Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại trong thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã sản sinh lớp lớp chiến sĩ cộng sản kiên cường, tài năng lỗi lạc như Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Trong đó có đồng chí Xuân Thủy - một nhà chính trị, nhà văn hóa, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là ngọn cờ tập hợp đội ngũ báo chí; người sáng lập, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (1912-1985).

Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (1912-1985).

Xuân Thủy, tên khai sinh là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại thôn Hòe Thị, (nay thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Từ nhỏ, lòng yêu nước của Xuân Thủy được nhen nhóm bởi người cha từng tham gia phong trào cách mạng Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng.

Năm 1935, Xuân Thủy thoát ly quê hương, bước vào con đường hoạt động cách mạng.

Đến Phúc Yên, ông làm cộng tác viên cho báo Trung Bắc tân văn, Hà thành ngọ báo và một số tờ báo khác. Để dễ bề hoạt động, Xuân Thủy mở hiệu thuốc bắc ở Khu Đệ Nhất, nay là phố Trưng Trắc, trước nhà có đôi câu đối: Xuân hồi thảo mộc thiên hoa phát/Thủy bất ba lan tứ hải bình, nghĩa là Xuân về cây cỏ muôn hoa nở/Nước không sóng dữ biển yên bình. Bút danh Xuân Thủy chính là hai chữ đầu của hai vế đối này.

Báo chí, văn học với Xuân Thủy là thanh gươm đuổi giặc, là ngọn đuốc soi đường cách mạng.

Ngày 1/1/1937, Đặc sứ Justin Godart (Gô-đa) dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Pháp đến Việt Nam. Cả nước dấy lên phong trào "Đón Gô-đa", thực chất là biểu tình đòi dân chủ. Xuân Thủy cử các đồng chí của mình đưa một đoàn người từ Phúc Yên rầm rộ tiến về Hà Nội. Nông dân Lê Văn Thân do tham gia đón Gô-đa, bị Tuần phủ Phúc Yên đe dọa và dùng triện đồng đánh vào tay.

Xuân Thủy đã thảo cho Lê Văn Thân một lá đơn kiện, đưa cho vợ và người em họ bí mật gửi đăng báo Le Travail (Lao Động) của Đảng, sau đó nhiều tờ báo khác trong nước và cả ở Pháp đăng lại. Dưới sức ép của báo chí, lần đầu tiên, tòa án thực dân gọi một viên quan đầu tỉnh ra ngồi ghế bị cáo trước nguyên đơn là một nông dân. Đây là sự kiện có một không hai trong lịch sử cách mạng và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Năm 1938, bị bắt giam trong nhà tù Hỏa Lò, ông viết bài thơ “Không giam được trí óc”, một tiếng hát bất tuyệt về tự do, thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan cách mạng, cổ vũ các đồng chí trong tù giữ vững chí khí chiến đấu:

Đế quốc tù ta, ta chẳng tù

Ta còn bộ óc, ta không lo

Giam người, khóa cả chân tay lại

Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do.

Năm 1941, Xuân Thủy bị giam ở nhà tù Sơn La lần thứ hai. Tại đây, ông và các đồng chí của mình xuất bản Báo Suối Reo. Đây là tờ báo trong tù rất nổi tiếng, có tiếng vang khi Đảng chưa giành được chính quyền và có vị trí rất vẻ vang trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Năm 1944, Xuân Thủy được phân công làm chủ nhiệm, chủ bút báo Cứu Quốc, cơ quan của Mặt trận Việt Minh. Ông trở thành nhà báo - chiến sĩ, nhà tổ chức hoạt động của báo chí cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của ông (Chủ nhiệm kiêm Chủ bút), Cứu Quốc là tờ báo có ảnh hưởng nhất trong cách mạng và kháng chiến. Với các bút danh Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng, v.v., Xuân Thủy đã viết nhiều bài trên Báo Cứu Quốc, có sức hô gọi, lôi cuốn quần chúng vào dòng thác cách mạng ào ạt không sức gì ngăn nổi dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh.

Cứu Quốc số đầu sau Cách mạng thành công ra ngày 24/8/1945; là tờ báo sớm nhất đưa danh sách thành viên Chính phủ Cách mạng, tin khởi nghĩa thắng lợi ở các địa phương, văn thơ chào mừng chế độ mới...

Những ngày này, nhân dân Hà Nội đổ xô ra đường mua Báo Cứu Quốc. Các trẻ bán báo bán hết xấp này đến xấp khác vẫn không đủ nhu cầu cho người Hà Nội, chưa kể các địa phương khác.

Cứu Quốc số đầu sau Cách mạng thành công ra ngày 24/8/1945; là tờ báo sớm nhất đưa danh sách thành viên Chính phủ Cách mạng, tin khởi nghĩa thắng lợi ở các địa phương, văn thơ chào mừng chế độ mới

Cứu Quốc số đầu sau Cách mạng thành công ra ngày 24/8/1945; là tờ báo sớm nhất đưa danh sách thành viên Chính phủ Cách mạng, tin khởi nghĩa thắng lợi ở các địa phương, văn thơ chào mừng chế độ mới

Nhà báo Hồng Hà (sau này là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân), nguyên phóng viên Báo Cứu Quốc từng hồi tưởng lại: Phóng viên Báo Cứu Quốc chạy từ sáng đến tối... Anh Xuân Thủy luôn nhắc chúng tôi ở Hà Nội có hàng chục tờ báo chống cộng; báo Việt Minh phải viết đúng nhất, hay nhất, nhanh nhất, có sức chiến đấu và thuyết phục nhất. Mỗi cây bút phải là một chiến sĩ kiên cường bảo vệ cách mạng, là người hướng dẫn tin cậy sự suy nghĩ và hành động của nhân dân.

Chính nhà báo Hồng Hà là người được đồng chí Xuân Thủy cử đi viết loạt bài điều tra về hành động ám sát, thủ tiêu người của bọn Việt quốc, Việt cách, đem chôn ở vườn số 7 Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều) rồi vu cho Việt Minh. Vụ án Ôn Như Hầu sáng tỏ, lòng dân càng ngả về Việt Minh, Báo Cứu Quốc càng có uy tín trong xã hội.

Bác Hồ thường xuyên viết bài cho báo với hàng chục bút danh khác nhau. Bác còn phụ trách các chuyên mục như “Chuyện gần xa” và “Thường thức chính trị”.

Chủ nhiệm Xuân Thủy (quàng khăn) cùng các đồng nghiệp báo Cứu Quốc tại đèo Bụt, Bắc Giang, năm 1948.

Chủ nhiệm Xuân Thủy (quàng khăn) cùng các đồng nghiệp báo Cứu Quốc tại đèo Bụt, Bắc Giang, năm 1948.

Với tài năng tổ chức báo chí và đức độ của mình, đồng chí Xuân Thủy đã thu hút được một đội ngũ cộng tác viên thường xuyên gồm nhiều nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch, nhà chính trị, nhạc sĩ, họa sĩ nổi tiếng như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Văn Cẩn, Thép Mới... Do đó, báo Cứu Quốc luôn có chất lượng cao, hấp dẫn bạn đọc.

Đồng chí Trường Chinh đánh giá:

Anh Xuân Thủy được Đảng phân công trực tiếp phụ trách Báo Cứu Quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật và suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp... Đó là tờ báo hàng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ việc ra báo đều đặn suốt 3000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của nhân dân ta. Báo Cứu Quốc là niềm tự hào của báo Đại đoàn kết ngày nay và cũng là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng nước ta.

Đồng chí Xuân Thủy, theo phân công của tổ chức, là người trực tiếp xây dựng hệ thống báo chí cách mạng và Hội Nhà báo Việt Nam sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Tối 19/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ họp, Xuân Thủy đã đề nghị ngay một việc vừa cấp bách, vừa chiến lược cho cuộc kiến tạo tương lai: Thành lập Nha Thông tin Bắc Bộ và Đài Phát thanh quốc gia.

Ngày 22/8/1945, tại số 4 Đinh Lễ, Hà Nội, Xuân Thủy họp một số thanh niên trí thức và giao cho đồng chí Trần Kim Xuyến phụ trách Việt Nam Thông tấn xã; đồng chí Trần Lâm phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngày 27/12/1945, gần 100 nhà báo ở Hà Nội đã họp tại trụ sở Hội Văn hóa Cứu Quốc, quyết định lập ra Đoàn Báo chí Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân được bầu làm Chủ tịch. Do kháng chiến, Đoàn Báo chí Việt Nam phân tán. Để kịp thời có một tổ chức báo chí phục vụ kháng chiến, năm 1948, Đoàn Báo chí kháng chiến được Bộ Nội vụ phê chuẩn Điều lệ và cho phép hoạt động chính thức do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ tịch.

Hội trường tám mái tại Ròong Khoa, nơi tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam, chiều 21-4-1950. Ảnh: Tư liệu

Hội trường tám mái tại Ròong Khoa, nơi tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam, chiều 21-4-1950. Ảnh: Tư liệu

Ngày 21/4/1950, Xuân Thủy đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam” tại Hội trường Báo Cứu Quốc. Đại hội đã bầu nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng.

Từ đó, ngày 21/4 được lấy làm Ngày Truyền thống của Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Xuân Thủy giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1950-1962.

Năm 1949, với tư cách là Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Đoàn Báo chí kháng chiến, Xuân Thủy đã tổ chức thành công Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ông mời ông Đỗ Đức Dục, một nhà báo chuyên nghiệp làm Giám đốc.

Bà Nguyễn Thị Bình và ông Xuân Thủy tại Paris năm 1970. Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA

Bà Nguyễn Thị Bình và ông Xuân Thủy tại Paris năm 1970. Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA

Tuy chỉ đào tạo được một lớp duy nhất, nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Xuân Thủy phụ trách và là giảng viên đã đào tạo được nhiều người sau này trở thành các nhà báo, văn nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng như Trần Kiên, Hải Như, Hữu Mai, Vương Như Chiêm, Từ Bích Hoàng, Trần Vũ, Phương Lâm, Lý Thị Trung, Phạm Thị Mai Cương... và để lại những kinh nghiệm quý báu cho các trường đào tạo báo chí sau này.

Khi nước nhà thống nhất, ngày 7/7/1976, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Xuân Thủy đã chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ Miền Nam Việt Nam thành Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay.

Có những ngôi sao càng nhìn càng thấy sáng; có những con người mà tài năng phát lộ trên nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng đạt đỉnh cao. Xuân Thủy là một người như vậy, đặc biệt là trên lĩnh vực báo chí và ngoại giao. Ông là người có sáng kiến đưa các nhà báo vào đấu tranh ngoại giao, làm ngoại giao bằng báo chí và thành công rực rỡ ở Hội nghị Paris, để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho đời sau. Những năm tháng ấy, hình ảnh “Nụ cười Xuân Thủy” luôn được phương Tây nhắc đến, như không chỉ của con người Xuân Thủy mà còn là biểu tượng của sự tự tin, thân thiện, lạc quan Việt Nam.

Đồng chí Xuân Thủy từng giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận..., trong các công tác ngoại giao, báo chí, trong phong trào bảo vệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị quốc tế... Ở cương vị nào, lĩnh vực công tác nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và để lại niềm tin yêu cho đồng chí, đồng bào. Ông được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trưởng đoàn Xuân Thủy trả lời phỏng vấn các nhà báo, năm 1968 tại Paris, Pháp.

Trưởng đoàn Xuân Thủy trả lời phỏng vấn các nhà báo, năm 1968 tại Paris, Pháp.

Điều đặc biệt nhất mà chúng tôi cảm nhận được khi nghiên cứu về cuộc đời của đồng chí Xuân Thủy là một phẩm chất cách mạng trong sáng, một tinh thần dĩ công vi thượng hiếm có.

Khi thoát ly và định cư ở Hà Nội, ông đã nhường ngôi nhà của tổ tiên cho một người nông dân nghèo ở quê nhà. Sau này, theo ý nguyện và gương sáng của ông, bà Nguyễn Thị Mai Phương, vợ ông và các con ông đã nhường lại cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngôi biệt thự 36 Lý Thường Kiệt với khuôn viên hơn 2.000m2 giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội để làm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Ông Xuân Thủy và bà Nguyễn Thị Bình tại Paris năm 1972. Ảnh tư liệu

Ông Xuân Thủy và bà Nguyễn Thị Bình tại Paris năm 1972. Ảnh tư liệu

Khi thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tuy là người khởi xướng và tổ chức, ông vẫn lùi lại phía sau, mời những trí thức có uy tín đứng đầu để tạo nên sức tập hợp của cách mạng. Đó là những cử chỉ cao cả, một hình ảnh tươi sáng về nhân phẩm và giá trị làm người.

Tuy hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng có lẽ, báo chí là lĩnh vực ông say mê nhất và gắn bó suốt đời. Ở tuổi thanh xuân, ông khởi đầu hoạt động cách mạng bằng nghề báo.

Chiều 18/6/1985, trong cơn mưa tầm tã, trái tim ông đã đột ngột ngừng đập khiến ông gục xuống ngay trên bàn viết, trước bản thảo “Những chặng đường Báo Cứu Quốc” đang dở dang. Nhiều dự định cao cả của ông chưa thực hiện được khi cuộc đời ông dừng lại ở tuổi 73, nhưng sự nghiệp làm báo của Xuân Thủy, con đường cách mạng cống hiến cho dân tộc theo Bác Hồ của Xuân Thủy, của lớp lớp cha anh thì vẫn in dấu đậm nét trong lịch sử đất nước, sáng mãi trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Ngày 9/5/1968, Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thủ đô Paris (Pháp), tiến hành cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Hoa Kỳ. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 9/5/1968, Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thủ đô Paris (Pháp), tiến hành cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Hoa Kỳ. (Ảnh: TTXVN)