
Nhà báo Trần Đức Chính, Báo Lao Động, hay “cụ Lý” – Lý Sinh Sự, không chỉ là một cây bút “lão làng” đứng tên nhiều chuyên mục nổi tiếng của báo, mà còn là người khơi gợi, tạo cảm hứng và chỉ đường cho những thế hệ phóng viên kế cận. Mặc dù đã rời xa công việc, nhưng những ấn tượng mà ông để lại trong lòng các thế hệ phóng viên ngày ấy như vẫn còn nguyên vẹn.
Nhà báo Trần Đức Chính có nhiều bút danh, ngoài các bút danh Hà Văn, Trần Chinh Đức, ông còn được đông đảo bạn đọc biết đến dưới cái tên Lý Sinh Sự, và sau này anh em đồng nghiệp còn gọi ông là “cụ Lý”.
Ông là tác giả của hàng trăm báo trên mục “Nói hay Đừng” của báo Lao Động với bút danh Lý Sinh Sự này, giữ chuyên mục này tới 20 năm. Sau này khi đã về hưu, ở tuổi 70, ông vẫn đều đặn viết bài cho “Nói hay Đừng” với văn phong vô cùng ổn định, sắc lẹm và cao tay.
Nhà báo Trần Đức Chính được bạn nghề, đồng nghiệp nhiều thế hệ nhắc đến như một cây viết giàu năng lượng, viết nhanh, tinh tế và có khả năng tóm bắt được rất nhiều ý tưởng từ những câu chuyện, diễn biến ngoài xã hội để viết.
Ông cũng là người rất tinh tế, khi phát hiện và bắt ý để viết bài kể cả từ những chi tiết nhỏ.
Tranh vẽ nhà báo Trần Đức Chính của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Tranh vẽ nhà báo Trần Đức Chính của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Ông cũng là người dẫn dắt và truyền lửa cho nhiều thế hệ phóng viên đi sau gắn bó và thành công với nghề báo.
Những bài học nghề viết
Không chỉ là cây đa cây đề trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, đối với các phóng viên trẻ, nhà báo Trần Đức Chính còn là một người thầy, một “chú Chính béo” luôn đứng đằng sau, không “cầm tay chỉ việc” mà chỉ nói: “Phải đi nhiều mới biết viết gì”.
Trong lứa sinh viên báo chí Đại học Tổng hợp Hà Nội năm đó về làm phóng viên tập sự tại báo Lao Động, nhà báo Bạch Dương (Đức Hạnh) được phân vào Ban Công đoàn, một trong những mảng khó viết và khô khan nhất của báo.
Thời gian đầu, do là mảng đặc thù, Bạch Dương làm đúng nghĩa học việc: Đọc báo, đánh máy bài viết cho các chú (hồi đó các chú vẫn viết bản thảo trên giấy). Khoảng 2 tháng sau, trên báo Lao Động có đợt tuyên dương những gương giáo viên mầm non tiêu biểu do công đoàn bầu chọn. Các tỉnh phía bắc có khoảng gần 30 giáo viên, cùng các anh chị lớn và phóng viên thường trú các tỉnh, Bạch Dương được phân công tham gia viết những gương mặt này.
Nhà báo Trần Đức Chính (còn có bút danh (Hà Văn, Trần Chinh Đức) – nguyên Phó Tổng Biên tập báo Lao Động, Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận. Ông từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967.
Từ 1968-1972, ông là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông từng học Đại học Văn hóa Lê-nin-grát (Liên Xô cũ). Ông công tác tại báo Lao Động từ cuối năm 1967 nhưng đến năm 1994 mới chính thức “cầm trịch” mục Nói hay Đừng trên báo Lao Động.
Khi được phân công viết, cô rất lo, một phần vì chưa có kinh nghiệm đi liên hệ công tác ở địa phương, một phần… không biết phải viết thế nào. Hồi đó, nhà báo Trần Đức Chính là Phó Tổng Biên tập gọi Bạch Dương vào bảo: “Con bé này, sợ cái gì, cứ đi đi, đi mới biết viết gì chứ”.
Thế là cô một mình một ngựa, cưỡi chiếc xe máy cà tàng chạy từ Bắc Ninh, Bắc Giang qua Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình… Những năm 1999 – 2000, phương tiện liên lạc còn không được thuận tiện như bây giờ, cô chỉ có trong tay danh sách tên giáo viên và tên trường, phải tự đi tìm xem trường đó nằm ở đâu, cầm tờ giấy giới thiệu xuống xin gặp ban giám hiệu, gặp giáo viên, phỏng vấn, chụp ảnh rồi lọc cọc chạy về viết bài.
Những vấp váp ngượng ngập đầu tiên khi phỏng vấn, những câu chữ ngô nghê không rõ nghĩa bị gạch đi gạch lại bắt sửa chừng 5-7 lần, lần đầu tiên thấy bài viết của mình được đăng lên báo, dù chỉ là một góc nhỏ, nhưng niềm vui đó không gì sánh được.
Với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, cây viết phóng sự nổi tiếng của làng báo hiện nay, nhà báo Trần Đức Chính cũng khuyến khích anh “ra ngoài đường” từ khi mới bước chân vào báo Lao Động.
Đỗ Doãn Hoàng kể lại, khi từ báo An ninh Thế giới về báo Lao động năm 2004, anh được giao ngay phụ trách biên tập mảng phóng sự. Sau đó, nhà báo Trần Đức Chính khi ấy là Phó Tổng Biên tập nói với Tổng Biên tập rằng "cái thằng này, chỗ của nó là ở trên rừng, ở ngoài muôn dặm xa kia kìa", mà anh thoát khỏi chân làm "quản lý phóng sự". Và kể từ đấy, anh tung hoành khắp đất nước, từ bắc vào nam, đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới và trở thành cây phóng sự - điều tra sáng giá của làng báo hiện nay.
Nhà báo Vũ Thu Trà, báo Lao Động, lại học được từ nhà báo Trần Đức Chính những “mẹo” làm báo rất lợi hại. Chị kể, thời điểm cuối 1994, máy ghi âm có kích thước rất to, bằng cả bàn tay, không thể giấu kín khi cần tác nghiệp trong những tình huống đi làm điều tra…
Nhà báo Trần Đức Chính trong một chuyến đi công tác.
Nhà báo Trần Đức Chính trong một chuyến đi công tác.
Nhà báo Trần Đức Chính đã bày cách “Có những chi tiết, những con số mà không được ghi âm, không được ghi chép lại ngay sẽ quên. Cách hợp lý nhất trong trường hợp đó là xin phép vào nhà vệ sinh rồi tranh thủ ghi lại thông tin”.
Còn với Bạch Dương, một trong những bài học nghề nghiệp đầu tiên mà cô học được là cách viết ngắn gọn, súc tích, sao cho vừa đủ “diện tích” trên báo nhưng vẫn nói được hết những ý cần thiết. “Một thời gian, tôi được giao đi ghi nhận ý kiến cán bộ, công nhân viên về góp ý xây dựng Đảng. Mỗi ý kiến được đăng lên báo chỉ là một ô nhỏ, vẫn được gọi là “bao diêm” khoảng 250 chữ, kèm ảnh của người góp ý. Lúc này tôi mới thấy càng viết ngắn càng khó. Xin được phỏng vấn, chụp hình đã khó, viết sao cho đủ ý, đúng ý mà không được vượt quá số chữ lại càng khó”. Khi đó, nhà báo Trần Đức Chính bày cho: “Muốn viết ngắn mà viết hay, phải đọc báo bạn nhiều, rồi học cách diễn đạt súc tích, cô đọng nhất”.
Nhà báo Bạch Dương kể lại, hồi đó, mỗi lần nộp “ô bao diêm”, cô đều lo lắng bởi biết khi nhận về sẽ là trang bản thảo dày đặc những dòng bút bi đỏ gạch. “Không ít lần nhìn bản thảo mà muốn rớt nước mắt vì gần như phải viết lại hoàn toàn. Nhưng từ những lần gạch đi viết lại đó mà tôi dần có kinh nghiệm trong xử lý câu chữ, có kinh nghiệm hơn trong việc phỏng vấn, viết bài” – Bạch Dương nói.
Cũng từ những bảo ban, chia sẻ kinh nghiệm ấy, mà Bạch Dương đã tạo được cho mình động lực dấn thân và thói quen đọc – viết. “Đó chính là cách mà chú dạy tôi trong những ngày đầu chập chững bước chân làm nghề báo. Trong hơn 10 năm làm việc ở báo Lao Động, tôi luân chuyển qua nhiều ban, thử sức ở nhiều “mảng miếng” khác nhau, từ văn hoá, y tế, giáo dục, đời sống đến nội chính, đối ngoại… những bài học đầu tiên tôi học được từ ông đã trở thành nền móng vững chắc để tôi có đủ tự tin và động lực để theo tiếp với nghề” – cô nói.

Chỗ dựa vững chắc cho các phóng viên trẻ
Đối với lứa phóng viên trẻ, nhà báo Trần Đức Chính như một thân cây lớn bao dung và che chở.
Muốn trở thành nhà báo giỏi thì phải đi nhiều, có vốn sống phong phú, ngồi quán bia, hàng nước chè vỉa hè cũng tìm ra được chuyện để viết bởi thực tiễn cuộc sống luôn sôi động, đừng ngồi trong phòng máy lạnh mà làm báo.
Ông cho rằng báo chí cũng là một nghề, người làm nghề phải rèn giũa, phải có và giữ được phẩm chất làm báo. Cùng một sự việc nhưng người làm báo giỏi phải phát hiện ra được những điều riêng biệt mà đồng nghiệp khác không nhìn ra.
Nhà báo Trần Đức Chính biết rất rõ từng phóng viên trẻ viết thế nào, vướng mắc ở đâu, gỡ ra sao. Lúc nào cũng thấy ông cười, đôi mắt sáng lấp lánh sau cặp kính cùng kiểu nói “tao biết hết rồi đấy”, mỗi phóng viên đều có được những bài học rất riêng và cũng rất chung khi được học nghề từ ông. Ông luôn là một chỗ dựa vững chắc cho các phóng viên trẻ, không khó khăn nào mà không giải quyết được. Nhiều thế hệ phóng viên trẻ đã trưởng thành và làm nên tên tuổi từ những chỉ bảo, hỗ trợ, khuyến khích ban đầu của ông.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người vẫn luôn yêu quý và kính trọng gọi nhà báo Trần Đức Chính - Lý Sinh Sự là "thầy", chia sẻ rằng, với anh, nhà báo Trần Đức Chính là một người thầy "kính nhi viễn chi" nhưng lại ảnh hưởng đến con đường nghề nghiệp của anh rất nhiều...
Từ lúc mới chập chững bước vào nghề báo, đã có rất nhiều phóng sự của anh ra đời từ những góp ý, động viên đôi khi chỉ từ một câu nói, một cái vỗ vai khích lệ của "thầy" Trần Đức Chính. Đó là "Mõ làng liệt truyện", là "Cây Chay bao giờ đơm trái?" là "Binh pháp xe lai",… và có không ít phóng sự được giải của báo Lao động sau này.
Ông cũng là người rất hòa đồng, gần gũi với cánh phóng viên trẻ. "Hồi trước, Báo Lao Động nghỉ thứ Sáu, đi làm thứ Bảy, Chủ nhật. Sáng thứ Sáu, mấy phóng viên trẻ hay đến cơ quan tập trung rồi đi chơi bằng xe máy. Một lần, chúng tôi gặp chú Chính ở Tòa soạn. Chú hỏi chuyện, biết chúng tôi đi dã ngoại, chú sang cửa hàng bên cạnh tòa soạn mua cho chúng tôi bánh mì, sữa. Rồi chú đi nhập hội cùng chúng tôi luôn. Chú bảo: Làm báo là phải luôn sẵn sàng lên đường" - nhà báo Vũ Thu Trà kể.
Người giữ lửa nghề
Nhiều người làm việc chung với nhà báo Trần Đức Chính đều có nhận xét: Ông đã truyền lửa, lan tỏa những câu chuyện làm nghề nhân văn cho các thế hệ những người làm báo. Chúng tôi tự cảm thấy may mắn khi bước những bước chân đầu tiên vào nghề lại được những người giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và giàu tình yêu thương như ông chỉ bảo.
Nhà báo Trần Đình Thảo, đồng nghiệp và cũng là người bạn thân thiết lâu năm của nhà báo Trần Đức Chính kể lại, chỉ trong một chuyến đi dạy lớp bồi dưỡng nghiệp vụ từ ngoài bắc vào miền trung, nhà báo Trần Đức Chính đã viết được rất nhiều, thậm chí có những bài viết xong giữa “hai cơn say”.
Nhà báo Trần Đình Thảo nhẩm tính rằng, trong 10 năm đầu gác mục Nói hay Đừng, mỗi ngày ông viết một bài cho chuyên mục, một tháng 30 bài, một năm 360 ngày, 10 năm 3.600 bài thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm báo chí. Đó là chưa kể ông còn có khoảng 10% bài đăng trên các báo khác, tức là trên dưới 4.000 bài tiểu phẩm.
Nhẩm tính thì cụ Lý (cách nhà báo Trần Đức Thảo gọi nhà báo Lý Sinh Sự) đã có khoảng trên dưới 6.000 bài Nói hay Đừng đăng báo, nghĩa là cụ đã “gây sự” với xã hội, với quan chức, với cơ chế, với những điều sai quấy trong cuộc sống và gây “nghiền” cho không ít bạn đọc.
Điều quan trọng ở đây, không chỉ là bút lực, là sự khám phá, mà còn là trách nhiệm của người cầm bút, là kỷ luật nghiệp vụ, khi một mình giữ một mục, không thể lấp bằng bài khác, càng không thể bỏ trống. Đó là trách nhiệm của người làm báo.
Ngoài sự nhanh nhạy, nhà báo Trần Đức Chính còn có sự tinh tế, khi ông phát hiện và bắt ý để viết bài kể cả từ những chi tiết nhỏ. “Anh giỏi ở chỗ có những phát hiện rất tinh tế, dù chỉ một chi tiết rất nhỏ” - nhà báo Trần Đình Thảo nhận xét.
Nói thêm về nhà báo Trần Đức Chính, nhà báo Lưu Quang Định cho hay Lý Sinh Sự - Trần Đức Chính ở ngoài là người tràn đầy năng lượng và niềm vui sống, ông thích ăn ngon và nấu ăn cũng rất ngon. "Ông ấy sinh ra để làm báo, viết như không, viết như chơi, sâu sắc và dí dỏm" - nhà báo Lưu Quang Định chia sẻ.
Nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, nhớ lại trong thời gian 6 năm, từ 2005-2011, nhà báo Trần Đức Chính làm việc ở Báo Nhà báo và Công luận. Đó là khoảng thời gian khó khăn cả về kinh tế và nhân sự nhưng đó cũng là những năm tháng rất ấm áp về tình người, tình đồng nghiệp.
Chú Trần Đức Chính đã truyền lửa, lan tỏa những câu chuyện làm nghề nhân văn cho các thế hệ làm báo ở Tòa soạn Báo Nhà báo và Công luận, để chúng tôi cùng nhau cống hiến và "chiến đấu". Đó chính là cái tâm của một Tổng biên tập, một nhà báo thực thụ, tài hoa và nhân văn.
Còn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân rất ấn tượng với tính hài hước thông minh mà không châm chọc của đàn anh. "Anh là một người thích đùa đúng nghĩa. Chuyện gì anh cũng đùa, cũng tiếu lâm, cũng pha trò được.
Anh có biệt tài làm giảm sự căng thẳng của vấn đề, làm mềm hóa sự xơ cứng của những đề tài khô khan bằng những câu nói đùa ý nhị. Đó là nét riêng, phong cách riêng của anh, của chuyên mục Nói hay đừng. Châm biếm mà không chọc giận", Huỳnh Dũng Nhân viết về Lý Sinh Sự.
Nhiều người làm việc chung với nhà báo Trần Đức Chính đều có nhận xét: Ông đã truyền lửa, lan tỏa những câu chuyện làm nghề nhân văn cho các thế hệ những người làm báo. Và có lẽ chính ông cũng không ngờ được, những câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ của ông về nghề báo trong rất nhiều năm, đã trở thành động lực, thành phương châm làm nghề để gặt hái thành công của rất nhiều lứa phóng viên trẻ năm ấy, nay đã thành danh.
Nhà báo Trần Đức Chính.
Nhà báo Trần Đức Chính.
Nhiều người làm việc chung với nhà báo Trần Đức Chính đều có nhận xét: Ông đã truyền lửa, lan toả những câu chuyện làm nghề nhân văn cho các thế hệ những người làm báo. Và có lẽ chính ông cũng không ngờ được, những câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ của ông về nghề báo trong rất nhiều năm, đã trở thành động lực, thành phương châm làm nghề để thành công của rất nhiều lứa phóng viên trẻ năm ấy, nay đã thành danh.
Ngày xuất bản: Tháng 6/2025
Nội dung và ảnh: BẠCH DƯƠNG, LINH KHÁNH, Tư liệu
Trình bày: DUY LONG