
Chuyện đời, chuyện nghề người làm báo
Nhà báo Trần Trọng Thức: 60 năm duyên nghiệp lớn với nghề
Không chỉ là cây bút kỳ cựu trong làng báo phía nam, với gần 60 năm làm nghề, Trần Trọng Thức còn được biết đến là một trong những nhân tố chủ chốt của Nhóm Thứ Sáu lừng danh Thành phố Hồ Chí Minh những ngày sau Giải phóng. Đây là nhóm trí thức tạo ra sức ảnh hưởng lớn với các công trình nghiên cứu, bài viết ấn tượng về kinh tế trên diễn đàn báo chí đương thời.
20 năm gần đây, nhà báo Trần Trọng Thức ngày ấy lui về thực hiện công tác giảng dạy tại Khoa Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM). Dịp này, ông đã có những chia sẻ gan ruột về trải nghiệm với nghề cũng như những ấp ủ của ông dành cho thế hệ những người cầm bút tương lai.
Ngày mai tốt hơn hôm nay
PV: Trước tiên, xin ông cho biết đôi nét về gia đình và bản thân?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Gia đình tôi cũng bình thường như bao nhiêu gia đình khác ở Huế. Ba tôi trước đây làm nghề dạy học. Tôi sinh năm 1943, là con đầu trong nhà có 8 anh em mà may mắn tất cả đều qua khỏi ngưỡng đại học, nhờ đó gia đình cảm thấy vui và tự hào. Mong muốn của ba tôi là con cái sống sao để trở thành người tử tế, chứ không đòi hỏi làm gì đó cho rạng danh.
PV: Ông yêu thích nghề báo từ lúc nào?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Từ thời trung học tôi đã rất ngưỡng mộ nhà văn Hemingway. Tôi thần tượng ông ấy về thái độ sống, cách cư xử và tài năng. Tác giả của "Giã từ vũ khí", "Ngư ông và biển cả"… là một phóng viên
xông xáo ở Tây Ban Nha, một nhà văn lớn với nhiều tác phẩm sâu sắc. Tôi cũng rất mê Nguyễn Công Trứ về khí phách ngang tàng, con người nhập cuộc, hồn thơ phóng khoáng, tự do.
Lúc học lớp Đệ nhất (lớp 12) ở Trường Quốc Học Huế, tôi bắt đầu tập tành làm báo. Thực ra, đó chỉ là tờ nội san in ronéo của lớp có tên là Giao Cảm. Nhóm thực hiện gồm toàn bạn bè cùng lớp, người viết bài, người dàn trang, người vẽ tranh...
Nhà báo Trần Trọng Thức.
Nhà báo Trần Trọng Thức.
Năm 1964, tôi vào Đà Lạt học Trường đại học Chánh trị Kinh doanh theo mô hình Đại học Georgetown của Mỹ. Tại đây, tôi tham gia làm tờ báo có cái tên khá… sến: Nước Mắt Mẹ. Thời kỳ đó phong trào phản chiến nổ ra mạnh mẽ. Phạm Duy viết loạt tâm ca, trong đó có bài Giọt mưa trên lá.
Tên của tờ báo xuất phát từ bài hát này. Báo in ronéo được phát hành với nội dung gồm những bài phân tích tình hình chính trị, văn hóa, xã hội. Đó cũng là một trong những tờ báo mang màu sắc phản chiến. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn thích thú.
PV: Ông chính thức bước vào nghề báo khi nào và làm việc ở đâu?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Ở Trường Chánh trị Kinh doanh, những năm gần cuối có một môn về báo chí. Khi đó tôi hiểu báo chí một cách đơn giản là góp phần làm cho xã hội ngày hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay. Năm 1967, nghe theo lời thầy tôi, tôi xin vào làm việc ở một hãng thông tấn, rồi làm cho nhiều tờ báo ở Sài Gòn, làm cộng tác viên cho vài hãng thông tấn quốc tế.
PV: Thời kỳ đó ông hay viết về mảng nào?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Lúc đầu, tôi viết tin tức thời sự theo phân công của tòa soạn. Về sau, tôi chuyên chú hơn ở mảng kinh tế vì hợp với sở học của mình.
Bài đầu tiên tôi viết là phóng sự mang tên Hoa hồng Đà Lạt. Trong đó, có đoạn đặc tả về hoa hồng đen, một sản phẩm rất đặc biệt của Đà Lạt, bởi đây là giống hoa mới được nhập về từ Madagascar. Bài viết này được nhiều tờ báo đăng lại, mang cho tôi nhiều niềm vui và sự khích lệ. Tôi cũng hứng thú với mảng ký sự nhân vật, viết về các nhân vật nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động trong xã hội ở miền nam.
PV: Những kỷ niệm viết lách đáng nhớ của ông trong thời kỳ này?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Có hai kỷ niệm rất khó quên đối với tôi. Thứ nhất, lúc mới vào nghề, tôi được làm việc dưới quyền hai thư ký tòa soạn gồm anh Phạm Tùng - phụ trách bản tin buổi chiều và anh Nguyễn Chấn - phụ trách bản tin buổi tối.
Lúc ấy tôi vừa mới trải qua lớp huấn luyện báo chí. Viết xong tin đầu tiên, tôi nộp ngay cho anh Tùng. Không buồn liếc mắt nhìn tôi, đọc xong anh thản nhiên vò bản tin quăng vào sọt rác mà không nói lời nào. Tòa soạn lúc ấy có nguyên tắc là mỗi khi nộp tin, phóng viên phải đợi thư ký tòa soạn cho phép thì mới được đi. Lý do là đôi khi người nhận cần hỏi thêm vài chi tiết để bổ sung cho bài viết. Thế là tôi cứ đứng như trời trồng hồi lâu!
Tuy nghĩ bụng mình không may gặp người khó tính rồi, nhưng tôi vẫn tiếp tục viết thêm tin nữa. Lần này, anh Tùng ngẩng lên nhìn tôi, nghiêm nghị hỏi: “Cậu học tới đâu rồi?”. Tôi nói: "Dạ, đã học xong đại học!"
Anh bèn phán: “Tôi có lời khuyên này: cậu về cầm cái cày may còn có gạo ăn, còn nếu cầm cây bút thì chỉ có cạp đất thôi”. Tuy bị tạt gáo nước lạnh nhưng tôi không nản chí. Tôi cũng không phiền anh Tùng mà chỉ nghĩ rằng anh quá nghiêm khắc với một phóng viên mới vào nghề.
Dù đã về hưu, thầy Trần Trọng Thức vẫn trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp cũ ở Khoa BC&TT.
Dù đã về hưu, thầy Trần Trọng Thức vẫn trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp cũ ở Khoa BC&TT.
Tôi tiếp tục công việc và chuyển qua đưa tin bài cho anh Chấn. Tòa soạn đêm ít nhận được bài viết của phóng viên, nên anh Chấn bỏ thì giờ sửa từng li từng tí, làm cho tin bài trở nên súc tích hơn. Mỗi lần nhận bài, anh còn chịu khó dặn dò tôi: Em nên làm thế này. Lần sau đừng viết thế kia nữa. Em phải viết như vầy mới đúng nha…
Nhờ sự chỉ bảo tận tình của anh Chấn, chỉ hơn một tháng sau, tin bài của tôi được đăng trên rất nhiều báo. Sau đó, tôi trở lại đưa tin cho anh Tùng, khi ấy anh tỏ ra dễ chịu hơn và nhận sử dụng tin của tôi.
Đó là lúc tôi nhận ra mình bắt đầu trưởng thành và tự trong lòng tôi luôn biết ơn hai anh. Anh Tùng dạy tôi tính nghiêm khắc và lòng kiên nhẫn. Anh Chấn dạy tôi sự cầu thị và kinh nghiệm thực tế về cách viết tin bài.
Kỷ niệm thứ hai là tin về vụ lính Mỹ thảm sát người dân ở Mỹ Lai. Vào khoảng giữa năm 1969, tôi đang làm việc cho Tiếng Nói Dân Tộc - một tờ báo thiên tả của anh Lý Quý Chung - thì một hôm có nhiều người là dân quê Quảng Ngãi sống ở Sài Gòn - kéo đến tòa soạn kêu cứu. Thế là tôi đến gặp họ ở Xóm Lách (Tân Định), nghe mọi người kể lại một sự việc rất thương tâm khi trong một trận càn của lính Mỹ tại xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, hàng loạt người dân quê đã bị sát hại dã man.
Thế là tôi về tòa soạn, viết một tin ngắn về thảm cảnh này và đăng báo.
Ngay sau đó, văn phòng đại diện một hãng thông tấn nước ngoài ở Sài Gòn đọc được tin này liền báo về trụ sở chính ở Mỹ, cho biết báo Việt Nam có đăng tin một cuộc tàn sát như vậy, không biết thực hư ra sao? Thế là hãng thông tấn này tiến hành kiểm chứng và nhiều tờ báo khác như: Times, Life, Newsweek… lập tức vào cuộc điều tra. Và vụ thảm sát ở Mỹ Lai dần được phơi bày trước công luận, làm rúng động cả thế giới.
Thời gian sau đó, một số người kể cả đồng nghiệp trong giới báo chí, đã cho rằng tôi là người “phát hiện vụ Mỹ Lai”. Nhận định ấy không đúng. Tôi chỉ (tình cờ) là người đầu tiên đưa thông tin này qua lời kể của các nạn nhân chiến tranh. Sau đó, những tờ báo nước ngoài khác mới có đủ điều kiện vén màn sự thật.
Nhưng điều này cũng cho thấy, đôi khi chỉ một tin ngắn cũng có thể trở thành “nguồn tin” quý giá ban đầu cho hàng loạt bài báo chấn động khác. Như thế đã là hạnh phúc quá lớn đối với một phóng viên rồi!
Nhà báo Trần Trọng Thức

Làm tất cả với trách nhiệm và lòng yêu nghề
PV: Xúc cảm của ông sau ngày 30/4/1975 là gì, thưa ông?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Sau ngày 30/4/1975, tôi nghĩ đơn giản: Hòa bình rồi, hết chiến tranh rồi. Tôi cũng nghĩ nghề báo vẫn còn vị trí của nó và mình còn có thể làm được chuyện này hay chuyện khác.
PV: Ông có thể kể vắn tắt công việc làm báo của ông từ sau 1975 đến nay?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Gần 60 năm nhìn lại, tôi thấy mình khá may mắn. Đó là tôi được làm việc và cộng tác với nhiều tờ báo nổi bật ở phía Nam. Đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ Tin Sáng, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ TP.HCM, Lao Động đến Thanh Niên Thời Đại, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, Kiến Thức Ngày Nay, Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần. Ở những nơi đó, tôi cũng làm nhiều công việc khác nhau: từ sửa bản in-lỗi chính tả, biên tập, viết bài, trưởng ban nội dung, thư ký tòa soạn. Tôi làm tất cả với tinh thần trách nhiệm, làm hết khả năng và với lòng yêu nghề.
Nhà báo Trần Trọng Thức đọc báo Tin Sáng.
Nhà báo Trần Trọng Thức đọc báo Tin Sáng.
PV: Có nhận xét rằng ông là một trong những người làm vườn giỏi nghề, mát tay trong làng báo, đã góp sức không nhỏ trong việc gầy dựng và phát triển nhiều tờ báo?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Đó là một nhận xét ưu ái dành cho tôi. Nó có phần đúng và cũng có phần không đúng.
Đúng ở chỗ từ vị trí thư ký tòa soạn, do sáng kiến của cá nhân hoặc do anh em “bày việc” mà tôi có cơ hội tham gia một phần vào quá trình phát triển của vài tờ báo mà tôi từng gắn bó. Chẳng hạn, ở Tuổi Trẻ TP. HCM, tôi tham gia vào việc huấn luyện phóng viên và góp phần đưa tờ báo đến gần hơn nhu cầu của công chúng.
Ở Lao Động, tôi cùng anh em cải tiến nội dung, giúp trang phóng sự và trang kinh tế trở nên hấp dẫn, cạnh tranh được với các báo khác, số phát hành tăng vọt, có khi lên đến hơn 80.000 bản/kỳ. Tại đây tôi đã cùng anh em trong Nhóm Thứ Sáu trở thành chuyên viên góp phần truyền đạt khái niệm kinh tế thị trường vào thời kỳ đầu Đổi Mới.
Nhóm Thứ Sáu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Tư liệu
Nhóm Thứ Sáu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Tư liệu
Ở Phụ Nữ TP.HCM, tôi phụ trách chuyên mục Thường thức kinh tế tồn tại hơn 10 năm, giới thiệu chuyện làm ăn trong thực tế một cách giản dị. Chuyên mục này được nhiều người quan tâm vì thấy hữu ích.
Ở Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần, tôi học theo cách làm của tờ Weekend bên Mỹ, góp phần tạo nên một tờ báo “sang” cả nội dung lẫn hình thức, thu hút được nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng trong nước và nước ngoài cùng góp mặt. Thú vị ở chỗ, có lẽ đây là tờ báo có số trang quảng cáo toàn là các thương hiệu “đình đám” của thế giới. Họ chọn quảng cáo nơi đây, không hẳn về hiệu quả kinh doanh mà là vì tờ báo “sang”, như đẳng cấp sản phẩm của họ.
Nhưng tôi cũng nghĩ, tờ báo là sản phẩm của tập thể, một cá nhân khó thể làm được gì, nhất là làm cho nó ngày càng tốt hơn. Công chúng, xã hội thường nhớ đến tên tác giả ghi dưới các bài báo chứ ít khi họ nhớ nhà báo đã làm gì ngoài việc viết báo cả.
PV: Có lẽ vì vậy, dù ở vị trí nào, ông cũng dành thời gian để viết và viết đều, không chỉ cho một mà nhiều tờ báo. Làm sao ông có được “chuyện”, có được đề tài để viết miệt mài như vậy?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Làm báo thì luôn luôn đồng hành cùng người đọc, độc giả có nhiều thành phần khác nhau, mỗi tờ báo có độc giả riêng của nó. Khi bắt gặp cái mới mình nghĩ cái mới đó phù hợp với tờ báo nào, với độc giả nào, họ cần tìm hiểu gì trong cái mới này thì mình viết. Cho nên một vấn đề có khi tôi viết cho báo này khác với báo kia, không phải về nội dung mà về cách thể hiện.
Thí dụ, vấn đề kinh tế thị trường, ở Lao Động tôi chủ yếu đưa những khái niệm mới đến với độc giả; nhưng viết cho Kiến Thức Ngày Nay thì tôi thể hiện dưới dạng một hệ thống cấu trúc. Chung quy là mình phải tìm ra cái mới, bởi làm báo thì phải mới thôi.
Tôi có những bạn bè hoạt động trong lĩnh vực làm ăn. Chúng tôi thường gặp nhau chuyện trò, tán dóc. Từ các buổi chuyện trò, tán dóc đó mà ra thành vấn đề, giúp tôi có nhiều chất liệu để viết. Và trong bài viết, nếu có trích dẫn ý kiến của họ thì tôi xin phép đàng hoàng, còn đa số đều vui vẻ bảo “tao nói vậy, mày muốn viết sao thì viết”.
Tờ báo là sản phẩm của tập thể, một cá nhân khó thể làm được gì, nhất là làm cho nó ngày càng tốt hơn.
Nhà báo Trần Trọng Thức
Chia sẻ về đạo đức nghề báo cho sinh viên
PV: Trong cuốn Lời tự thú của một nhà báo Mỹ, Tom Plate viết: “Trong tôi đã có một con quỷ báo chí hiện tồn mà mãi mãi tôi không thể rời xa”. Hình như ở ông cũng có một “con quỷ báo chí” trong lòng? Người ta thấy một Trần Trọng Thức đam mê, nhiệt huyết với nghề báo đến trọn đời. Vì sao?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Với tôi, đây là cái nghiệp chứ không phải cái nghề, cũng không có con quỷ nào hiện tồn trong tôi. Mình có duyên với nó. Khi đã là nghiệp rồi thì mình khó bỏ, trong khi nghề thì có thể bỏ. Nghề này mình không thích vì nó không nuôi mình được, nó phũ phàng quá, mình chịu không nổi. Nhưng khi là cái nghiệp rồi thì mình chịu thôi. Đó là cái gắn bó suốt đời với mình.
Nhà báo Trần Trọng Thức và Ban Chủ nhiệm Khoa BC&TT Trường ĐHKHXH&NV năm 2023. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo Trần Trọng Thức và Ban Chủ nhiệm Khoa BC&TT Trường ĐHKHXH&NV năm 2023. Ảnh: Tư liệu
Trong thực tế tôi đã làm nhiều nghề khác nhau. Đi dạy học tôi cũng không coi là nghề vì mình không sống được với nó. Mỗi người có một suy nghĩ về con đường đi của mình. Trong nghề báo tôi thấy cái gì cũng luôn mới hết. Lúc nào cũng cảm thấy mình tìm ra cái mới. Chuyện nhỏ chuyện lớn, cái gì cũng có cái mới cả.
PV: Ông vừa nói “Đi dạy tôi cũng không coi là nghề”. Vậy sao ông đã gắn bó với bục giảng đường Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) đến hơn 20 năm?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Tôi tham gia giảng dạy báo chí cũng xuất phát từ việc mình rất yêu nghề báo. Mình mong muốn có nhiều người cùng nghĩ và cùng làm báo như mình trong những điều kiện cụ thể. Hay nói cách khác, hơi kỳ một xíu, là tôi muốn truyền đạt những suy nghĩ của mình, những điều mình cho là cao quý mà có thể với nhiều người chưa nhận ra bởi vì họ chưa trải nghiệm. Ngoài kiến thức, kỹ năng, tôi đặc biệt quan tâm và chia sẻ về đạo đức nghề báo cho sinh viên.
Hồi xưa, trong một khóa báo chí tôi theo học, ông John Mayor, nhà báo Philippines nổi tiếng, có nói một câu tôi nhớ mãi: “Các bạn học báo chí xin nhớ giùm tôi hai chữ thôi. Chữ thứ nhất là 'tại sao'. Bởi vì làm báo là đi tìm sự thật. Không thuộc nằm lòng hai chữ này, bạn không bao giờ tìm ra chân lý được. Chữ thứ hai là 'khiêm tốn'. Người làm báo ở đâu cũng vậy, đều nắm một quyền rất lớn, có ngòi bút trong tay và tờ giấy để viết. Do vậy, khiêm tốn là một cái đức phải có của người làm báo”.
Tôi yêu nghề báo, thích làm báo vì nghề này cho tôi thấy mình là người có ích.
PV: Theo ông, Khoa Báo chí và Truyền thông nên mời những nhà báo như thế nào để làm giảng viên thỉnh giảng? Nói một cách khác, tiêu chuẩn cần và đủ của một nhà báo thỉnh giảng là gì?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Trước tiên, theo tôi, phải xem người được mời thỉnh giảng, họ có yêu, có sống chết với cái nghề mà họ sẽ truyền đạt không. Một người làm báo do hoàn cảnh, thời cuộc đẩy đưa sẽ không bằng một người làm báo có lòng thiết tha viết lách.
Thứ hai, họ cần có kinh nghiệm về nghề nghiệp làm cơ sở đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn. Và với kinh nghiệm này, họ sẽ trao đổi những điều tốt nhất và sẽ loại trừ những điều họ cho là không tốt.
Thứ ba, là phẩm chất. Một người hòa đồng, gần gũi với sinh viên thì sẽ có những tác động tích cực trong quan hệ xã hội sau này. Gần gũi không phải là buông thả đâu, mà là thái độ của một người anh, một người bạn đối với sinh viên. Trong giờ học, anh thể hiện được sự thân thiện, sinh viên sẽ học rất vui mà nghiêm túc, tức là anh đã thành công.
PV: Nhà báo Vũ Bằng có hồi ký 40 năm nói láo, Trần Tấn Quốc có cuốn 40 năm làm báo, người đồng nghiệp chí thiết của ông - Lý Quý Chung cũng đã xuất bản Hồi ký Không tên... Là cây bút góp phần thúc đẩy sự đổi mới của báo chí, một chứng nhân của lịch sử trong nửa thế kỷ qua, có lẽ ông cũng rất nên viết hồi ký, phải không?
Nhà báo Trần Trọng Thức: Viết hồi ký? Với tôi, có lẽ là không, vì thật sự là tôi không có nhu cầu kể về bản thân. Nhưng có thể tôi sẽ ghi chép lại - với tư cách nhân chứng - về tất cả những trải nghiệm nghề nghiệp trong suốt cuộc đời làm báo của mình.


Tấm gương về tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật
Nhà báo Trần Trọng Thức với tôi là bậc đàn anh, không chỉ vì anh lớn hơn tôi 10 tuổi, mà còn vì anh luôn là một bậc thầy trong nghề báo.
Trong một lần cùng đi chơi với anh, anh hỏi chúng tôi: “Bạn đọc chính của Phụ Nữ là các bà, các chị 'tay hòm chìa khóa' của gia đình. Vì sao báo chưa có chuyên mục trang bị kiến thức kinh tế một cách dễ hiểu nhất, gần gũi nhất để bạn đọc nữ có thể vận dụng vào việc quản lý chi tiêu hợp lý, hiểu biết về sự chuyển động kinh tế trong xã hội?”.
Chúng tôi vừa mời vừa “thách”: “Anh nói đúng. Thế thì anh viết cho báo của tụi này nhé?”. Gần như ngay lập tức, anh Thức đồng ý giữ chuyên mục Thường thức Kinh tế trên báo Phụ Nữ.
Anh Thức đâu chỉ có đam mê, sáng tạo trong làm báo, anh còn là tấm gương về tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật. Mỗi tuần một bài cho chuyên mục, vừa thời sự, vừa đúng hẹn, vừa đúng số chữ và… vừa hay! Đều đặn như thế suốt hơn chục năm trời.
Đến giờ tôi vẫn ước ao trong mỗi tòa soạn báo có được nhiều người làm báo như anh Trần Trọng Thức.
NGUYỄN THẾ THANH
(Nguyên Tổng Biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM)
Học từ Thầy hai chữ khiêm nhường
Tôi may mắn nhiều lần được theo Thầy Thức lên lớp mỗi khi Thầy đến chia sẻ chuyện nghề với sinh viên. Với tôi, thầy xưng là “mình”, với sinh viên, thầy kêu là “bạn”.
Có lần thầy nói: “Mình coi sinh viên là bạn, vì mình không nghĩ là đi ‘dạy’ ai cả”. Học từ Thầy hai chữ khiêm nhường, trên lớp tôi cũng gọi sinh viên là “anh, chị”.
Tôi biết sinh viên nhiều khóa trước vẫn chuyền tay nhau tập vở chép tay bài giảng môn Viết tin của Thầy như bảo bối. Tôi cũng nghe nhiều cựu sinh viên nhắc tên Thầy Thức đầu tiên, như người truyền nghề để lại dấu ấn sâu sắc nhất.
Lê Thị Thanh Nhàn
(Nguyên Phó trưởng Khoa BC&TT, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
Ngày xuất bản: 6/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: TRẦN HUỲNH PHỦ - PHIÊN AN
Trình bày: BÌNH NAM