Xuyên suốt cả trăm năm đồng hành với đất nước, dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam chủ động bước qua nhiều nấc thang tiến bộ cả về nội dung và hình thức. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người làm báo Việt Nam luôn sẵn sàng tinh thần vượt khó, sáng tạo để sản phẩm của mình đạt được mục tiêu phục vụ bạn đọc tốt nhất, ở lại với bạn đọc lâu nhất.

 ẤN TƯỢNG
VÀ SINH ĐỘNG

Ta có thể cùng một lần mở lại trang báo Thanh Niên của những ngày tháng 6/1925, hoàn toàn chỉ có chữ viết tay, cả manchette tờ báo cũng được viết tay với ba phần nội dung đặt trong khung hình chữ nhật ở đầu trang nhất, từ trái sang phải: Hình ngôi sao, từ “Thanh Niên” bằng chữ Hán, từ “Thanh Niên” bằng chữ quốc ngữ. Nét bút thanh thoát mà chân phương.

Để tạo điểm nhấn trên trang báo này, người làm báo cũng đóng khung phần nội dung cần được bạn đọc chú ý và đặt ở vị trí trung tâm trang báo, hoặc thêm dòng kẻ lượn sóng dưới tiêu đề bài viết để thu hút ánh nhìn của bạn đọc…

Trong trang báo Thanh Niên còn có những hình vẽ minh họa, biếm họa, kết tinh từ nghĩ suy đau đáu về hiện tình đất nước và từ cách chắt lọc nội dung thật sắc nét, để chỉ qua một hình vẽ nhỏ mà hàm chứa lượng thông tin lớn chuyển tải đến bạn đọc.

16 năm sau, vẫn là những trang báo viết tay, nhưng Việt Nam Độc lập đã chuyển sang một nấc thang trình bày mới. Một điểm nhấn thị giác quan trọng trên trang nhất của tờ báo chính là hình minh họa cùng các câu thơ, vè, ngạn ngữ dễ nhớ, dễ thuộc với mọi tầng lớp chúng dân.

Trên trang nhất của số báo 103, ra ngày 23/8/1941, bức đồ họa chữ “Việt Nam độc lập” được thể hiện vô cùng sáng tạo, lại đóng trong khung hình chữ nhật, thu hút sự chú ý của bạn đọc. Nét và chữ tạo thành hình một người đang rộng bước về phía trước, đầu đội nón/chính là mũ của chữ “ô” trong từ “độc”, tay cầm kèn đang thổi với nét mặt lạc quan, bên lưng nhân vật là lá hiệu kỳ của Mặt trận Việt Minh-tổ chức chủ trương xuất bản tờ báo.

Ngay bên dưới, cùng trong khung, là những câu thơ: “Việt Nam độc lập thổi “kèn loa”/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt…”. Hình và lời kết hợp thành như một nội dung cổ động gửi đến tất thảy dân chúng cùng Mặt trận Việt Minh đoàn kết đấu tranh sớm giành độc lập cho nước nhà.

Thật đơn sơ trong hoàn cảnh làm báo, sản xuất báo bí mật mà vẫn đủ sức gây ấn tượng bởi dường như ở đó, chứa đựng và truyền tải được tâm tình, nhiệt huyết vì độc lập dân tộc, vì ấm no, tự do của dân chúng của người chủ bút kiêm tác giả: Nguyễn Ái Quốc-Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Những tờ báo đầu tiên do Bác Hồ sáng lập và thực hiện đã trở thành bài học trực quan quý giá về mục đích làm báo, cách thức làm báo và phương pháp thực hiện để đạt được mục đích ấy theo nghĩa tốt đẹp nhất.

“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Theo lời Bác và noi gương Bác, các thế hệ người làm báo cách mạng Việt Nam, trong mọi giai đoạn lịch sử về sau, luôn nỗ lực để mỗi trang báo là nơi hội tụ của những thông điệp sáng rõ từ ngôn từ đến đồ họa chữ, minh họa, hình ảnh, đem tới mọi tầng lớp nhân dân thông tin chính thống theo cách chuẩn mực và dễ hiểu, sinh động nhất.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, dù phải làm việc ở chiến khu, nơi lán trại, hầm bí mật, căn cứ địa giữa mưa bom bão đạn, các tòa soạn báo chí vẫn hoạt động đều đặn, số lượng đầu báo ngày càng tăng, số lượng bản in ngày càng lớn. Sự tham gia trình bày và minh họa báo của các họa sĩ danh tiếng, từng được đào tạo bài bản dưới mái trường Mỹ thuật Đông Dương, như Trần Văn Cẩn (1910-1994), Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), Mai Văn Hiến (1923-2006) đã tiếp tục đóng góp tính khoa học, sự trang trọng cho toàn bộ trình hiện của trang báo, tờ báo, nhân lên giá trị của thông tin.

Để ý một chút trên trang nhất của Báo Nhân Dân số 1, ra ngày 11/3/1951, sẽ thấy họa sĩ trình bày rất chú trọng đến việc điệp nét, nhắc lại nét chữ của các cụm tiêu đề nhằm tránh sự xuất hiện của quá nhiều dạng nét trên cùng trang báo, dễ gây rối mắt.

Đăng đối với màu đỏ của manchette Nhân Dân trên đầu trang báo là cụm chữ màu đỏ để ở cuối trang-tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam: Đoàn kết nhân dân/ Phụng sự tổ quốc. Trong đó, tên của Đảng được viết mảnh hơn, để nghiêng, còn tuyên ngôn được thể hiện bằng toàn bộ nét đậm, hàm ý nhấn mạnh…

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là người trình bày số báo này. 

Họa sĩ Mai Văn Hiến là tác giả của bức tranh mang tinh thần cổ động "Giặc tưởng phá được mùa màng/ Ngờ đâu ta đánh cụt càng, trụi râu", trên trang nhất của báo Quân đội nhân dân số 1, ra ngày 20/10/1950.

Bức tranh được vẽ theo phong cách đồng hiện, trải nội dung theo trục dọc, gần với tư duy thẩm mỹ tranh dân gian.

Giữa những hàng lúa trĩu bông, vô số con châu chấu lớn nhỏ được “nhân hóa” thành hiện thân của quân Pháp, đang bị cả ba lực lượng của ta, quân đội, công nhân và nông dân, tiêu diệt bằng đủ loại vũ khí có trong tay.

Bức tranh đi cùng bài viết của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh: “Đánh thắng và bảo vệ mùa màng”, cùng dòng tóm tắt nội dung chính, được trình bày in đậm ngay bên dưới tiêu đề: “Nếu chúng ta không thực hành được hai nhiệm vụ ấy thì chúng ta không thể tự nhận là Quân đội nhân dân”.

Bức minh họa góp thêm một luồng thông tin thông qua tiếp nhận thị giác rất hiệu quả, cổ vũ tinh thần đoàn kết công-nông-binh một lòng đánh đuổi quân xâm lược.

Trang nhất, báo Văn nghệ, số 18, ra ngày 24/4/1976 với bức tranh về niềm vui thống nhất đất nước của họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Trang nhất, báo Văn nghệ, số 18, ra ngày 24/4/1976 với bức tranh về niềm vui thống nhất đất nước của họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Việc tận dụng hình thức tranh vẽ minh họa/cổ động trên các tờ báo chính trị xã hội còn là cách để làm thấm sâu nội dung thông tin tới mọi tầng lớp dân chúng, nhất là giai cấp nông dân vốn không phải ai cũng có thđọc thông viết thạo trong hoàn cảnh kháng chiến gian khó đủ bề.

Sự chú trọng chất lượng trình bày và minh họa trên các tờ báo ra đời sớm của báo chí cách mạng Việt Nam đã dẫn hướng hàng loạt sản phẩm báo chí xuất hiện muộn hơn, ở cả cấp trung ương và địa phương khắp cả ba miền nam, trung, bắc, cùng nỗ lực thực hiện theo tiêu chí này, đem lại vẻ đẹp riêng biệt, rất sinh động của báo chí cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

“Đầu năm 1968, tôi theo đơn vị từ miền bắc vào chi viện, dừng lại ở vùng Quảng Nam-Đà Nẵng. Ban đầu, tôi được phân công làm thông tin viên. Sau, thấy tôi vẽ đẹp nên đơn vị cử làm họa sĩ trình bày”, họa sĩ Đỗ Sơn (sinh năm 1943) nhớ lại thời điểm bắt đầu tham gia làm báo Quân Giải phóng của Quân khu 5 (nay là báo Quân khu 5).

Họa sĩ Đỗ Sơn tốt nghiệp loại giỏi, hệ trung cấp, Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, niên khóa 1961-1964. Đầu năm 1965, ông nhập ngũ. Sau thời gian làm trình bày báo ở Khu 5, đến tháng 2/1971, ông ra bắc dưỡng thương và được phân công nhiệm vụ làm họa sĩ trình bày báo Quân đội nhân dân tại trụ sở ở Thủ đô Hà Nội…

Đỗ Sơn là một họa sĩ tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, với tác phẩm quan trọng về người lính đảo: Hoa biển, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt IV, năm 2016.

CÔNG NGHỆ HÒA QUYỆN
CẢM XÚC NHÂN VĂN

Trang bìa Số báo Đặc biệt của Báo Nhân Dân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Tranh bìa: Họa sĩ Lê Anh Vân.

Trang bìa Số báo Đặc biệt của Báo Nhân Dân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Tranh bìa: Họa sĩ Lê Anh Vân.

Sự phát triển của xã hội đã đem tới nhiều biến đổi trong thẩm mỹ trình bày báo chí ở nước ta, đặc biệt kể từ sau thời kỳ Đổi mới, với sự xuất hiện, hỗ trợ của công nghệ vi tính, các phần mềm đồ họa và nay, trí tuệ nhân tạo (AI).

Từ sự thay thế phần lớn tranh minh họa/cổ động bởi nhiếp ảnh, từ các kiểu chữ vẽ tay phần nào đơn giản đến sự đa dạng hàng trăm kiểu chữ in cùng cách sắp xếp kiểu chữ mới lạ, chưa kể chất lượng giấy và công nghệ in ấn ngày càng cao, đã đem lại những bản trình bày báo, tạp chí tiệm cận các tiêu chuẩn chung của thiết kế báo chí trên thế giới.

Tiếp sau các thế hệ họa sĩ trình bày báo vốn học mỹ thuật sáng tác (tại Trường Mỹ thuật Việt Nam) là các thế hệ họa sĩ được đào tạo đúng chuyên ngành thiết kế đồ họa thuộc lĩnh vực mỹ thuật công nghiệp. Chưa kể trong lớp trẻ hiện nay, có nhiều người du học nước ngoài về thiết kế đồ họa rồi trở về nước làm việc, đóng góp vào sự đa dạng, phong phú của các xu hướng thiết kế báo chí thức thời, có sức cuốn hút thị giác mạnh mẽ.

Giữa chuyển động nhanh chóng ấy của thời cuộc, tưởng như những dấu tay người sẽ biến mất trên trang báo, chỉ còn lại dấu in của công nghệ, hấp dẫn song phần nào trơ lì, đa dạng, ấn tượng mà vẫn pha vẻ nhạt… Nhưng may thay, vẫn còn đó những chú tâm đặc biệt của hình và nét cho các chuyên trang, các bài viết chuyên sâu, độc quyền, kể cả tranh biếm họa, tạo nên bản sắc của một số tờ báo, tạp chí.

Có thể nhận thấy điều đó ở các ấn phẩm và số báo đặc biệt của Báo Nhân Dân, các báo Lao động, Tiền phong, Tuổi trẻ, Thanh niên... Sự kết hợp của đồ họa và nhiếp ảnh hiện đại, sự chủ động trong sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cộng hưởng sự lựa chọn tinh tế các hoa văn trang trí truyền thống để làm hình ảnh nền ở một góc chân trang báo, tạp chí đã đem lại những trình hiện báo chí vừa hấp dẫn thị giác vừa gần gũi, thân thuộc.

Trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân khi cùng nhìn lại những bước chuyển trong thiết kế, trình bày báo chí ở nước ta, họa sĩ Thành Chương, người có nhiều năm tháng phụ trách trình bày và minh họa trên báo Văn nghệ, khẳng định: “Để tạo nên bản sắc của diện mạo từng tờ báo, tạp chí, cần biết cách kết hợp những điểm mạnh của thiết kế kiểu thủ công và thiết kế nhờ công nghệ hiện nay. Nhưng hiệu quả thẩm mỹ cuối cùng vẫn phải là do con người; anh ta chủ động sử dụng hay lệ thuộc công nghệ?!”.

Hiệu quả thẩm mỹ của trình bày trang báo, tờ báo sẽ dẫn dắt bạn đọc tới trữ lượng thông tin bên dưới từng con chữ. Chẳng có tòa soạn nào dày công làm thiết kế trang báo đẹp cho một đoạn thông tin hời hợt.

Ông còn khẳng định: “Riêng phần minh họa các truyện ngắn, thơ, hay tranh cho trang nhất của tờ báo, tôi vẫn vẽ hoàn toàn bằng tay”.

Họa sĩ Thành Chương có lẽ đã nói thay lời của nhiều họa sĩ khác tham gia minh họa, trình bày báo chí, góp phần tạo nên nét bản sắc báo chí Việt Nam hiện đại, nơi kết hợp, hòa quyện công nghệ và cảm xúc nhân văn.

Một chủ đề xuyên suốt số báo, một chân dung nhân vật, một truyện ngắn, bút ký-ghi chép thế sự là điểm nhấn của số báo… được gửi đến “đặt hàng” họa sĩ vẽ minh họa. Cộng hưởng sự thẩm thấu nội dung cùng trải nghiệm nghề nghiệp của cá nhân, họa sĩ tạo nên một bức minh họa mà ở đó, rung động nội tâm của họa sĩ được truyền tải qua từng nét bút, vệt mầu. Vậy là bức minh họa góp phần làm nên vẻ riêng biệt, độc đáo cho trang báo, nhân giá trị của chủ đề, câu chuyện, bài viết lên, và qua đó, góp phần nhân lên giá trị của cả tờ báo.

Những phần tâm hồn người tinh tế ấy chẳng có phần mềm vi tính hay “anh/chị/bạn AI” nào thay thế được đôi tay tài hoa và tinh thần sáng tạo của chính con người để thể hiện trọn vẹn.

Giá trị của minh họa, trình bày báo chí luôn được phát huy trong bối cảnh làm báo hiện đại hôm nay, đem tới sự bất ngờ đẹp đẽ cho bạn đọc, truyền cảm hứng và động lực cống hiến tới mỗi người làm báo.

Tranh trên báo cũ. Tác phẩm “Ngày mới” của Đặng Xuân Hòa.

Tranh trên báo cũ. Tác phẩm “Ngày mới” của Đặng Xuân Hòa.

Minh chứng cho điều này có thể là những bức tranh được vẽ trên nền trang báo cũ, cộng hưởng với các minh họa đã có trên trang báo để làm nên tác phẩm hội họa mới, điều mà Báo Nhân Dân đã từng cổ vũ nhiều họa sĩ tên tuổi thực hiện thông qua triển lãm Tranh trên báo cũ, năm 2016, là những số báo Tết, giai phẩm Xuân, những phụ san đặc biệt gần đây của Báo Nhân Dân, là những “ký họa” chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng được đặt riêng cho các bài viết, phỏng vấn nhân vật trên Báo Tiền phong chủ nhật. Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội và không ít tạp chí văn học nghệ thuật ở địa phương luôn giữ truyền thống minh họa truyện ngắn, trang thơ với sự cộng tác thường xuyên của nhiều họa sĩ tên tuổi bên cạnh các lớp họa sĩ trẻ hơn, như sự tiếp nối thế hệ.

Tính chất chuyên sâu của nội dung, việc duy dưỡng cá tính sáng tạo của đội ngũ họa sĩ minh họa, thiết kế trang nhất, trang bìa, phụ bản đặc biệt đã và đang góp phần làm dịu lại cảm giác “lấn lướt” của công nghệ, làm đượm hơn cảm giác gần gũi, chân thật người-người giữa người làm báo với chính sản phẩm của mình, giữa tờ báo với người đọc… Đây luôn là thế mạnh của báo chí chính thống, được khởi nguồn và bồi đắp từ truyền thống 100 năm qua và chắc chắn sẽ tiếp tục được bồi đắp với tinh thần chủ động, sáng tạo của người làm báo Việt Nam hôm nay, ngày mai.