
Cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 đòi hỏi Việt Nam huy động nguồn lực đầu tư khổng lồ, trong đó trái phiếu xanh giữ vai trò then chốt. Tuy nhiên, để công cụ tài chính này thật sự phát huy hiệu quả, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế, kiến tạo hệ sinh thái phát triển thị trường trái phiếu xanh toàn diện, minh bạch, chuẩn mực và bền vững.
Từ năm 2021 đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam đã vượt 1,4 tỷ USD. Đây là kết quả tích cực minh chứng Việt Nam đang dần hình thành thị trường tài chính xanh, dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.
Theo ông Vũ Chí Dũng, Trưởng ban Pháp chế Đối ngoại (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm đến thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam, bởi đây không chỉ là công cụ sinh lời, mà còn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp chiến lược đầu tư có trách nhiệm (responsible investing).
Sự quan tâm này càng gia tăng khi Việt Nam chủ động hội nhập, áp dụng các chuẩn mực quốc tế như khung Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (International Capital Market Association - ICMA), tiêu chuẩn ASEAN về trái phiếu xanh, và mở cửa cho các đơn vị xác nhận xanh hoạt động trong nước.
Ông Vũ Chí Dũng, Trưởng ban Pháp chế Đối ngoại (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
Ông Vũ Chí Dũng, Trưởng ban Pháp chế Đối ngoại (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
Bên cạnh hành lang chính sách, các tổ chức phát hành trái phiếu xanh và nhà đầu tư cũng dần được trang bị kiến thức và kỹ năng về tài chính xanh. Ông Dũng khẳng định: “Trong 5 năm qua, các chương trình đào tạo, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm đã giúp nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy từ cả phía doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý”.
Ở góc độ đại diện khu vực phát hành, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, đánh giá, thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Việt Nam là một trong những quốc gia có cam kết mạnh mẽ và tiên phong trong phát triển bền vững, điển hình là cam kết của Thủ tướng Chính phủ về đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
“Đây là định hướng chiến lược dài hạn, và để thực hiện, chúng ta cần một nguồn lực đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Trái phiếu xanh chính là công cụ thiết yếu để dẫn vốn cho những dự án dài hạn như hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo, giao thông bền vững”, ông Quỳnh phân tích.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam.
Viện dẫn những dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Tùng Anh - Quản lý nghiên cứu tín dụng kiêm Trưởng bộ phận Tài chính bền vững tại FiinRatings, chia sẻ: Năm 2024, Việt Nam có 2 giao dịch nổi bật. Thứ nhất là trái phiếu xanh cho lĩnh vực ngư nghiệp bền vững do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I phát hành. Đây là giao dịch đầu tiên tại châu Á và thứ hai trên thế giới trong lĩnh vực này; đồng thời cũng là lô trái phiếu xanh của doanh nghiệp bằng tiền đồng Việt Nam.
Thứ hai là trái phiếu xanh của Nhà máy nước sạch Hòa Bình Xuân Mai với kỳ hạn rất dài lên đến 20 năm, dài hơn gấp 4-5 lần mức trung bình của thị trường trong nước.
Cả hai thương vụ đều được FiinRating xác nhận đạt chuẩn trái phiếu xanh, có bảo lãnh thanh toán từ các đơn vị như Gara, cho thấy khả năng triển khai những mô hình phát hành chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam có tiềm năng to lớn với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 171% trong năm 2024. Quy mô thị trường trái phiếu xanh tăng từ 2.500 tỷ đồng năm 2023 lên gần 7.000 tỷ đồng năm 2024. Năm 2025 sẽ mở ra thời kỳ sôi động hơn khi các ưu đãi, khuyến khích ngày càng rõ ràng.
Ông Nguyễn Tùng Anh
Quy trình sản xuất "xanh" tại trang trại của TH True Milk tại Nghệ An. (Ảnh: Thành Đạt)
Quy trình sản xuất "xanh" tại trang trại của TH True Milk tại Nghệ An. (Ảnh: Thành Đạt)
Có nhiều tiềm năng là điều khó phủ nhận, song các chuyên gia đều thống nhất, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn đang phát triển khá chậm và chưa tương xứng với nhu cầu huy động vốn cho các mục tiêu xanh.
Nguyên nhân lớn nhất, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Việt Nam vẫn chưa có một bộ tiêu chí phân loại xanh (taxonomy) chính thức ở cấp quốc gia.
“Ở các nước, bộ tiêu chí phân loại xanh là khung pháp lý cốt lõi để xác định thế nào là dự án xanh, được thừa nhận về mặt pháp lý. Còn ở ta, dù Luật Chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng hay Luật Bảo vệ môi trường đã đề cập đến trái phiếu xanh, nhưng chưa có định nghĩa, tiêu chí cụ thể”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, ông Vũ Chí Dũng cho rằng: “Nếu không có bộ tiêu chí phân loại xanh đồng nhất, doanh nghiệp sẽ thiếu cơ sở để phát hành, nhà đầu tư thiếu niềm tin, còn cơ quan quản lý không thể giám sát hiệu quả”.
Theo ông Dũng, bộ tiêu chí phân loại xanh cần đủ bao trùm, phân ngành rõ ràng, xác định được các tiêu chí, ngưỡng kỹ thuật, và đồng thời phải bảo đảm đạt ba yêu cầu: không gây phương hại đến các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; cho phép các đơn vị chuyển đổi từng bước (tính chuyển tiếp); và hài hòa với các cam kết quốc tế, đặc biệt là mục tiêu Net Zero 2050.
Theo chuyên gia, bộ tiêu chí xanh nên được thiết kế bảo đảm những nguyên tắc cơ bản.
Theo chuyên gia, bộ tiêu chí xanh nên được thiết kế bảo đảm những nguyên tắc cơ bản.
Một trở ngại lớn khác là chi phí phát hành trái phiếu xanh cao hơn đáng kể so với trái phiếu thông thường. Thực tế, ông Nguyễn Tùng Anh cho biết, chi phí liên quan đến việc đạt được chứng nhận xanh, bao gồm các hoạt động xác nhận độc lập do các tổ chức như FiinRatings thực hiện, là yếu tố cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Mặc dù chi phí này tại Việt Nam thực tế không quá cao, và ở mức thấp so với khu vực, nhưng vẫn là một rào cản thực tế, đặc biệt đối với các tổ chức phát hành mới.
Theo ông Nguyễn Tùng Anh, nhiều doanh nghiệp hiện chưa cảm thấy chi phí này thực sự xứng đáng với cơ hội hoặc lợi ích dài hạn mà trái phiếu xanh có thể mang lại. Điều này tạo ra một “khoảng trống” cần được lấp đầy thông qua sự hỗ trợ phối hợp từ cả khu vực công và tư nhân. Bên cạnh đó, bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như việc làm sao để nhà đầu tư thật sự nhìn thấy tiềm năng và giá trị lâu dài của các dự án xanh để đưa ra quyết định đầu tư không hề đơn giản với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Tùng Anh.
Chuyên gia Nguyễn Tùng Anh.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh phân tích, thực tế phát hành trái phiếu xanh thường phát sinh nhiều khoản chi phí hơn so với trái phiếu thông thường. Các chi phí này bao gồm: chi phí thẩm định, đánh giá, chứng nhận tính xanh của dự án bởi bên thứ ba độc lập, cũng như chi phí giám sát trong suốt quá trình sử dụng vốn, bảo đảm việc sử dụng vốn thực sự đúng mục đích và minh bạch.
Ngoài ra, việc lựa chọn công nghệ xanh tuy mang lại lợi ích môi trường lại thường có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, làm giảm tính cạnh tranh của dự án nếu không có hỗ trợ từ chính sách. Sự thiếu hụt về hệ sinh thái hỗ trợ phát hành trái phiếu xanh từ đơn vị tư vấn, công ty xếp hạng, kiểm toán viên hiểu biết về tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (Environmental, Social, and Governance - ESG), đến đội ngũ nhân lực trong ngành tài chính có chuyên môn về công cụ xanh. Phần lớn khung phát hành hiện nay vẫn dựa vào hỗ trợ kỹ thuật từ các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới, IFC hoặc Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu…
Đặc biệt, ông Nguyễn Tùng Anh cho rằng, cần mở rộng thị trường sang cả tài chính chuyển đổi (transition finance) sau khi có khung phân loại xanh của Việt Nam. Đây là cách tiếp cận phổ biến được áp dụng trong khung của ASEAN, sử dụng hệ thống “đèn giao thông”: đèn vàng cho hoạt động chuyển đổi xanh và đèn xanh cho dự án hoàn toàn xanh.
Ảnh: HSBC.
Ảnh: HSBC.
Cải cách đột phá thể chế kinh tế
Trước những vướng mắc nêu trên, các chuyên gia đề xuất một loạt giải pháp mang tính căn cơ để mở khóa tiềm năng của thị trường trái phiếu xanh.
Cụ thể, theo ông Vũ Chí Dũng, Việt Nam cần sớm ban hành Bộ phân loại xanh quốc gia. Bộ tiêu chí này sẽ là chuẩn mực định hướng cho toàn bộ hoạt động tài chính xanh từ cấp vốn tín dụng, phát hành trái phiếu đến thu hút đầu tư trực tiếp.
“Nếu không có phương pháp phân loại dữ liệu đặc biệt (taxonomy), nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đứng ngoài vì họ không thể xác định đâu là dự án xanh thật sự”, ông Dũng khẳng định.
Còn ông Nguyễn Tùng Anh đề xuất, bộ tiêu chí nên học hỏi khung “đèn giao thông” mà ASEAN đang triển khai gồm ba cấp độ: xanh hoàn toàn, chuyển đổi và không xanh để bảo đảm tính linh hoạt và bao phủ. Ông cũng đề nghị bổ sung cơ chế kiểm soát “tẩy xanh” bằng các yêu cầu công bố thông tin bắt buộc và có kiểm toán môi trường.
Bên cạnh những yêu cầu về hành lang pháp lý và tiêu chí xanh, hệ thống chính sách ưu đãi đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh phát triển đồng bộ.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh nhấn mạnh, cần có “một hệ thống ưu đãi đồng bộ, xuyên suốt cả chuỗi giá trị và hệ sinh thái của trái phiếu xanh” từ tổ chức phát hành, tổ chức trung gian đến nhà đầu tư.
Theo ông Quỳnh, các chính sách hỗ trợ cần bao gồm ưu đãi về thuế, hỗ trợ chi phí thẩm định, đánh giá tính xanh của dự án cũng như chi phí giám sát quá trình sử dụng vốn. Những ưu đãi này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp mà còn nâng cao tính hấp dẫn của trái phiếu xanh trên thị trường.
Một yếu tố quan trọng không kém là nâng cao năng lực cho toàn bộ hệ sinh thái tài chính xanh. Việc xây dựng năng lực cho đội ngũ chuyên gia từ các công ty xếp hạng tín nhiệm và kiểm toán là rất cần thiết. Đây là lực lượng nắm vai trò then chốt trong việc xác nhận và giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, bảo đảm tính xanh của dự án, và công bố thông tin định kỳ một cách chuyên nghiệp, bài bản. Làm tốt công tác này không chỉ giúp vận hành thị trường một cách thực chất và hiệu quả, mà còn là hàng rào ngăn chặn tình trạng “rửa xanh” một nguy cơ từng xảy ra tại một số thị trường quốc tế.


Góp thêm góc nhìn từ phía cơ quan quản lý, ông Vũ Chí Dũng cho rằng, chi phí công bố thông tin định kỳ và kiểm toán là những khoản không nhỏ, cần được hỗ trợ thực chất và lâu dài để khuyến khích doanh nghiệp duy trì cam kết minh bạch. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đã có chính sách giảm 50% phí thư ký trái phiếu cho các đợt phát hành trái phiếu xanh, đây là một động thái tích cực cần được nhân rộng.
Về phía thị trường, ông Nguyễn Tùng Anh đề xuất, những khuyến khích phi tài chính như rút ngắn thời gian xử lý thủ tục phát hành trái phiếu, một yếu tố được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, Chính phủ có thể cân nhắc mở rộng quy mô các mô hình bảo lãnh tín dụng một phần từ các định chế phát triển như ADB, hoặc từ các đơn vị bảo lãnh thanh toán trái phiếu đang hoạt động tại Việt Nam nhằm giảm rủi ro cho nhà đầu tư và tăng mức độ tin cậy cho thị trường.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng ưu tiên yếu tố bền vững, trái phiếu xanh đang dần trở thành tiêu chuẩn cho các nhà phát hành muốn tiếp cận nguồn vốn quốc tế giá rẻ. “Nếu doanh nghiệp thấy rằng phát hành trái phiếu xanh giúp họ tiếp cận vốn dễ hơn, nâng uy tín thị trường, đạt yêu cầu ESG, thì phát hành xanh sẽ không còn là “tự nguyện” nữa mà trở thành một sự mặc định”, ông Nguyễn Tùng Anh nhấn mạnh.
Và đương nhiên, khi Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý, có hệ sinh thái đầy đủ và chính sách khuyến khích rõ ràng, thị trường trái phiếu xanh sẽ bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò trung tâm trong lộ trình Net Zero 2050. Thực tế minh chứng, muốn phát triển xanh một cách thực chất, Việt Nam không thể chỉ trông vào ngân sách hay vốn vay ưu đãi. Cần một thị trường vốn hiệu quả, minh bạch, có công cụ tài chính xanh dẫn dắt. Và trong số đó, trái phiếu xanh nếu được “mở khóa” đúng cách sẽ là chiếc cầu bền vững đưa kinh tế Việt Nam đến tương lai phát triển xanh, bền vững và trách nhiệm.

Ngày xuất bản: 7/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN - HỒNG VÂN
Nội dung: MINH PHƯƠNG
Ảnh: FPT IS, HSBC, CHINHPHU.VN, BÁO NHÂN DÂN
Trình bày: SƠN BÁCH