯNG - Đại học Bách khoa Hà Nội
Trình bày: PHAN THẠCH