
Được biết tới như một học giả, một nhà nghiên cứu lịch sử - khoa học chính trị người Mỹ, Giáo sư Larry Berman là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về Việt Nam, trong đó có: “Điệp viên hoàn hảo” (NXB Thông tấn) về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Thiếu tướng tình báo - nhà báo Phạm Xuân Ẩn.
Nhân sự kiện 100 năm Ngày truyền thống Báo chí cách mạng Việt Nam, GS Larry Berman đã dành riêng cho phóng viên Báo Nhân Dân một cuộc trò chuyện về nhân vật mà ông đã dành phần không nhỏ trong cuộc đời mình để “theo suốt”, tìm hiểu: Nhà tình báo - nhà báo Phạm Xuân Ẩn.
Để trở thành điệp viên hoàn hảo, phải là một nhà báo hoàn hảo

Là một học giả nghiên cứu về lịch sử - chính trị, từng đi qua nhiều đất nước, điều gì khiến Việt Nam trở nên gắn bó sâu sắc với ông?
GS LARRY BERMAN: Những người bạn thân thiết của tôi thường đùa rằng, có lẽ trong kiếp trước tôi là người Việt Nam. Tôi không tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Khi còn là một sinh viên đại học trẻ tuổi, tôi đã xuống đường tuần hành phản đối chiến tranh và tự hứa với bản thân rằng, một ngày nào đó, tôi phải tìm hiểu cho bằng được vì sao nước Mỹ lại quyết định leo thang can dự vào cuộc chiến ấy.
Lần đầu đến Việt Nam vào năm 2000, tôi đã được đi khắp đất nước suốt một tháng trời với tư cách nhà sử học. Điều đáng nhớ nhất trong chuyến đi ấy là ngay đêm đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, tôi đã gặp Phạm Xuân Ẩn. Tôi tin rằng đó là sự sắp đặt của định mệnh và may mắn. Chính Phạm Xuân Ẩn đã dạy cho tôi rất nhiều điều về đất nước Việt Nam và con người Việt Nam.
Giáo sư Larry Berman và Thiếu tướng tình báo - nhà báo Phạm Xuân Ẩn.
Giáo sư Larry Berman và Thiếu tướng tình báo - nhà báo Phạm Xuân Ẩn.
Ông từng nói: “Phạm Xuân Ẩn chọn tôi để kể câu chuyện của ông vì tin rằng tôi sẽ viết bằng cả trái tim”. Trải nghiệm ấy đã thay đổi cách ông tiếp cận và hiểu về lịch sử như thế nào?
GS LARRY BERMAN: Viết tiểu sử về một người còn sống, lại là người giữ nhiều bí mật sâu kín trong lòng, là việc vô cùng khó khăn. Thách thức càng lớn hơn khi tôi thật sự quý mến và tôn trọng ông Ẩn cả trong vai trò nhà báo lẫn người làm tình báo, đó cũng là lý do tôi gọi ông là: “Điệp viên hoàn hảo”. Với ông Ẩn, điều quan trọng không chỉ là viết bằng trái tim, mà còn phải công bằng, khách quan khi tiếp cận góc nhìn của Việt Nam.
Ông Ẩn giúp tôi hiểu hơn về Việt Nam, về lịch sử và về con người. Càng hiểu về ông, tôi càng khao khát tìm hiểu những bí ẩn trong chính cuộc đời ông: Làm sao ông có thể sống sót trong một công việc hiểm nguy đến thế suốt cả cuộc chiến? Trong tim một điệp viên, điều gì đã diễn ra? Làm thế nào để một người hoạt động tình báo vẫn có thể giữ được những tình bạn chân thành đến vậy?
Là một nhà sử học, tôi muốn dùng cuộc đời Phạm Xuân Ẩn như một cánh cửa để nhìn vào sự phức tạp của chiến tranh cũng như hành trình hòa giải và bình thường hóa, không chỉ giữa hai quốc gia mà cả trong đời sống cá nhân.
Tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi những năm tháng ông sống ở Mỹ, và dấu ấn mà nước Mỹ để lại trong ông. Tôi cũng bị thu hút bởi vai trò của ông trong chiến tranh và những thử thách mà ông phải vượt qua sau chiến tranh.
Là một nhà sử học, tôi muốn dùng cuộc đời Phạm Xuân Ẩn như một cánh cửa để nhìn vào sự phức tạp của chiến tranh cũng như hành trình hòa giải và bình thường hóa, không chỉ giữa hai quốc gia mà cả trong đời sống cá nhân. Tôi kính trọng ông, bởi từ lần đầu gặp, tôi đã cảm nhận đây là một con người biết yêu thương - yêu bạn bè, yêu con người, và yêu cả hai đất nước: Việt Nam và Mỹ.
Từ góc nhìn của người từng quan sát và thấu hiểu, ông thấy Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo như thế nào?
GS LARRY BERMAN: Tôi không dám nhận mình hiểu trọn vẹn con người Phạm Xuân Ẩn nhưng tôi đã đến rất gần. Có rất nhiều điều ông chưa bao giờ kể với tôi. Suốt một phần lớn cuộc đời mình, ông đã nói với người khác những điều mà ông muốn họ biết. Tôi không thể nào nắm hết mọi lời giải cho những điều bí ẩn trong cuộc đời ông. Ông Ẩn là một nhà báo xuất sắc. Nhưng ta cần luôn nhớ rằng: nghề báo cũng là vỏ bọc của ông, và ông đã thực hiện vai diễn ấy một cách nghiêm túc đến mức được phong Anh hùng và thăng hàm Thiếu tướng.
Phần lớn cuộc đời, ông sống trong một lớp mặt nạ - một vỏ bọc cho phép ông giữ kín thân phận trước tất cả mọi người. Để trở thành một điệp viên hoàn hảo, ông buộc phải là một nhà báo gần như hoàn hảo, đến mức không ai có thể nghi ngờ. Ông tạo dựng được rất nhiều nguồn tin và giành được sự tin cậy từ cả người Mỹ lẫn người Việt. Chính vì tôi không quen ông Ẩn trong thời chiến nên ông mới muốn tôi trở thành người viết tiểu sử cho ông. Nhưng trước hết, tôi phải vượt qua một loạt thử thách.
Ban đầu, ông liên tục từ chối lời đề nghị của tôi. Nhưng dần dần, khi chúng tôi hiểu nhau hơn, ông đã tin tưởng và giao phó câu chuyện cuộc đời mình cho tôi. Khi bệnh nặng và cảm nhận được thời gian không còn nhiều, ông đã đồng ý để tôi viết cuốn tiểu sử về ông. Ông Ẩn tự gọi mình là “người cách mạng may mắn”, còn tôi là “nhà sử học may mắn”.
Theo ông, yếu tố cốt lõi để kể một câu chuyện chân thực là gì? Tôn trọng sự thật? Đồng cảm với nhân vật hay điều gì sâu xa hơn nữa?
GS LARRY BERMAN: Như tôi đã chia sẻ, thử thách lớn nhất là giữ lời hứa với ông Ẩn: nếu ông yêu cầu điều gì không được đưa vào sách vì có thể gây tổn hại đến người khác, tôi tuyệt đối tôn trọng. Một thách thức khác là toàn bộ các báo cáo mật của ông Ẩn hiện vẫn được lưu giữ trong kho lưu trữ quân sự, chưa ai có thể tiếp cận. Tôi hy vọng một ngày nào đó, các nhà sử học trẻ Việt Nam sẽ có cơ hội được đọc những tài liệu từng góp phần vào chiến thắng của đất nước.
Với tôi, một người viết tiểu sử phải có nghĩa vụ theo đuổi sự thật, dù con đường dẫn đến sự thật có thể đầy chông gai.
---------------
GS LARRY BERMAN
Với tôi, một người viết tiểu sử phải có nghĩa vụ theo đuổi sự thật, dù con đường dẫn đến sự thật có thể đầy chông gai. Đôi lúc điều đó gây ra những căng thẳng, kể cả với Phạm Xuân Ẩn - đặc biệt khi tôi đặt câu hỏi trực diện về trách nhiệm của ông liên quan đến cái chết của một số nhà báo hay binh sĩ. Là một nhà sử học, tôi không viết để phán xét hay chỉ trích bất kỳ ai. Tôi viết vì tình yêu dành cho hai đất nước. Tôi học được rất nhiều từ chiến tranh và hòa bình qua những người bạn Việt Nam, những người vẫn thường đùa rằng tôi là “người Việt từ kiếp trước”. Có lẽ vì thế, tôi và ông Ẩn đã tìm thấy nhau.
Lần theo những dấu vết tài liệu - tìm sự thật và viết ra nó

Với trải nghiệm nghiên cứu sâu rộng về Việt Nam, ông đã có điều kiện tiếp cận cả các tư liệu báo chí của Việt Nam và Mỹ. Theo ông, báo chí hai phía đã đóng vai trò như thế nào trong việc lưu giữ những điều không nên bị lãng quên?
GS LARRY BERMAN: Tôi học được rất nhiều từ các nhà báo, cả Việt Nam lẫn Mỹ. Những cuốn sách đầu tiên viết về ông Ẩn đều do các nhà báo Việt Nam chấp bút, và sau đó, họ đã chia sẻ với tôi nhiều thông tin quý giá. Tương tự, các nhà báo Mỹ cũng đóng góp rất nhiều, đặc biệt khi họ gửi gắm các bản thảo, nhật ký, tài liệu vào các kho lưu trữ mà tôi có thể tiếp cận để nghiên cứu. Chính trong các kho lưu trữ ấy, tôi đã tìm thấy tài liệu của nhiều nhà báo nổi tiếng, và từ đó, sự kính trọng của tôi đối với Phạm Xuân Ẩn trong vai trò nhà báo ngày càng lớn.
Dù những bí mật tình báo vẫn được niêm phong, nhưng sự nghiệp báo chí của ông lại hiện hữu rất rõ trong tài liệu lưu trữ của cả người Mỹ lẫn người Việt. Tôi cũng nhận thấy rằng mạng xã hội ngày nay tiếp tục là nơi người ta chia sẻ thêm những tư liệu mới về ông Ẩn và câu chuyện về ông vẫn đang tiếp tục được kể. Ngoài ra còn có nhiều sách viết về mạng lưới H.63, cũng như những cuộc phỏng vấn với các nhân vật còn sống từng bảo vệ ông Ẩn trong thời gian chiến đấu.
(Ảnh: TTX)
(Ảnh: TTX)
Ông có nghĩ rằng: đôi khi, những sự thật lớn nhất lại nằm trong những chi tiết nhỏ nhất? Và ông có tin rằng báo chí, dù cũng có giới hạn riêng của mình, vẫn có thể chạm đến sự thật trọn vẹn?
GS LARRY BERMAN: Tôi không phải là một nhà báo nên thật khó để trả lời một cách dứt khoát. Nhưng tôi biết rõ ngày nay, báo chí đang phải đối mặt với khó khăn ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí bị đe dọa vì việc nói ra sự thật. Còn tôi, tôi đã dành hơn 40 năm trong các kho lưu trữ, lần theo những dấu vết tài liệu - chỉ với mục tiêu duy nhất: tìm sự thật và viết ra nó. Về chính sách của Mỹ ở Việt Nam, các tài liệu lưu trữ đã chứng minh điều đó. Bắt đầu từ Hồ sơ Lầu Năm Góc, và cho đến tận hôm nay, những điều được công bố tiếp tục soi sáng sự thật.
Được biết cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” đang được chuyển thể thành phim truyện điện ảnh. Ông kỳ vọng hình ảnh Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn sẽ được khắc họa như thế nào trên màn ảnh rộng?
GS LARRY BERMAN: Giấc mơ của tôi là được thấy “Điệp viên hoàn hảo” trở thành một bộ phim điện ảnh lớn, được sản xuất tại Việt Nam, bởi một ê-kíp người Việt và được khán giả toàn thế giới đón nhận. Hiện chúng tôi đang trong quá trình hiện thực hóa giấc mơ đó. Hãng BHD là nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn là người cầm trịch. Kịch bản đã rất tốt, và chúng tôi đang nỗ lực gây quỹ tại Việt Nam để biến giấc mơ thành hiện thực - một bộ phim do Việt Nam sản xuất, hướng đến cả giải Oscar. Tôi mong được chứng kiến điều ấy khi còn sống.
Tôi tin kịch bản đã chạm được tới cốt lõi sâu xa nhất trong triết lý sống của ông Ẩn: rằng những mối liên kết nhân văn đích thực có thể vượt qua mọi ranh giới nhân tạo của chiến tranh và chính trị. Cuộc đời ông Ẩn là một nghịch lý đẹp đẽ: một điệp viên nhưng không để sự giả dối làm tha hóa tâm hồn. Câu chuyện của ông là minh chứng rằng con người vẫn có thể giữ vững nhân tính ngay cả trong hoàn cảnh phi nhân đạo nhất, có thể tìm thấy ánh sáng trong những góc tối nhất của nghiệp vụ gián điệp, có thể hàn gắn vết thương chiến tranh và bắc nhịp cầu giữa các dân tộc.
Ông là huyền thoại, nhưng cũng rất đỗi đời thường và chân thực.
GS LARRY BERMAN
Câu chuyện ấy là lời nhắc nhở rằng: nhân tính, sự tử tế, lòng yêu thương là hy vọng lớn nhất để kiến tạo hòa bình. Khi lên phim, tôi tin câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn sẽ khiến thế giới phải ghi nhận một điệp viên đặc biệt, không chỉ vì tài năng mà còn bởi sự sâu sắc trong nhân cách - một con người được cả bạn bè lẫn đối thủ kính trọng. Ông là huyền thoại, nhưng cũng rất đỗi đời thường và chân thực.
Trong khi nhiều người khác đã rẽ sang những hướng khác thì ông vẫn tiếp tục câu chuyện Việt Nam, dù rất nhiều năm tháng đã trôi qua?
GS LARRY BERMAN: Ý của bạn có phải là tại sao tôi vẫn chưa “rời xa” Việt Nam? Câu trả lời đơn giản vì Việt Nam là một phần của tôi. Bên cạnh dự án điện ảnh dựa trên cuốn “Điệp viên hoàn hảo”, tôi đang viết một cuốn sách mới, có tên “Bước chậm cùng cái chết” (A Slow Walk With Death) về di sản dai dẳng của chất độc da cam. Chính dự án này đưa tôi trở lại Việt Nam nhiều lần nữa.
(Ảnh: Alphabooks)
(Ảnh: Alphabooks)
Cuốn sách là sự đan xen giữa lịch sử hiện đại của tranh cãi về chất độc da cam và những câu chuyện cá nhân của những người Việt Nam bị ảnh hưởng - những người vẫn sống mỗi ngày cùng di chứng dioxin. Đây sẽ là cuốn sách cuối cùng của tôi về chiến tranh. Khi cuốn sách và bộ phim hoàn tất, có thể bạn sẽ thấy tôi cùng những ông già khác trong công viên lúc 6 giờ sáng tập thể dục và kể nhau nghe chuyện cũ một thời.
Nếu được gửi một thông điệp tới người trẻ Việt Nam hôm nay, ông muốn nói điều gì?
GS LARRY BERMAN: Tôi chỉ là một nhà sử học, nên để khuyên ai đó tìm ý nghĩa cuộc đời là việc không dễ. Nhưng tôi có thể kể về ông Phạm Xuân Ẩn - một người mộng mơ. Mọi điều ông làm trong suốt sự nghiệp của mình đều bắt nguồn từ giấc mơ về một nước Việt Nam thống nhất và tươi sáng. Tôi hy vọng rằng, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay cũng sẽ có cơ hội như ông Ẩn từng có, được sang Mỹ học tập, được tiếp xúc với những giá trị tốt đẹp và sáng tạo của người Mỹ. Ông Ẩn luôn hiểu rằng: chính phủ tạo ra chiến tranh, không phải người dân. Có mấy ai từng gặp một “chính phủ”?
Trong thời gian học ở Mỹ và làm việc với báo chí, ông đã tiếp thu những giá trị và cách tư duy mà sau này trở thành một phần trong con người ông. Lời khuyên của tôi là: hãy trân trọng mọi cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi giá trị. Việt Nam hôm nay đã trở thành một điểm đến với rất nhiều người Mỹ, đặc biệt là các cựu binh - những người quay lại để tìm kiếm câu trả lời. Tôi từng đưa một số cựu binh trở lại Khe Sanh. Tôi đã thấy những người đàn ông già - từng là kẻ thù trong năm 1968 ôm lấy nhau rơi nước mắt, nói rằng: “Hồi trẻ chúng ta từng đánh nhau, nhưng bây giờ hãy cùng nhau làm điều gì đó để con cháu được sống trong hòa bình”. Đó là giấc mơ của tôi và tôi biết cũng là giấc mơ của ông Phạm Xuân Ẩn.
Mọi điều ông làm trong suốt sự nghiệp của mình đều bắt nguồn từ giấc mơ về một nước Việt Nam thống nhất và tươi sáng.
-------------
GS LARRY BERMAN
Nhiều sinh viên của tôi hiện đang học tập tại Việt Nam, và nhiều sinh viên Việt Nam cũng sang Mỹ học cùng tôi. Chúng ta đang học về nhau và điều đó chỉ có thể dẫn tới một tương lai tốt đẹp hơn. Hai quốc gia đã đi từ chỗ đối đầu sang hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Giấc mơ lớn nhất của ông Ẩn là một Việt Nam thống nhất, không có quân đội nước ngoài hiện diện. Và bởi vì từng sống ở Mỹ, từng làm việc với người Mỹ suốt chiến tranh, ông hiểu rõ và tin rằng người Mỹ và người Việt có thể là bạn, vì chúng ta chia sẻ nhiều giá trị chung. Giấc mơ ấy, hôm nay đã hiện hữu trong mối quan hệ giữa hai nước. Nếu được chứng kiến hàng nghìn sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ rồi trở về đóng góp cho quê hương - tôi tin, ông ấy sẽ rất hạnh phúc. Giống như chính ông đã từng làm.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!
------------------
Ngày xuất bản: 6/2025
Thực hiện: Ngô Hương Sen
Trình bày: Ngọc Diệp