Nhà báo Huy Mạnh tác nghiệp tại vụ cháy kho Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Nhà báo Huy Mạnh tác nghiệp tại vụ cháy kho Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Chuyện đời, chuyện nghề người làm báo

Phóng viên hiện trường: Đi sâu vào bản chất sự việc để độc giả có thông tin xác tín

Là gương mặt nổi bật trong giới phóng viên hiện trường phía bắc, Mai Huy Mạnh (báo điện tử Vnexpress) được đồng nghiệp gọi với biệt danh… “Mạnh cháy”. Có mặt tại hầu hết các sự kiện thời sự lớn tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận, Huy Mạnh cho rằng, để cạnh tranh với mạng xã hội, phóng viên hiện trường cần đi sâu vào bản chất sự việc, giải tỏa tin đồn để độc giả có thông tin xác tín nhất.

Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Mai Huy Mạnh về quan điểm làm nghề, kỹ năng tác nghiệp tại hiện trường cũng như những khó khăn, nguy hiểm là phóng viên hiện trường thường phải đối mặt.

Nhà báo Huy Mạnh (cầm máy quay) tác nghiệp tại vụ bắt trùm ma tuý ở Tà Dê, Lóng Luông.

Nhà báo Huy Mạnh (cầm máy quay) tác nghiệp tại vụ bắt trùm ma tuý ở Tà Dê, Lóng Luông.

Không nản chí khi chưa "chín" nghề

PV: Chúng ta sẽ bắt đầu bằng câu hỏi tôi thường đặt ra với tất cả các nhân vật: Anh đã bắt đầu với nghề báo như thế nào?

Nhà báo Huy Mạnh: Năm 2016, trong kỳ thực tập trước khi ra trường, tôi xin “thử sức” ở Vnexpress với vị trí phóng viên đa phương tiện và được giao nhiệm vụ làm video hiện trường nóng. Phải nói thêm, đây là giai đoạn mà video ở tất cả các báo đều “lên ngôi”, mức độ cạnh tranh vô cùng gay gắt. Tôi may mắn được tác nghiệp cùng các đồng nghiệp đi trước nên đã học hỏi được nhiều điều. Sau quãng thời gian này, tôi xin ở lại cộng tác với Vnexpress và hơn 1 năm sau thì được ký hợp đồng chính thức.

PV: Đó chắc chắn là khoảng thời gian không hề dễ dàng, với một phóng viên trẻ, lại thử sức trong môi trường khắc nghiệt như Vnexpress?

Nhà báo Huy Mạnh: Đầu tiên là khó khăn về thu nhập. Tôi nhớ, tháng đầu tiên khi làm cộng tác viên, tôi nhận được trên 1 triệu đồng/tháng. Sau này, khi đã quen việc hơn, thu nhập nhích lên, nhưng cũng chỉ dao động khoảng 3-4 triệu/tháng.

Nhưng lúc đó, tôi tự nhủ: Mình chưa “chín nghề” nên không được phép nản chí. Mình phải ở lại để học hỏi từ những anh chị đi trước. Tới khi thực sự “chín nghề” thì sẽ được ghi nhận thôi. Thế là tôi… cắm cúi làm, cắm cúi đi hiện trường bất kể ngày đêm, mưa bão. Chỉ cần có một cuộc gọi của đồng nghiệp hay nguồn tin là tôi lại lên đường.

Nhà báo Huy Mạnh cùng đồng nghiệp tìm cách tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất đá tại huyện xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) khiến 18 người bị vùi lấp, năm 2017.

Nhà báo Huy Mạnh cùng đồng nghiệp tìm cách tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất đá tại huyện xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) khiến 18 người bị vùi lấp, năm 2017.

Sự kiện mang tính “bước ngoặt” đến với tôi vào năm 2017. Khi nghe tin về vụ sạt lở đất đá tại huyện xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) khiến 18 người bị vùi lấp, tôi lập tức cùng đồng nghiệp chạy xe máy tới. Đến nơi, hiện trường đã được lực lượng chức năng phong tỏa. Để có được hình ảnh chân thực nhất, chúng tôi khảo sát rồi quyết định trèo qua một quả đồi gần đó và quay được những hình ảnh đầu tiên vào thời điểm đó về quá trình tìm kiếm, cứu hộ và đưa người bị nạn ra ngoài.

Đáng nhớ nhất, chiều hôm đó, đáng ra tôi phải có mặt ở cơ quan, thực hiện vòng thi phỏng vấn với lãnh đạo cơ quan để được vào Vnexpress. Rất may mắn, tôi được… đặc cách dời lịch sang một buổi khác và sau đó cũng đã thuận lợi vượt qua. (Cười).

Ngày mới vào nghề, tôi tự nhủ: Mình chưa “chín nghề” nên không được phép nản chí. Mình phải ở lại để học hỏi từ những anh chị đi trước.

Nhà báo Huy Mạnh

Nhà báo Huy Mạnh (cầm máy quay) tác nghiệp trong đợt dịch Covid-19 tại Hà Nội.

Nhà báo Huy Mạnh.

Nhanh nhất hay chính xác nhất?

PV: Là phóng viên hiện trường, lại phải truyền tải thông tin tới độc giả bằng hình thức video. Dường như anh không có lợi thế để đưa tin nhanh nhất so với các đồng nghiệp khác, chưa nói tới việc cạnh tranh mạng xã hội?

Nhà báo Huy Mạnh: Làm video thời sự tất nhiên rất khó chạy đua tốc độ với các thể loại khác. Vì thế, tôi xác định, mình phải tạo ra sự khác biệt so với tin tức đơn thuần bằng những thước phim chất lượng, những đúp phỏng vấn người trong cuộc có giá trị về mặt thông tin cũng như cảm xúc. Thay vì chạy để lên nhanh nhất, tôi lựa chọn sẽ làm các sản phẩm chính xác nhất, giúp độc giả có thể tường minh về bản chất sự việc đang xảy ra.

Thí dụ thế này, trong một vụ cháy nghiêm trọng khiến nhiều người tử vong, việc báo chí chạy đua với mạng xã hội về tin tức ban đầu gần như là bất khả thi. Nếu chỉ làm một bản tin, thông báo về vụ việc xảy ra, khả năng thu hút công chúng rất thấp. Tới hiện trường, tôi thường quan sát tổng thể để nắm được diễn biến chính, tìm kiếm nhân chứng cũng như những người có liên quan trực tiếp tới vụ việc. Sau đó, tôi bắt đầu đeo bám, thực hiện các cuộc phỏng vấn để có được những thông tin mà mạng xã hội chưa thể hoặc không thể có.

Nhà báo Huy Mạnh xem lại 1 video thời sự do anh thực hiện và đăng tải trên Vnexpress.

Nhà báo Huy Mạnh xem lại 1 video thời sự do anh thực hiện và đăng tải trên Vnexpress.

Đó có thể là người vừa thoát ra khỏi thảm họa; một người mẹ mất đi con và chồng trong hỏa hoạn; hoặc một “người hùng thầm lặng” tham gia cứu hộ, cứu nạn khi lực lượng chức năng chưa kịp tới hiện trường. Đây là những “lát cắt” và góc tiếp cận tạo ra giá trị riêng cho sản phẩm thông tin, và đặc biệt đáng tin cậy, gây được xúc cảm do được thể hiện bằng ngôn ngữ video. Với cách làm này, dù có chậm hơn đôi chút, nhưng bản tin sẽ sâu hơn, có sức cạnh tranh hơn so với chính mạng xã hội.

PV: Tôi còn thấy, với cách làm này, không ít lần anh thậm chí còn dẫn dắt được mạng xã hội?

Nhà báo Huy Mạnh: Cần phải khẳng định, muốn dẫn dắt hay chi phối mạng xã hội vẫn phải dựa trên cơ sở thông tin chuẩn xác và có chiều sâu, có phát hiện. Phải chuẩn xác bởi mạng xã hội hiện nay có rất nhiều tin đồn, thật giả lẫn lộn.

Là phóng viên, tôi luôn xác định mình phải có mặt tại hiện trường để làm rõ vụ việc, đi sâu vào bản chất sự thật, không làm báo bằng tin đồn. Người đọc có thể xem tin ban đầu trên mạng, nhưng sau đó phải quay lại báo chí để kiểm chứng và tìm hiểu thêm thông tin. Do đó, tôi tự đặt ra yêu cầu bắt buộc với chính mình là khi tới hiện trường, ngoài ghi nhận chung quanh thì phải phỏng vấn bằng được các nhân chứng, tìm ra những thông tin riêng.

Hình ảnh do nhà báo Huy Mạnh ghi lại cảnh cảnh sát cứu 2 mẹ con trong vụ cháy tại Thanh Xuân Bắc.

Hình ảnh do nhà báo Huy Mạnh ghi lại cảnh cảnh sát cứu 2 mẹ con trong vụ cháy tại Thanh Xuân Bắc.

Thí dụ vụ hỏa hoạn tại Trung Kính (Hà Nội) khiến 14 ngưởi tử vong tháng 5/2024. Khi tới hiện trường, tôi đặc biệt chú ý tới một nam thanh niên tên Tuấn. Qua phỏng vấn các nhân chứng có mặt, tôi được biết, Tuấn là một trong những người đầu tiên có mặt và cố gắng dùng búa để phá bức tường ngôi nhà bốc cháy để cứu người. Do yêu cầu của cơ quan chức năng, vào thời điểm đó, tôi không thể tiếp cận nhân vật này.

Xác định đây chính là “key” của vụ việc, tôi quyết tâm phải phỏng vấn bằng được Tuấn. Bằng các biện pháp khác nhau, cuối cùng, tôi đã có được liên lạc của nhân vật và tìm cách thuyết phục anh đồng ý trả lời phỏng vấn.

Tác giả Huy Mạnh (bên trái) cùng người hùng đập tường cứu người trong vụ cháy Trung Kính.

Tác giả Huy Mạnh (bên trái) cùng người hùng đập tường cứu người trong vụ cháy Trung Kính.

Tới chiều cùng ngày, bản tin Những 'người hùng' leo thang, đập tường cứu người trong đám cháy Trung Kính đã được xuất bản, với đầy đủ thông tin chi tiết về diễn biến, quá trình cứu người cùng như các thành viên tham gia. Ngay lập tức, thông tin đã được nhiều trang và diễn đàn lớn trên mạng xã hội cũng như các cơ quan báo chí bạn khai thác lại, tạo thành hiệu ứng mạnh mẽ. Không lâu sau, 4 người hùng trong vụ việc, trong đó có Tuấn được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng vì hành động dũng cảm.

Hình ảnh do nhà báo Huy Mạnh ghi lại cảnh một người đàn ông bế con thoát ra khỏi vụ cháy chung cư Khương Hạ khiến hàng chục người tử vong.

Hình ảnh do nhà báo Huy Mạnh ghi lại cảnh một người đàn ông bế con thoát ra khỏi vụ cháy chung cư Khương Hạ khiến hàng chục người tử vong.

Nhiều vụ việc khác như vụ truy bắt đối tượng Triệu Quân Sự trốn trại giam năm 2022, vụ cháy nhà ở Định Công khiến 3 ngưởi tử vong năm 2025, tôi đều tiếp cận và đeo bám các nhân chứng đặc biệt như thế, qua đó cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều hơn về sự kiện diễn ra. Tôi nghĩ, đây là điều mạng xã hội sẽ không làm được, và cũng là lợi thế mà báo chí cần khai thác để tạo nên những giá trị khác biệt.

PV: Điều này đòi hỏi một thái độ tiếp cận hiện trường nghiêm túc, thay vì hởi hợt và đưa tin cho có. Tôi thấy anh luôn là một trong những phóng viên quen mặt tại hầu hết các sự kiện nóng tại Hà Nội nói riêng, các tỉnh lân cận nói chung!

Nhà báo Huy Mạnh: Đầu tiên vẫn xin nhắc lại, tôi là phóng viên video. Lợi thế của video không phải là tin nhanh nhất. Do đó, tôi luôn lựa chọn khai thác sâu và toàn diện nhất trong khả năng cho phép.

Thứ hai, một phóng viên hiện trường cần xác định nghiêm túc với tất cả dòng chảy thời sự đang diễn ra. Phải có thái độ “sốt ruột” với thông tin, sẵn sàng lên đường khi có thông tin. 10 vụ anh được thông tin, anh phải có mặt ít nhất 9 vụ. Sau này, khi đã có kinh nghiệm hơn, anh có thể sàng lọc thêm thông tin, trên cơ sở phán đoán để đưa ra quyết định cụ thể. Nhưng, quan trọng nhất, phóng viên hiện trường cần xác định: Nếu không siêng năng, chịu khó sẽ rất khó thành công.

Nhà báo Huy Mạnh tác nghiệp tại một vụ cháy ở Hà Nội.

Nhà báo Huy Mạnh tác nghiệp tại một vụ cháy ở Hà Nội.

PV: Nhiều người không quá chú ý đến sự vất vả của cánh phóng viên hiện trường. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận, làm hiện trường thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ không lường trước được, phải không?

Nhà báo Huy Mạnh: Phóng viên hiện trường thường phải tác nghiệp tại những sự kiện nóng, đột xuất với nhiều tình huống khó lường. Do đó, nguy cơ là yếu tố luôn thường trực và khó tránh khỏi. Có những vụ cháy, tôi cùng các đồng nghiệp phải “ăn nằm” tại hiện trường nhiều giờ đồng hồ, lăn lộn trong không gian bụi khói ướt đẫm mồ hôi, tay chân rã rời, lấm lem,...

Nhà báo Huy Mạnh bị cản trở khi tác nghiệp vụ cháy khiến 3 người tử vong tại Hà Đông.

Nhà báo Huy Mạnh bị cản trở khi tác nghiệp vụ cháy khiến 3 người tử vong tại Hà Đông.

Hoặc như vụ cháy kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) tháng 8/2019. Khi nhận được thông tin, ngay lập tức tôi chạy tới hiện trường, trèo lên mái tôn cùng người dân. Trong 8 tiếng tiếp theo, tôi bám trụ, liên tục cập nhật thông tin mới mà không hề biết tới nguy cơ sức khỏe do thủy ngân cháy có thể gây ra. Bên cạnh đó, “phóng viên 113” cũng không ít lần phải đối phó với những đối tượng quá khích, bị các đối tượng đe dọa, hành hung…

Sau này, khi có kinh nghiệm hơn, tôi thường “lùi lại” một nhịp để đánh giá toàn cảnh, cân nhắc các yếu tố về an toàn để quá trình tác nghiệp được hiệu quả hơn.

Nhà báo Huy Mạnh (đeo mặt nạ) tác nghiệp tại một sự kiện nóng.

Nhà báo Huy Mạnh (đeo mặt nạ) tác nghiệp tại một sự kiện nóng.

PV: Được biết, nhiều sản phẩm video của anh sau khi được đăng tải trên Vnexpress đã được một số hãng thông tấn quốc tế mua tác quyền.

Nhà báo Huy Mạnh: Tôi có một số video hiện trường các vụ việc nóng đã được các hãng thông tấn quốc tế sử dụng, thông qua đầu mối cơ quan. Thực sự, cảm giác khi đó rất khó tả, vừa vui, vừa có chút áp lực để mình phải làm tốt hơn trong các sản phẩm tiếp theo.

Hình ảnh do nhà báo Huy Mạnh quay lại cảnh cảnh sát giải cứu 1 người đàn ông ra khỏi vụ cháy quán hát cho nhau nghe trên đường Phạm Văn Đồng ngày 19/12/2024. Đây là vụ việc nghiêm trọng khiến 11 người tử vong. Video này về sau được Reuters mua tác quyền sử dụng.

Hình ảnh do nhà báo Huy Mạnh quay lại cảnh cảnh sát giải cứu 1 người đàn ông ra khỏi vụ cháy quán hát cho nhau nghe trên đường Phạm Văn Đồng ngày 19/12/2024. Đây là vụ việc nghiêm trọng khiến 11 người tử vong. Video này về sau được Reuters mua tác quyền sử dụng.

PV: Được đồng nghiệp đánh giá là phóng viên hiện trường xuất sắc, thậm chí có biệt danh “phóng viên cháy nổ”. Anh nghĩ mình sẽ còn gắn bó với biệt danh này bao lâu nữa?

Nhà báo Huy Mạnh: Có lẽ tôi sẽ còn tiếp tục làm phóng viên hiện trường cho tới khi… không thể chạy được nữa thì thôi. May mắn nhất là vợ tôi cũng làm báo nên thấu hiểu đặc thù công việc của chồng. (Cười)

- Trân trọng cám ơn anh về cuộc trao đổi này!

Có lẽ tôi sẽ còn tiếp tục làm phóng viên hiện trường cho tới khi… không thể chạy được nữa thì thôi.

Nhà báo Huy Mạnh, tên đầy đủ là Mai Huy Mạnh. Anh được đồng nghiệp gọi là Mạnh cháy vì anh xuất hiện ở gần như toàn bộ các vụ cháy, nổ nghiêm trọng tại Hà Nội. Không chỉ vậy, anh còn tham gia vào nhiều sự kiện thời sự khác như bão, lũ...

Nhà báo Huy Mạnh tác nghiệp về bão Yagi tại Quảng Ninh

Năm 2024, Vnexpress đã ghi nhận Huy Mạnh là phóng viên hiện trường hàng đầu, ghi hình các video khoảnh khắc ấn tượng và phỏng vấn người trong cuộc có giá trị.

Ngày xuất bản: 20/6/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: THÀNH ĐẠT, SƠN BÁCH
Ảnh: NVCC
Trình bày: BÌNH NAM