
Đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng theo xu hướng xanh hóa bằng việc chủ động xây dựng môi trường làm việc xanh; phát triển sản phẩm tín dụng xanh; góp phần xanh hóa dòng vốn đầu tư, thúc đẩy các khách hàng vay vốn chuyển đổi dự án và mục đích sử dụng vốn vay sang các dự án thân thiện với môi trường là những bước đi chiến lược của ngành ngân hàng trên hành trình tiến tới Net Zero.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về chiến lược của ngành ngân hàng trong chuyển đổi xanh và vai trò của ngành trong đồng hành cùng các doanh nghiệp chuyển dịch từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”.
Khơi thông nguồn vốn tín dụng, góp phần “xanh hóa” dòng vốn đầu tư

Phóng viên:
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền, với vai trò đồng hành cùng các doanh nghiệp trong cả nước trong tiến trình chuyển đổi xanh, ngành tài chính-ngân hàng đã và đang hiện thực hóa mục tiêu “xanh hóa” dòng vốn đầu tư như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền:
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã trở thành xu hướng phổ biến, là chính sách trọng tâm của nhiều quốc gia. Mô hình tăng trưởng xanh được lựa chọn nhằm thực hiện các biện pháp có lợi cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để bảo đảm cung cấp các nguồn lực cần thiết và đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước trong dài hạn.Để thực thi tăng trưởng xanh, hệ thống ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng, thể hiện ở hai khía cạnh.
Turbine gió của trụ điện gió Đầm Nại. (Ảnh: nhandan.vn)
Turbine gió của trụ điện gió Đầm Nại. (Ảnh: nhandan.vn)
Một là, bản thân hoạt động của các ngân hàng tác động trực tiếp tới môi trường, thông qua việc ứng dụng công nghệ để số hóa hoạt động ngân hàng, áp dụng ngân hàng điện tử, phát triển mô hình ngân hàng không giấy (paperless bank)... giúp tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải.
Hai là, cung ứng vốn tín dụng và trực tiếp tham gia vào quá trình đánh giá và quản lý rủi ro các dự án đầu tư, trong đó gồm cả rủi ro môi trường xã hội; qua đó, góp phần xanh hóa dòng vốn đầu tư, thúc đẩy các khách hàng vay vốn chuyển đổi dự án và mục đích sử dụng vốn vay sang các dự án thân thiện với môi trường.
Tại Việt Nam, trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Chính phủ cũng đã có những định hướng rõ ràng để chuyển đổi từ nền kinh tế “nâu” sang “xanh”. Tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ngành ngân hàng với vai trò là một trong những trụ cột của hệ thống tài chính, được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng; trong đó, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng góp phần “xanh hóa” dòng vốn đầu tư là một trọng tâm.
Quá trình triển khai đồng bộ các giải pháp trong toàn ngành ngân hàng đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận; đặc biệt, tốc độ tăng trưởng dư nợ cấp tín dụng đối với các lĩnh vực xanh từ năm 2017 đến nay đều đạt trung bình khoảng 22%/năm.



Phóng viên:
Xin bà cho biết, với các dự án xanh, ngành ngân hàng có những chính sách ưu đãi cho vay vốn đầu tư như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền:
Tại Việt Nam, cụm từ “tín dụng xanh” được đề cập lần đầu tiên tại Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014, được xem là một trong những “hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích” (Khoản 7 Điều 6 Luật BVMT 2014). Vai trò, nghĩa vụ của hệ thống ngân hàng gắn với tín dụng xanh đã được luật hóa một cách rõ ràng.Là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã nhận thức tăng trưởng xanh là vấn đề chiến lược, cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng để thực hiện trong từng giai đoạn.
Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã ban hành Chiến lược cho 2 giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030, giai đoạn sau có bước tiến mạnh mẽ hơn giai đoạn trước. Từ chỗ chỉ xác định tăng trưởng xanh là một nội dung của tăng trưởng bền vững, đến nay, Chính phủ đã xác định tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để đạt được tăng trưởng bền vững, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế.
Để triển khai các Chiến lược về tăng trưởng xanh, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, ngành ngân hàng đã kịp thời ban hành các Kế hoạch hành động của ngành để thực thi các nhiệm vụ được giao trong cả 2 giai đoạn, tập trung vào 4 nội dung chủ yếu là: Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ ngân hàng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; rà soát, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, chính sách liên quan, bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng thúc đẩy ngân hàng xanh, tín dụng xanh; khuyến khích các tổ chức tín dụng gia tăng tỷ trọng tín dụng xanh, tăng cường đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng; từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng.
Cánh đồng điện gió Đầm Nại thuộc địa phận xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh Nhandan.vn)
Cánh đồng điện gió Đầm Nại thuộc địa phận xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh Nhandan.vn)
Trong giai đoạn 2011-2020, căn cứ các định hướng và nhiệm vụ đặt ra cho ngành Ngân hàng tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, hướng tới 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 (Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/08/2015).
Kế hoạch tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng xanh; trong đó, bổ sung nội dung về tín dụng-ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành ngân hàng; tăng cường các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức trong toàn hệ thống; phát triển các sản phẩm ngân hàng-tín dụng xanh, các dịch vụ ngân hàng hiện đại thân thiện với môi trường, giảm phát thải ngay chính trong các quy trình cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Trong giai đoạn 2021-2030, căn cứ các định hướng và nhiệm vụ đặt ra cho ngành ngân hàng tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023).
Trong đó, ngoài các cơ chế, chính sách đã và đang được triển khai ở giai đoạn 2011-2020, Ngân hàng Nhà nước còn xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu và tăng cường nguồn vốn tín dụng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, như: nghiên cứu, thành lập diễn đàn chung về tài chính xanh của ngành ngân hàng; đẩy mạnh thực hiện mua sắm xanh trong hoạt động mua sắm công…
Song song với đó, nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, tăng trưởng xanh cũng được triển khai tích cực, như: Chính sách tín dụng khuyến khích phát triển việc sản xuất nông nghiệp và chương trình cho vay khuyến khích phát triển theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trong nông nghiệp; chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở phòng tránh biến đổi khí hậu.
Ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các ngành, lĩnh vực xanh

Phóng viên:
Để thúc đẩy dòng vốn hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực xanh, ngành ngân hàng đã tích hợp các tiêu chí về rủi ro khí hậu và rủi ro môi trường-xã hội vào quy trình đánh giá tín dụng hay xếp hạng ngân hàng như thế nào? Theo Tiến sĩ, hiện nay, với các dự án xanh, chính sách tín dụng đã thật sự ưu đãi?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền:
Để đưa ra các nguyên tắc quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022).Tua-bin điện gió sừng sững trên mặt biển tại tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: nhandan.vn)
Tua-bin điện gió sừng sững trên mặt biển tại tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: nhandan.vn)
Theo đó, quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng bao gồm tối thiểu 5 nội dung: Nhận dạng, phân loại đề nghị cấp tín dụng phải thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường; thông tin cần thu thập phục vụ công tác quản lý rủi ro về môi trường; đánh giá rủi ro về môi trường phù hợp với quy định; quản lý rủi ro về môi trường thực hiện trong quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt, quản lý tín dụng; báo cáo nội bộ về quản lý rủi ro về môi trường.
Trước đó, để các tổ chức tín dụng và khách hàng tuân thủ các quy định liên quan về bảo vệ môi trường, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các nguyên tắc, yêu cầu về hoạt động cho vay tại Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 31/12/2016). Bên cạnh đó, nhằm góp phần xanh hóa hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018), trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng: Xây dựng khung chiến lược về ngân hàng xanh; thiết lập hệ thống quản lý rủi ro MTXH (môi trường, xã hội, và quản trị) một cách toàn diện; chuyển đổi các quy trình quản trị nội bộ theo hướng đẩy mạnh số hóa; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin, xây dựng môi trường làm việc xanh; khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số.
Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cũng hướng dẫn đầy đủ việc báo cáo tình hình cấp tín dụng đối với các lĩnh vực xanh và đánh giá rủi ro MTXH trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (dưới hình thức ban hành sổ tay, danh mục, công văn hướng dẫn…).
Ngoài ra, nhiều chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất như được áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay là 4,5%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác); hỗ trợ lãi suất (Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trong 2 năm đầu, 50% lãi suất vay vốn trong năm thứ 3 đối với khách hàng vay vốn đầu tư máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp); ưu đãi tài sản bảo đảm (khách hàng thực hiện dự án liên kết , sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm từ 70-80% giá trị phương án sản xuất kinh doanh) đối với khách hàng thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Chương trình cho vay trồng rừng sản xuất cũng đã được ban hành nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng tích cực hỗ trợ cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực xanh.



Phóng viên:
Tham gia vào hành trình chuyển đổi xanh, một số ngân hàng đã có những hành động thiết thực như phát hành thẻ tín dụng làm từ nhựa tái chế, thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng nhiều chương trình tín dụng xanh. Xin Tiến sĩ cho biết, việc xanh hóa hoạt động nội bộ, tiến tới phát triển bền vững của các ngân hàng hiện được triển khai như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền:
Trên thực tế, nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh.Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cũng tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đặc biệt sau khi thông tư số 17/2022/TT-NHNN có hiệu lực. Đến nay, 100% ngân hàng thương mại đã xây dựng quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Cùng với đó, trong suốt giai đoạn vừa qua, các tổ chức tín dụng cũng không ngừng nâng cao nhận thức, tích cực đẩy mạnh các hoạt động của mình theo xu hướng xanh hóa bằng việc chủ động xây dựng môi trường làm việc xanh, áp dụng các thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, số hóa và tự động hóa quy trình, tích cực tham gia các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường...
Bên cạnh sản phẩm tín dụng xanh, nhiều tổ chức đã phát triển các sản phẩm xanh khác như tiền gửi xanh của các Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông, HSBC Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín…
Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát hành chương trình “thẻ xanh cho gia đình Việt” dành cho khách hàng là cá nhân và hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín phát hành Thẻ Sacombank Visa Platinum O₂ (Thẻ tín dụng Visa O₂) được làm bằng nhựa tái chế từ rác thải đại dương với tính năng cung cấp thông tin về lượng CO₂ thải ra trên mỗi giao dịch thẻ.
Ngoài ra, còn có các chương trình ưu đãi cho khách hàng trong lĩnh vực xanh như Ngân hàng Quốc Dân miễn phí dịch vụ thanh toán cho các khách hàng trong nhóm ngành nghề xanh và công nghệ cao.
Phát triển thị trường vốn cho lĩnh vực xanh

Phóng viên:
Theo bà, hiện nay hệ thống tài chính Việt Nam gặp những thách thức gì khi tiếp cận nguồn vốn tài trợ cho lĩnh vực xanh?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền:
Có thể nói, sự thống nhất về mặt chiến lược mang tính dài hạn đối với tăng trưởng xanh tại Việt Nam là nền tảng để xây dựng, phát triển các chính sách cụ thể của từng ngành/lĩnh vực.Đối với ngành ngân hàng, các hoạt động được xây dựng trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Chiến lược và Kế hoạch triển khai chiến lược tăng trưởng xanh; tuân thủ các quy định tại các Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng, nhưng vẫn thúc đẩy được các tổ chức tín dụng tham gia triển khai các giải pháp về tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh trên cơ sở quyền tự chủ kinh doanh.
Từ khoảng cách rất xa đã có thể nhìn thấy loạt cột trụ tua-bin điện gió sừng sững trên mặt biển. (Ảnh: nhandan.vn)
Từ khoảng cách rất xa đã có thể nhìn thấy loạt cột trụ tua-bin điện gió sừng sững trên mặt biển. (Ảnh: nhandan.vn)
Kết quả triển khai cho thấy tín dụng xanh từ hệ thống ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thể cơ cấu tài chính xanh tại Việt Nam hiện nay, tuy nhiên mới chỉ với một quy mô rất hạn chế của các cấu phần khác như trái phiếu xanh, bảo hiểm xanh, các quỹ bảo vệ môi trường và Ngân hàng phát triển Việt Nam.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2024, có 15 ngân hàng thương mại có thể huy động nguồn vốn tài trợ cho lĩnh vực xanh thông qua các hình thức như phát hành trái phiếu, hợp tác với các quỹ đầu tư quốc tế (DFC, Propaco, MUFG...), chiếm tỷ lệ 53,6% trong số 28 ngân hàng thương mại có báo cáo về nội dung này, tăng 8,6 điểm phần trăm so với số liệu tại báo cáo năm 2023; và các tổ chức quốc tế như IFC, ADB, EIB, JPM... (năm 2023, 38,09% ngân hàng báo cáo tiếp cận được với nguồn vốn xanh).



Phóng viên:
Nguồn vốn là trợ lực quan trọng cho các doanh nghiệp lựa chọn phát triển các dự án, sản phẩm xanh. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức về tiếp cận nguồn vốn. Theo bà, chúng ta cần có những chính sách như thế nào để huy động nguồn lực tư nhân và quốc tế cho công tác này, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách dài hơi?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền:
Có thể thấy việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công trình xanh thường đòi hỏi chi phí vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc cân đối vốn, bảo đảm tuân thủ các quy định và chuẩn mực an toàn hoạt động.Mặt khác, việc tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế cho tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý về hoạt đông ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh là rất lớn, tuy nhiên, thị trường vốn xanh còn nhiều hạn chế, thị trường tín chỉ carbon, trái phiếu xanh chưa phát triển hoặc chưa triển khai gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng.
Do đó, chúng ta cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Đồng thời tiếp tục phát triển thị trường vốn cho lĩnh vực xanh bổ trợ cho nguồn vốn tín dụng như trái phiếu xanh, tín chỉ carbon...
Học sinh Trường TH, THCS và THPT Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục tham gia hoạt động phân loại rác thông qua trò chơi trải nghiệm. (Ảnh do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub cung cấp)
Học sinh Trường TH, THCS và THPT Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục tham gia hoạt động phân loại rác thông qua trò chơi trải nghiệm. (Ảnh do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub cung cấp)
Quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng bao gồm tối thiểu 5 nội dung: Nhận dạng, phân loại đề nghị cấp tín dụng phải thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường; thông tin cần thu thập phục vụ công tác quản lý rủi ro về môi trường; đánh giá rủi ro về môi trường phù hợp với quy định; quản lý rủi ro về môi trường thực hiện trong quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt, quản lý tín dụng; báo cáo nội bộ về quản lý rủi ro về môi trường.

Gỡ “nút thắt” để ngành ngân hàng đáp ứng tài chính xanh

Phóng viên:
Trong việc thúc đẩy tài chính xanh và đạt mục tiêu Net Zero, theo Tiến sĩ, nút thắt lớn nhất của ngành ngân hàng là gì?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền:
Khung pháp lý theo tôi vẫn là nút thắt lớn nhất. Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn danh mục phân loại xanh quốc gia và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam.Danh mục phân loại xanh là căn cứ để Ngân hàng Nhà nước đánh giá được hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đây cũng là căn cứ để các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Đồng thời, lĩnh vực xanh vẫn thiếu khuôn khổ pháp lý, các tiêu chí đánh giá, công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh.
Ngoài ra, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các ngân hàng mới chỉ áp dụng trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, còn ở các lĩnh vực xanh khác đang dừng ở mức khuyến khích chung. Đồng thời, chưa có cơ chế ghi nhận trong quá trình đánh giá, xếp hạng đối với tổ chức tín dụng có thành tích tốt trong hoạt động cấp tín dụng xanh làm động lực để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tín dụng xanh.

Phóng viên:
Để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế Net Zero, bảo hiểm tiền gửi có vai trò quan trọng trong góp phần ổn định hệ thống tài chính và hỗ trợ tài chính xanh phát triển. Theo bà, đâu là điểm mấu chốt để bảo hiểm tiền gửi có những tác động tích cực đến chuyển đổi xanh ngành tài chính-ngân hàng?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền:
Trong tiến trình chuyển đổi xanh và hướng đến mục tiêu Net Zero của ngành tài chính-ngân hàng, hoạt động bảo hiểm tiền gửi dù không phải lĩnh vực trực tiếp phát thải khí nhà kính hay tác động lớn đến môi trường nhưng có liên quan ở nhiều góc độ. Với vai trò là một tổ chức tài chính góp phần bảo đảm an toàn tài chính, bảo hiểm tiền gửi có thể và cần đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh một cách chủ động và có trách nhiệm.Một là, bảo hiểm tiền gửi góp phần ổn định hệ thống tài chính, tạo nền tảng cho tài chính xanh phát triển. Bảo hiểm tiền gửi bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng, qua đó duy trì sự ổn định của thị trường tài chính – điều kiện tiên quyết để thực hiện các chiến lược đầu tư dài hạn như chuyển đổi xanh.
Khi hệ thống tài chính ổn định, các ngân hàng sẽ tự tin hơn trong việc tái phân bổ vốn sang các lĩnh vực xanh, phát triển bền vững, như năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, giao thông sạch,…
Hai là, khuyến khích các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nâng cao tiêu chuẩn quản trị môi trường-xã hội-minh bạch (ESG)
Cơ quan bảo hiểm tiền gửi có thể: Tích hợp các tiêu chí môi trường (E trong ESG) vào quá trình giám sát tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Khuyến nghị các tổ chức tín dụng thực hiện quản trị rủi ro khí hậu, hoặc ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành phát triển xanh. Đây là một cách gián tiếp tạo động lực để các ngân hàng tuân thủ chuẩn mực ESG, từng bước đưa yếu tố “xanh” vào trong mọi hoạt động tài chính.
Ba là, có thể xem xét xây dựng Quỹ bảo hiểm tiền gửi theo tiêu chí xanh: Quỹ dự phòng của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể được sử dụng để đầu tư an toàn, hiệu quả theo luật định. Nếu khung pháp lý cho phép, cơ quan bảo hiểm tiền gửi có thể xem xét: Đầu tư vào trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững của Chính phủ vừa bảo đảm an toàn vốn, vừa đóng góp nguồn lực gián tiếp cho nền kinh tế xanh.
Cánh đồng hướng dương bung nở vào những ngày đầu hè.
Cánh đồng hướng dương bung nở vào những ngày đầu hè.
Bốn là, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức tài chính xanh cho công chúng. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có nhiệm vụ truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi tới người gửi tiền, có thể tích hợp nội dung giáo dục tài chính xanh như: Cảnh báo rủi ro đầu tư vào các lĩnh vực gây tổn hại môi trường; khuyến khích người dân gửi tiền vào các ngân hàng “xanh”, có trách nhiệm xã hội; phối hợp để nâng cao hiểu biết của người gửi tiền về vai trò của tài chính trong bảo vệ môi trường.
Năm là, tham gia chiến lược quốc gia về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành tài chính. Bảo hiểm tiền gửi có thể đóng góp vào xây dựng dữ liệu lớn về tổ chức tín dụng, qua đó phục vụ phân tích rủi ro tài chính-môi trường; Chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong các chương trình thử nghiệm (sandbox) liên quan đến tài chính số xanh.
Bằng việc ổn định hệ thống, nâng cao tiêu chuẩn ESG, điều tiết vốn đầu tư và truyền thông định hướng, bảo hiểm tiền gửi có thể trở thành một tác nhân tích cực hỗ trợ mục tiêu Net Zero quốc gia, qua lăng kính ổn định-an toàn-bền vững của hệ thống tài chính.
Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền!
Ngày xuất bản: 7/2025
Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH, HỒNG VÂN
Nội dung: THIÊN LAM
Trình bày: ĐĂNG NGUYÊN
Ảnh: Báo Nhân Dân, TƯ LIỆU