
Báo cáo từ WorldBank, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, đến năm 2040 Việt Nam cần phải thêm tới 6,8% GDP đầu tư hàng năm, tức là khoảng 368 tỷ USD.
Để huy động nguồn lực tài chính, phục vụ mục tiêu tăng trưởng bền vững tại Việt Nam, trái phiếu xanh là một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn với bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính, Bộ Tài chính để tìm hiểu về quy mô, giải pháp phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam.
10 năm
Hành trình bứt tốc

Phóng viên: Trong gần 10 năm từ khi xuất hiện tại Việt Nam đến nay, hành trình của trái phiếu xanh tại Việt Nam có đặc điểm gì nổi bật, thưa bà?
Với sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tôi tin chắc rằng thị trường trái phiếu xanh sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả để phục vụ tăng trưởng xanh, bền vững

Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Bà Phạm Thị Thanh Tâm:
Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam bắt đầu hình thành từ năm 2016 với việc Thành phố Hồ Chí Minh phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương kỳ hạn 15 năm để huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, trong đó có 11 dự án mang tính chất bảo vệ môi trường.
Cũng trong năm 2016, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, trong đó có 1 dự án mang tính chất bảo vệ môi trường.
Các trái phiếu phát hành tại thời điểm này mặc dù chưa đáp ứng đầy đủ nguyên tắc về trái phiếu xanh theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên mục đích sử dụng vốn là cho các dự án đầu tư mang lại lợi ích cho môi trường, là nguyên tắc quan trọng nhất đối với trái phiếu xanh.
Trong quá trình hình thành và phát triển của thị trường trái phiếu xanh, khung khổ pháp lý liên tục được hoàn thiện theo thông lệ tốt của quốc tế. Trước khi pháp luật về bảo vệ môi trường ban hành quy định về trái phiếu xanh, pháp luật về trái phiếu đã quy định về phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh và trái phiếu chính quyền địa phương xanh.
Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường đã đặt nền tảng pháp lý cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó bao gồm quy định về huy động vốn thông qua trái phiếu xanh và tín dụng xanh.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 04/7/2025 quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh, làm cơ sở để các chủ thể phát hành trái phiếu lựa chọn dự án xanh theo đúng quy định. Có thể thấy, khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh đã được hoàn thiện đồng bộ.
Trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu xanh đã và đang nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của các chủ thể phát hành, đặc biệt là các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng; và các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh để huy động nguồn vốn phục vụ tăng trưởng xanh, bền vững.
Về phía cầu, sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế và các quỹ đầu tư lớn vào các đợt phát hành trái phiếu xanh trong thời gian qua cũng góp phần tạo nên sức hút đáng kể cho thị trường, phản ánh triển vọng của trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Với sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tôi tin chắc rằng thị trường trái phiếu xanh sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả để phục vụ tăng trưởng xanh, bền vững.
Phóng viên: Để có cái nhìn tổng quan, xin bà cho biết những lĩnh vực nào đang chiếm tỷ trọng lớn trong việc phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam và Việt Nam đã có những tổ chức nào tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh thưa bà?
Bà Phạm Thị Thanh Tâm:
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, trong đó huy động vốn cho năng lượng tái tạo, hạ tầng bền vững và quản lý nước là các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Trong năm 2024, thị trường trái phiếu xanh chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1,9 lần so với năm 2023, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng từ các tổ chức phát hành và nhà đầu tư. Các ngân hàng thương mại như BIDV, Vietcombank, HDBank, SeABank cũng tham gia phát hành trái phiếu xanh với mục tiêu tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và quản lý nước, và thúc đẩy phát triển bền vững.
Đáng chú ý, thị trường lần đầu tiên ghi nhận sự tham gia của các lô trái phiếu xanh do doanh nghiệp phi tài chính phát hành, như Công ty Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I và Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình-Xuân Mai cũng đã đạt được những thành công đáng kể, lần lượt phát hành 1.000 tỷ đồng và 875 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước sạch.
Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.
Năm 2024, khoảng 10,3 tỷ USD.
Đáng chú ý, thị trường lần đầu tiên ghi nhận sự tham gia của các lô trái phiếu xanh do doanh nghiệp phi tài chính phát hành, như Công ty Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I và Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình-Xuân Mai cũng đã đạt được những thành công đáng kể, lần lượt phát hành 1.000 tỷ đồng và 875 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước sạch.
Sự chuyển dịch về cơ cấu doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh trong thời gian qua, từ tập trung vào khối tài chính ngân hàng sang sự tham gia của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, thủy sản bền vững và cơ sở hạ tầng, phản ánh xu hướng "xanh hóa" đang lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Điều này cho thấy nhận thức về tài chính xanh đang lan tỏa và khẳng định nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Bước tiến xanh
và chặng đường còn nhiều rào cản

Phóng viên: Thống kê quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững tại các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia và Philippines tương đương 5%, 10% và 20% GDP.
Việt Nam đã có gần 10 năm phát triển thị trường trái phiếu xanh, nhưng quy mô chưa tương xứng với tiềm năng. Bà cho biết tâm lý và mức độ sẵn sàng của nhà đầu tư Việt Nam với trái phiếu xanh hiện nay ra sao?
Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Trên thế giới, thị trường trái phiếu xanh đã và đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu, tổng giá trị trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) phát hành năm 2024 ước đạt 1,1 nghìn tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023, phản ánh xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, hạ tầng bền vững và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Mặc dù quy mô thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Philippines, nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường trong các năm gần đây, nhất là năm 2024 cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này.
Nguyên nhân của việc giá trị trái phiếu xanh phát hành vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu chuyển dịch xanh của nền kinh tế là do nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về trái phiếu xanh còn hạn chế, dẫn đến sự dè dặt khi tham gia thị trường này.
Ngoài ra, chi phí phát hành trái phiếu xanh cao hơn so với quy trình phát hành trái phiếu thông thường, quá trình lập kế hoạch và triển khai thực hiện thường kéo dài hơn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, đặc biệt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, như tôi đã nêu ở trên, thị trường cũng đang ghi nhận những chuyển biến tích cực. Một số quỹ đầu tư, tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước và ngân hàng thương mại đã bắt đầu quan tâm, tìm hiểu và tham gia vào thị trường trái phiếu xanh.
Với việc khung khổ pháp lý đã và đang được hoàn thiện hơn nữa, tôi tin rằng tâm lý nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư trong nước, sẽ chuyển biến theo hướng tích cực, tạo điều kiện để thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.
Phóng viên: Một trong những thực tế nhìn thấy ngay đó là việc phát triển trái phiếu xanh có chi phí cao hơn so với trái phiếu thông thường, để thúc đẩy phát hành trái phiếu xanh, bà có khuyến nghị gì?
Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Việc phát hành trái phiếu xanh có thể có chi phí cao hơn trái phiếu thông thường do các yêu cầu về báo cáo minh bạch, xác minh độc lập, và tuân thủ tiêu chuẩn môi trường. Như tôi đã nêu ở trên, chi phí phát hành trái phiếu xanh cao hơn cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh.
Theo đó, để khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn thông qua trái phiếu xanh, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với trái phiếu xanh.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua đã quy định thu nhập từ tiền lãi trái phiếu xanh, thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, để hỗ trợ cho doanh nghiệp thời gian đầu.
Thông tư hướng dẫn về giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán đã quy định giảm 50% giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán đối với trái phiếu xanh như dịch vụ đăng ký niêm yết, quản lý niêm yết, giao dịch… để khuyến khích cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, để góp phần giảm chi phí huy động vốn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá tình hình thị trường để kiến nghị cấp có thẩm quyền các chính sách ưu đãi phù hợp đối với trái phiếu xanh.
Trên cơ sở quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ ngành triển khai xây dựng đề án thí điểm phát hành trái phiếu Chính phủ xanh.
Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh cần nhìn nhận lợi ích lâu dài của việc phát hành trái phiếu xanh vừa giúp doanh nghiệp huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường, vừa giúp nâng cao uy tín và hình ảnh, đồng thời khẳng định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây cũng là một cách để tiếp cận nguồn vốn dài hạn với chi phí cạnh tranh so với các công cụ tài chính truyền thống.
“Mỗi doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh cần nhìn nhận lợi ích lâu dài của việc phát hành trái phiếu xanh vừa giúp doanh nghiệp huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường, vừa giúp nâng cao uy tín và hình ảnh, đồng thời khẳng định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây cũng là một cách để tiếp cận nguồn vốn dài hạn với chi phí cạnh tranh so với các công cụ tài chính truyền thống”.
Phóng viên: Bên cạnh đó, việc giám sát và chứng nhận "xanh" cho các dự án sử dụng vốn từ trái phiếu còn gặp vướng mắc. Là thị trường non trẻ, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, Việt Nam còn đối mặt với tình trạng “tẩy xanh” (greenwashing), cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa bà?
Đây là một vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển thị trường trái phiếu xanh ở các nước, trong đó có Việt Nam, vì nếu không kiểm soát tốt, hiện tượng “tẩy xanh” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của nhà đầu tư nói riêng và sự phát triển của toàn thị trường tài chính xanh nói chung.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Để ngăn chặn tình trạng này, theo tôi, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Thứ nhất, các chủ thể phát hành cần sớm áp dụng tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 04/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định đâu là dự án thực sự xanh, giúp nhà đầu tư yên tâm vào khoản đầu tư của mình.
Thứ hai, các tổ chức cung cấp dịch vụ xác nhận dự án xanh cần phải được quản lý, giám sát bởi cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các kết quả xác nhận của mình.
Thứ ba, các chủ thể phát hành cần chủ động công khai minh bạch thông tin theo đúng quy định, tạo điều kiện để nhà đầu tư và xã hội cùng giám sát.
Cuối cùng, cần có cơ chế xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong trường hợp phát hiện hành vi cố ý "tẩy xanh".
Với các biện pháp này, chúng tôi tin rằng thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam sẽ phát triển minh bạch, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia.
Vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển thị trường trái phiếu xanh ở các nước, trong đó có Việt Nam, vì nếu không kiểm soát tốt, hiện tượng “tẩy xanh” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của nhà đầu tư nói riêng và sự phát triển của toàn thị trường tài chính xanh nói chung
Trái phiếu xanh cần một hệ sinh thái hoàn chỉnh để “cất cánh”

Phóng viên: Như bà đã nêu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 04/7/2025 quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh. Bà cho biết việc xây dựng Danh mục này dựa trên tiêu chuẩn nào để bảo đảm phù hợp chuẩn mực quốc tế đồng thời thuận lợi cho các lĩnh vực soi chiếu vào để áp dụng phân loại trong từng trường hợp cụ thể?
Để thị trường trái phiếu xanh phát triển thực chất và bền vững, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, các chủ thể tham gia thị trường và các nhà tài trợ quốc tế

Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng danh mục phân loại xanh của Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg dựa trên các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với các quy định pháp luật trong nước, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể:
Danh mục phân loại xanh của Việt Nam được xây dựng căn cứ nghiên cứu, tham khảo các tiêu chuẩn, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), Ủy ban Phân loại ASEAN (ASEAN Taxonomy Board), và kinh nghiệm của các quốc gia, khu vực như Liên minh châu Âu (EU Taxonomy), Trung Quốc…
Danh mục này được xây dựng trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt là các quy định về phân loại dự án đầu tư, tiêu chí môi trường và tín dụng xanh, trái phiếu xanh; đồng thời, căn cứ Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, danh mục cũng được xây dựng để bảo đảm khả thi trong triển khai thực hiện. Chúng tôi kỳ vọng danh mục phân loại xanh sẽ giúp thị trường trái phiếu xanh phát triển minh bạch, chuẩn hóa và thu hút được nhiều hơn nữa nhà đầu tư bền vững trong và ngoài nước.
“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 04/7/2025 quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh, làm cơ sở để các chủ thể phát hành trái phiếu lựa chọn dự án xanh theo đúng quy định”.
Phóng viên: Tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đề cập đến việc phát hành một cách đồng bộ các hình thức trái phiếu khác nhau: Trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh. Cần làm gì để thúc đẩy các hình thức trái phiếu xanh này phát triển mạnh mẽ trên thị trường, thưa Bà?
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thể hiện rõ định hướng chiến lược trong việc phát triển thị trường tài chính xanh, đặc biệt là qua các công cụ như trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh. Đây là chủ trương của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ trong việc thúc đẩy huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Để phát triển hiệu quả các sản phẩm trái phiếu xanh trên thị trường, theo tôi, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thể chế. Theo đó, cần triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh, đồng thời tiếp tục rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể tham gia huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh trên thị trường.
Cùng với đó, Bộ Tài chính và các tổ chức vận hành thị trường sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên đề nhằm cung cấp kiến thức về trái phiếu xanh cho doanh nghiệp và nhà đầu tư để tăng cường cả nguồn cung và cầu của thị trường.
Đồng thời, tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá và tư vấn độc lập để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị và phát hành trái phiếu xanh.
Hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng khác cần được đẩy mạnh. Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến toàn cầu về tài chính xanh, hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ kỹ thuật. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin cũng là yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát thị trường trái phiếu xanh. Việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp tối ưu hóa quy trình phát hành, giám sát và báo cáo, đồng thời tăng cường niềm tin từ phía nhà đầu tư.
Phóng viên: Cuối cùng, Trái phiếu xanh cần có hệ sinh thái để “nâng đỡ”, hỗ trợ, thúc đẩy cùng phát triển nhanh hơn. Hệ sinh thái trái phiếu xanh cần bao gồm những yếu tố, thành phần nào để vận hành hiệu quả và minh bạch, thưa bà?
Bà Phạm Thị Thanh Tâm
Để thị trường trái phiếu xanh vận hành hiệu quả, minh bạch và bền vững, không chỉ cần một vài chính sách đơn lẻ, mà đòi hỏi phải hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bao gồm các yếu tố và chủ thể sau:
Trước hết, khung pháp lý hoàn thiện, nhất quán. Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý về phát hành trái phiếu xanh và gần đây nhất là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh. Đây là nền tảng cốt lõi cho thị trường, giảm rủi ro "tẩy xanh" và tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Tiếp đến, các chủ thể phát hành có năng lực và cam kết thực chất về chuyển dịch sang tăng trưởng xanh, bền vững. Theo đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực cần chủ động triển khai huy động vốn thông qua trái phiếu xanh để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xanh, bền vững.
Thứ ba, hệ thống xác nhận độc lập được triển khai hiệu quả. Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cần phát triển hệ thống các tổ chức xác nhận độc lập có năng lực. Bên cạnh đó, cần có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có chuyên môn về môi trường đối với các tổ chức này.
Cuối cùng, nhận thức của nhà đầu tư trên thị trường ngày càng được nâng cao. Để trái phiếu xanh được phát hành và giao dịch hiệu quả, cần có sự tham gia của các nhà đầu tư bền vững dài hạn trong và ngoài nước, như quỹ hưu trí, quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ đầu tư ESG...
Ngoài ra, không thể thiếu vai trò của các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển, vừa là nguồn vốn, vừa là nguồn hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao kinh nghiệm trong giai đoạn đầu phát triển thị trường.
Tựu chung lại, để thị trường trái phiếu xanh phát triển thực chất và bền vững, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, các chủ thể tham gia thị trường và các nhà tài trợ quốc tế.
Trân trọng cảm ơn những ý kiến của Bà.
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh
Nội dung: Quỳnh Trang
Ảnh: Báo Nhân Dân, Internet
Trình bày: Diệp Linh