
"Tờ báo Đảng như là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta".
Hồ Chí Minh
(Cần phả xem báo Đảng)
Báo chí phải phục vụ nhân dân, nhà báo cũng là chiến sĩ

Báo chí là kênh thông tin hai chiều để đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được nhân dân nhận thức và thực hiện, đồng thời những tâm tư nguyện vọng của nhân dân được phản hồi lại với những người có trách nhiệm hoạch định chính sách.
Báo chí phải đóng vai trò vừa là người góp công xây dựng vừa là người góp phần bảo vệ sự nghiệp xây dựng xã hội mới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ, mục đích chung của báo chí là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, tổ chức nhân dân đoàn kết, thi đua ái quốc để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Báo chí phải đóng vai trò vừa là người góp công xây dựng vừa là người góp phần bảo vệ sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam tháng 4/1959, Người nhấn mạnh: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”[i].
Nhà báo lớn Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng khi thực hiện những luận điểm này. Trên mặt báo - đặc biệt là Báo Nhân Dân, Người thường xuyên có nhiều bài viết về những gương người tốt, việc tốt, và cả về những điều chưa tốt cần chấn chỉnh. Người cũng để lại văn phong báo chí và nghệ thuật làm báo, viết báo đặc sắc Hồ Chí Minh - những điều cùng góp phần chuyển tải tư tưởng và khắc họa nên phong cách Hồ Chí Minh vĩ đại nhưng bình dị mà mỗi nhà báo hiện nay đang học tập và làm theo.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5/1968). (Ảnh: TTXVN) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: Nhà báo cần nêu cao trách nhiệm trong hoạt động tác nghiệp của mình - đề cao cái tốt, cái tích cực; phát hiện và đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực. Nhà báo phải gần gũi với quần chúng, học hỏi nhân dân để tiến bộ, phải phản ánh trung thực xã hội và luôn tâm niệm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”[ii].
Người cũng để lại văn phong báo chí và nghệ thuật làm báo, viết báo đặc sắc
Hồ Chí Minh
"Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng".
Những bài báo tràn đầy tư tưởng và tình cảm

Bài báo ngắn Phong trào mua công trái đăng số báo ra ngày 11/3/1951 là bài đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân, với bút danh C.B. Trên các trang Báo Nhân Dân sau đó đã có hơn 700 bài ký bút danh C.B cùng với hơn 30 bút danh khác, tiêu biểu như: V.K, A.G, T.L,L.T, K.C, Ph.K.A, C.K, Trần Lực, Tuyết Lan, Trần Lam, Luật sư Th.Lam, Lê Thanh Long, CH... KCPP, Chiến sĩ, Thanh Lan, Lê Nông, La Lập, Nói Thật, Chiến Đấu, Việt Hồng... Đến nay đã sưu tầm được hơn 1.200 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân trong khoảng thời gian từ năm 1951 đến năm 1969.
Chủ đề các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Nhân Dân rất phong phú.
Chủ đề các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Nhân Dân rất phong phú. Từ những vấn đề lớn về đường lối cách mạng, về xây dựng Đảng, về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, về tình hình trong nước và quốc tế, về những thành tựu của “phe” xã hội chủ nghĩa và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc... cho tới những điều cụ thể, chi tiết trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống lụt bão, tết trồng cây, những gương người tốt, việc tốt, những cách làm tốt, những việc đáng khen và cả những việc đáng chê trong thực hiện nếp sống mới, trong thực hành cần kiệm...
Chủ đề được Người đặc biệt quan tâm là xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong bài viết ngắn nêu trực tiếp vấn đề Đạo đức cách mạng, với bút danh C.B, đăng ngày 6/6/1955, Người đã nêu một định đề “ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng” và chỉ ra “Muốn cải thiện đời sống, thì trước phải ra sức thi đua phát triển sản xuất; và trước phải nâng cao mức sống của nhân dân, rồi mới nâng cao mức sống của cá nhân mình. Tức là: “Lo, thì trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ”.

Nhưng vẫn còn có một số đảng viên và cán bộ “tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm: kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân”. Người chỉ ra: “Để ngăn ngừa cái xấu ấy, Đảng ta từ trên đến dưới phải chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng, tăng cường tinh thần cảnh giác, mở rộng tự phê bình và phê bình”.
Chỉ điểm tên một số bài báo cũng có thể thấy chủ đề này được Người theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời từ thực tế: Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải thế nào?, Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh, Tự phê bình và phê bình, Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn, Tự phê bình, phê bình, sửa chữa, Tiêu chuẩn của người đảng viên...
Trong mùa xuân Kỷ Dậu 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, với bút danh T.L, gửi gắm những điều tâm huyết của Người về việc rèn luyện đạo đức cách mạng, đăng đúng ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Trong bài viết, để Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh năm điều: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
Với từng cá nhân, phương cách tốt được Người nhiều lần chỉ rõ là tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc với tinh thần đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. Những điều này chưa hề “cũ” mà vẫn tương đồng với những nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn đang được Đảng tiến hành quyết liệt.
Cũng trong mùa xuân năm 1969, Người viết bài Tết trồng cây cuối cùng, với bút danh T.L, đăng ngày 5/2/1969. Trước đó, bắt đầu từ mùa xuân năm 1960, Người phát động phong trào Tết trồng cây “để cho đất nước càng ngày càng xanh”. Rồi từ đó, rất đều đặn, chỉ trừ những năm miền Bắc có chiến tranh, năm nào Người cũng có bài trên Báo Nhân Dân động viên phong trào.
Tất cả các bài viết của Người trên Báo Nhân Dân đều mang tải tư tưởng và thấm đậm tình cảm của một con người vĩ đại luôn tận hiến vì dân, vì Đảng.
Người đã để lại cho toàn dân một phong tục tốt đẹp mới, ngày càng nối dài và mở rộng. Không chỉ chú trọng kêu gọi nhân dân trồng cây “vì lợi ích mười năm”, Người trăn trở việc “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Ngày 1/6/1969, Báo Nhân Dân đăng bài Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng ký bút danh T.L.
Trước khi đi xa, Người căn dặn: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”. Tất cả các bài viết của Người trên Báo Nhân Dân đều mang tải tư tưởng và thấm đậm tình cảm của một con người vĩ đại luôn tận hiến vì dân, vì Đảng.
---------------
Ngày xuất bản: 6/2025
Nội dung: NGÔ VƯƠNG ANH
Trình bày: NGỌC DIỆP