Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050, nhiều câu hỏi lớn được đặt ra: Làm thế nào để tăng trưởng kinh tế nhanh mà vẫn bền vững ? Làm thế nào để không sao chép mô hình của phương Tây, mà kiến tạo một con đường riêng, thông minh và bao trùm ? Giữa những trăn trở đó, một bản đề xuất mang tên "Nền kinh tế tầm thấp" – Low Altitude Economy đã được đưa ra trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Nội ngày 31/5. Bản đề xuất không chỉ mang theo kỳ vọng doanh nghiệp, mà là chỉ báo một “thiết kế tương lai” cho mô hình tăng trưởng quốc gia.
Khái niệm “tầm thấp” trong “nền kinh tế tầm thấp” đề cập đến phạm vi không phận dưới 1.000 m. “Nền kinh tế tầm thấp” nghĩa là sử dụng máy bay không người lái để thực hiện các hoạt động kinh tế trên không, bao gồm phát triển nông nghiệp, chở người, hàng hóa, bay tầm thấp, du lịch hàng không, điều trị y tế khẩn cấp, giao đồ ăn và được nhiều nước coi là một động lực mới để phát triển kinh tế.

PV: Vì sao ông chọn “bay thấp”? Và triết lý phát triển nào ẩn sau độ cao dưới 1.000 mét?
Ông Nguyễn Thái Việt Huy: Tôi lựa chọn “bay thấp” không phải vì bị giới hạn, mà vì nhận thấy cơ hội phát triển vượt trội trong “nền kinh tế tầm thấp” – khái niệm chỉ các hoạt động kinh tế, dịch vụ, logistics, giám sát, nông nghiệp chính xác… diễn ra ở không gian dưới 1.000 mét so với mặt đất. Đây là khu vực mà hạ tầng truyền thống còn thiếu và chưa được khai thác đúng mức, trong khi nhu cầu ứng dụng công nghệ bay không người lái cho các lĩnh vực từ nông thôn đến đô thị, từ nông nghiệp đến công nghiệp, lại rất lớn. Triết lý phát triển của tôi là tận dụng không gian tầm thấp để tạo ra các giá trị kinh tế mới, phục vụ trực tiếp đời sống dân sinh và sản xuất, thay vì chỉ tập trung vào đô thị bay hay không gian vũ trụ vốn đòi hỏi hạ tầng và nguồn lực đầu tư rất lớn.
Ông Nguyễn Thái Việt Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh MiSmart
Ông Nguyễn Thái Việt Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh MiSmart
Triết lý ở đây là: thay vì chạy đua mô phỏng phương Tây, Việt Nam có thể kiến tạo một con đường riêng – thực dụng, hiệu quả, và bền vững – bằng cách làm chủ vùng không gian gần mặt đất, nơi chúng ta có thể “thiết kế lại” các hoạt động kinh tế cốt lõi như nông nghiệp, logistics, hay bảo vệ tài nguyên. Đây là vùng trời cho những quốc gia thông minh – biết tận dụng thế mạnh bản địa, và công nghệ linh hoạt để bứt phá.
Ông Nguyễn Thái Việt Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh MiSmart
Ông Nguyễn Thái Việt Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh MiSmart
PV: Theo ông, đâu là 3 “mũi nhọn” nên được ưu tiên sandbox để phát triển nền kinh tế tầm thấp (LAE)?
Ông Trần Thiên Phương: Chúng tôi đề xuất 3 lĩnh vực trọng điểm cần được ưu tiên thí điểm có kiểm soát (sandbox) để thúc đẩy nền kinh tế tầm thấp tại Việt Nam:
3 mũi nhọn ưu tiên sandbox gồm:
1. eVTOL & UAV logistics
2. UAV nông nghiệp & môi trường
3. Hạ tầng bay thấp & hệ sinh thái AIoT
1. Vận tải và dịch vụ hàng không tầm thấp
Ưu tiên thử nghiệm eVTOL (taxi bay điện), UAV vận tải hàng hóa, logistics không người lái và các dịch vụ công như cứu hộ, cứu nạn, kiểm tra hạ tầng. Đây là lĩnh vực có tiềm năng thương mại hóa cao, phù hợp với các khu vực địa hình phức tạp và đô thị đông dân.
2. Nông nghiệp thông minh và giám sát môi trường
Ứng dụng UAV kết hợp AI và IoT trong phun thuốc, giám sát sinh trưởng, xử lý sâu bệnh và quản lý tài nguyên. Đây là lĩnh vực hiệu quả cao, ít rủi ro và có thể triển khai ngay tại các vùng trồng chè, lúa, cây công nghiệp.
3. Công nghiệp UAV và hệ sinh thái công nghệ liên quan
Phát triển hạ tầng bay thấp gồm không phận số hóa, radar, bản đồ bay, cùng các thiết bị hỗ trợ như camera AI, cảm biến, máy tính nhúng. Đồng thời, cần ban hành cơ chế mở không phận thử nghiệm tại một số địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội...


PV: Nền kinh tế tầm thấp có thể mở ra điều gì cho Việt Nam? Và lợi thế đặc thù của Việt Nam là gì?
Ông Nguyễn Thái Việt Huy: Nền kinh tế tầm thấp không chỉ là chuyện thiết bị UAV – mà là một hệ sinh thái kinh tế mới: từ sản xuất, vận hành, dữ liệu, đào tạo, cho đến dịch vụ. Điều quan trọng là nó tạo ra một mô hình phát triển song hành: vừa tăng trưởng nhanh, vừa tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải.
Lợi thế đặc thù của Việt Nam là gì?
Thứ nhất, chúng ta có địa hình đa dạng, nhu cầu ứng dụng UAV ở rất nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, logistics.
Thứ hai, nguồn lao động trẻ, linh hoạt, hoàn toàn có thể được đào tạo thành kỹ sư, kỹ thuật viên UAV.
Và quan trọng nhất – Việt Nam đã có các doanh nghiệp nội địa sẵn sàng đi đầu – như MiSmart – để phát triển các giải pháp “Make in Vietnam”, không phụ thuộc công nghệ bên ngoài.
PV: Nếu chỉ được chọn một yếu tố đột phá để Chính phủ hành động ngay – ông sẽ chọn gì? Vì sao?
Ông Trần Thiên Phương: Nếu phải chọn một yếu tố đột phá để Chính phủ hành động ngay, tôi chọn ban hành khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát cho UAV dân sự tại một số địa phương trọng điểm. Ví dụ Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh.
Vì sao? Bởi đây là điều kiện tiên quyết để chuyển từ mô hình công nghệ sang mô hình kinh tế. Nếu không có môi trường thử nghiệm thực tế, doanh nghiệp không thể hoàn thiện sản phẩm, chứng minh hiệu quả, thu hút đầu tư hay mở rộng thương mại hóa.
Ông Trần Thiên Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Thông Minh MiSmart
Ông Trần Thiên Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Thông Minh MiSmart
Hành lang pháp lý sandbox vừa tạo không gian đổi mới sáng tạo an toàn, vừa giúp cơ quan quản lý theo dõi, điều chỉnh chính sách kịp thời – đó là cách để Việt Nam đi nhanh, nhưng vẫn chắc chắn, trong hành trình xây dựng một nền kinh tế bay thấp, nhưng tầm nhìn rất cao.
PV: Thưa ông Phương, trong bản tham luận gửi Chính phủ, ông đề xuất hàng loạt chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển nền kinh tế tầm thấp. Xin ông chia sẻ: nếu Chính phủ chỉ có thể ban hành một nhóm chính sách cấp bách nhất ngay trong năm nay, thì doanh nghiệp mong muốn ưu tiên điều gì trước? Và tại sao điều đó lại mang tính chiến lược đối với sự phát triển của ngành UAV/AIoT tại Việt Nam?"
Ông Trần Thiên Phương: Thứ nhất, "Chúng tôi kiến nghị Chính phủ ưu tiên ban hành quy định ghi nhãn hàng “Made in Vietnam” và “Make in Vietnam” cho UAV và thiết bị AIoT trong sớm nhất có thể.
Đây là nền tảng pháp lý tối quan trọng để bảo vệ giá trị thực sự của sản phẩm công nghệ Việt, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu rồi dán nhãn hàng Việt Nam – một hình thức gian lận thương mại đang làm méo mó thị trường, triệt tiêu động lực nội địa hóa công nghệ, đồng thời gây tổn hại đến uy tín quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Song song đó, chúng tôi đề xuất miễn thuế nhập khẩu linh kiện, phụ kiện UAV và áp dụng thuế suất GTGT = 0% cho UAV/AIoT sản xuất trong nước, tương tự các chính sách đã áp dụng cho UAV nông nghiệp nhập khẩu.
Ông Trần Thiên Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh MiSmart
Ông Trần Thiên Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh MiSmart
Những chính sách này nếu được triển khai ngay sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư R&D và sản xuất, mà còn tạo nền tảng cho Việt Nam bứt phá, dẫn đầu trong nền kinh tế tầm thấp tại Đông Nam Á – nơi mà công nghệ UAV/AIoT không chỉ là ngành công nghiệp mới, mà còn là hạ tầng cho tăng trưởng bền vững."
Cuối cùng, về vấn đề không phận bay. Rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của nền kinh tế tầm thấp của Việt Nam là sự kiểm soát chặt chẽ không phận của Bộ quốc phòng Việt Nam. Các quốc gia có nền kinh tế tầm thấp phát triển đều trải qua quá trình chuyển đổi quản lý một phần không phận từ quân sự sang dân sự.
Chúng tôi mong muốn chính phủ ban hành các cơ chế đặc thù hoặc các biện pháp hỗ trợ về quản lý không phận tầm thấp và xây dựng cơ sở hạ tầng (điểm cất cánh và điểm hạ cánh) đảm bảo dịch vụ bay, nhằm tạo sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc phát triển thương mại hóa quy mô lớn ngành này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn 2 ông vì cuộc trò chuyện!
Tổ chức sản xuất: Việt Anh - Khánh Sơn
Nội Dung: Mai Huyên - Đỗ Bảo - Hương Trang
Trình bày: Ngọc Bách
Hình ảnh: Huy Hiệu - Tiến Anh - Tiến Khôi