
Ước mơ trở thành họa sĩ nhưng hơn 30 năm cuộc đời của Huỳnh Dũng Nhân lại gắn bó với nghề báo. Đi và viết với ông hiển nhiên như ăn cơm và uống nước. Nghề báo đã tạo nên thương hiệu Huỳnh Dũng Nhân mà nhiều người vẫn gọi “vua phóng sự”.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói rằng, ông được nghề báo “ưu ái”. Bởi ông được đi và viết trọn vẹn ở giai đoạn phóng sự thăng hoa nhất. “Người ta nói được làm điều mình thích là tự do, thích việc mình làm là hạnh phúc, tôi được cả hai”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bộc bạch.
Nghề báo tạo ra một Huỳnh Dũng Nhân không tẻ nhạt trên đời

Tập kết ra bắc khi còn trong bụng mẹ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được sinh ra và lớn lên ở khu tập thể Báo Nhân Dân, nơi cha mẹ ông làm việc. Gia đình 3 thế hệ có 9 người làm báo là một trong những điều đặc biệt khiến Huỳnh Dũng Nhân yêu nghề, say mê cống hiến và cũng là động lực trở thành nhà báo giỏi. Ông nói trong gia đình ông, không ai cầm tay chỉ việc, không có lớp trước truyền nghề cho lớp sau, mà tất cả đều đến tự nhiên, như gen có sẵn.
Cùng với truyền thống gia đình, một lợi thế mà theo ông, hiếm người làm báo khác có được, là được sống ở Khu tập thể Báo Nhân Dân. Không khí, môi trường và cả tình cảm ở đó, từ cách mọi người làm việc, bàn nhau viết tin bài, chọn đề tài; tranh luận từng bài viết, nhặt từng lỗi chính tả… Tất cả cứ ngấm vào ông theo lẽ tự nhiên, mà không ai nói với ông rằng phải làm báo phải thế này hay thế kia cả.
Rồi những nhà báo xung phong đi chiến trường, vào miền nam chiến đấu, những nhà báo hy sinh… từng câu chuyện cứ thế ông góp nhặt thành bài học làm báo cho riêng mình từ lúc nào không biết.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
“Khu tập thể Báo Nhân Dân thời đó là nơi ở của các nhà báo giỏi nghề nhất, những câu chuyện hàng ngày của họ giúp tôi biết về nghề, dù mơ hồ. Nhưng nói gì thì nói, truyền thống gia đình cho tôi hiểu nghề báo và bước vào nghề một cách đúng đắn. Tôi làm báo tốt từ gen làm báo của gia đình và tôi cũng trở thành người nối nghiệp ba mình lâu nhất, cho đến giờ vẫn say mê viết, vẫn hàng ngày hồ hởi đón đọc báo, giữ được lửa đam mê nghề, tôn trọng nghề”, ông tâm sự.
Huỳnh Dũng Nhân nói nghề báo thực sự chọn ông, vì ngày nhỏ ông ước mơ làm họa sĩ lớn lên học văn chương. Ra trường, rất muốn viết văn, trở thành nhà văn nhưng nghề báo lại gắn chặt với ông không rời từ năm 1983. Hơn 30 năm làm báo, từ những ngày đầu ở Báo Tuổi Trẻ của một phóng viên nội chính theo dõi các mảng công an, quốc phòng, thanh niên xung phong… 18 năm dấn thân, nổi tiếng với hàng loạt phóng sự trên Báo Lao Động, Huỳnh Dũng Nhân chỉ muốn dùng từ ngắn gọn nhưng đủ ý nhất là biết ơn và hài lòng về hành trình làm báo của mình. Nghề báo đã tạo ra một Huỳnh Dũng Nhân sống không tẻ nhạt trên đời. Ở vị trí nào ông cũng hướng về phía trước với mục đích cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.
“Tôi biết ơn những bệ phóng đã cho tôi làm tốt nhất trách nhiệm của người làm báo. Tôi được học hành bài bản trong thời kỳ đất nước chiến tranh, lớn lên trong gia đình làm báo truyền thống và sống trong môi trường làm báo rất sớm. Ra trường được làm nghề mình thích và yêu nghề.
Quan trọng hơn, tôi được công tác ở 2 tờ báo mạnh. Tuổi Trẻ đã đào tạo tôi trở thành một nhà báo. Lao Động đã tạo nên cây bút phóng sự Huỳnh Dũng Nhân. Viết phóng sự, nếu nhà báo giỏi thôi thì chưa đủ, mà phải có cơ quan hỗ trợ… Lao Động đã cho tôi tất cả, đầu tư cho tôi từ thời gian đến chi phí, tạo mọi điều kiện để tôi có thể viết phóng sự giỏi”, ông cho biết.
Tuổi 70, ông vẫn miệt mài hướng dẫn sinh viên từ gợi ý đề tài, cách phỏng vấn, tìm tư liệu cho đến nhận xét tác phẩm…
Tuổi 70, ông vẫn miệt mài hướng dẫn sinh viên từ gợi ý đề tài, cách phỏng vấn, tìm tư liệu cho đến nhận xét tác phẩm…
Cũng có người bảo tiếc cho ông vì không làm quản lý báo chí. Ông chỉ cười rồi nói rằng: nếu Huỳnh Dũng Nhân mà ở các vị trí khác thì không phải Huỳnh Dũng Nhân.
Hỏi ông nhớ mình có khoảng bao nhiêu bài phóng sự không, ông xua tay rồi nói ngay: “Nhiều quá không nhớ hết”. Dù ông thuộc dạng chỉn chu, rất cẩn thận lưu trữ những bài viết của mình. Mới đây, một sinh viên báo chí khi làm luận văn tốt nghiệp về phóng sự có thống kê về số lượng phóng sự tại Báo Lao Động trong vòng 1 năm. Có thời điểm, tờ báo này có 250 bài phóng sự thì Huỳnh Dũng Nhân chiếm đến 100 bài.
Làm báo như chiếc remote bật sẵn trong tôi

Nghỉ hưu được ít lâu, Huỳnh Dũng Nhân bất ngờ bị tai biến trong chuyến đi thực tế ở Hà Giang năm 2021.
Nhập viện Bạch Mai cấp cứu, sau khi ra viện, ông viết phóng sự “10 ngày rung chuyển Bạch Mai”. Lúc đó tay bị liệt, ông viết bằng điện thoại và dùng một ngón tay để gõ. Bài phóng sự được viết trên giường bệnh với dài 2.000 từ, không thua kém những phóng sự trước đây khi khỏe mạnh, dấn thân đi và viết.
Ông nói: “Làm báo như chiếc remote bật sẵn trong tôi, nhìn đâu cũng ra đề tài, ra câu chuyện”.
Những ngày trên giường bệnh tai biến chính là thời gian giấc mơ với hội họa bùng lên trong ông mạnh mẽ nhất. Nhìn hộp màu của con gái để trên bàn học, ông bật dậy tập vẽ khi tay chân vẫn còn run rẩy và đang phải điều trị.
Thời điểm đó, dịch Covid-19 cũng bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều lực lượng về địa phương tham gia hỗ trợ, trong đó cảm động nhất là các chú bộ đội rất trẻ ngày ngày vận chuyển lương thực, thuốc men, hỗ trợ người dân. Cảm kích trước hình ảnh này, ông vẽ tranh cổ động.
Theo ông, dù đã vẽ nhiều hơn viết, nhưng nghề viết vẫn cho ông những bài học kinh nghiệm đắt giá. “Cái hay của nhà báo là tư duy, nhìn đâu cũng ra đề tài, nhìn đâu cũng ra câu chuyện”, Huỳnh Dũng Nhân nói.
Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ khoảng 3.000 chân dung văn nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp, học trò… sau thời gian bị tai biến.
Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ khoảng 3.000 chân dung văn nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp, học trò… sau thời gian bị tai biến.
Và ông vẽ những hình ảnh đời thường trong mùa dịch như những phóng sự đời thường. Các báo đặt hàng tranh cổ động chống dịch của ông, rồi nhà thiết kế Minh Hạnh sử dụng bộ tranh cổ động của ông để thực hiện bộ sưu tập áo dài lấy chủ đề người lính giúp đỡ thành phố chống dịch. Thế là những bức tranh của ông theo Minh Hạnh lên áo dài đi trình diễn.
Sau Covid-19, ông lại vẽ chân dung. Ông vẽ các nhà báo, văn nghệ sĩ, bạn bè thân thiết, đồng nghiệp, học trò của mình và vui vẻ gửi tranh tặng họ mỗi ngày. Dịp 21/6/2022, Bảo tàng báo chí đã tổ chức triển lãm tranh chân dung các nhà báo của Huỳnh Dũng Nhân. Ở thời điểm đó, số tranh chân dung ông vẽ đồng nghiệp làm báo đã khoảng 1.000. Bây giờ, ông đã vẽ gần 3.000 chân dung nhà báo, văn nghệ sĩ, vận động viên, bạn bè đồng nghiệp, người thân… Có lẽ đến thời điểm này, không họa sĩ nào thực hiện nhiều tranh chân dung nhà báo như vậy, ông tự tin nói tay đã khéo léo để làm cho tranh đẹp hơn.
Ông vẽ rất nhanh, giống như cách ông nhìn ra đề tài để viết phóng sự. Tranh của ông luôn là những câu chuyện có chủ đề, theo dòng thời sự sống động của cuộc sống.
Bức tường chân dung bạn bè, văn nghệ sĩ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại triển lãm “99” nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2024.
Bức tường chân dung bạn bè, văn nghệ sĩ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại triển lãm “99” nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2024.
“Vẽ dù đến muộn màng, nhưng tôi thấy đó là hoạt động sáng tạo rất cần thiết với người làm báo. Khi mình không nói được bằng ngôn ngữ của câu chữ thì nói bằng ngôn ngữ của sắc màu. Khi không thể hiện được bằng những sáng tạo của chữ nghĩa thì màu sắc có thể phản ánh được điều mình muốn nói. Vẽ nói được nội tâm và cả yếu tố thẩm mỹ rất cao của một câu chuyện”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói thêm.
Ông rất sợ mình vô dụng, nhạt nhẽo và luôn vận động, làm mọi thứ để không rảnh rỗi. Ông buông điện thoại là cầm viết lên, rời cây viết thì cầm đàn, cầm cọ. Mỗi ngày ông phải làm đủ các loại hình hoạt động nối tiếp nhau, và vẽ giúp ông cân bằng, để tiếp tục cống hiến tử tế cho sự nghiệp của mình.
Tạm giấu cái đã biết để tiếp cận đề tài bằng con mắt lạ lẫm

Hơn 30 năm làm nghề, gần 50 năm cầm bút, nghề báo đã cho Huỳnh Dũng Nhân một cuộc đời được cống hiến hết mình. Ông thích viết, thích vẽ, thích cống hiến cho đất nước, cho nghề và ông đã được làm. Làm báo đưa ông đi khắp các tỉnh thành của cả nước và đặc biệt, hai lần một mình chạy xe máy xuyên Việt để thực hiện nhiều bài phóng sự hay.
Trong những chuyến đi thực tế của mình, ông nhớ và ấn tượng mãi chuyến đi 2 tiếng đồng hồ chui xuống hầm lò sâu 100m để viết về câu chuyện của những người thợ khai thác than ở mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh).
“Thời điểm đó chưa có nhà báo nào xuống hầm lò nên đi ai cũng bảo tôi liều. Nhưng tôi quyết tâm phải trực tiếp xuống để thấy được thực tế công việc của những người thợ mỏ”, Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ với ánh mắt kiên định.
Suốt 2 tiếng dưới lòng đất, chứng kiến những vất vả mà ông chưa từng hình dung về công việc của người thợ mỏ đã khiến ông rơi nước mắt…
“Hàng trăm công nhân đen nhẻm, chỉ nhìn thấy đôi mắt, hàng trăm người đứng tắm tập thể giữa một phòng tắm to bằng cả hội trường dưới những vòi nước cực mạnh như vòi cứu hỏa, vì bụi than bám, chỉ có xả nước thật mạnh mới trôi. Những chi tiết như thế nếu không xuống hầm lò, trực tiếp cùng họ trải qua thì làm sao viết được”, ông khẳng định.
Trở về từ mỏ than Mông Dương, tối hôm đó, Huỳnh Dũng Nhân viết xong bài phóng sự “2 giờ dưới lòng đất”. Sáng sớm, ông gửi fax về tòa soạn và được duyệt đăng ngay. Bài báo gây tiếng vang khi ông còn chưa về lại Hà Nội.
Đó cũng là bài phóng sự dấn thân đầu tiên của ông, thôi thúc ông lao động báo chí một cách tử tế và nghiêm túc. Đó cũng là bài phóng sự giúp ông thay đổi cách nhìn về nghề, mở đầu cho hành trình dấn thân, nhập cuộc, không tuyên truyền suôn.
Tuổi 70, ông vẫn miệt mài viết, vẽ, ông bảo tranh thủ làm hết việc vì mình không còn nhiều thời gian…
Tuổi 70, ông vẫn miệt mài viết, vẽ, ông bảo tranh thủ làm hết việc vì mình không còn nhiều thời gian…
Sau đó là hàng loạt những câu chuyện trong hành trình đi và viết khắp mọi miền đất nước mà mỗi chuyến đi đều mang lại nhiều giá trị về trải nghiệm, cách nhìn cuộc sống. Và càng khát viết, ông lại càng luôn thôi thúc phải đi…
Nhiều người hỏi Huỳnh Dũng Nhân bí quyết để viết phóng sự hay, theo ông, câu trả lời đơn giản lắm: “Viết phóng sự hãy nhìn sự vật gì cũng như lần đầu mình biết. Hãy ngạc nhiên vì những điều mình thấy. Chúng sẽ khiến gây cho ta ngạc nhiên, tò mò và nôn nóng tìm hiểu”.
Từng có thời gian đảm nhận công tác thỉnh giảng ở Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Huỳnh Dũng Nhân thường chia sẻ với sinh viên rằng: “Để viết hay hãy nhìn bằng con mắt tươi mới, tò mò. Có biết cũng tạm giấu cái mình biết đi. Như thế mới giúp mình khám phá, đi tìm hiểu, lượm lặt chi tiết bình thường nhất từ cuộc sống, từ những người xung quanh mình”.
Tuổi 70, ông vẫn miệt mài vẽ, viết sách, hướng dẫn sinh viên và sống bằng sự tử tế. Tâm sự với học trò, ông vẫn đau đáu khi nghe vài nhà báo lầm lạc, đánh mất đạo đức nghề nghiệp. “Cây nến cháy có thể cong, vẹo đến bao nhiêu nhưng ngọn lửa thì vẫn thẳng một hướng, vẫn tươi vui. Tôi sống và làm nghề như ngọn lửa đó”, ông nói.
Nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955, quê gốc ở Bến Tre, sinh ra ở Thanh Hóa. Cha ông là nhà báo Huỳnh Hùng Lý, một cây bút kỳ cựu của Báo Nhân Dân.
Ông lớn lên tại Hà Nội rồi vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc từ năm 1975 tới nay. Huỳnh Dũng Nhân là cây phóng sự nổi bật thời kỳ đổi mới những năm 1990-2010.
Ông đã xuất bản 36 đầu sách bao gồm thơ, văn, truyện ngắn, hồi ký, phóng sự, truyện thiếu nhi… như: Ăn Tết trong rừng chó sói, Ký sự Xuyên Việt, Tôi đi bán tôi, Kính thưa Ô Sin, Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà Tây Tạng (in chung với Đỗ Doãn Hoàng); Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối, Huỳnh Dũng Nhân - 40 năm đi, yêu và viết, Phóng sự Việt Nam một chặng đường…
Ông còn được biết đến là một nhà văn, giảng viên của nhiều thế hệ sinh viên báo chí, từng là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo.

Ngày xuất bản: 25/6/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: MINH HẰNG
Trình bày: PHAN THẠCH