Thanh niên thời đại số
& hành trang kiến tạo

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, đất nước đứng trước cả cơ hội và thách thức, trong đó thanh niên chính là thế hệ giữ vai trò tiên phong cho đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững.

Thế giới đang chuyển mình với tốc độ chưa từng có bởi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ và những đổi thay sâu rộng trong xã hội. Từ đó mang đến rất nhiều cơ hội, học sinh có thể tiếp cận tri thức toàn cầu chỉ với một cú click. Startup trẻ có thể khởi nghiệp từ TikTok, YouTube hay nền tảng thương mại điện tử. AI trở thành trợ thủ đắc lực trong nghiên cứu, thiết kế, sáng tác nghệ thuật... Nhưng mặt trái của nó cũng không hề nhỏ: Nghiện mạng xã hội, bắt nạt trực tuyến, thông tin giả (fake news) tràn lan, áp lực “sống ảo” khiến nhiều người trẻ đánh mất sự tự tin và kết nối thực...

Thực trạng này đặt ra câu hỏi: Liệu thế hệ trẻ có đủ tự tin làm chủ công nghệ, hay sẽ bị cuốn theo và phụ thuộc vào những làn sóng biến đổi không ngừng? Tiêu điểm “Thanh niên thời đại số và hành trang kiến tạo” sẽ phân tích những cơ hội mà công nghệ số mang lại, đồng thời cảnh báo về các thách thức tiềm ẩn, từ đó đề xuất những định hướng và giải pháp thiết thực để giới trẻ được trang bị đầy đủ hành trang, trở thành người kiến tạo vững vàng trong kỷ nguyên số.

Từ bạn đồng hành
đến khoảng tối vô hình

Từ những ngày đầu thời kỳ @ chập chững với kết nối dial-up năm 1997, bước qua giai đoạn bùng nổ điện thoại di động, cho đến khi internet trở thành “hơi thở” không thể thiếu, công nghệ đã đồng hành cùng hành trình phát triển của đất nước và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, đặc biệt với thanh niên Việt Nam.

Cơ hội chuyển mình

Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng và thúc đẩy chuyển đổi số của đất nước. Sự phát triển của mạng xã hội là một cột mốc quan trọng, từ các diễn đàn như Yahoo! 360° trong những năm 2000, Việt Nam đã chuyển sang các nền tảng hiện đại như Facebook, YouTube, TikTok... Đặc biệt, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang lại những đột phá lớn và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực. Theo báo cáo toàn cảnh về thị trường Digital Việt Nam của We Are Social, tháng 2/2025 ghi nhận 79,8 triệu người dùng internet, chiếm 78,8% tổng dân số, tăng thêm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi người dành hơn 6 giờ/ngày “lên mạng”. Tỷ lệ này cho thấy mức độ phổ biến cao của internet, đặc biệt ở các khu vực đô thị, nơi hơn 50% dân số có truy cập internet tốc độ cao. Đến nay, công nghệ không chỉ là công cụ, mà còn là bạn đồng hành không thể thiếu của đại đa số người dân.

Với khả năng tiếp cận nhanh chóng các xu hướng công nghệ mới, thanh niên chính là lực lượng tiên phong dẫn dắt đổi mới và sáng tạo. Trong bài viết Tương lai cho thế hệ vươn mình, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Trong giai đoạn mới hiện nay, vai trò của lực lượng thanh niên càng trở nên quan trọng. Thanh niên là trụ cột để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, là nguồn lực chủ yếu để xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất mới, đồng thời là đội ngũ tiên phong tham gia các lĩnh vực mới. Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, là nhân tố quan trọng trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam”.

Theo số liệu của Cục Thống kê, năm 2024, nước ta có hơn 20 triệu thanh niên (độ tuổi từ 16-30), chiếm khoảng 19,8% dân số cả nước. Trong đó, có gần 10,2 triệu nam thanh niên; hơn 9,8 triệu nữ thanh niên; hơn 12 triệu thanh niên khu vực nông thôn, gần 8 triệu thanh niên khu vực thành thị. Và đây cũng là nhóm sử dụng internet tích cực nhất, báo cáo điều tra năm 2024 của Viện Nghiên cứu Thanh niên (Trung ương Đoàn) chỉ rõ các mục đích sử dụng chính bao gồm: Giải trí 75,4%; học tập và tìm kiếm thông tin 71%; giao tiếp và kết bạn 65,9%; cập nhật tin tức 63,5%. Sự phổ biến của các nền tảng internet đang thay đổi cách người trẻ tương tác và tiếp nhận thông tin. Không chỉ là công cụ giải trí, internet còn là nguồn tài nguyên giá trị cho giáo dục, phát triển cá nhân và kết nối xã hội.
Từ các công cụ hỗ trợ như ChatGPT, Gemini, Grok... đến các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, video... đều được giới trẻ tận dụng để tăng năng suất và sáng tạo. Công nghệ đã phá vỡ rào cản địa lý, giới trẻ Việt có thể giao lưu, học hỏi, hợp tác với bạn bè, chuyên gia, doanh nhân trên khắp thế giới chỉ qua vài cú click chuột hoặc chạm màn hình. Nhiều cộng đồng trực tuyến theo sở thích, ngành nghề hình thành mạnh mẽ. Việc tiếp cận tri thức toàn cầu ngày càng dễ dàng nhờ các nền tảng học trực tuyến mở như MIT, Coursera, EdX, Khan Academy, Udemy... Khi kết hợp với AI để cá nhân hóa nội dung học, các nền tảng này trở thành lựa chọn phổ biến toàn cầu, mang đến hàng loạt khóa học chất lượng, miễn phí hoặc có phí, giúp người trẻ nâng cao kỹ năng mà không cần rời khỏi nhà.

Anh Nguyễn Hoàng Sơn (TP Hồ Chí Minh), lập trình viên lâu năm cho rằng, internet với khả năng kết nối nhanh và kho tri thức khổng lồ, đặc biệt qua AI, mang lại nhiều cơ hội học hỏi và nếu biết khai thác đúng cách, người trẻ có thể phát triển tư duy, sáng tạo và nâng cao năng lực bản thân. Với gia đình, anh Sơn luôn khuyến khích con cái sử dụng internet tích cực, thông qua Google, ChatGPT, phim tài liệu, video khoa học, hay các khóa học trực tuyến để phục vụ cho học tập và cuộc sống hằng ngày.

Cùng với đó, công nghệ là chất xúc tác mạnh mẽ cho tinh thần khởi nghiệp. Chi phí khởi nghiệp công nghệ giảm đáng kể nhờ điện toán đám mây và các công cụ miễn phí/giá rẻ. Mạng xã hội là kênh marketing và bán hàng hiệu quả, kết hợp với AI giúp tối ưu vận hành, phân tích thị trường, phát triển sản phẩm thông minh... Không ít dự án khởi đầu từ ý tưởng cá nhân nhưng gọi vốn thành công nhờ định hướng rõ ràng và khả năng thích ứng linh hoạt. Nhiều startup trẻ Việt Nam như EdTech, FinTech, AgriTech... đã gây tiếng vang nhờ tận dụng công nghệ giải quyết bài toán địa phương.

Đặc biệt là nền tảng số và AI, cũng mở ra không gian sáng tạo nội dung nghệ thuật phong phú, cho phép giới trẻ thể hiện cá tính và biến đam mê thành sự nghiệp. Nhiều nhà sáng tạo trên TikTok, YouTube... như Hoa Hanassi, Châu Bùi, Ông Anh thích nấu ăn, Trà Đặng... đã thu hút hàng triệu người theo dõi nhờ sản xuất các video độc đáo, đa dạng về nhiều lĩnh vực. Công nghệ đã và đang tạo ra một sân chơi bình đẳng, nơi bất kỳ ai cũng có thể tỏa sáng nếu biết tận dụng đúng cách. Điều này đặc biệt phù hợp với tinh thần năng động, thực tế và dám làm của Gen Z, Gen Y, những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo.

Công nghệ xóa khoảng cách địa lý giúp học tập, kết nối toàn cầu. Ảnh: EY

Công nghệ xóa khoảng cách địa lý giúp học tập, kết nối toàn cầu. Ảnh: EY

Mặt trái của “hơi thở số”

Tuy nhiên, song hành cùng lợi ích là những nguy cơ đáng lo ngại khi mức độ phụ thuộc vào công nghệ có chiều hướng gia tăng. Năm 2014, Việt Nam có khoảng 37 triệu người dùng internet, tương đương với số người dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, đến đầu năm 2025, lượng người dùng mạng xã hội đã vượt 76 triệu người, phần lớn là thanh thiếu niên và trẻ em (theo báo cáo Digital). Khảo sát cho thấy, 82% trẻ em 12-13 tuổi và 93% trẻ em 14-15 tuổi ở Việt Nam sử dụng internet hằng ngày. Thực trạng này đặt ra vấn đề cấp thiết về sự cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và tham gia các hoạt động thực tế trong đời sống.

Thời điểm sau dịch Covid-19, nhiều trẻ được đưa đến các bệnh viện trên cả nước vì rối loạn lo âu do dùng mạng quá mức; có trường hợp phải nhập viện tâm thần vì nghiện nội dung tiêu cực, thậm chí từng có ý định tự tử. Theo báo cáo của PubMed Center, 14% thanh, thiếu niên Việt đã từng bị bắt nạt trực tuyến (cyberbullying), trong khi tình trạng FOMO (sợ bỏ lỡ) và nghiện mạng xã hội, nghiện game... khiến nhiều người trẻ “sống ảo” đến mức tự cô lập bản thân khỏi mọi thứ chung quanh.

Theo PGS, TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia tâm lý học, một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là nhiều người trẻ có xu hướng tin tưởng tuyệt đối vào những phản hồi từ trí tuệ nhân tạo. Họ không nhận thức được rằng, AI cũng có thể sai lệch do dữ liệu đầu vào chưa đủ hoặc thuật toán chưa toàn diện. Đặc biệt, càng trẻ tuổi thì mức độ tin tưởng càng cao, dẫn đến việc thần thánh hóa AI như một “tiêu chuẩn vàng”, khiến giới trẻ dễ rơi vào tư duy phụ thuộc, mất đi khả năng suy nghĩ độc lập và phản biện.

Ngoài ra, hiện tượng “thế hệ nằm dài” - những người trẻ chọn lối sống thụ động, tránh va chạm - đã xuất hiện ở nhiều quốc gia và đang manh nha tại Việt Nam. Họ cho rằng: “Không đi làm thì nghèo, nhưng đi làm thì vừa nghèo lại vừa kiệt sức”. Với những thanh niên này, không đi làm chỉ gặp khó khăn tài chính, điều có thể khắc phục bằng tiết kiệm hoặc nhờ hỗ trợ từ gia đình. Nhưng đi làm, ngoài áp lực kinh tế, họ còn phải đối mặt với căng thẳng, mệt mỏi và tổn thương tinh thần. “Một phần nguyên nhân xuất phát từ hiệu quả giáo dục thấp, công việc thiếu hấp dẫn, trong khi AI ngày càng thay thế con người, khiến nhiều bạn trẻ mất phương hướng và lý tưởng sống”, ông Trần Thành Nam lý giải.

Số người sử dụng internet qua các năm.Nguồn: We are social

Số người sử dụng internet qua các năm.Nguồn: We are social

Không chỉ tâm lý, vấn đề bảo mật cá nhân, an ninh mạng cũng là mối nguy hàng đầu. Thanh niên vốn ham khám phá, tự tin lên mạng, nhưng lại chưa được trang bị kỹ năng chống tin giả (deepfake), bảo vệ dữ liệu cá nhân, dẫn đến nguy cơ bị tấn công mạng (lừa đảo trực tuyến, tấn công phishing, mã độc, đánh cắp danh tính...). Bên cạnh đó, tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt khiến việc kiểm chứng trở nên khó khăn. Thông tin giả, tin giật gân, thuyết âm mưu tràn lan, dễ dàng làm lung lay niềm tin và định hướng của người trẻ chưa có đủ kinh nghiệm và kỹ năng phản biện. Thuật toán AI của mạng xã hội có thể tạo ra “buồng vang” (echo chambers), chỉ hiển thị thông tin phù hợp với quan điểm sẵn có, cực đoan hóa nhận thức và hạn chế góc nhìn đa chiều.

Một thực trạng đáng chú ý nữa là sự thay đổi trong giao tiếp của giới trẻ. Trong kỷ nguyên thông tin, tốc độ truyền đạt được ưu tiên hơn lễ độ và sự tinh tế, dẫn đến người trẻ thiếu kiểm soát cảm xúc và ngôn ngữ. Hệ quả là hiểu lầm, mâu thuẫn, “drama” và công kích cá nhân ngày càng phổ biến, góp phần gia tăng chia rẽ trên cộng đồng mạng. Một số chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nhiều người trẻ đang phải gánh chịu áp lực tâm lý và tinh thần quá tải, những phản ứng tiêu cực trong giao tiếp càng dễ bùng phát, thiếu kiểm soát. Giao tiếp vì vậy không còn là cầu nối thấu hiểu, mà đôi khi lại trở thành mồi lửa châm ngòi cho xung đột.

Chỉ trong vòng vài thập kỷ ngắn ngủi, công nghệ tại Việt Nam đã có một hành trình chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ thay đổi cơ sở hạ tầng mà còn biến đổi sâu sắc đời sống, tư duy và văn hóa. Bởi vậy, giữa làn sóng thay đổi không ngừng đó, giới trẻ cần tỉnh táo học cách nhận diện để không đánh mất mình.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Minh Trung-Hồng Việt-Phong Chương-Linh Phan
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
EY, Wechoice,LPM, TTGĐ,Thế Đại, Thông Hải, nguồn internet.