
Thông thạo bốn ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Đức), chơi đàn piano như gió. Tuổi 80, vẫn leo cầu thang hai bậc một và có lẽ là một trong những nhà báo làm Tổng Biên tập lâu nhất Việt Nam - chỉ rời ghế này khi 79 tuổi. Đó là đôi nét về nhà báo Phạm Huy Hoàn, vị “lão đại” trong làng báo Việt Nam.
Sức làm việc khủng khiếp của một lão tướng
Tôi đến với báo Dân trí năm 2006, qua sự “rủ rê” của Phó Tổng Biên tập Nguyễn Minh Quang. Khi đó, tờ Dân trí điện tử chỉ mới gần một tuổi, lượng truy cập dưới 10 triệu views/tháng. Đây cũng là lần đầu, tôi gặp trực tiếp nhà báo Phạm Huy Hoàn.
Thật tình, cuộc gặp đó không nhiều ấn tượng vì ông vội làm việc với Minh Quang còn tôi thì chẳng có lý do gì để ngồi lâu ở đó. Tuy nhiên, chỉ sau đó mấy ngày, ông đã “phong” cho tôi chức Thư ký tòa soạn tờ báo giấy Khuyến học và Dân trí do chính ông phụ trách còn trang điện tử Dân trí - “báo con” của báo giấy, ông giao cho nhà báo Minh Quang.
Do báo ra hằng tuần, ông tham gia nhiều công việc của Hội lại có tác phong làm việc khoa học và tốc độ nên mỗi tuần, ông chỉ dành khoảng 1-2 giờ và cũng có nghĩa, tôi chỉ gặp ông 2-3 lần mỗi tuần, kể cả cuộc họp giao ban. Sau này, khi phụ trách trang BLOG và làm việc trực tiếp với ông (mỗi ngày một bài) tôi mới thấy sức làm việc của ông thật kinh khủng.
Ông dậy từ 5 giờ sáng, tập thể dục, đánh răng rửa mặt khoảng 45 phút, duyệt bài BLOG cho tôi, sau đó ăn sáng và bắt tay vào một ngày làm việc đến khoảng 23 giờ mới nghỉ. Phòng có hai chiếc ti-vi luôn mở, ông vừa duyệt bài vừa nghe tin tức trực tiếp bằng các ngoại ngữ mà ông thông thạo.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn. Ảnh: TIẾN TUẤN
Nhà báo Phạm Huy Hoàn. Ảnh: TIẾN TUẤN
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ (trái, hàng trước) trao bằng khen của Thủ tướng cho tập thể báo Điện tử Dân trí và cá nhân Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn, ngày 8/1/2012. (Ảnh: Hữu Nghị)
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ (trái, hàng trước) trao bằng khen của Thủ tướng cho tập thể báo Điện tử Dân trí và cá nhân Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn, ngày 8/1/2012. (Ảnh: Hữu Nghị)
Ông Phạm Huy Hoàn nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giáo dục".
Ông Phạm Huy Hoàn nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giáo dục".
“Dụng nhân như dụng mộc”
Từ một tờ báo giấy vài ba ngàn bản và một trang điện tử Tin tức Việt Nam vài ba triệu lượt xem chuyên đăng những tin giải trí dành cho lớp trẻ, dưới sự tổng chỉ huy của Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn, chỉ một thời gian rất ngắn, Dân trí điện tử đã trở thành một tờ báo thời sự chính trị có hàng chục triệu lượt views/tuần, nhiều năm đứng trong hàng ngũ tốp 3 của làng báo Việt Nam, một thành công không hề nhỏ.
Điều gì đã làm nên “kỳ tích này”?
Theo tôi, có mấy lý do sau:
Cách dùng người “dụng nhân như dụng mộc”. Ông tận dụng triệt để thế mạnh ăn khách của nhà báo Minh Việt (người từng nắm trang Tin tức Việt Nam), sự năng động, nhiệt huyết và nhanh nhạy của Phó Tổng Biên tập Minh Quang cùng với khát vọng cống hiến của các phóng viên trẻ. Mặt khác, ông tận dụng kinh nghiệm, sự từng trải của các nhà báo cao tuổi như các bác Thao Lâm, Duy Thảo, Phan Huy và sau này là nhà báo Lương Phán.
Các nhà báo Thao Lâm và Lương Phán (nguyên Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập báo Khuyến học) ở đầu cầu Hà Nội, Duy Thảo “trấn ải” bắc miền trung, Phan Huy tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những nhà báo dày dạn kinh nghiệm, có uy tín tại các địa phương.
Với nhà báo trẻ, ông luôn động viên, khuyến khích và cũng sẵn sàng mở cửa cho những ai không tâm huyết với tờ báo. Ai xin đi, ông tạo điều kiện và nếu sau này đổi ý xin về, ông cũng sẵn sàng nhận lại. Ai hợp việc gì thì cho làm việc ấy, ai làm được việc thì ông tạo điều kiện, ai không thích hợp thì sẵn sàng cho thôi. Với ông chất lượng công việc là trên hết.

Ông “chăm chia” và những “tít tít” ấm lòng “đệ tử”
Làm việc thì phải hết lòng, hết sức nhưng ông cũng rất quan tâm đến đời sống anh em. Có lần thấy báo còn khó khăn, mức nhuận bút hơi cao, tôi đề xuất hạ xuống một chút, ông đã nói một câu đầy ấn tượng: “Giảm thu nhập của người lao động là sự xấu hổ đối với tôi”. Về phần thưởng cuối năm, ông tuyên bố một câu “ấm lòng đệ tử”: “Năm sau cao hơn năm trước”. Và cho đến khi nghỉ Tổng Biên tập, ông vẫn giữ được điều này.
Khoảng mươi năm dưới thời ông, hầu như tháng nào điện thoại chúng tôi cũng kêu “tít tít”. Ông luôn có niềm vui “tít tít” với anh em. Mỗi lần thấy phóng viên mua nhà, mua xe ô-tô hay đi du lịch nước ngoài, gương mặt ông đầy rạng rỡ.
Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn cùng tập thể Ban biên tập, phóng viên, biên tập viên báo Dân trí, tháng 6/2023 (Ảnh: Toàn Vũ).
Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn cùng tập thể Ban biên tập, phóng viên, biên tập viên báo Dân trí, tháng 6/2023 (Ảnh: Toàn Vũ).
Niềm vui “tít tít” thì ai chả muốn nhưng quan trọng tiền ở đâu ra? Là phóng viên, tôi không biết nhiều về chuyện kinh tế, nhưng có một điều chắc chắn, khi tờ báo có truy cập cao, lượng quảng cáo không hề nhỏ, và vì là tờ điện tử, chi phí cho khâu quảng cáo cũng hết rất ít tiền.
“Nhà giàu trồng lau ra mía”, có lần ông nói với tôi: “Các ông cứ lo làm tốt công việc, tiền tôi lo”.
Tính dự báo và tấm lòng nhân ái
Là tờ báo chính trị xã hội, báo Dân trí dưới thời Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn còn phát huy rất tốt các hoạt động xã hội, mà nổi bật là Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và Quỹ Vòng tay Nhân ái.
Từ cách đây 20 năm (2005), khi công nghệ thông tin còn rất manh nha ở Việt Nam thì Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn đã tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là nơi ươm mầm, hội tụ và là ngày hội của các tài năng về lĩnh vực này.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt họp Hội đồng sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015
Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt họp Hội đồng sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015
Do phát trực tiếp trên VTV2 vào giờ vàng đúng ngày 20/11, nó nhanh chóng trở thành sự kiện xã hội và hầu như năm nào cũng nhận được sự quan tâm của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Một niềm vui không nhỏ với ông Hoàn là từ các giải thưởng này, nhiều tài năng trẻ trưởng thành, góp phần vào sự phát triển công nghệ thông tin chung của đất nước.
Dân trí được bạn đọc yêu mến là bởi thái độ chân tình, cầu thị và sẻ chia với bạn đọc, mà nổi bật là Quỹ Vòng tay Nhân ái mà ông Phạm Huy Hoàn lập ra. Với kinh nghiệm từ Quỹ Tấm lòng Vàng hồi còn làm Tổng Biên tập báo Lao Động, khi về Dân trí, ông Hoàn đã lập Quỹ Vòng tay nhân ái.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn gặp lại 2 cháu Nhân, Ái, nhân vật đầu tiên của Quỹ Vòng tay nhân ái.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn gặp lại 2 cháu Nhân, Ái, nhân vật đầu tiên của Quỹ Vòng tay nhân ái.
Đến nay, Quỹ đã xây dựng hàng trăm điểm trường, nhà tình nghĩa và cầu dân sinh, giúp đỡ hàng vạn hoàn cảnh vượt qua khó khăn mà có trường hợp lên tới cả chục tỷ đồng chỉ riêng cho một đối tượng.
Để nhận được sự ủng hộ của những nhà hảo tâm, ông Hoàn rất nghiêm khắc trong vấn đề tài chính. “Một đồng đến là một đồng đi”, tức là một đồng bạn đọc gửi đến thì một đồng đến tay đối tượng do họ chọn gửi. Có lần thấy một số trường hợp được nhận quá nhiều, anh em đề xuất điều chuyển đến các đối tượng được ít hơn nhưng ông Hoàn không đồng ý: “Họ gửi cho ai thì trao cho người ấy, tiền của mình đâu mà đứng ra phân phát”.
Ông Hoàn cũng trân trọng cả những trường hợp được giúp đỡ. Trong các bài, ông không cho phép dùng từ “cho” như chuyển cho, gửi cho mà thay bằng “đến” - chuyển đến, gửi đến, trao đến. Có lần ông nói trước cuộc họp: “Đừng coi người ta là kẻ ăn xin mà bố thí. Tiền của độc giả gửi đến độc giả, không phải của mình, đừng mang giọng ban ơn”.
Giảm thu nhập của người lao động là sự xấu hổ đối với tôi.
- Nhà báo Phạm Huy Hoàn -

Phạm Huy Hoàn và tôi
Xin cho phép được nói mấy dòng về mối quan hệ giữa Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn và tôi, như một lời tri ân của nhân viên với thủ trưởng cũ. Thành thật, tôi và bác Hoàn là những cá tính trái ngược. Bác là người Hà Nội, xuất thân từ một gia đình giàu có, học sinh trường Albert Sarraut, chơi Piano như gió, thông thạo bốn ngoại ngữ kèm lối sống nguyên tắc, bia không, rượu không, thuốc lào, thuốc lá cũng không...
Còn tôi thì đặc chất nhà quê, không biết dù chỉ một nốt nhạc, chẳng biết một chữ ngoại ngữ nào, sống lại xô bồ... Tôi quý trọng bác thì lẽ thường, nhưng hình như bác cũng quý mến tôi.
Nhiều khi tôi nghĩ bác quý mình vì mấy lẽ. Tuy sống lôm côm nhưng tôi rất nguyên tắc với những bài viết của mình. Hơn 10 năm phụ trách mục BLOG mỗi ngày một bài, chưa lần nào tôi nộp bài muộn và cũng chưa lần nào bị cấp trên nhắc nhở. Thứ nữa, dù viết gai góc đến đâu tôi vẫn luôn nhớ lời bác Hoàn căn dặn: “Sự thực, chính xác, cảm thông, chia sẻ trên tinh thần xây dựng và đặc biệt, không được có động cơ” nên lượng truy cập thường rất cao, được bạn đọc yêu mến, quý trọng.
Việc ra đời của mục BLOG trên Dân trí cũng khá bất ngờ.
Mục này, trước do một anh bạn người Canada rất giỏi tiếng Việt và văn hóa Việt phụ trách, tuần đăng hai bài mang tính giải trí dành cho lớp trẻ. Sau vì lý do cá nhân, bạn đó thôi cộng tác.
Một hôm, bác Hoàn gọi tôi lên giao cho tôi với hai yêu cầu: Đưa mục này trở thành quan điểm của Dân trí về kinh tế, chính trị, xã hội (vì thế, bác trực tiếp giao đề tài, duyệt bài kể cả khi đi công tác nước ngoài) và mỗi ngày xuất bản một bài. Rất may nhờ sự quan tâm của bác, sự cộng tác của các bạn Lê Chân Nhân, Bích Diệp, Mạnh Quân, Ngọc Lan... tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khiến bác rất yên tâm.
Có lần trong cuộc họp, bác nói: “Ở Dân trí, tôi tâm đắc với ba mảng đề tài: Giải thưởng nhân tài Đất Việt, Quỹ Vòng tay nhân ái và mục BLOG”. Rồi bác hạ giọng nói riêng với tôi: “Chỉ có tôi mới dùng được ông. Bao giờ tôi nghỉ thì ông hãy nghỉ” và chúng tôi đã giữ lời hẹn này.
Đọc đến đây, có thể có người cho rằng chả lẽ nhà báo Phạm Huy Hoàn không có khiếm khuyết? “Nhân vô thập toàn” chả có ai hoàn hảo cả. Song, anh em tôi cũng lớn tuổi rồi (tôi gần thất thập, bác ngoại bát tuần) nên nhìn về nhau chỉ thấy những điều tốt đẹp.
Mấy năm nay, sức khỏe bác không tốt (cũng phải thôi vì 84 tuổi rồi), cứ bảo đến thăm anh mà lần lữa mãi. Xin anh nhận bài viết này như một lời tri ân của đứa em với một người anh!
Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam cùng đơn vị tài trợ trao máy tính và phát quà Trung thu cho các em học sinh tại huyện Ba Vì, Hà Nội (Ảnh: Trọng Trinh).
Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam cùng đơn vị tài trợ trao máy tính và phát quà Trung thu cho các em học sinh tại huyện Ba Vì, Hà Nội (Ảnh: Trọng Trinh).
Kỉ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), ông Phạm Huy Hoàn - Ủy viên Thường vụ BCHTW Hội Khuyến học Việt Nam, Giám đốc Quỹ Vòng tay Đồng đội - Quỹ khuyến học Việt Nam trao tặng 40 suất học bổng đến con các gia đình chính sách tiêu biểu huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Kỉ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), ông Phạm Huy Hoàn - Ủy viên Thường vụ BCHTW Hội Khuyến học Việt Nam, Giám đốc Quỹ Vòng tay Đồng đội - Quỹ khuyến học Việt Nam trao tặng 40 suất học bổng đến con các gia đình chính sách tiêu biểu huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam trực tiếp trao tặng học bổng tới 10 bạn sinh viên vượt khó học giỏi.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam trực tiếp trao tặng học bổng tới 10 bạn sinh viên vượt khó học giỏi.
Ông Phạm Huy Hoàn, Ủy viên Ban thường vụ TW Hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam trao quà của Quỹ Khuyến học tới các em học sinh (Ảnh: Đ.T).
Ông Phạm Huy Hoàn, Ủy viên Ban thường vụ TW Hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam trao quà của Quỹ Khuyến học tới các em học sinh (Ảnh: Đ.T).