Trong lòng mỗi thành phố hiện đại, giữa những nhịp sống tất bật và dòng người hối hả, có một lực lượng lao động không chỉ âm thầm mưu sinh mà còn góp phần vào sự vận hành không ngừng nghỉ của nơi mà họ đặt chân đến. Đó là những người lao động di cư - những con người mang theo khát khao cải thiện cuộc sống, vượt qua vô vàn khó khăn để xây dựng cuộc sống mới. Là dân di cư, nhưng mỗi người đều chung tay đóng góp cho cộng đồng, góp phần giữ gìn những giá trị sống nhân văn cho đô thị hiện đại.

Sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, chị Lành rời quê lên Hà Nội mưu sinh từ khi còn rất trẻ. Để thuận tiện chăm sóc gia đình và chủ động trong công việc, chị Lành nhận may gia công ngay tại nhà.

Căn phòng trọ trong một con hẻm nhỏ vừa là nơi gia đình chị sinh sống, vừa là góc làm việc của chị. Ở đó, đôi tay chị luôn miệt mài bên từng đường chỉ, cố gắng hoàn thiện nhiều sản phẩm nhất để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tiếng máy may lạch cạch trở thành âm thanh quen thuộc của cả căn phòng, đôi khi lấn át cả tiếng cười đùa của các con chị trong góc nhà.

Không chỉ bận rộn với công việc và lo toan cho gia đình, chị Lành còn đặc biệt để tâm đến việc giữ gìn môi trường sống chung quanh. Nhận thấy góc phố mình sinh sống mọi người hay vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, chị Lành thường chủ động thu dọn rác và để vào đúng nơi quy định. Hằng ngày, chị Lành cẩn thận quét dọn từng góc phố, góp phần tạo không gian chung sạch sẽ để trẻ em trong xóm có nơi vui chơi thoải mái. Những con đường mà trước đây từng ngổn ngang rác thải giờ đã trở nên thoáng đãng, sạch đẹp, như một món quà giản dị mà chị dành cho cộng đồng, tri ân nơi mình đang sinh sống.

Không chỉ dừng lại ở hành động, chị Lành còn tích cực vận động mọi người trong khu phố nâng cao ý thức bảo vệ môi trường:

Rác thì vứt đúng chỗ nhé, khu phố mình sạch đẹp hơn nhiều mà!

Câu nói tưởng chừng như đơn giản nhưng đầy chân tình của chị vang lên trong các buổi họp tổ dân phố và cả những lần chị trò chuyện với từng gia đình, dần dần tạo nên thói quen tốt và gắn kết mọi người hơn. Điều kỳ diệu là, không chỉ môi trường sống chung quanh con phố được cải thiện, mà cả bầu không khí sẻ chia, đoàn kết cũng được lan tỏa.

Cũng lên Hà Nội để mưu sinh, ở xóm nhỏ Phúc Tân có một người phụ nữ nhỏ bé nhưng đầy nghị lực, luôn âm thầm cống hiến cho cộng đồng. Mọi người ở trong xóm hay gọi người phụ nữ ấy bằng một cái tên thân thương: “Cô Hồng - Thủ lĩnh nhóm di cư”.

Một mình lặn lội rời xa quê hương từ khi còn trẻ, bà Hồng rong ruổi trên từng góc phố Hà Nội, lặng lẽ thu gom ve chai và nhận làm đủ mọi công việc, như dọn dẹp nhà cửa, quét dọn sân vườn, tất cả chỉ để kiếm sống. Đôi bàn tay lam lũ của bà, dù đã chai sạn qua bao năm tháng, vẫn rất chắt chiu nâng niu sự sống.

Điều làm nên sự đặc biệt ở bà Hồng không chỉ là sự nỗ lực mưu sinh, mà còn là tình yêu thương và trách nhiệm đối với cộng đồng.

Điều làm nên sự đặc biệt ở bà không chỉ là sự nỗ lực mưu sinh, mà còn là tình yêu thương và trách nhiệm đối với cộng đồng. Hiểu rõ những vất vả, khó khăn mà người lao động di cư như mình phải đối mặt, bà Hồng đã đứng ra thành lập nhóm hỗ trợ lao động di cư tại Phúc Tân. Với sự kiên trì không mệt mỏi, bà Hồng không ngừng vận động các cấp chính quyền và các nhóm thiện nguyện để đem đến những nguồn hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng khó khăn ấy. Đặc biệt, trong những năm đại dịch khốn khó, bà không ngần ngại gõ cửa từng tổ chức, từng cá nhân để xin nhu yếu phẩm cho nhóm lao động di cư tại Phúc Tân.

Nhóm lao động di cư tại Phúc Tân mà bà Hồng gây dựng không chỉ kết nối những người con xa quê mà còn là điểm tựa tinh thần để mỗi người tìm thấy sự an ủi, sẻ chia và động viên lẫn nhau giữa những áp lực, bộn bề của gánh nặng mưu sinh. Đây là nơi mà những câu chuyện đời thường được lắng nghe, những khó khăn được san sẻ, và những hy vọng nhỏ bé được nhen nhóm, giúp mỗi thành viên cảm thấy bớt cô đơn trên hành trình gian nan nơi đất khách.

Dù xuất phát từ hai hoàn cảnh khác biệt, câu chuyện của chị Lành và bà Hồng lại có chung một sợi dây kết nối, đó là tình yêu dành cho cộng đồng và những nỗ lực bền bỉ góp phần tạo nên một Hà Nội đáng sống. Nếu chị Lành âm thầm biến từng góc phố trở nên sạch đẹp hơn bằng đôi tay cần mẫn, thì bà Hồng, với những bước chân không mỏi rong ruổi khắp các ngõ ngách, đã tạo nên một cộng đồng sẻ chia và đoàn kết từ chính sự thiếu thốn của mỗi người. Họ đều là những người phụ nữ bình dị nhưng mang trong mình sức mạnh lớn lao, lan tỏa tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn tới những người chung quanh.

Dù mang lại nhiều giá trị cho thành phố, nhưng những người lao động xa quê, làm việc trong lĩnh vực phi chính thức (không có hợp đồng lao động) như chị Lành và bà Hồng vẫn phải đối mặt với không ít rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội.

Từ những ngày đầu khi đặt chân lên Hà Nội, chị Lành không chỉ phải thích nghi với môi trường mới mà còn đối mặt những khó khăn chồng chất trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Một trong những trở ngại lớn nhất chính là việc đăng ký tạm trú, tạm vắng - yêu cầu bắt buộc nhưng lại vô cùng phức tạp đối với chị. Không có ai hướng dẫn, chị đành tự mình mày mò, hỏi han từ hàng xóm đến đồng nghiệp để hiểu cách hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Việc này không chỉ tiêu tốn nhiều thời gian mà còn khiến chị không ít lần cảm thấy lạc lõng, áp lực trong những ngày đầu làm quen với cuộc sống mới.

Khó khăn tiếp tục chồng chất khi chị muốn đăng ký cho hai con của mình vào học trường công tại khu vực gần nhà. Thiếu thông tin, chị không biết phải bắt đầu từ đâu, cần nộp giấy tờ gì, liên hệ với ai, hay làm thế nào để con mình có thể được học trong một môi trường phù hợp. Hành trình tìm kiếm thông tin của chị trở nên gian nan, kéo dài nhiều ngày với những lần đi lại, hỏi thăm khắp nơi. Thậm chí, nhiều lần chị còn phải ngậm ngùi chấp nhận lời từ chối nhập học của trường vì hồ sơ của con chị thiếu các giấy tờ cần thiết.

Với bà Hồng, những thách thức còn lớn hơn. Vì là một người vô gia cư, không có hộ khẩu, bà Hồng gặp khó khăn ngay từ việc làm thẻ căn cước công dân – một giấy tờ quan trọng để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trước hết, bà bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế công, buộc phải tìm đến các cơ sở khám bệnh tư nhân với chi phí đắt đỏ, vượt ngoài khả năng chi trả của mình.

Việc thiếu những thông tin cơ bản này khiến cho người lao động di cư bỏ lỡ những quyền lợi y tế quan trọng, phải tốn thêm nhiều chi phí khám chữa bệnh, gây thêm áp lực cho cuộc sống vốn đã mưu sinh rất vất vả của họ. Khó khăn của người lao động di cư không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận dịch vụ y tế hay giải quyết các thủ tục hành chính rườm rà, mà còn nằm ở những áp lực lớn đến từ chi phí sinh hoạt tại thành phố. Tiền thuê nhà trọ đắt đỏ, cộng thêm các khoản sinh hoạt phí như tiền điện, tiền nước thường bị tính giá cao hơn mức quy định, khiến cho gánh nặng tài chính trở thành vấn đề dai dẳng, đẩy nhiều người lao động di cư vào vòng xoáy của sự chật vật, thiếu thốn.

May mắn thay, những thay đổi tích cực trong các chính sách về an sinh xã hội gần đây đã mở ra nhiều cơ hội mới, giúp người lao động di cư dễ dàng tiếp cận các dịch vụ cơ bản và nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực hơn. Một trong những bước tiến đáng chú ý của chính sách an sinh là việc triển khai nền tảng công nghệ số VNeID, giúp người lao động dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính như đăng ký tạm trú, tạm vắng ngay tại nhà mà không cần phải trực tiếp đến các cơ quan công an. Ngoài ra, các quyền lợi của người lao động di cư trong các chính sách về bảo hiểm xã hội cũng ngày càng được chú trọng, với những điều chỉnh tích cực như bổ sung chế độ thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, và giảm thời gian tối thiểu đóng để được hưởng lương hưu.

Chuỗi sự kiện Truyền thông chia sẻ dự án WODIMO - Hội chợ - Livestream Phụ nữ ứng dụng công nghệ số mở ra cơ hội trong kinh doanh thương mại điện tử và tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ an sinh xã hội.

Chuỗi sự kiện Truyền thông chia sẻ dự án WODIMO - Hội chợ - Livestream Phụ nữ ứng dụng công nghệ số mở ra cơ hội trong kinh doanh thương mại điện tử và tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều dự án cộng đồng cũng đã được triển khai, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống cho người lao động di cư. Nổi bật trong số đó là dự án WODIMO - một dự án được Liên minh châu Âu tài trợ, tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội (CEWDS) thực hiện. Đây là dự án hỗ trợ phụ nữ lao động di cư, đặc biệt trong lĩnh vực phi chính thức ứng dụng công nghệ số để mở ra cơ hội việc làm và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Dự án không chỉ cung cấp thông tin hữu ích về các chính sách an sinh xã hội mà còn tổ chức các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho chị em phụ nữ di cư. Qua đó, các chị em có thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh trực tuyến an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật, giúp gia tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Quan trọng hơn, dự án còn giúp người lao động di cư hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó biết cách tận dụng tốt hơn các dịch vụ xã hội.

Những cải thiện trong các chính sách về an sinh xã hội và sự ra đời của các dự án như WODIMO là minh chứng cho sự quan tâm ngày càng lớn của xã hội đối với cộng đồng người lao động di cư. Có thể thấy, để xây dựng một Hà Nội “đáng sống”, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và cả cộng đồng trọng việc tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng lao động di cư, giúp họ an tâm lao động, cống hiến và phát triển. Chỉ khi ấy, thành phố mới thật sự trở thành nơi gắn kết, nơi mà mỗi người đều được sống và phát triển một cách công bằng và bền vững.

Nơi mà, không một ai bị bỏ lại ở phía sau!

Ngày xuất bản: 31/12/2024
Chỉ đạo thực hiện: Vũ Mai Hoàng
Nội dung: Lưu Hương, Nguyễn Hà
Ảnh: TUVA Communication
Trình bày: Phương Nam