Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (1924-2012) là một trong những gương mặt tiêu biểu, có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh vững vàng, ông đã góp phần quan trọng trong việc truyền tải hình ảnh đất nước ra thế giới, xây dựng lòng tin và mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế. Sự nghiệp của ông là minh chứng rõ nét cho mối liên hệ hài hòa giữa báo chí và ngoại giao vì sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước.

Ngòi bút là vũ khí,
báo chí là mặt trận

Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, tên thật là Nguyễn Bá Đàn, quê ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Sinh ra tại vùng quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, Lý Văn Sáu sớm bộc lộ phẩm chất trí tuệ và tinh thần yêu nước. Ông đỗ bằng tú tài toàn phần ban triết lý tại Huế. Đây là cuộc thi tú tài cuối cùng của chế độ thực dân phong kiến được tổ chức tại Huế, ít tháng sau cuộc đảo chính của Nhật (ngày 9/3/1945).

Ngay từ khi còn đi học ở Huế, ông đã tham gia quyên góp gạo cứu đồng bào bị đói. Năm 1945, ông về quê, tiếp tục dạy truyền bá quốc ngữ. Tại một cuộc họp thanh niên ở huyện lỵ Yên Thành, ông bất ngờ được tiến cử là “Thủ lĩnh thanh niên huyện”.

Sinh ra tại vùng quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học Nghệ An, Lý Văn Sáu sớm bộc lộ phẩm chất trí tuệ và tinh thần yêu nước. Ngay từ khi còn đi học và thanh niên Lý Văn Sáu đã tham gia các hoạt động cách mạng và là "thủ lĩnh thanh niên huyện".

Sinh ra tại vùng quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học Nghệ An, Lý Văn Sáu sớm bộc lộ phẩm chất trí tuệ và tinh thần yêu nước. Ngay từ khi còn đi học và thanh niên Lý Văn Sáu đã tham gia các hoạt động cách mạng và là "thủ lĩnh thanh niên huyện".

Khi Nam Bộ kháng chiến bùng nổ (23/9/1945), ông tham gia kháng chiến tại Khánh Hòa, hoạt động trong lực lượng dân quân tự vệ và giữ vai trò Trưởng Ty Thông tin Khánh Hòa. Chính tại đây, ông đã sáng lập tờ “Báo Thắng” - tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay. “Báo Thắng” ra đời trong hoàn cảnh chiến khu gian khó, mỗi số chỉ vài trăm bản nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành công cụ tuyên truyền chủ lực, củng cố niềm tin cách mạng cho nhân dân Nam Trung Bộ.

Không dừng lại ở đó, Lý Văn Sáu cùng đồng đội còn cho ra đời tờ Le Trait d’Union (Cái gạch nối), một tờ báo binh vận bằng tiếng Pháp, nhằm kêu gọi binh lính Pháp hiểu rõ chính nghĩa của Việt Nam, từ đó thúc đẩy phong trào phản chiến trong lòng địch.

Từ năm 1949 đến 1953, ông giữ chức Phó Giám đốc Đài Phát thanh kháng chiến “Tiếng nói miền nam” tại Liên khu V – nơi tiếp tục lan tỏa tiếng nói kháng chiến đến đồng bào cả nước.

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông tập kết ra bắc và tiếp tục đảm nhiệm các công việc đối ngoại quan trọng. Ông từng là thành viên trong Phái đoàn thường trực của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tại Cuba, sau đó là cố vấn và người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Tại đây, ông đã thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của một nhà ngoại giao báo chí sắc sảo, góp phần đưa tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Trong suốt cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình, Lý Văn Sáu không chỉ là người sáng lập ra “Báo Thắng” - tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay, tờ Le Trait d’Union (Cái gạch nối), ông còn là một nhà ngoại giao báo chí sắc sảo, là thành viên trong Phái đoàn thường trực của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tại Cuba,là cố vấn và người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Hội nghị Paris... góp phần đưa tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Trong suốt cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình, Lý Văn Sáu không chỉ là người sáng lập ra “Báo Thắng” - tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay, tờ Le Trait d’Union (Cái gạch nối), ông còn là một nhà ngoại giao báo chí sắc sảo, là thành viên trong Phái đoàn thường trực của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tại Cuba,là cố vấn và người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Hội nghị Paris... góp phần đưa tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục có nhiều đóng góp cho lĩnh vực phát thanh-truyền hình, thông tấn, cũng như các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam-Cuba.

Được tôi luyện và trưởng thành trong môi trường sôi nổi của báo chí kháng chiến, Lý Văn Sáu đã nỗ lực vượt khó, kiên trì học tập chính trị, trau dồi chuyên môn, mài sắc ngọn bút để hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

Với Lý Văn Sáu, báo chí không chỉ là nghề nghiệp - đó là lý tưởng, là mặt trận đấu tranh tư tưởng không kém phần cam go so với chiến trường.

Tự nhận mình là người “sống với báo, chết với báo”, cuộc đời Lý Văn Sáu là minh chứng sống động cho hình ảnh nhà báo - chiến sĩ, nhà ngoại giao cách mạng mẫu mực. Với ông, ngòi bút là vũ khí, báo chí là mặt trận và lý tưởng cách mạng là lẽ sống suốt đời.

Lý Văn Sáu là người nổi tiếng với biệt tài học ngoại ngữ. Thời gian được cử đi học Trường Đảng ở Liên Xô, ông đã tự học tiếng Nga đủ để phiên dịch cho cả đoàn Việt Nam.

Trước đó, ông đã thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, được cử làm sĩ quan liên lạc bên cạnh Ủy ban quốc tế và Ban Liên hợp đình chiến theo Hiệp định Geneva năm 1954. Khả năng ngoại ngữ xuất sắc trở thành một trong những công cụ giúp ông tỏa sáng trên mặt trận thông tin đối ngoại và ngoại giao, góp phần đưa tiếng nói của Việt Nam ra thế giới trong những giai đoạn cam go nhất của đất nước.

Tham gia hoạt động đối ngoại trong những thời điểm then chốt của lịch sử dân tộc, nhà báo Lý Văn Sáu đã thể hiện rõ bản lĩnh, sự sắc sảo và tinh thần trách nhiệm của một người làm báo cách mạng. Không chỉ là người đưa tin, ông còn là người truyền lửa, mang hình ảnh và lập trường chính nghĩa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế bằng một tâm thế tự tin, chủ động và đầy trí tuệ.

Tại Hội nghị Paris, Lý Văn Sáu vừa là cố vấn, vừa là người phát ngôn của phái đoàn Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Ở đó, ông không chỉ đối thoại với báo chí quốc tế mà còn khéo léo đấu tranh trên mặt trận dư luận, góp phần làm sáng tỏ chân lý, phơi bày các luận điệu xuyên tạc và tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng quốc tế.

Bản lĩnh báo chí của ông còn thể hiện ở khả năng ứng xử linh hoạt, nhạy bén trước các tình huống bất ngờ, nhưng luôn giữ vững nguyên tắc, lập trường. Với phong cách đĩnh đạc, lời lẽ chừng mực mà sâu sắc, Lý Văn Sáu đã khẳng định vị thế của người làm báo không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế.

“Lý Văn Sáu là một nhà báo tầm cỡ, được mọi người rất quý mến và nể phục. Anh rất sắc sảo trả lời câu hỏi hóc búa của các nhà báo quốc tế. Trên mặt trận đấu tranh dư luận, anh Sáu đã phát huy được sở trường, kinh nghiệm báo chí của mình, có những đóng góp rất quan trọng vào thắng lợi chung”.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Hội nghị Paris Nguyễn Thị Bình.

Khi nói về nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Hội nghị Paris Nguyễn Thị Bình đã dành cho ông những lời nhận xét sâu sắc và đầy trân trọng. Bà nói: “Lý Văn Sáu là một nhà báo tầm cỡ, được mọi người rất quý mến và nể phục. Anh rất sắc sảo trả lời câu hỏi hóc búa của các nhà báo quốc tế. Trên mặt trận đấu tranh dư luận, anh Sáu đã phát huy được sở trường, kinh nghiệm báo chí của mình, có những đóng góp rất quan trọng vào thắng lợi chung”.

Lý Văn Sáu không chỉ có kỹ năng ngoại ngữ xuất sắc, khả năng phân tích nhanh nhạy mà còn có tư duy báo chí sắc sảo, luôn nắm bắt được “trận địa truyền thông” để chủ động phản bác, dẫn dắt, tạo ra hiệu ứng dư luận có lợi cho Việt Nam. Ở những thời điểm nhạy cảm nhất tại Hội nghị Paris, ông không chỉ làm tròn vai người phát ngôn, mà còn là “lá chắn dư luận” quan trọng bảo vệ hình ảnh và lập trường của Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Ông là minh chứng sống động cho một thế hệ nhà báo chiến đấu bằng trí tuệ và bản lĩnh, nơi mà ngôn từ trở thành vũ khí, còn báo chí là mặt trận không tiếng súng nhưng không kém phần khốc liệt.

Cùng tham gia Đoàn đám phán của Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam tại Hội nghị Paris, nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, 5 năm hoạt động tại Hội nghị Pari đã làm cho Lý Văn Sáu nổi tiếng như một vị “quan báo” tài năng, thông minh, sắc nhạy, biết ứng phó một cách khôn khéo những tình huống gay cấn nhất.

Theo nhà báo Hà Đăng, nói “quan báo” là bởi vào thời gian diễn ra Hội nghị Paris, rất nhiều nhà báo của chúng ta được cử sang phục vụ, một số trực tiếp làm nghề báo bên ngoài Hội nghị được gọi là “dân báo”; một số khác tham gia với tư cách là nhà đàm phán mà Lý Văn Sáu là một người như vậy. Là một trong những người phát ngôn của Đoàn, hằng tuần, sau mỗi phiên họp chính thức của Hội nghị, Lý Văn Sáu mở họp báo, trực tiếp thông báo tình hình Hội nghị và trả lời các nhà báo về bất cứ câu hỏi nào. Đó là chưa kể những cuộc họp báo bất thường, những cuộc tiếp xúc như cơm bữa với các nhà báo nước ngoài.

Nhà báo Hà Đăng nhắc lại với niềm cảm phục sâu sắc về những pha ứng biến xuất thần của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, người phát ngôn của đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Những lần ông xuất hiện trước báo giới quốc tế không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ truyền đạt thông tin, mà là những khoảnh khắc thể hiện rõ bản lĩnh và khí chất của một chiến sĩ cách mạng làm báo trên mặt trận ngoại giao.

Trong đó, tại một cuộc họp báo, có nhà báo Mỹ đưa ra tấm bản đồ khá lớn và hỏi: “Mặt trận của các ông thường khoe là kiểm soát được hai phần ba lãnh thổ miền nam Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?”.
Nhà báo Lý Văn Sáu gọn ghẽ trả lời: “Điều ông hỏi cũng là điều Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông cáo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ đã ném bom những nơi nào ở miền nam Việt Nam thì những nơi ấy là vùng giải phóng của chúng tôi”.
Cuộc họp báo sau phiên họp thứ hai của Hội nghị Paris cũng diễn ra sôi nổi. Tại đây, một nhà báo Pháp hỏi người phát ngôn của ta: “Ông nghĩ gì về việc trưởng đoàn Sài Gòn khoe khoang bản chất tốt đẹp của chính quyền họ?”. Lý Văn Sáu đáp: “Con lạc đà chui qua lỗ trôn kim còn dễ hơn chính quyền Sài Gòn tự cho mình là độc lập, dân chủ, yêu nước”. Có tiếng cười trong phòng họp. Hôm sau, tờ báo công giáo La Croix viết: “Người phát ngôn Việt Cộng cũng đang dùng ngụ ngôn trong Kinh Thánh".

“Điều ông hỏi cũng là điều Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông cáo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ đã ném bom những nơi nào ở miền nam Việt Nam thì những nơi ấy là vùng giải phóng của chúng tôi”
Nhà báo Lý Văn Sáu

Sau Hiệp định Pari về Việt Nam (27/1/1973), cuộc chiến đấu gian khổ của ta còn tiếp diễn thêm hơn hai năm ba tháng nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Lý Văn Sáu và các đồng nghiệp trở lại mặt trận tuyên truyền, báo chí quen thuộc của mình trong thời kỳ mới. Ông lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam, Ủy viên thư ký Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong khi giữ cương vị lãnh đạo và quản lý ấy, ông vẫn tiếp tục viết báo, trả lời các phương tiện thông tin đại chúng. Ngòi bút của ông sắc sảo, giọng văn thanh thoát, dễ đi vào lòng người. Lúc đã nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài với công việc, tham gia biên tập nhiều tập sách có giá trị nói về cuộc chiến đấu của chúng ta. Tập sách “Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam” do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng Đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris, chủ biên là một trong những thí dụ.

Dấu ấn một đời dấn thân
và phụng sự

Từng làm việc với đồng chí Lý Văn Sáu trong thời gian ở Ban Tuyên huấn, nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đồng chí Lý Văn Sáu là một nhà báo tài năng. Đồng chí không chỉ là cây viết mà còn là một nhà lãnh đạo, quản lý trên mặt trận báo chí, tuyên truyền từ những năm trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Đồng chí được làm việc, gần gũi các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh cùng nhiều nhà hoạt động cách mạng lão thành khác.

Với kinh nghiệm và tài năng được thể hiện khá sớm đồng chí đã được Đảng, Nhà nước “chọn mặt gửi vàng” giao nhiệm vụ để được tham gia đóng góp trên mặt trận báo chí, ngoại giao tại hội nghị Paris với tư cách lấy thành viên chính thức và là người phát ngôn của Đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam.

Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, đấy là một công việc, một nhiệm vụ không giống những công việc bình thường khác. Công việc ấy, nhiệm vụ ấy luôn đòi hỏi ở người thực hiện phải có đủ những phẩm chất và năng lực rất đặc biệt. Nói theo cách thông thường và dễ hiểu, là phải “rất hồng” và “rất chuyên”. “Hồng” về chính trị, phẩm chất ấy có thể có được ở rất nhiều người. Nhưng “chuyên” đủ để làm người phát ngôn tại một diễn đàn tầm hội nghị ngoại giao cỡ Hội nghị bốn bên ở Paris, thì người làm được công việc ấy là hiếm. Vậy mà nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu đã thực hiện một cách xuất sắc nhiệm vụ khó khăn ấy. Trên cương vị ấy những đóng góp cá nhân xuất sắc của nhà báo, nhà ngoại giao tài năng Lý Văn Sáu đã gây được tiếng vang, được mọi người biết tới.

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, với vốn tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha điêu luyện và năng lực làm báo, làm tuyên truyền, làm đối ngoại xuất sắc, ông được tổ chức bố trí hẳn sang lĩnh vực ngoại giao - làm ngoại giao mà vẫn gắn kết với báo chí.

Ông là thành viên quan trọng của ta tham gia Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam từ năm 1968-1973 trên các cương vị cố vấn, người phát ngôn của Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, người trợ thủ đắc lực của bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Hội nghị Paris lúc đó. Ông Lý Văn Sáu ở mặt trận cam go, nhiều thử thách này suốt 5 năm, chủ trì gần 100 cuộc họp báo lớn nhỏ và cái tên Lý Văn Sáu nổi tiếng ở cả Việt Nam và thế giới từ đó.

Vừa hoàn thành vai trò cố vấn, người phát ngôn của Đoàn đại biểu mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và chính phủ lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam tại hội nghị Paris, ông Lý Văn Sáu còn tích cực, khéo léo tham gia các hoạt động đối ngoại bên ngoài hội nghị như đối ngoại nhân dân, vận động việt kiều, vận động nhân dân, giới báo chí, trí thức, chính khách các nước đồng tình, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu rất phong phú, sôi động. Dù ở cương vị nào ông luôn chủ động, sắc sảo, cẩn trọng, lịch lãm trong mọi công việc. Ông kiên trì học ngoại ngữ, học kỹ năng báo chí, học ngoại giao, viết báo, trả lời phỏng vấn báo chí, quản lý nội dung, nâng cao chất lượng hiệu quả mọi công việc được giao.

Tổ chức sản xuất: THẢO LÊ
Trình bày: KIM THOA
Ảnh: TƯ LIỆU BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM