
Các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống. Do vậy, tổ chức sự kiện là một trong những giải pháp quan trọng được nhiều cơ quan báo chí lựa chọn để đa dạng hóa nguồn thu.
Vấn đề kinh tế báo chí chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Khi thế giới ngày càng toàn cầu hóa, sự phát triển vũ bão của công nghệ khiến mọi ranh giới đang ngày càng bị xóa nhòa, thì nhu cầu, xu hướng tiếp nhận thông tin của công chúng Việt cũng dần chuyển hướng sang nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội. Vì thế, kinh tế báo chí trong nước cũng hứng chịu chung cơn bĩ cực toàn cầu, khi lượng độc giả truyền thống ngày càng giảm, quảng cáo và nguồn thu từ báo in ngày càng èo uột; nguồn thu từ quảng cáo số lại chảy vào các nền tảng mạng xã hội...
Quang cảnh buổi hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Quang cảnh buổi hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Trong khi đó, hằng năm, chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Kinh tế báo chí thực sự là vấn đề nan giải của hầu hết các tòa soạn tại Việt Nam.
Thực tế hiện nay, các nguồn thu chính của báo chí hiện có: quảng cáo, truyền thông, tổ chức sự kiện, vận động quyên góp, cho thuê thiết bị, cho thuê cơ sở vật chất, nhà nước cấp kinh phí, đặt hàng, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết...
Để thích ứng với khó khăn, nhiều cơ quan báo chí đang thúc đẩy việc tổ chức sự kiện nhằm đa dạng hóa nguồn thu như: hội thảo, diễn đàn, hội chợ, tổ chức giải thường và gala… Dưới đây là kinh nghiệm của một số báo, tạp chí trong tổ chức sự kiện, để vừa tạo được nguồn thu, vừa nâng tầm vị thế, thương hiệu cho cơ quan báo chí.

Báo Người Lao Động: Tạo nguồn thu mà vẫn bảo toàn giá trị cốt lõi - phục vụ công chúng
Trao đổi kinh nghiệm tổ chức sự kiện để đa dạng hóa nguồn thu cho Báo, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho hay, trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ sự cạnh tranh khốc liệt trên môi trường số đến nguồn thu truyền thống sụt giảm nghiêm trọng, việc chủ động tìm kiếm mô hình phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu sống còn.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân.
Báo Người Lao Động đã tiên phong trong việc đa dạng hóa nguồn thu, không chỉ nhằm bảo đảm hoạt động báo chí mà còn góp phần nâng cao giá trị cho cộng đồng.
Đưa trường học đến thí sinh Long An (8-3-2025), ảnh Hoàng Triều.
Đưa trường học đến thí sinh Long An (8-3-2025), ảnh Hoàng Triều.
Với phương châm “Nhanh-Hay-Chính xác-Trách nhiệm-Nhân văn”, Báo Người Lao Động không chỉ cung cấp thông tin chính xác, kịp thời mà còn phản ánh sâu sắc các vấn đề lao động, xã hội, kinh tế, chính sách - những lĩnh vực gắn liền với đời sống của hàng triệu người dân, đặc biệt là người lao động. Chính thế mạnh về nội dung, cùng với định hướng đúng đắn, là nền tảng để Báo Người Lao Động phát triển các hoạt động ngoài mặt báo nhằm tạo thêm nguồn lực tài chính, đồng thời tăng cường sự lan tỏa của thương hiệu.
Theo ông Tô Đình Tuân, nhận thức rõ rằng mô hình báo chí truyền thống với nguồn thu phụ thuộc vào phát hành và quảng cáo đã không còn bền vững, Báo Người Lao Động đã đẩy mạnh hoạt động tổ chức sự kiện như một trong những giải pháp quan trọng để đa dạng hóa nguồn thu. Những năm gần đây, báo đã triển khai hàng loạt chương trình gắn với giá trị cộng đồng và mang tính lan tỏa cao, như: Chương trình "ATM gạo và thực phẩm miễn phí": hỗ trợ hàng nghìn người dân trong thời gian giãn cách do dịch, bệnh Covid-19; "Tình thương cho em": chương trình thiện nguyện dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do cha hoặc mẹ qua đời trong đại dịch.
Lễ khai trương "Cây ATM thực phẩm miễn phí" tại trụ sở Báo Người Lao Động.
Lễ khai trương "Cây ATM thực phẩm miễn phí" tại trụ sở Báo Người Lao Động.
Đồng thời, Báo tổ chức các sự kiện gắn với ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn như tọa đàm kinh tế, diễn đàn lao động, giáo dục-sức khỏe hội nghị khách hàng...
Những hoạt động này không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng, mà còn trở thành điểm kết nối giữa báo chí với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và bạn đọc. Từ đó, nhiều đơn vị chủ động tìm đến hợp tác, mở ra các mô hình tài trợ, đồng hành giúp Báo Người Lao Động tạo thêm nguồn thu mà vẫn bảo toàn được giá trị cốt lõi - phục vụ công chúng.
Ông Lê Quốc Minh và ông Tô Đình Tuân trao giải thưởng Nghệ sĩ Vì cộng đồng năm 2024 cho ca sĩ Tùng Dương.
Ông Lê Quốc Minh và ông Tô Đình Tuân trao giải thưởng Nghệ sĩ Vì cộng đồng năm 2024 cho ca sĩ Tùng Dương.
Đặc biệt, sau khoảng 5 năm kiên trì thực hiện mô hình “vừa làm vừa học”, đội ngũ tổ chức sự kiện của Báo Người Lao Động tuy không đông đảo nhưng ngày càng chuyên nghiệp, có khả năng triển khai các hoạt động quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của đối tác và người tham dự.
Không chạy theo hình thức hay tổ chức sự kiện chỉ vì lợi nhuận, Báo Người Lao Động luôn đặt mục tiêu phụng sự xã hội lên hàng đầu. Chính tư duy này đã giúp các hoạt động sự kiện mang màu sắc riêng của Báo - giàu tính nhân văn, thiết thực và bền vững.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động trao cờ Tổ quốc và túi thuốc cho người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động trao cờ Tổ quốc và túi thuốc cho người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Sự sáng tạo còn thể hiện ở cách Báo tiếp cận công chúng và đối tác. Không ít chương trình đã góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của tờ báo trong mắt doanh nghiệp, bạn đọc và các cơ quan chức năng. Thay vì tổ chức rời rạc từng hoạt động, Báo Người Lao Động xây dựng chuỗi chương trình có chủ đề xuyên suốt, gắn kết giữa truyền thông và sự kiện, tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.
Một trong những điểm sáng trong chiến lược nội dung của Báo Người Lao Động là mảng truyền thông chính sách. Đây là lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu, khả năng phân tích chính xác và đặc biệt là trách nhiệm xã hội cao. Báo đã trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và nhân dân, giải thích, lan tỏa các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động-việc làm, bảo hiểm, tiền lương, an sinh xã hội, đào tạo nghề...
Báo Người Lao Động trao giải Cuộc thi viết Lòng tốt quanh ta năm 2024.
Báo Người Lao Động trao giải Cuộc thi viết Lòng tốt quanh ta năm 2024.
Thông qua các trang chuyên đề, các tọa đàm, phóng sự đa phương tiện và hội thảo chính sách, Báo không chỉ cung cấp thông tin mà còn gợi mở giải pháp, tạo diễn đàn trao đổi giữa người dân-chuyên gia-nhà hoạch định chính sách. Chính điều này tạo nên một nét riêng có giá trị xã hội cao, đồng thời thu hút sự quan tâm và hợp tác của các cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế.
Trong nỗ lực tìm kiếm mô hình tài chính bền vững, Báo Người Lao Động là một trong số ít đơn vị tiên phong triển khai thu phí người đọc với chuyên mục “Dành cho bạn đọc VIP”. Với hơn 30.000 tài khoản đăng ký và hơn 414 sản phẩm chuyên sâu, mô hình này không nhằm mục tiêu thương mại hóa thông tin, mà hướng đến việc bán hàm lượng chất xám - những nội dung có chiều sâu, có giá trị sử dụng lâu dài. Báo cho rằng đây chỉ mới là bước đi đầu tiên, mang mục đích khai phá. Thành công lớn nhất đó là Báo Người Lao Động đã dám làm, với một mong ước nâng cao giá trị của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Nguồn thu báo chí đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí hiện nay. Ảnh: Lê Toàn.
Nguồn thu báo chí đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí hiện nay. Ảnh: Lê Toàn.
“Mỗi cơ quan báo chí sẽ phải tự tìm lối đi riêng, phù hợp với năng lực, điều kiện và bản sắc của mình. Trong lúc khó khăn bộn bề, quan trọng nhất là biến thách thức thành cơ hội, không sao chép mô hình của nhau mà cần linh hoạt, sáng tạo nhưng vẫn phải tuân thủ quy định và giữ vững tính chính xác, khách quan trong thông tin.
Trong xu thế báo chí toàn cầu đang chuyển mình, những bước đi đa dạng hóa nguồn thu như tổ chức sự kiện, phát triển nội dung chất lượng cao có thu phí, và truyền thông chính sách chính là con đường phát triển bền vững mà tờ báo đang kiên định theo đuổi. Đó cũng là minh chứng rõ ràng cho tinh thần chủ động thích ứng, dám đổi mới để phụng sự công chúng tốt hơn trong kỷ nguyên số” – ông Tô Đình Tuân khẳng định.

Báo Nhà báo và Công luận: Nỗ lực tự thân để phát triển kinh tế báo chí
Chung quanh câu chuyện tìm giải pháp để phát triển kinh tế báo chí ở nước ta hiện nay từ góc nhìn Báo Nhà báo và Công luận, ông Lê Trần Nguyên Huy, Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận cho biết: Trước câu hỏi vấn đề gì khiến các tòa soạn đau đầu nhất hiện nay, câu trả lời chắc hẳn không gì khác là kinh tế và trí tuệ nhân tạo (AI).
Song song với việc luận giải cho được bài toán giữa ứng phó và vận dụng AI như thế nào cho hiệu quả, các tòa soạn đã, đang và sẽ còn hết sức đau đầu với việc tìm giải pháp cho kinh tế báo chí. Báo Nhà báo và Công luận cũng không ngoại lệ. Với một tờ báo tự chủ tài chính, phát triển kinh tế báo chí là vô cùng nan giải nhưng không thể không tìm ra lối.
Trong những năm qua, bên cạnh việc quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, thu hút ngày càng nhiều hơn nữa lượt bạn đọc đến với các ấn phẩm báo giấy, báo điện tử, Báo Nhà báo và Công luận không ngừng tìm kiếm các phương thức đa dạng hóa nguồn thu, trong đó chú trọng các sự kiện phù hợp với tôn chỉ mục đích của tờ báo như đồng hành cùng các doanh nghiệp tổ chức các sự kiện dành cho giới báo chí.
Điển hình như: các kỳ Gala Báo chí với Lễ trao giải Khoảnh khắc báo chí tôn vinh những tác giả, tác phẩm ảnh báo chí chất lượng của các phóng viên ảnh trong cả nước; các kỳ Diễn đàn Tổng Biên tập thường niên là Diễn đàn nghiệp vụ chuyên sâu nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước trao đổi, tìm kiếm các giải pháp để báo chí phát triển; Giải Cúp Bóng đá Nhà báo và Công luận - sân chơi bổ ích cho các nhà báo đồng thời giúp đưa phong trào thể dục thể thao của người làm báo được lan tỏa... Các chương trình sự kiện do báo tổ chức đều được đồng nghiệp ủng hộ, đánh giá cao, dần trở thành "bản sắc” của tờ báo Nhà báo và Công luận, đồng thời góp phần tạo thêm nguồn thu cho tờ báo.
Nguồn thu từ những sự kiện nối dài đó không chỉ giúp báo Nhà báo và Công luận ổn định đời sống đội ngũ cán bộ, phóng viên, người lao động, giúp họ yên tâm lao động, cống hiến mà còn tạo nguồn lực giúp tòa soạn có cơ hội tái đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó trọng tâm là đầu tư hạ tầng công nghệ, hiện đại hóa tờ báo, hòa nhịp hiệu quả vào dòng chảy chuyển đổi số vốn đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của báo chí trong kỷ nguyên số.
Theo đó, tới nay, tại báo Nhà báo và Công luận, việc chuyển đổi số mạnh mẽ đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, từ việc sản xuất nội dung cho tới chỉ đạo, điều hành đã được triển khai kịp thời, hiệu quả. Báo Nhà báo và Công luận đã được công nhận là một trong 10 cơ quan khối báo Trung ương đạt mức xuất sắc về độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024.
Thời gian tới, để ổn định và tiếp tục đưa tờ báo phát triển, bảo đảm giữ vững và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, báo Nhà báo và Công luận chủ trương lấy việc nâng cao chất lượng nội dung và đa dạng hóa nền tảng truyền tải thông tin là yêu cầu hàng đầu. Nguồn thông tin được sản xuất sẽ được thiết kế cho phù hợp với nhiều nền tảng khác nhau: báo in, báo điện tử, media, Facebook, Tiktok, Youtube… để có thể tiếp cận tới nhiều phân phúc độc giả khác nhau, từ đó mới có thể đa dạng hóa được nguồn thu, tìm kiếm các nguồn thu mới phù hợp với tôn chỉ mục đích.
Song song với đó, truyền thông chính sách cũng được báo Nhà báo và Công luận hết sức chú trọng, xem đây là nhiệm vụ trọng yếu của tòa soạn.
Gợi mở một số giải pháp kinh tế báo chí, từ thực tiễn hoạt động tòa soạn, thực tiễn đời sống báo chí hiện nay, ông Lê Trần Nguyên Huy cho rằng kiến tạo nguồn thu, tìm giải pháp phát triển kinh tế báo chí trước hết phải là nỗ lực tự thân, đòi hỏi sự quyết liệt, quyết tâm, hết sức nỗ lực sáng tạo từ các tòa soạn. Cùng với đó, báo chí cần có thêm bệ đỡ về chính sách từ Nhà nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Ông Lê Trần Nguyên Huy - Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận.
Ông Lê Trần Nguyên Huy - Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận.
Báo Nhà báo và Công luận tổ chức diễn đàn thường niên Diễn đàn Tổng Biên tập 2024.
Báo Nhà báo và Công luận tổ chức diễn đàn thường niên Diễn đàn Tổng Biên tập 2024.
Báo Nhà báo và Cộng luận tổ chức Gala Báo chí 2023.
Báo Nhà báo và Cộng luận tổ chức Gala Báo chí 2023.
Đồng chí Lê Quốc Minh trao giải Đặc biệt cho nhóm tác giả đoạt giải Cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc báo chí" năm 2024.
Đồng chí Lê Quốc Minh trao giải Đặc biệt cho nhóm tác giả đoạt giải Cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc báo chí" năm 2024.

Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản và Lễ trao chứng nhận dự án đáng sống 2024.
Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản và Lễ trao chứng nhận dự án đáng sống 2024.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đại diện Ban tổ chức và Hội đồng bình chọn chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các “DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG” năm 2024.
Đại diện Ban tổ chức và Hội đồng bình chọn chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các “DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG” năm 2024.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp: Kiến tạo nguồn thu từ cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Chia sẻ kinh nghiệm về đa dạng hóa nguồn thu cho Tòa soạn, trong đó nổi bật là hoạt động tổ chức sự kiện, Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, qua 32 năm hình thành và phát triển, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp không chỉ là người đồng hành mà còn là cầu nối đưa các ý kiến của doanh nghiệp tới được các cơ quan chức năng.
Tạp chí đã tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật và cải thiện môi trường kinh doanh. Điều đó thể hiện qua việc triển khai hàng loạt Diễn đàn, Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, doanh nhân tham gia vào Dự thảo sửa đổi một số Luật quan trọng như Luật Quản lý thuế, Luật Đất đai, Luật Tố tụng hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Quy hoạch, dự Luật các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt...
Bên cạnh đó, Tạp chí cũng thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh doanh như: các diễn đàn góp phần hoạt thiện môi trường kinh doanh đầu tư; chủ trì một chương trình hỗ trợ thanh niên và sinh viên khởi nghiệp từ năm 2002; thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kinh doanh như: Diễn đàn đánh giá năng lực doanh nghiệp, công bố thường niên các xếp hạng doanh nghiệp theo ngành; Chương trình bình chọn dự án bất động sản đáng sống.
Nhận định về những thách thức trong phát triển kinh tế báo chí, ông Nguyễn Linh Anh cho rằng, các cơ quan báo chí đã và đang ở trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trước sự phát triển nhanh của truyền thông số, mạng xã hội.
Quảng cáo từ báo chí hiện chỉ chiếm rất nhỏ trong nhiều kênh truyền thông số digital mà doanh nghiệp và đối tác hướng tới. Thách thức này là thực trạng chung của báo chí trên thế giới và sẽ kéo dài trong những năm tới.
Trong bối cảnh dữ liệu thông tin dày đặc trên các nền tảng số, cách thức tuyên truyền truyền thống không còn sức hấp dẫn, các cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đang đứng trước sức ép phải không ngừng đổi mới sáng tạo các sản phẩm mới để thực hiện nhiệm vụ kép: tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế- xã hội đến cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời thu hút và gia tăng tương tác với độc giả, công chúng.
Theo ông Nguyễn Linh Anh, từ những năm 2000, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp là một trong những đơn vị tiên phong tổ chức sự kiện, diễn đàn, tạo “sân chơi” cho đông đảo doanh nghiệp được góp ý, phản biện… Tiêu biểu là các diễn đàn, hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, doanh nhân và tham gia vào dự thảo sửa đổi một số Luật quan trọng liên quan đến doanh nghiệp và kinh doanh.
Đến nay, nhiều sự kiện, hoạt động, diễn đàn đã được tổ chức thường niên như Chương trình Khởi nghiệp quốc gia; tổ chức gala trao giải, tôn vinh các doanh nghiệp xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề như bất động sản, công nghệ, năng lượng; các diễn đàn, toạ đàm chuyên đề trong các lĩnh vực kinh doanh của nền kinh tế được tổ chức nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Không chỉ đem lại doanh thu cho báo, tiên phong tổ chức sự kiện thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, nỗ lực tự thân không ngừng nghỉ của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trong việc đa dạng hoá nguồn thu, nâng cao chất lượng tuyên truyền để phụng sự doanh nghiệp, doanh nhân và bạn đọc tốt nhất, hiệu quả nhất; trở thành cầu nối thông tin tin cậy của Đảng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn, đầy thách thức như đại dịch Covid-19, nhờ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, dòng chảy thông tin trên Diễn đàn Doanh nghiệp không bị ngắt quãng. Các sự kiện, diễn đàn thường niên được tổ chức liên tục theo hình thức trực tuyến đáp ứng đúng yêu cầu trong thời điểm đó với số lượng người dưới 30 người nhưng có những sự kiện Tạp chí đã mời cả chuyên gia nước ngoài tại Mỹ, Pháp… tham gia.
Những năm qua, truyền thông chính sách cũng là một trong những thế mạnh của Diễn đàn Doanh nghiệp. Tạp chí đã chủ động, nhanh nhạy phản ánh, phân tích, phản biện nhiều vấn đề “nóng” của nền kinh tế, những thể chế chính sách có tác động đến hoạt động và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đó là những nội dung liên quan đến cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; cơ hội phát triển mới của nền kinh tế trên nhiều ngành nghề lĩnh vực… Trong đó, không ít nội dung được Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển thành diễn đàn lớn, tổ chức thường niên, thu hút sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, nguồn thông tin ngày càng đa dạng, kịp thời từ nhiều kênh truyền thông: tạp chí in, điện tử, truyền hình, youtube đến các diễn đàn, sự kiện… Diễn đàn Doanh nghiệp đã nỗ lực mang tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tới các cơ quan quản lý vừa góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vừa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả thực thi cao cho các quy định pháp luật có liên quan, góp phần vào việc hoàn thiện thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh hoạt động báo chí truyền thống, Tạp chí còn tập trung vào các nền tảng online và cũng đã có nguồn thu từ nền tảng (dù chưa như kỳ vọng). Đơn cử, kênh Youtube của Diễn đàn Doanh nghiệp hiện có lượng người đăng ký lên tới 411 nghìn người và nhiều video đã lọt top người xem.
Có thể nói, kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp gói gọn trong slogan: “Chuẩn bị kỹ, thực hiện nhanh”.

Tạp chí Nhà Đầu tư: Trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư, doanh nghiệp
Đồng tình với các nhận định và phân tích của các báo, tạp chí nói trên, Nhà báo Phạm Đức Sơn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư nêu quan điểm: Dù nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của phần đông doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Ngân sách truyền thông, quảng cáo bị cắt giảm mạnh, lại bị chia sẻ cho các nền tảng mạng xã hội, khiến đời sống kinh tế báo chí gian nan.
Nhà báo Phạm Đức Sơn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư.
Nhà báo Phạm Đức Sơn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư.
Bối cảnh như vậy đòi hỏi các tòa soạn phải tìm cách đa dạng hóa nguồn thu. Trong đó, tổ chức sự kiện, bao gồm các hội thảo, toạ đàm, được nhiều tòa soạn, trong đó có tạp chí Nhà đầu tư chú trọng.
Khi thị trường khó khăn, các doanh nghiệp cắt giảm chi phí quảng cáo, tiếp thị, nhưng nhiều trong số họ vẫn sẵn sàng tài trợ cho các hoạt động có giá trị kiến tạo, góp phần tìm tòi các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn”, hoàn thiện chính sách, thể chế, cải thiện, khai mở môi trường đầu tư-kinh doanh.
Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức buổi Tọa đàm Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước.
Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức buổi Tọa đàm Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước.
“Vấn đề là nắm bắt trúng nhu cầu doanh nghiệp và cung ứng được cho họ sản phẩm, dịch vụ chất lượng và thiết thực. Muốn như vậy, đòi hỏi phải có sự am hiểu thực tiễn hoạt động kinh tế, và quan trọng hơn là sự tín nhiệm của giới doanh nhân. Điều này cần sự vun đắp thường xuyên mỗi ngày, bắt đầu từ mỗi tin, bài báo có giá trị thông tin”, ông Phạm Đức Sơn nhấn mạnh.
Ông Phạm Đức Sơn cho biết, bám sát hoạt động của cơ quan chủ quản là Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hằng năm, Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm về các chủ đề kinh tế-đầu tư thời sự. Gần đây nhất, hôm 27/5, Tạp chí đã tổ chức thành công toạ đàm “Góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội”.
Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo Đầu tư phát triển nhà ở xã hội Bối cảnh mới, cơ hội mới.
Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo Đầu tư phát triển nhà ở xã hội Bối cảnh mới, cơ hội mới.
Trước đó, ngay sau cú sốc thương mại toàn cầu do Mỹ áp đặt thuế quan đối ứng, Tạp chí đã kịp thời tổ chức tọa đàm “Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước”…
Điểm chung là các cuộc hội thảo, tọa đàm đều có nội dung thiết thực, với sự tham dự của đại diện cơ quan nhà nước, các chuyên gia hàng đầu, lãnh đạo các doanh nghiệp, và được truyền thông rộng rãi. Nhiều chủ đề được Tạp chí đeo bám sâu, lật mở bằng nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm, qua nhiều năm, từ khi phát hiện vấn đề cho đến khi vấn đề được giải quyết, như phát triển năng lượng tái tạo, thị trường trái phiếu, hay áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu...
“Quan trọng là mọi thành viên trong tập thể đều cùng chung một mong muốn xây dựng tòa soạn trở địa chỉ tin cậy để các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp chia sẻ vấn đề mà họ quan tâm. Cùng kiến tạo và cùng thắng”, ông Phạm Đức Sơn nhấn mạnh.

Khai mạc Cúp Nhà báo và Công luận lần thứ IV.
Khai mạc Cúp Nhà báo và Công luận lần thứ IV.
Giải bóng đá Cúp Nhà báo và Công luận đến nay đã bước sang mùa thứ IV.
Giải bóng đá Cúp Nhà báo và Công luận đến nay đã bước sang mùa thứ IV.
Đội bóng Báo Nhân Dân giành ngôi vô địch cúp Nhà báo và Công luận lần thứ IV, năm 2025.
Đội bóng Báo Nhân Dân giành ngôi vô địch cúp Nhà báo và Công luận lần thứ IV, năm 2025.
Ngày xuất bản: 20/6/2025
Tổ chức sản xuất: Thảo Lê
Nội dung: Đỗ Thoa
Trình bày: Dương Thịnh
Ảnh: Báo Nhân Dân, Báo Người Lao Động, Báo Nhà báo và Công luận, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Tạp chí Nhà Đầu tư, vneconomy.vn