Trong dòng chảy ký ức của nhà quay phim, NSND Nguyễn Văn Nẫm, những gương mặt thầy và trò của khóa học “độc nhất vô nhị” ấy vẫn vẹn nguyên, sống động như vừa mới hôm qua, như chưa hề có 59 năm dài chen giữa.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, ông hồi tưởng: “Những học viên của Khóa đào tạo Quay phim mặt trận ngày ấy đã chấp nhận mọi hy sinh, để lưu giữ cho đời sau biết bao thước phim tư liệu chiến tranh vô giá. Hòa bình rồi, tôi mới biết tin ba bạn cùng lớp đã anh dũng hy sinh, vài bạn là thương binh nặng, một số vẫn mang trong mình di chứng chất độc da cam. Vì thế, tôi luôn nghĩ mỗi khuôn hình ngày ấy đều phải đánh đổi bằng máu những đồng nghiệp của tôi, những bạn học của tôi...”.

Năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã leo thang ra khắp miền bắc, quân dân ta ngày càng đánh lớn trên chiến trường miền nam. Bổ sung lực lượng quay phim cho các chiến trường trọng điểm, vốn lúc đó rất thiếu và yếu đã trở thành một yêu cầu cấp bách. Xưởng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam đã quyết định chiêu sinh một khóa đào tạo đúng chuẩn thời chiến!

Ngày ấy, tôi đang đảm nhận công việc thiết kế chữ, vẽ động cho phim khoa học cùng phim tài liệu lịch sử tại xưởng. Biết Bộ Văn hóa và Xưởng phim quyết định mở lớp, tôi lập tức đăng ký tham dự. Tiêu chuẩn chọn lựa cực kỳ đơn giản, bất kỳ ai đã tốt nghiệp phổ thông, có sức khỏe, có tình yêu điện ảnh và không nề hà gian khổ, hy sinh đều được đón nhận.

Học viên một phần được tuyển chọn từ Tổng đội Thanh niên xung phong nhiều địa phương như các bạn Văn Yên, Phú Sỹ, Hà Huệ (Nghệ An) hay Trần Xuân Lịch, Nguyễn Tiến Sĩ (Hà Nội), như Đồng Xuân Thuyết, Nguyễn Văn Đinh (Hải Phòng) hay Đinh Duy Mùi, Văn Lê (Nam Hà)... Ngoài những nhân sự đang công tác tại Xưởng phim Thời sự Tài liệu như Lê Quang La, Đinh Kim Tuấn, Đặng Thế Tiến và tôi, những học sinh miền nam tập kết ra bắc như Đinh Quang Ba, Lê Viết Ất... Cùng với đó còn có nhiều anh chị em say mê phim ảnh từ nhiều địa phương (như các anh Nhuận Sinh, Lê Thi, Cầm Tùng, Phạm Ngọc Tuấn) cũng hào hứng ghi tên tham dự. Vì đầu vào rất mở nên độ tuổi của các thành viên chênh lệch khá lớn, học viên trẻ nhất chỉ 19 tuổi nhưng “anh cả” của lớp cũng gần 50.

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Văn Nẫm tại chiến trường khu V.

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Văn Nẫm tại chiến trường khu V.

Nhờ tài năng và uy tín của NSND Nguyễn Hồng Nghi, một đội ngũ chuyên gia hàng đầu lúc ấy đã nhận lời mời đứng lớp, để truyền dạy mọi kiến thức, cả lý thuyết lẫn thực hành cho chúng tôi. Cả lớp vẫn còn nhớ rõ những giờ giảng bổ ích của thầy Hoàng Tư Trai (Giám đốc Sở Nhiếp ảnh Trung ương, Chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh rồi sau này là Phó Tổng Giám đốc TTXVN) hay của nhà báo, nhà văn Xích Điểu (Giám đốc Sở Báo chí Trung ương, sau này là Phó Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam). Chúng tôi cũng không quên những buổi học thú vị do các đạo diễn Khương Mễ, Lương Đức cùng nhiều giảng viên tâm huyết như Nguyễn Thắng, Nguyễn Văn Nhân, Hoàng Khảng, Hồ Ngọc Hương nhiệt tình chia sẻ. Đặc biệt, hơn 30 học viên của lớp còn được nghe nhà làm phim tài liệu huyền thoại người Hà Lan Joris Iven nói chuyện nhiều buổi, được ông kể lại những trải nghiệm khốc liệt nơi tuyến lửa Vĩnh Linh khi từng hai lần bị bom vùi tưởng chết trong thời gian thực hiện các tác phẩm nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam (“Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân”, “Bầu trời và mặt đất”, “Việt Nam xa xôi”).

HOÀN THÀNH KHÓA HỌC, DÙ HÁO HỨC LÊN ĐƯỜNG LẮM NHƯNG ĐỂ CÓ THỂ DẤN THÂN VÀO NƠI ĐẠN BOM ÁC LIỆT, CHÚNG TÔI VẪN PHẢI BỔ SUNG NHỮNG KỸ NĂNG CHIẾN ĐẤU CỦA NGƯỜI LÍNH THỰC THỤ. TRẢI QUA BA THÁNG HUẤN LUYỆN Ở T.105 THUỘC BAN THỐNG NHẤT TRUNG ƯƠNG TRÊN HÒA BÌNH, CŨNG TẬP ĐEO GẠCH HÀNH QUÂN, TẬP SỬ DỤNG CẢ SÚNG NGẮN LẪN AK, CHÚNG TÔI ĐÃ SẴN SÀNG VÀO TRẬN.

Trong quãng thời gian học tập 18 tháng (từ tháng 6/1966 đến cuối năm 1967) tại địa điểm sơ tán của Xưởng phim (xã Kim Hoàng, Hoài Đức, Hà Tây trước kia), cả lớp được làm quen rồi dần làm chủ thiết bị, máy móc từ con số 0 tròn trĩnh. Chụp ảnh, viết tin bài, quay phim là những kỹ năng mà chúng tôi được đào tạo kỹ càng, để có thể tác nghiệp như một phóng viên đa năng ngay giữa điểm nóng chiến sự ác liệt. Rồi học cả cách in tráng ảnh, học cách bảo quản phim đã quay bằng gạo rang, vôi cục giữa điều kiện khắc nghiệt thời chiến. Bao nhiêu vốn liếng lý thuyết và thực tế tích luỹ, các thầy đều truyền thụ cho chúng tôi, với mong muốn các học trò làm tròn sứ mệnh “chép sử bằng hình”.

Ngày chia tay, chúng tôi vui vẻ chụp hình kỷ niệm, từng nhóm, từng tổ rồi cả lớp. Những gương mặt bè bạn trong veo, trẻ trung đều sáng rỡ những nụ cười trong mọi tấm ảnh mà tôi may mắn còn lưu giữ được. Không thốt ra lời nhưng ai cũng nghĩ, chiến tranh ác liệt thế, chắc gì còn cơ hội gặp lại nhau! Khi ấy, chúng tôi “máu lửa” lắm, chẳng biết sợ chết là gì. Nhiệt huyết tuổi trẻ cùng lý tưởng sống và chiến đấu được minh định đã giúp các tay máy tương lai chọn đối mặt với cuộc chiến khốc liệt ở góc độ trần trụi nhất, sinh tử nhất.

Chụp ảnh, viết tin bài, quay phim là những kỹ năng mà chúng tôi được đào tạo kỹ càng, để có thể tác nghiệp như một phóng viên đa năng ngay giữa điểm nóng chiến sự ác liệt.

Buổi liên hoan kết thúc khóa học cũng là buổi chia tay. Danh sách phân công địa bàn được công bố ngay hôm đó. Không một ai thắc mắc hay từ chối nhiệm vụ, dù đích đến là chiến trường B (Nam Bộ), C (Lào) hay K (Campuchia); dù ai đi B dài, ai nhận B ngắn hay ai vào khu V, ai trụ lại miền bắc.

Tất cả đều khắc ghi trong tim lời dặn của các thầy: “Các em phải học thật tốt, làm thật tốt để có thể ghi lại những thước phim chiến tranh chân thực cho các thế hệ mai sau. Để giúp họ hiểu rõ, lớp cha ông đã chiến đấu và hy sinh xương máu ra sao cho đất nước hòa bình, thống nhất”. Lần đầu gặp mặt sau chiến tranh vào năm 1976, chúng tôi tới thăm thầy Hồng Nghi. Tôi nhớ thầy đã rất vui, khi lứa học trò năm xưa đã hoàn thành tâm nguyện mà các thầy luôn ấp ủ.

Cùng hai đồng nghiệp Văn Yên và Lê Quang La, tôi lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường C của nước bạn Lào. Hành trang gắn liền trên mọi nẻo đường hành quân luôn lỉnh kỉnh những máy quay, ắc quy, thùng phim (chứa 6 cuốn phim Đức Orwo 16 ly) bên cạnh súng đạn cùng ba lô với tổng trọng lượng khoảng từ 15 đến 20 kg. Ba năm dọc ngang hành quân trên đất bạn, đối mặt với đạn bom ác liệt và thú dữ luôn rình rập trên mỗi bước đường, chúng tôi đã lưu giữ trong ống kính hàng nghìn mét phim tư liệu quý giá mà một phần nhỏ trong số đó được tái hiện trong bộ phim “Giải phóng Mường Phìn”.

Trở về nước đầu năm 1972, tôi lại tiếp tục cùng hai đồng nghiệp xung phong đi B, vượt dãy Trường Sơn vào Quảng Bình, Vĩnh Linh rồi Quảng Trị. Trên đường hành quân, chúng tôi “săn” máy bay cháy, quay những làng mạc tan hoang dưới mưa bom bão đạn. Tôi cũng được sống cùng bà con dưới địa đạo Vĩnh Mốc, theo bước chân bộ đội lướt qua Cồn Tiên, Dốc Miếu, ngủ dưới hầm ở Bắc Cửa Việt, vào Thành cổ Quảng Trị trong ngày đầu giải phóng... Ngược ra bắc, tôi vác máy quay trực chiến tại các trọng điểm ở Hà Nội trong những ngày lịch sử diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không. Rồi ngay sau thời khắc giải phóng Sài Gòn, tôi cùng ba đồng nghiệp ngồi trên trực thăng cả tháng trời để ghi hình toàn bộ các căn cứ quân sự của Mỹ ngụy từ sông Bến Hải vào tới Sài Gòn, từ Côn Đảo ra tận Phú Quốc. Có thể nói, công việc quay phim đã cho tôi cơ hội trở thành một chứng nhân lịch sử. Nhờ chiếc máy quay, tôi đã ghi lại được rất nhiều hình ảnh tư liệu quý mà ấn tượng nhất là khung cảnh Thành cổ bị bom đạn băm nát và ngổn ngang xác giặc, cảnh bộ đội hò reo kéo lê xác B.52 trên đường Hoàng Hoa Thám...

Bạn bè tôi đã có mặt trên mọi trận tuyến ác liệt nhất. Nhóm vào nam đông nhất, có 8 anh. Nhóm trụ lại khu V có 5 người. Nhóm đi B ngắn cũng có tới 5, trong đó có anh Trúc Vinh phải trốn cơ quan để có cơ hội tác nghiệp nơi bom đạn cày nát từng ngọn cỏ. Số còn lại thì cơ động làm phim trên mọi nẻo đường, đâu cần là có mặt ghi hình, từ phim “Đầu sóng ngọn gió” (anh Đình Lý) tới “Lũy thép Vĩnh Linh” (anh Đinh Thông) rồi “Mở đường Trường Sơn” (anh Duy Hùng)...

Bạn bè tôi cũng đã anh dũng hy sinh, khi tay vẫn ôm chặt máy quay, khi ống kính vẫn lia theo từng bước chân đồng bào, chiến sĩ. Chàng trai Hải Phòng Nguyễn Văn Đinh, người con Quảng Ngãi Đinh Quang Ba hay anh bạn quê Quảng Trị Lê Viết Ất của tôi đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Nam Bộ rồi khu V. Nhà quay phim Nguyễn Tiến Sĩ không thể nào quên phút giây chứng kiến sự hy sinh của đồng nghiệp, “anh Đinh bị thương nặng, gãy cả hai chân, phút cuối anh gọi “mẹ ơi” rồi ra đi”. Hồi ức đau xót đó vẫn được anh Sĩ nhắc đi nhắc lại, mỗi lần gặp lại nhau khiến chúng tôi lặng đi, thương lắm!

Bạn bè tôi cũng đã nhận về bao thương tích. Có người trở thành thương binh nặng 1⁄4 như anh Tiến Sĩ. Bị địch phát hiện hầm bí mật, anh bật nắp hầm tung lựu đạn và bị thương cả hai tay khi chạy giữa làn đạn xối xả. Có người bị thương khi xe lộn nhào trong trận phục kích trên đường đi làm phim ở Campuchia như anh Văn Yên nhưng vẫn cố gắng tiếp tục ôm máy quay để hoàn tất những thước phim “Về Tông-lê-sáp”. Có người bị lực lượng Lon-nol xử tử nhưng kịp ngã trước khi loạt đạn nổ để “trở về từ cõi chết”như anh Đinh Kim Tuấn. Bản thân tôi cũng đã hai lần bị thương, một lần ở chân khi đang ghi hình cột cờ Hiền Lương, một lần vào đầu khi đang quay cảnh B52 rải thảm ở Đài Phát thanh Mễ Trì, Hà Nội.

Dọc đường Trường Sơn, phía ngoài hàng rào điện tử Mac Namara hay bên ngoài thị xã Quảng Trị, chúng tôi lặng lẽ hành quân trong làn sương trắng mù mịt của chất độc da cam... Di chứng ác nghiệt của chúng vẫn còn hoành hành trong cơ thể nhiều bạn bè tôi, để lại những nỗi đau khôn nguôi trên cơ thể thế hệ kế cận như cháu ngoại của anh Nguyễn Xuân Tình, đau xót lắm!

Ba năm dọc ngang hành quân trên đất bạn, đối mặt với đạn bom ác liệt và thú dữ luôn rình rập trên mỗi bước đường, chúng tôi đã lưu giữ trong ống kính hàng nghìn mét phim tư liệu quý giá mà một phần nhỏ trong số đó được tái hiện trong bộ phim “Giải phóng Mường Phìn”.

Gần nửa số học viên của khóa đào tạo rạng rỡ nụ cười trước giờ chia tay. Ba trong số này đã trở thành liệt sĩ: Từ Ngọc Đỉnh (thứ hai, từ trái sang, hàng đứng), Đinh Quang Ba (thứ tư, từ trái sang, hàng đứng), Lê Viết Ất (thứ hai, từ phải sang, hàng đứng).

Gần nửa số học viên của khóa đào tạo rạng rỡ nụ cười trước giờ chia tay. Ba trong số này đã trở thành liệt sĩ: Từ Ngọc Đỉnh (thứ hai, từ trái sang, hàng đứng), Đinh Quang Ba (thứ tư, từ trái sang, hàng đứng), Lê Viết Ất (thứ hai, từ phải sang, hàng đứng).

Mất mát hy sinh là thế nhưng trong suốt những ngày tháng cam go khốc liệt ấy, chúng tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đều lưu lại trong ống kính hàng vạn mét phim tư liệu, đều cho ra đời nhiều bộ phim phóng sự, tài liệu giá trị.

Thiếu thốn phương tiện liên lạc khiến chúng tôi quá ít cơ hội gặp lại nhau sau chiến tranh. Giờ tuổi cao, sức yếu, di chứng cùng thương tật cũng khiến đội ngũ dần hao khuyết. Lần gặp lại hiếm hoi nào, chúng tôi cũng rưng rưng, “không hiểu sao bọn mình còn sống sót để trở về”. Nhưng trên hết, chúng tôi vẫn thấy mình may mắn. Được trở thành chứng nhân lịch sử, được chép sử bằng hình, đâu phải nghệ sĩ nào cùng thế hệ chúng tôi cũng có được những trải nghiệm khó quên đến thế!


Trình bày: THÙY LÂM