Một trăm năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn được tiếp sức bởi những cây bút dấn thân, miệt mài bảo vệ sự thật và lan tỏa giá trị nhân văn. Trong dòng chảy ấy, nhiều nữ phóng viên vừa giữ lửa gia đình, vừa giữ lửa nghề, khẳng định chỗ đứng ở những lĩnh vực tưởng chừng chỉ dành cho nam giới. Hai nhà báo nữ trong bài viết này đã ghi dấu ấn của mình ở hai tuyến đầu: biển đảo và mặt trận thông tin phòng, chống dịch.

Ngay từ lần đầu đặt chân lên boong tàu HQ-571 năm 2011, nhà báo Đỗ Thị Thu Lan-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Môi trường, Ban Thời sự VOV1 đã nguyện gắn đời mình với biển đảo: “Tôi càng thấm thía trách nhiệm của một công dân, trách nhiệm của một nhà báo và sẽ nỗ lực nhiều hơn để lan tỏa tình yêu biển đảo”. Đến nay chị đã ba lần ra Trường Sa, nhà giàn DK1 và hơn 20 điểm đảo từ Song Tử Tây đến Tiên Nữ. Mỗi chuyến hải trình dài hàng nghìn hải lý không chỉ cho ra đời tác phẩm “Lấp lánh sao bay trên quân kỳ”- Giải A Bộ Quốc phòng 2020-2025 mà còn tích lũy hàng trăm giờ tư liệu âm thanh gốc: tiếng sóng vỗ mạn tàu, tiếng bước chân gác đêm, cả tiếng cười của chiến sĩ trẻ.

Sinh năm 1980, gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam suốt hai thập kỷ, Thu Lan chọn riêng con đường chuyên sâu biển đảo - mảng đề tài đòi hỏi thể lực, bản lĩnh và kiến thức quốc phòng. Chuyến công tác Trường Sa đầu tiên năm 2011 mở ra mối duyên suốt ba lần “hẹn” Trường Sa, nhà giàn DK1 và hơn 20 điểm đảo từ Song Tử Tây đến Tiên Nữ …

Ngay từ lần đầu đặt chân lên boong tàu HQ-571 năm 2011, tôi càng thấm thía trách nhiệm của một công dân, trách nhiệm của một nhà báo và sẽ nỗ lực nhiều hơn để lan tỏa tình yêu biển đảo.
Nhà báo Đỗ Thị Thu Lan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Môi trường, Ban Thời sự VOV1

“Tôi không chỉ đi để viết, mà để cảm nhận. Tôi muốn mang tiếng sóng, tiếng gió, tiếng cười của người lính giữa biển khơi về cho thính giả cả nước”, Nhà báo Thu Lan chia sẻ.

Trong suốt hành trình gắn bó với Trường Sa, nhà báo Thu Lan không chỉ mang về đất liền những phóng sự âm thanh lay động, mà còn mang theo những tâm tư từ lính đảo. Có lần, chị xúc động chia sẻ về câu nói của một chiến sĩ:“Chúng tôi có thể sống thiếu nhiều thứ, nhưng không thể thiếu tiếng nói từ đất liền.” Chính những lời giản dị ấy đã nhắc chị rằng: tiếng nói của báo chí không đơn thuần là âm thanh, mà là sự hiện diện, là niềm tin, là sợi dây nối liền hậu phương và tiền tuyến.

Thu Lan không viết chỉ để đưa tin - chị viết để đồng hành. Từng tiếng sóng, từng bước chân gác đêm mà chị thu âm trên đảo không chỉ tạo ra một “không gian nghe” giàu cảm xúc, mà còn truyền tải trọn vẹn ý chí, nghị lực của những người đang ngày đêm giữ biển.

Trong phòng thu, Thu Lan tiên phong kết hợp podcast với âm thanh hiện trường – từ tiếng sóng vỗ mạn tàu đến nhịp chuông báo thức lúc 4 giờ sáng trên đảo tạo nên không gian nghe chân thực và giàu cảm xúc. Thính giả “nhắm mắt vẫn thấy biển” nhờ cách chị lồng ghép khéo léo tiếng động tự nhiên với nhạc nền nhẹ nhàng, tạo hiệu ứng âm thanh hài hòa. Sự đổi mới ấy cho thấy: phát thanh truyền thống hoàn toàn có thể bứt phá trong thời đại TikTok, nếu biết đặt cảm xúc của công chúng làm trung tâm.

Nhà báo Thu Lan tác nghiệp bản tin trên tàu

Nhà báo Thu Lan tác nghiệp bản tin trên tàu

Chồng là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nên “người mẹ ba con” phải tự sắp xếp hậu phương trước mỗi chuyến ra khơi hàng tuần. “Thành công của tôi không chỉ là phóng sự, mà còn là sự trưởng thành của các con” Thu Lan cười, trong đôi mắt vẫn ánh lên sắc xanh biển cả.

Hệ giá trị gia đình là điểm tựa cho hành trình dấn thân. Chồng chị, một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thường xuyên xa nhà; ba con nhỏ và hai bên nội ngoại do Thu Lan quán xuyến. “Thành công của nhà báo nữ không chỉ là giải thưởng, mà còn là sự trưởng thành của các con”, chị xúc động chia sẻ.

Song song tác nghiệp, Thu Lan trực tiếp đào tạo sinh viên Học viện Báo chí module “Radio hiện trường biển đảo”, hướng dẫn thu âm chống gió giật cấp 7 và phỏng vấn chiến sĩ trên cầu cảng. Từ “kiến thức lớp học” đến “buổi trực thăng tiếp tế”, chị truyền cho thế hệ trẻ bài học “viết bằng trái tim”: “Tôi muốn mang tiếng sóng, tiếng gió, tiếng bước chân gác đêm… về cho thính giả cả nước” .

Nếu Thu Lan chọn Trường Sa làm “phòng thu tự nhiên”, nhà báo Đỗ Thị Mỵ Châu-Phó Tổng Thư ký Pháp luật Media, Báo Pháp luật Việt Nam lại coi tâm dịch Covid-19 là “phòng dựng khẩn cấp” thử lửa nghiệp báo. Tháng 3/2020, khi Hà Nội xuất hiện F0 đầu tiên, cô khoác áo bảo hộ, vừa ghi hình vừa dẫn bản tin livestream y tế. “Có hôm 2 giờ sáng chị Châu vẫn dựng bản tin, rồi lại khoác áo bảo hộ lên tuyến đầu Hà Nội-Bắc Giang-Hải Dương”, đồng nghiệp kể. Loạt bài “Covid-19: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mang về hai Bằng khen Bộ trưởng Y tế 2020, 2021 và Bằng khen Bộ Tư pháp 2022. Nhưng phần thưởng lớn nhất, theo Mỵ Châu chính là “sự tin tưởng của độc giả giữa rừng tin giả”.

Giữ cương vị Phó Tổng Thư ký Pháp luật Media từ 2023, cô áp dụng công thức “4 in 1”: bài phân tích sâu-infographic-clip hiện trường-tọa đàm trực tuyến. Triết lý “nhà báo đa nhiệm” được cô cụ thể hóa: tự biên kịch, dựng hậu kỳ, dẫn hiện trường, tối ưu SEO, chứng minh rằng báo điện tử chỉ có sức sống khi dữ liệu, hình ảnh, cảm xúc và lập luận đồng hành.

Từ một “người viết giỏi”, Mỵ Châu dần trở thành người chị dẫn dắt, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp trẻ trước hết bằng chính công việc hằng ngày của mình. Ở vị trí quản lý, chị âm thầm đứng sau nhiều tuyến tin nhanh về thiên tai Tây Bắc, bão Yagi, vụ sập cầu Phong Châu…, luôn bảo đảm cập nhật trong vài giờ đầu nhưng vẫn giữ độ cẩn trọng và chính xác cần thiết.

Ngoài tin bài, Mỵ Châu là “chiến sĩ tư tưởng” trên không gian mạng: phản bác thông tin sai lệch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng lập luận sắc sảo, bằng chứng xác thực. “Sự thật cần người nói lên; tôi tin vào nghề của mình như một cách bảo vệ lẽ phải.

Trong đại dịch, cô còn kêu gọi hàng tỷ đồng vật tư y tế cho Bệnh viện Bạch Mai, Bắc Ninh, Hải Dương; sau dịch tiếp tục phát động “Hiến máu nhân đạo”, “Học bổng cho bệnh nhi ung thư”. Mỵ Châu chứng minh: nhà báo không dừng ở đưa tin, mà là cầu nối nhân ái.

Hậu phương của chị là một chiến sĩ Công an nhân dân, người luôn âm thầm chia sẻ để chị toàn tâm cống hiến ở những điểm nóng thông tin. Chính sự đồng hành lặng lẽ ấy đã tiếp thêm cho Mỵ Châu nghị lực vượt qua những ngày không ngủ giữa tâm dịch, để giữ vững vai trò người kết nối giữa sự thật và công chúng.

Tốt nghiệp Thạc sĩ Báo chí, Châu vẫn liên tục theo học các lớp về quản lý và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. “Học để phục vụ độc giả tốt hơn”, cô lý giải.

Trong những mảng thời sự đặc thù như biển đảo, thiên tai hay y tế khẩn cấp nơi “hiện trường” có thể là boong tàu giữa trùng khơi hay phòng dã chiến lúc nửa đêm-phóng viên nữ vẫn là số ít. Theo khảo sát nội bộ, họ chiếm chưa đến 30% lực lượng tác nghiệp tại các tuyến đầu, phần lớn do điều kiện đi biển, đi rừng kéo dài và sức ép từ vai trò hậu phương gia đình.

Nhưng chính trong gian khó ấy, những người như Thu Lan và Mỵ Châu lại chứng minh: nữ giới không yếu thế, nếu được tin tưởng và tạo điều kiện. Cả hai đều là vợ của cán bộ trong lực lượng vũ trang người thường xuyên công tác xa nhà. Khi chồng lên đường vì nhiệm vụ, họ lại tự mình gánh vác cả mái ấm để toàn tâm ra trận tuyến thông tin.

“Vất vả nhân đôi”, Thu Lan thừa nhận, “nhưng may mắn lớn nhất của tôi là sự chia sẻ từ chồng và đơn vị-nơi hiểu rằng phụ nữ cũng có thể ra khơi, kể chuyện Trường Sa bằng trái tim của một người mẹ”. Còn với Mỵ Châu, khi gánh thêm trách nhiệm quản lý, chị chọn cách dẫn dắt nhẹ nhàng nhưng hiệu quả: “Tôi không lãnh đạo bằng mệnh lệnh, mà bằng chính sự tận tâm với nghề”, lời nhận xét trìu mến từ phóng viên trẻ.

Nữ giới không yếu thế, nếu được tin tưởng và tạo điều kiện

Họ là minh chứng rằng: giới tính không phải rào cản, nếu tổ chức biết tạo dựng môi trường an toàn-bình đẳng, còn nhà báo biết trau dồi bản lĩnh, yêu nghề và giữ gìn ngọn lửa ở cả hai đầu: cơ quan và gia đình.

Thu Lan thổi hồn chủ quyền biển đảo vào phóng sự; Mỵ Châu gìn giữ niềm tin công chúng giữa đại dịch thông tin. Cả hai nhắc chúng ta rằng: độc lập, tự do, hạnh phúc không chỉ được bảo vệ bằng biên cương súng đạn, mà còn bằng biên cương thông tin.

Trong kỷ nguyên AI, thao túng thuật toán dễ dẫn dắt đám đông; vì thế, bản lĩnh thông tin của những cây bút “đi-ghi-kiểm chứng-chịu trách nhiệm” là lá chắn không thể thay thế. Chính tinh thần ấy tiếp nối đường dây đỏ 100 năm qua từ số Thanh Niên 1925 đến mỗi dòng podcast 2025. Công nghệ, dưới góc nhìn của họ, không thay thế truyền thống mà mở thêm đường băng cho thông tin cất cánh.

Công nghệ, dưới góc nhìn của họ, không thay thế truyền thống mà mở thêm đường băng cho thông tin cất cánh

Thu Lan xem giảng dạy là “mở tiếp cánh cửa radio cho thế hệ sau”. Module “Radio hiện trường” của chị giúp sinh viên hiểu biển đảo không phải địa chỉ du lịch mà là vùng tâm tư, trách nhiệm.

Mỵ Châu mang khóa “Mobile Journalism” đến Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ, yêu cầu phóng viên trẻ sản xuất story 60 giây bằng smartphone - thực hành kỹ năng trong kỷ nguyên mọi người đều là “đài truyền hình mini”. Cô khẳng định: “Nếu nhà báo chỉ biết viết, sẽ tụt hậu” .

Một thế kỷ đã qua, chúng ta tri ân thế hệ đi trước và trao lại sứ mệnh cho lớp 8X-9X đang cầm bút. Thu Lan, Mỵ Châu chỉ là hai trong hàng nghìn nữ phóng viên ngày đêm làm nghề. Con đường họ đi cho thấy ngọn lửa báo chí không tự cháy; nó được nuôi bằng niềm tin, trí tuệ, tình yêu Tổ quốc và lòng nhân ái.

Thu Lan-Những con số từ mặt trận biển đảo

  • 20 năm gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), chuyên sâu mảng nông nghiệp, môi trường và biển đảo.
  • Ba chuyến công tác Trường Sa cùng nhiều lần lên nhà giàn DK1, gom hàng trăm giờ tư liệu hiện trường.
  • Tác phẩm tiêu biểu: phóng sự âm thanh “Lấp lánh sao bay trên quân kỳ” – đoạt Giải A cuộc thi sáng tác, báo chí về lực lượng vũ trang do Bộ Quốc phòng tổ chức (giai đoạn 2020-2025).
  • Định dạng đổi mới: kết hợp podcast với âm thanh hiện trường, tạo “không gian nghe” sống động về biển đảo.
  • Giải thưởng tập thể và cá nhân: 1 Giải A cấp Bộ, nhiều Bằng khen chuyên ngành; được đồng nghiệp vinh danh là “lá phổi Trường Sa” của sóng phát thanh quốc gia.
  • Hoạt động cộng đồng: gửi hàng trăm đầu sách ra đảo, tham gia cố vấn – mentoring cho nữ phóng viên trẻ theo đuổi đề tài chủ quyền biển đảo.

Mỵ Châu-Dấu ấn từ tâm dịch tới phòng họp báo số

  • 14 năm làm việc tại Báo Pháp luật Việt Nam, hiện giữ chức Phó Tổng Thư ký tòa soạn Pháp luật Media.
  • Tác phẩm tiêu biểu: loạt bài “COVID-19: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”-nhận 2 Bằng khen của Bộ Y tế (2020, 2021) và Bằng khen Bộ Tư pháp (2022).
  • Định dạng đổi mới: triển khai mô hình “bài viết-infographic-clip hiện trường-tọa đàm livestream”, đẩy mạnh báo điện tử đa nền tảng.
  • Thành tích khen thưởng: 3 Bằng khen bộ, 5 năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
  • Hoạt động cộng đồng: vận động hơn 1 tỷ đồng vật tư y tế hỗ trợ tuyến đầu chống COVID-19; khởi xướng quỹ học bổng cho trẻ em ung thư và chương trình hiến máu thường niên trong tòa soạn.

Ngày đăng: 21/6/2025
Tổ chức sản xuất: Hồng Vân
Nội dung: Thùy Linh
Trình bày: Thùy Lâm