
Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi tới thăm nhà báo Lý Thị Trung, một trong những học viên cuối cùng Trường dạy làm báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam mang tên Huỳnh Thúc Kháng. Bà sinh năm 1930, năm nay bước vào tuổi 96.
Nữ học viên trẻ nhất của trường
dạy làm báo đầu tiên

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời 76 năm trước, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến, nhằm đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thời gian học vỏn vẹn 3 tháng (từ ngày 4/4-6/7/1949) tại xóm Bờ Rạ (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), nhưng nhà trường đã trang bị cho 42 học viên những kiến thức quan trọng của nghề báo. Sau này, nhiều học viên đã gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp cầm bút, trở thành những nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Việt Nam.
Trong số 42 học viên, nhà báo Lý Thị Trung (tên khai sinh Nguyễn Thị Minh Ngọ) là nữ học viên trẻ nhất. Bà sinh tại tỉnh Hưng Yên, được anh trai là Nguyễn Giác giác ngộ cách mạng, bà tham gia Việt Minh năm 16 tuổi. Trong quá trình hoạt động, bà đã sớm bộc lộ năng khiếu viết lách.
Nhận ra khả năng của cô gái trẻ, nhà cách mạng Hoàng Ngân, khi đó là Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc (tiền thân của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Chủ nhiệm đầu tiên của báo Phụ nữ Việt Nam, đã quyết định cử Lý Thị Trung đi học viết báo do Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vừa mở. Bà được nhà thơ Anh Thơ (Vương Kiều Ân) đưa lên trường. Hành lý mang theo chỉ có một tay nải đựng tư trang và bầu nhiệt huyết cách mạng của cô gái 19 tuổi.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, bà cùng các đồng nghiệp đàn anh, đàn chị miệt mài học tập dưới sự chỉ dạy của những người thầy là các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà văn nổi tiếng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Trần Huy Liệu, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao…
Trong số học viên nam, có ông Vương Như Chiêm đến từ báo Vệ quốc đoàn (thuộc Liên khu IV), cùng công tác tại tòa soạn với nhà thơ Hữu Loan “Màu tím hoa sim”. Ông Chiêm là người ít nói, nhưng tài hoa, sâu sắc.
Trai tài, gái sắc gặp nhau trong một lớp học đặc biệt và trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, họ đã bén duyên như tiền định. Ông bà đã báo cáo tổ chức, xin được kết duyên vợ chồng. Đám cưới tổ chức, chủ hôn là nhà báo Xuân Thủy - Phó Giám đốc nhà trường, sau này trở thành Chủ tịch đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam.


Trước khi khóa học kết thúc, Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hoàng Ngân đã viết thư cho bà Lý Thị Trung; thư đề ngày 21/6/1949, tức đúng vào ngày kỷ niệm 24 năm ra mắt tờ báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập. Thư viết:
Kính gửi chị Chung (Trung), cán bộ phụ nữ Hưng Yên dự lớp viết báo của Tổng bộ Việt Minh
Theo sự quyết định của Tổng bộ thì các chị em theo dự lớp học này đều ở lại giúp việc cho báo cơ quan Trung ương. Nhưng vì hiện nay tờ báo Phụ nữ Việt Nam rất thiếu người (tòa soạn và phóng viên) nên chúng tôi đã thỏa huận với anh Xuân Thủy để chị về công tác trong tờ báo Phụ nữ Việt Nam.
Vậy sau khi lớp học tan, chị Chung (Trung) sẽ theo đường dây về Ban giao thông Trung ương (tức Trạm Thống Nhất), về giao thông Trung ương sẽ có người dẫn về cơ quan Phụ nữ Trung ương.
Trước khi về, Chung (Trung) nên cùng các anh em học sinh – nhất là hỏi các giảng viên, về kinh nghiệm tổ chức tòa báo thật chu đáo để khi về cơ quan sẽ giúp được nhiều cho tờ báo của chúng ta.
Mong gặp Chung (Trung)
Thân ái,
Hoàng Ngân.


Không may, 11 ngày sau khi khóa học khép lại (17/7/1949), nhà cách mạng Hoàng Ngân đã qua đời tại chiến khu Việt Bắc vì một cơn sốt rét ác tính, khi mới 28 tuổi. Bà đã được truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Độc Lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Biến cố ấy đã tác động đến Lý Thị Trung khiến cuộc đời bà rẽ sang một ngả khác. Thay vì về tờ Phụ nữ Việt Nam, bà theo chồng về Thanh Hóa, làm phóng viên tập sự ở báo Vệ quốc quân. Năm 1950, ông bà có con trai đầu lòng, đặt tên là Vương Học Báo, để kỷ niệm mối lương duyên của ông bà ở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Lý Thị Trung là một nhà báo xông xáo, năng nổ, bám sát thực tiễn, có nhiều bài báo hay. Hòa bình lập lại (1954), ông bà cùng về Hà Nội. Ông chuyển sang công tác ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu ở cương vị Giám đốc Bảo tàng; còn bà vẫn gắn bó với nghề báo, thường xuyên đạp xe đạp bốn, năm chục cây số để viết tin, bài.
Sau khi trải qua các đơn vị công tác như Nhà in Tiến bộ, Báo Hà Nội Mới, Hội Phụ nữ Việt Nam, Thành hội Phụ nữ Hà Nội…, năm 1986, bà Lý Thị Trung được giao phụ trách báo Phụ nữ Thủ đô thời kỳ đầu. Thời kỳ này, bên cạnh những tin, bài thời sự về phụ nữ, thì mảng văn học, nghệ thuật của tờ báo thu hút được nhiều cây bút tên tuổi tham gia.
Tôi khi ấy mới tập tọng văn chương, được báo Phụ nữ Thủ đô in bài thơ đầu tay, đến lĩnh nhuận bút và lần đầu tiên được gặp bà. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ ấn tượng về một phụ nữ đẹp phúc hậu với thái độ ân cần, trìu mến khi trò chuyện với cộng tác viên trẻ. Hóa ra bà là bạn đồng khóa Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng với cha tôi (nhà văn Hữu Mai).
Từ đó, tôi được gặp bà thường xuyên hơn với tư cách “con cháu trong nhà”, rồi sau này lại vinh dự trở thành đồng nghiệp của bà ở báo Phụ nữ Thủ đô và Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi luôn biết ơn bà đã động viên, cổ vũ tôi những ngày đầu đến với chữ nghĩa và càng khâm phục hơn khi biết bà là người luôn nhiệt thành ủng hộ các cây bút trẻ.

Năm 2021, để tránh đại dịch Covid-19, bà về Sóc Sơn ở với người con trai thứ ba, nghệ sĩ nhân dân, họa sĩ, nhà điều khắc Vương Duy Biên, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm 2024, sau một cơn bạo bệnh, bà yếu đi nhiều và phải di chuyển trên xe lăn.
Chúng tôi thay mặt những người làm báo Đảng, tặng bà bó hoa hồng đỏ tri ân, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam mà bà là thế hệ tiền bối. Tuy ngồi trên xe lăn, nhưng đôi mắt bà vẫn ánh lên những tia vui mừng và đáp lại chúng tôi bằng một nụ cười ấm áp.
Ông Vương Duy Biên kể, mỗi khi có các nhà báo trẻ đến chơi, mẹ ông đều rất vui và tâm trạng này kéo dài suốt cả ngày, rất tốt cho việc điều trị, chăm sóc bà. Ông cũng cho biết, hiện nay học viên Trường Huỳnh Thúc Kháng chỉ còn lại hai người là mẹ ông và cụ ông Phạm Viết Thiệu (nguyên Tổng Biên tập báo Hòa Bình) đã ở tuổi ngoài bách niên, hiện sức khỏe cũng rất yếu.
Năm tháng qua đi, thế hệ học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng dần xa khuất, nhưng họ đã để lại những vệt sáng rực rỡ trong nền báo chí và văn học, nghệ thuật cách mạng.
Có thể kể đến những tên tuổi nổi bật như: nhà báo Hoàng Kiên Trung, tức Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, được mệnh danh là “cây chính luận” của báo Đảng. Nhà báo Mai Thanh Hải, nguyên Tổng Biên tập Báo Công giáo, một chuyên gia uyên bác về tôn giáo của Chính phủ; là nhà văn với tác phẩm nổi tiếng “Điệp viên giữa sa mạc lửa” (bút danh Nhị Hồ). “Lấn sân” cả sang lĩnh vực điện ảnh, ông từng vào vai linh mục Ngô Đình Thục trong bộ phim “Ông cố vấn”. Nhà báo, nhà văn Từ Bích Hoàng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, người “anh cả” ân cần, bao dung của các nhà văn tên tuổi trong Tạp chí…
Bên cạnh hoạt động nghề nghiệp báo chí, nhiều học viên của trường còn nổi tiếng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Như đã nói ở trên, ông Vương Như Chiêm là một trong những người đầu tiên xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dưới sự chỉ đạo của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và sau này là Giám đốc Bảo tàng. Ông Trần Vũ trở thành đạo diễn điện ảnh, nghệ sĩ nhân dân, nổi tiếng với các bộ phim Đến hẹn lại lên, Chuyến xe bão táp, Những người đã gặp… Tác giả biên kịch những bộ phim này là ông Bành Bảo, cũng là học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Nhà thơ Hải Như, tác giả những bài thơ nổi tiếng về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi; Bác Hồ đứng (Người sau không bị khuất); Xin Bác cứ tập bài quyền mỗi sáng… Hải Như còn có trên 100 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc.
Trong lĩnh vực văn học, có nhà báo, nhà văn Ngô Như Mai, tác giả truyện ngắn đặc sắc Thi sĩ máy. Nhà văn quân đội Hữu Mai, một trong những thành viên đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tác giả Cao điểm cuối cùng, Vùng trời, Ông cố vấn, Đêm yên tĩnh… Ông cũng là người thể hiện bộ 5 tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Nhà văn, nhà thơ Lý Thị Trung, tác giả hơn 10 tập văn xuôi bao gồm truyện, ký, tiểu thuyết; bà đồng thời xuất bản 3 tập thơ, hiện được coi là hội viên cao tuổi nhất của Hội Nhà văn Việt Nam.
Chia tay nhà báo Lý Thị Trung, chúng tôi thầm nghĩ, với nhiều học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thì “văn, báo bất phân”, miễn là cây bút của họ được phục vụ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cuộc đời và sự nghiệp của họ giống như những trang tiểu thuyết, những thước phim quý về một giai đoạn oanh liệt trong lịch sử đấu tranh giành tự do cho giống nòi, độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Ước gì có một ngày nào đó, sẽ có những cuốn sách viết về họ, và chắc chắn đó sẽ là những tư liệu lịch sử quý giá về trường dạy làm báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày xuất bản: 18/6/2025
Tổ chức sản xuất: THẢO LÊ
Trình bày: KIM THOA
Ảnh: THẾ ĐẠI
