THU THỦY

Lần giở từng tấm ảnh đen trắng đã xuống mầu, vàng ố, nhà báo Hoàng Thiểm kể về từng người trong ảnh. Lúc đó những phóng viên trẻ như ông ba-lô trên lưng, túi máy ảnh nặng trĩu trước ngực luôn cố gắng theo kịp đoàn quân giải phóng hướng thẳng tới Sài Gòn để có được dòng tin, bức ảnh mới nhất. Được chứng kiến và tác nghiệp trong thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975, ít hôm sau, ông lại cùng đồng đội ngược ra bắc báo tin chiến thắng.

Từ bước ngoặt bất ngờ…

Trong căn hộ nhỏ tại chung cư Xuân Mai Complex (Hà Đông, Hà Nội), nhà báo Hoàng Thiểm bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về một thời tuổi trẻ sôi nổi. Sinh năm 1948, 20 tuổi, chàng thanh niên dân tộc Tày sinh ra ở vùng đất Quang Bình (tỉnh Hà Giang) chập chững vào công tác tại báo Hà Giang. Cuối năm 1968, ông được cử về Hà Nội học tập và trở thành sinh viên khóa I của Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Đó là khóa đầu tiên đào tạo chính quy ngành báo chí xuất bản ở nước ta.

Ông cười kể, cứ nghĩ theo học đào tạo báo chí để sau này quay về tờ báo tỉnh nhà tiếp tục cống hiến cho quê hương, thế nhưng một sự kiện bất ngờ xảy đến. “Tôi được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam lựa chọn vào quân đội viết báo phục vụ chiến trường. Thu xếp hành trang theo 'học cấp tốc' 3 tháng lớp phóng viên tiền phương do Tổng cục Chính trị tổ chức, cảm giác tự hào có, nhưng lo lắng cũng có. Với những thanh niên mới ở độ tuổi ngoài đôi mươi như chúng tôi khi đó, nhận nhiệm vụ này là một sự kiện đặc biệt, một bước ngoặt bất ngờ".

Kết thúc khóa học, ông cùng hơn 50 học viên khác được cử thẳng vào chiến trường Quảng Trị - mặt trận ác liệt nhất lúc bấy giờ. “Đây là bước “thử lửa” đầu tiên của những phóng viên như tôi. Làm sao để hoàn thành tốt nhiệm vụ? Làm sao để có thể vừa viết báo, vừa chiến đấu và kịp thời đưa tin về hậu phương, là những câu hỏi luôn canh cánh trong suy nghĩ của tôi khi ấy”.

Vào đến chiến trường Quảng Trị, theo phân công của cấp trên, nhóm được chia thành các tổ trực tiếp theo sát các đơn vị chiến đấu. Vừa chỉ, vừa nhắc tên từng người trong tấm ảnh kỷ niệm chụp chung ngày đầu đặt chân đến đất Quảng Trị, ông Thiểm nghèn nghẹn: “Chiến trường khốc liệt này đã cướp đi 3 đồng đội của tôi”.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị, đầu năm 1972, phóng viên Hoàng Thiểm quay trở lại Trường Tuyên huấn Trung ương thi tốt nghiệp. Cuối năm 1972, ra trường, ông về công tác ở Phòng Thông tấn quân sự, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Kể từ ấy, theo phân công của tổ chức, ông đi đưa tin về công tác huấn luyện, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, theo sát diễn biến của chiến trường.

…và đường đến Dinh Độc Lập

Khi những bước chân thần tốc của các cánh quân trong Chiến dịch mùa Xuân 1975 sục sôi trên khắp các mặt trận, ông Thiểm được tin tưởng ghi danh vào nhóm phóng viên đi chiến trường miền nam. Ông nhớ lại: “Sáng 23/3/1975, anh Ngọc Đản và tôi là phóng viên Thông tấn quân sự được giao nhiệm vụ xuất quân cùng với tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Trước khi đi, các thủ trưởng đã dặn vào trong đó tác nghiệp độc lập phải hết sức linh hoạt, nhạy bén, bám sát chiến trường, bám sát đơn vị chiến đấu. Đặc biệt, khi đã có tài liệu là phải chuyển ngay, bằng mọi cách để có thể về Hà Nội nhanh nhất!”.

Đoàn công tác đi trên 2 chiếc xe, chiếc xe con chở các phóng viên, xe còn lại là xe vô tuyến làm nhiệm vụ phát tin nhanh, bài về Hà Nội. Sau 2 ngày chạy xe liên tục, đặt chân đến Đông Hà thì biết quân và dân Bình Trị Thiên đã làm chủ chiến trường. Ngay trong chiều, một tổ phóng viên gồm Lâm Hồng Long, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Trần Tuấn và Hoàng Thiểm được cử lên đường đi tiếp.

Quân giải phóng hành quân qua cầu Nguyễn Tri Phương, tiến vào Đà Nẵng, ngày 29/3/1975. (Ảnh: TTXVN)

Quân giải phóng hành quân qua cầu Nguyễn Tri Phương, tiến vào Đà Nẵng, ngày 29/3/1975. (Ảnh: TTXVN)

Trên đường vào Huế, cây cầu bắc qua sông Mỹ Chánh bị địch phá hủy, cả tổ quyết định đi bộ còn xe cho quay về Đông Hà. Vượt được sông trời cũng vừa tối. Đi quá nửa đêm, cả tổ ai cũng thấm mệt, nhưng vẫn cố bước. “Tôi không bao giờ quên được hình ảnh 5 anh em hành quân đêm hôm đó”, nhà báo Hoàng Thiểm nhớ lại.

Vào đến Huế cũng là lúc trời sáng, mọi người ngay lập tức tỏa đi ghi lại từng khoảnh khắc Quân Giải phóng chiếm lĩnh các ngả đường. Suốt buổi sáng đó, quên cả đói và khát, mệt mỏi ai cũng cố gắng để có những góc ảnh đẹp nhất. Đến trưa thì tập trung ở Ngọ Môn để soạn tin, bài, phim ảnh và cử người mượn xe Honda của Ủy ban Quân quản Huế mang tài liệu ra Đông Hà chuyển phát nhanh về Hà Nội.

Nhà báo Hoàng Thiểm (ngồi phía sau xe máy) cùng tổ công tác vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975.

Nhà báo Hoàng Thiểm (ngồi phía sau xe máy) cùng tổ công tác vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975.

“Tin chiến thắng cứ dồn dập. Chúng tôi mượn 2 chiếc xe Honda đèo nhau đi suốt đêm 28/3, vượt đèo Hải Vân và sáng 29/3 đã có mặt để ghi lại toàn bộ những hình ảnh quân và dân ta làm chủ Đà Nẵng. Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui”, ông nhớ lại.

Suốt 1 tháng đó, tổ công tác lưu lại tác nghiệp tại Đà Nẵng và Huế. Ngày ngày, nhìn những dòng người, dòng xe, những bước chân rầm rập tiến vào phía nam, ông linh cảm về giờ phút lịch sử sắp điểm. Đúng lúc đó, ông và phóng viên Ngọc Đản nhận được lệnh hành quân gấp bám theo Quân đoàn II (Binh đoàn Hương Giang) tiến thẳng vào Sài Gòn.

Chiều 29/4, nhà báo Ngọc Đản và Hoàng Thiểm đến được Sở chỉ huy cánh quân hướng đông bắc tại Xuân Lộc. Dưới tán rừng cao su, Đại tá Phạm Hồng Cư, lúc đó là Cục trưởng Văn hóa, phái viên của Tổng cục Chính trị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh (sau là Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) trực tiếp giao cho nhiệm vụ bám sát đội hình chiến đấu của Sư đoàn 304, Quân đoàn 2), tiến quân theo hướng đông bắc vào Sài Gòn.

Tại Sở chỉ huy Binh đoàn Hương Giang, ông được bố trí đi theo đội hình chiến đấu của Lữ đoàn Xe tăng 203 của quân đoàn.

Xe tăng của Lữ đoàn 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Xe tăng của Lữ đoàn 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Đêm đầu hạ, trời nóng như rang. Ngồi trong xe tăng bịt kín, chờ lệnh tấn công áo ai cũng đẫm mồ hôi. Rồi giờ nổ súng đã đến. Vượt qua tuyến phòng thủ căn cứ Nước Trong của địch, đội hình xe tăng cùng các chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 304 tiến thẳng đường 15 hướng về Sài Gòn.

“Trong giờ phút thiêng liêng, tôi và nhà báo Ngọc Đản theo đội hình chiến đấu Lữ đoàn xe tăng 203 đã có mặt, chứng kiến toàn bộ quang cảnh đó, chụp tất cả các sự kiện diễn ra ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 và sau đó là Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, quân cảng và các đường phố lớn ở Sài Gòn”, nhà báo Hoàng Thiểm nhớ lại.

Trưa 2/5, ông Thiểm lên máy bay quân sự mang những hình ảnh chiến thắng về Hà Nội. Cả 18 cuộn phim do 2 nhà báo Hoàng Thiểm và Ngọc Đản chụp đã được xử lý ngay để chuyển cho các tòa soạn báo Trung ương và Hà Nội kịp có ảnh đăng trên số báo phát hành ngày hôm sau.
Tối 4/5, tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc đó là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng), khi Đại tướng hỏi: “Mới ở sài gòn ít ngày đã quay ra Hà Nội, có muốn vào Sài Gòn tiếp không?”. Không kịp nghĩ, Hoàng Thiểm trả lời ngay: “Báo cáo, cháu muốn trở lại miền nam ‘càng sớm càng tốt’ ạ!”.
Và thế là ngày 9/5, người đưa tin chiến thắng - nhà báo Hoàng Thiểm, lại ngược vào miền nam bằng máy bay quân sự, rồi xuôi dòng Cửu Long xuống mũi Cà Mau để đưa tin về lễ mít-tinh công bố việc miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đúng ngày sinh nhật Bác, ngày 19/5/1975.

Ngày đăng: 19/6/2025
Trình bày: PHƯƠNG NAM