LÊ QUANG TRANG

Tìm hiểu về lịch sử báo chí cách mạng, khi nhắc đến Báo Nhân Dân, có một lĩnh vực mà xã hội chú ý, đề cao, đó là mảng chính luận. Đây là một lĩnh vực khó, song cũng là một thế mạnh của báo, đòi hỏi người viết tài năng, bản lĩnh, sắc bén, cập nhật những vấn đề thời sự nóng, trả lời đúng câu hỏi mà bạn đọc đang mong đợi.

Một thời gian dài, Báo Nhân Dân đã đáp ứng được yêu cầu đó, với một đội ngũ hùng hậu những tên tuổi lừng lẫy, những cây bút báo chí cách mạng hàng đầu của Việt Nam, nhiều cây bút được xem là bậc thầy của làng báo chí nước nhà.

1Thời kỳ này đất nước ta tạm chia hai, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội trên nửa phần miền bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà. Đời sống xã hội có nhiều chuyển động, biến động mạnh mẽ. Song phải nhận rằng, trước Đổi mới, trong một thời gian dài, hầu như tin tức báo chí ta, cả ngoài nước và trong nước, thường đưa theo một đầu mối duy nhất là Thông tấn xã Việt Nam. Điều đó có thuận lợi là chính xác, chân thực, thống nhất, nhưng hạn chế là thiếu sự đa dạng, thiếu sắc thái do góc nhìn, định giá khác nhau của cơ quan báo chí và từng phóng viên.

Trong tình hình đó, việc bình luận, bàn luận, mở rộng vấn đề, là yếu tố cần thiết, tạo ra sự khác biệt của báo chí. Sâu sắc hay nông cạn, rộng mở hay chặt chẽ, đều lộ qua con chữ, qua tay nghề nhà báo. Thể loại chính luận trở nên đắc địa. Và Báo Nhân Dân trong một thời gian dài, được công chúng đánh giá cao về những tác phẩm báo chí chính luận.

Nói điều này cần khẳng định công lao to lớn của nhà báo Hoàng Tùng, thời ông làm Tổng Biên tập. Ngoài trực tiếp viết hàng nghìn bài xã luận, bình luận, ông còn rất chú ý xây dựng đội ngũ. Ông nghiêm khắc khi duyệt bài, đòi hỏi cao về chất lượng, khiến nhiều nhà báo khi được giao soạn thảo bước đầu e ngại.

Nhà báo Hữu Thọ là một cây bút cự phách, sau từng là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, trong một hội thảo có kể lại: “Anh (Hoàng Tùng) chữa bài rất nghiêm khắc nhưng cũng rất chu đáo. Có bài bắt viết lại. Có bài dập xóa cả đoạn dài, kèm theo lời phê có khi rất nghiêm khắc trên góc bài. Nộp bài cho anh và chờ anh chữa bài là thời gian hồi hộp của chúng tôi... Nhưng dưới thời anh làm Tổng Biên tập, lại có những cây bút sắc sảo như các anh Thép Mới, Quang Thái, Trần Kiên, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hồng Hà, Diệu Bình, Lê Ðiền, Phan Quang...”.

Tiếp nối truyền thống của người đi trước, các thế hệ lãnh đạo sau đều rất quan tâm đến xây dựng đội ngũ bình luận, chính luận, và vì thế, trong một thời kỳ dài, phần xã luận, bình luận, chính luận trên Báo Nhân Dân đã có sức thu hút và chinh phục lớn, trở thành một “thương hiệu mạnh” được xã hội mến mộ và công chúng đánh giá cao.

Tiếp nối truyền thống của người đi trước, các thế hệ lãnh đạo sau đều rất quan tâm đến xây dựng đội ngũ bình luận, chính luận, và vì thế, trong một thời kỳ dài, phần xã luận, bình luận, chính luận trên Báo Nhân Dân đã có sức thu hút và chinh phục lớn, trở thành một “thương hiệu mạnh” được xã hội mến mộ và công chúng đánh giá cao.

Tổng Biên tập Hoàng Tùng (đứng giữa) cùng cán bộ, phóng viên đón Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Báo Nhân Dân năm 1957.

Tổng Biên tập Hoàng Tùng (đứng giữa) cùng cán bộ, phóng viên đón Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Báo Nhân Dân năm 1957.

2Đặc điểm chung của thể chính luận là phải gắn bó và bám sát thực tế, chọn lọc được vấn để nổi bật, liên quan mật thiết với số đông trong xã hội vào từng thời điểm, từ đó thể hiện thành bài viết, dưới những hình thức khác nhau, bằng những luận điểm mới mẻ, vững chắc, sắc bén, logic, qua việc sử dụng ngôn từ chuẩn xác, tinh tế, để lay động người đọc, tạo chuyển biến trong nhận thức và trong hành vi của người tiếp nhận.

Đấy là nói về lý thuyết, nhưng khi đi vào đời sống, mọi chuyện lại khác nhiều. Không phải là tài năng thì khó có tác phẩm hay. Nhiều cây bút của Báo Nhân Dân mà chúng tôi đề cập trên đây là những tài năng thực sự. Trong số này, nhà báo Hoàng Tùng là ngọn cờ đầu, như linh hồn của Báo Nhân Dân trong khoảng 30 năm, từ giữa những năm 1950 đến giữa những năm 1980, khi ông được điều động đảm nhiệm chức trách mới.

Phong cách báo chí của ông mạnh mẽ, cô đọng, chặt chẽ, tinh tế, hào sảng. Rất nhiều xã luận, bình luận của ông vào những thời điểm quan trọng, như dịp các Đại hội Đảng; khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền bắc (8/1964), ồ ạt đổ quân vào miền nam (3/1965); ngày Bác Hồ từ trần (9/1969); thời gian Trung Quốc thực hiện ngoại giao bóng bàn, “đi đêm” sau lưng bạn bè để ký kết Thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ (2/1972); ngày bọn bành trướng bá quyền gây chiến tranh biên giới phía bắc (2/1979)… là những bài chính luận rực lửa, hùng hồn, hiệu triệu sôi sục, khích lệ động viên mạnh mẽ các tầng lớp xã hội.

Nhà báo Thép Mới cũng là cây bút đặc biệt xuất chúng. Lời văn hào hùng giàu cảm xúc từ thuở ban đầu như Trung thu độc lập đầu tiên; Điện Biên Phủ, một danh từ Việt Nam; qua Trường Sơn hùng tráng; Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người; Hừng đông của ngày mới... đều là những tác phẩm chính luận - tùy bút đặc biệt xuất sắc nằm trong văn trường ấy.

Nhà báo Hồng Hà trao đổi với Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Nhà báo Hồng Hà trao đổi với Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Rồi cây bút Trần Kiên, Hà Đăng, những nhà bình luận nổi tiếng dưới các bút danh “người quan sát”, “người bình luận” ở trang quốc tế, văn phong đanh thép, sắc sảo vạch rõ mánh khóe của kẻ thù, lại chan chứa tình cảm khi nói về bầu bạn. Nhà báo Hữu Thọ lão luyện mà hóm hỉnh, cô đọng, gợi nhiều liên tưởng, ẩn giấu triết lý sâu sắc về cách làm ăn và lẽ sống ở đời. Quang Đạm trên nền văn hóa rộng gợi mở tầm nghĩ sâu xa về luật pháp. Nguyễn Hữu Chỉnh chắt lọc, độc đáo khi luận bàn về chính trị, kinh tế quốc tế với những trang viết tinh xảo. Hồng Hà, Lê Điền, Phan Quang gắn bó đời sống sản xuất, chiến đấu của dân tộc, khám phá và phát hiện nhiều vấn đề mới, cụ thể mà ân tình, có sức thuyết phục cao.

3Để làm được điều này, ngoài trải nghiệm của bản thân người viết, còn là sự học tập tích lũy không ngừng. Hầu hết họ là những chiến sĩ cộng sản kiên trung từng lăn lộn, trải nghiệm qua nhiều môi trường, công việc khác nhau, đòi hỏi bản lĩnh và sáng tạo khi xử lý tình huống. Hoàng Tùng từng tù đày trong nhà lao Sơn La với các bậc tiền bối như Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, lại thêm nhiều năm làm việc gần gũi bên Bác Hồ và các đồng chí lãnh tụ cấp cao, nên tiếp thu được nhiều điều hay và phong cách làm việc sáng suốt.

Nhóm 3 nhà báo Báo Nhân Dân Phạm Thanh, Đỗ Quảng và Lê Bá Thuyên (ở giữa, từ trái sang) tác nghiệp tại Quảng Trị cuối tháng 4/1972.

Nhóm 3 nhà báo Báo Nhân Dân Phạm Thanh, Đỗ Quảng và Lê Bá Thuyên (ở giữa, từ trái sang) tác nghiệp tại Quảng Trị cuối tháng 4/1972.

Nguyễn Thành Lê trưởng thành sớm từ trong phong trào báo chí và công tác đối ngoại, nên tinh thông nhiều việc. Quang Đạm xuất thân gia đình hiếu học, lại rất chăm tích lũy, được coi là “từ điển sống” và học giả uyên bác. Trần Kiên thông minh, giác ngộ chính trị từ thời học sinh, từng Nam tiến, sớm vào nghề và xuất sắc từ lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng đầu kháng chiến chống Pháp. Hà Đăng, Hữu Thọ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Quang đều từng là cán bộ năng động gắn bó với cơ sở, trưởng thành từ thực tiễn và nghề viết ở những địa bàn khốc liệt. Hơn nữa, các ông đều là những tấm gương về học tập. Khi đã có tuổi, các ông Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê vẫn rất chăm đọc, nghe, đi và viết.

Từ phải sang, nhà báo Thép Mới, nhà thơ Chế Lan Viên, GS, bác sĩ Trần Hữu Tước, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Huy Cận tại hiện trường Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom B52 tháng 12/1972.

Từ phải sang, nhà báo Thép Mới, nhà thơ Chế Lan Viên, GS, bác sĩ Trần Hữu Tước, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Huy Cận tại hiện trường Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom B52 tháng 12/1972.

Riêng tôi, sau ngày đất nước thống nhất, từ chiến trường về, có 20 năm làm Báo Nhân Dân, với các cây bút trên, có người là thủ trưởng trực tiếp như Hoàng Tùng, Thép Mới, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Trần Kiên, có người gián tiếp như Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Phan Quang, Nguyễn Hữu Chỉnh, Quang Thái, Lê Điền, Diệu Bình, đều để lại trong tôi nhiều bài học quý về nghề nghiệp, nhất là trong lĩnh vực viết chính luận, bình luận. Tròn 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhắc lại đôi nét thành tựu huy hoàng của văn chính luận trên Báo Nhân Dân, là cách để các thế hệ cùng tự hào về điểm sáng truyền thống, cũng là cách phát huy bài học khai thác thế mạnh làm nên thương hiệu của tờ báo.

Ngày đăng: 20/6/2025
Trình bày: NAM ĐÔNG-PHƯƠNG NAM