
Việc đặt ba “viên ngọc quý” là Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam cạnh nhau, để mỗi “viên ngọc quý” sẽ phát sáng theo cách riêng của mình, tạo nên sự phong phú đa dạng về nghệ thuật, được xem là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật và tạo sức bật mới cho sân khấu truyền thống nước nhà.
Theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 24/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ, ba đơn vị nghệ thuật là Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ được hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, hoàn tất trước ngày 1/8/2025. Trước thời khắc lịch sử, lãnh đạo và nghệ sĩ các nhà hát trong diện hợp nhất đã có chia sẻ, khẳng định việc sáp nhập không chỉ giúp tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn tạo cơ hội để sân khấu truyền thống bước vào giai đoạn phát triển mới, bền vững và chuyên nghiệp hơn.
Việc hợp nhất các nhà hát không làm lu mờ bản sắc của từng bộ môn nghệ thuật
Nghệ sĩ nhân dân Lê Tuấn Cường - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam:Chèo, tuồng, cải lương vẫn sống được trong thời kỳ đổi mới. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có một bộ phận khán giả trung thành, gắn bó. Việc hợp nhất các nhà hát không làm lu mờ bản sắc của từng bộ môn nghệ thuật, mà ngược lại là cơ hội quý giá để các đơn vị cùng vận động, cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh và phát triển hơn.
Tuy nhiên khi hợp nhất, chèo phải là chèo, tuồng phải là tuồng mà cải lương phải là cải lương, không thể trộn lẫn được. Sáp nhập là để quản lý, định hướng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà hát. Việc sáp nhập các nhà hát cần được thực hiện theo cách giúp giữ vững bản sắc riêng của từng loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương để công chúng dễ dàng nhận diện, chứ không hòa trộn mờ nhạt. Quan trọng hơn, sau sáp nhập, các loại hình này phải được phát triển mạnh mẽ, chứ không thể chỉ trông chờ vào vài vở đặt hàng mỗi năm từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhân vật chú hề nổi tiếng trong chèo.
Nhân vật chú hề nổi tiếng trong chèo.
NSƯT Tuấn Tài (vai Trương Viên) trong vở chèo nổi tiếng "Trương viên".
NSƯT Tuấn Tài (vai Trương Viên) trong vở chèo nổi tiếng "Trương viên".
Cảnh trong vở chèo Dây tràng hạt diệu kỳ.
Cảnh trong vở chèo Dây tràng hạt diệu kỳ.
Khi hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam sẽ tạo điều kiện rất lớn để nghệ thuật Tuồng phát triển.
Khi hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam sẽ tạo điều kiện rất lớn để nghệ thuật Tuồng phát triển.
Cảnh trong vở tuồng nổi tiếng Ông già cõng vợ đi xem hội.
Cảnh trong vở tuồng nổi tiếng Ông già cõng vợ đi xem hội.
Những nhân vật Tuồng từ cách vẽ mặt, hóa trang, phục trang đều mang những ý nghĩa riêng.
Những nhân vật Tuồng từ cách vẽ mặt, hóa trang, phục trang đều mang những ý nghĩa riêng.
Thuận lợi,
khó khăn đan xen
ông Hoàng Văn Long - Quyền Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam: Về mặt thuận lợi, khi các nhà hát sáp nhập, quy mô lực lượng biểu diễn sẽ được mở rộng, với khoảng 270–280 nghệ sĩ, diễn viên. Đây là một lợi thế lớn, đặc biệt khi triển khai các chương trình biểu diễn quy mô lớn, đòi hỏi đội ngũ đông đảo và chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nghệ thuật, sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nghệ sĩ là yếu tố quan trọng. Lực lượng sau hợp nhất không những không thiếu hay yếu, mà còn được củng cố bởi tinh thần sáng tạo và niềm đam mê nghề nghiệp.
Mặt khác, việc tinh gọn bộ máy tổ chức cũng sẽ giúp tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nghệ thuật trong tương lai.
Một trong những thách thức lớn khi tiến hành hợp nhất là vấn đề đoàn kết trong ban lãnh đạo. Nếu thiếu sự đồng thuận và gắn bó, quá trình hợp nhất sẽ gặp nhiều trở ngại, bởi sự chia rẽ chính là căn nguyên dẫn đến thất bại.
Chính vì vậy, các nghệ sĩ trong nhà hát rất đồng tình với chủ trương mới. Khi hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, các nhà hát vẫn hoạt động chuyên môn cải lương, tuồng, chèo riêng biệt, chỉ chung về bộ máy quản lý. Lực lượng hợp nhất của 3 nhà hát rất đông đảo, cộng với sự sáng tạo, đam mê nghề của các nghệ sĩ, hy vọng sẽ thật sự tạo ra được tổ hợp nghệ thuật quốc gia thực sự mạnh, đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.
Việc hợp nhất cũng sẽ mở ra một trang mới, tạo điều kiện để nhà hát thực hiện được nhiều việc hơn. Trong lĩnh vực nghệ thuật, khi có đội ngũ và ê-kíp sáng tạo đông đảo, đồng lòng, chắc chắn sẽ làm nên những chương trình quy mô, chất lượng hơn.
Cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để nghệ sĩ yên tâm cống hiến
Nghệ sĩ ưu tú Trần Quang Khải – Nhà hát Cải lương Việt Nam: Trong quá trình hợp nhất các nhà hát truyền thống, muốn giữ chân và phát triển lớp nghệ sĩ trẻ theo đuổi cải lương và các loại hình nghệ thuật truyền thống, thì điều tiên quyết là phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Trên thực tế, không ít nghệ sĩ đang hoạt động vẫn phải vật lộn với cuộc sống, buộc phải làm thêm nhiều công việc khác, có người rời bỏ nghề dù còn nhiều tâm huyết.
Lấy thí dụ tại Nhà hát Cải Lương Việt Nam, trong thời gian gần đây đang báo động về đội ngũ nhạc công bởi nhiều người cũng không muốn về nhà hát vì thu nhập rất thấp, không đủ trang trải sinh hoạt. Trong khi đó, đây là thành phần không thể thiếu để tạo cảm hứng và giữ lửa sáng tạo cho nghệ sĩ trên sân khấu. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý, mang tính đặc thù cho nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là sự quan tâm đối với những người đang trực tiếp gìn giữ nghề, mà còn là giải pháp lâu dài để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện đại.
Hợp nhất các nhà hát là cơ hội để các nghệ sĩ được khẳng định mình hơn
Nghệ sĩ ưu tú Lộc Huyền – Nhà hát Tuồng Việt Nam: Việc hợp nhất các nhà hát truyền thống không chỉ là một thay đổi về mặt tổ chức mà còn mở ra cơ hội để các nghệ sĩ được tiếp cận một môi trường rộng mở, khẳng định mình hơn trong chuyên môn. Tại đây, các nghệ sĩ có thể học hỏi lẫn nhau, được cùng nhau tập luyện, biểu diễn, từ đó nhìn ra thế mạnh và hạn chế của bản thân cũng như của đồng nghiệp. Đây là điều rất cần thiết trong quá trình tự hoàn thiện chuyên môn và phát triển nghề nghiệp.
Dưới góc độ một nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật tuồng, tôi hy vọng sau khi hợp nhất, ba bộ môn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương vẫn sẽ giữ được bản sắc riêng, phát huy được thế mạnh vốn có chứ không bị hòa tan hay mai một trong quá trình vận hành chung. Quan trọng hơn cả, các nghệ sĩ sẽ cùng đoàn kết, yêu thương, sát cánh bên nhau để gìn giữ và lan tỏa giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến với thế hệ hôm nay và mai sau.
Thay đổi, cách tân sau sáp nhập là điều tất yếu
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam: Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam mang đến cơ hội rất lớn khi nhà hát mới sẽ quy tụ cả 3 loại hình- là 3 “viên ngọc quý” của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Điều đó cho thấy nội lực, tiềm năng rất lớn của nhà hát mới.
Sự sáp nhập chỉ là thay đổi về công tác quản lý, mà không làm thay đổi tiến trình, phát triển của 3 loại hình. Nhà hát mới cần tạo điều kiện để mỗi loại hình có được sự độc lập trong hoạt động nghệ thuật và phát triển sự nghiệp. Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của từng loại hình phải tiếp tục được thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả. Quá trình đó không bị ngắt quãng mà được tiếp nối trong cơ chế, tổ chức mới.
Trong thời gian gần đây, các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực và khởi sắc. Tuy nhiên trong trong bối cảnh mới, các loại hình này vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức. Vì vậy các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ phải không ngừng tìm kiếm giải pháp để thích ứng và phát triển.
Hiện nay, giới trẻ đã bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật tuồng. Đáng chú ý, đã xuất hiện những vở diễn mang tính đương đại được xây dựng trên nền chất liệu tuồng truyền thống, hoặc kết hợp ngôn ngữ tuồng vào các hình thức nghệ thuật hiện đại. Khi tuồng được trình diễn dưới hình thức mới, phù hợp hơn với thị hiếu của người trẻ, đã nhận được sự hưởng ứng nhất định. Đó là tín hiệu tích cực cho thấy sự đổi mới trong tư duy sáng tạo.
Đặt ba ”viên ngọc quý” bên cạnh nhau, để mỗi ‘viên ngọc quý’ tự do phát sáng theo cách riêng của mình, tạo nên sự phong phú đa dạng về nghệ thuật nhưng đồng thời cũng để những "viên ngọc" soi sáng, hỗ trợ, tôn vinh lẫn nhau để nghệ thuật sân khấu truyền thống được phô diễn vẻ đẹp rực rỡ nhất.
Đặt ba ”viên ngọc quý” bên cạnh nhau, để mỗi ‘viên ngọc quý’ tự do phát sáng theo cách riêng của mình, tạo nên sự phong phú đa dạng về nghệ thuật nhưng đồng thời cũng để những "viên ngọc" soi sáng, hỗ trợ, tôn vinh lẫn nhau để nghệ thuật sân khấu truyền thống được phô diễn vẻ đẹp rực rỡ nhất.
Không chỉ riêng tuồng, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống khác như chèo và cải lương cũng đang từng bước nỗ lực đổi mới, thích nghi với nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Thế hệ trẻ tiếp cận chèo, cải lương với tâm thế và yêu cầu khác so với thế hệ trước, do đó, việc thay đổi, cách tân trong cách thể hiện, dàn dựng là điều tất yếu và cần thiết để giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống trong thời đại mới.
Đặt ba ”viên ngọc quý” bên cạnh nhau, để mỗi "viên ngọc quý" tự do phát sáng theo cách riêng của mình, tạo nên sự phong phú đa dạng về nghệ thuật nhưng đồng thời cũng để những "viên ngọc" soi sáng, hỗ trợ, tôn vinh lẫn nhau để nghệ thuật sân khấu truyền thống được phô diễn vẻ đẹp rực rỡ nhất. Đây cũng chính là mục tiêu, là kỳ vọng mà Chính phủ chủ trương khi hợp nhất 3 nhà hát lần này. Hy vọng rằng với những quyết sách đúng đắn những “viên ngọc quý”, những loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc sẽ thật sự có đủ nguồn lực để có sức bật mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Xem thêm:
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh
Nội dung: Vương Hà
Trình bày: Kim Thoa
Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam cung cấp
Xuất bản ngày: 21/7/2025