Chặng đường bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ 30 năm qua chứng kiến nỗ lực mở rộng và làm sâu sắc thêm niềm tin, cũng như hiểu biết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Với quyết tâm chính trị xuyên suốt của lãnh đạo hai nước, cùng nỗ lực không ngừng nghỉ của các tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình và ủng hộ hợp tác, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã vượt qua “khắc nghiệt của lịch sử”, khác biệt về chế độ chính trị để viết nên câu chuyện lịch sử “từ thù đến bạn”. Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ tin tưởng quan hệ song phương tiếp tục phát triển hiệu quả.

Cách đây 30 năm, đêm 11/7/1995 (giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Rạng sáng 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.

Với mốc lịch sử đó, quá khứ được gác lại, chương mới được mở ra. Việc hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ trở thành tiền đề, tạo nền tảng và động lực mạnh mẽ để cả Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân...

Nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao giữa hai bên được tổ chức. Nhiều dấu mốc mới được thiết lập, trong đó có việc hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện 10 năm sau đó.

Việc hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ chuyển từ đối đầu sang đối thoại, từ cựu thù thành Đối tác chiến lược toàn diện còn được xem là hình mẫu trong nỗ lực vượt qua khác biệt, thúc đẩy hòa bình, hợp tác hướng tới tương lai.

Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

Năm 1995: Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ hai nước (ngày 12/7).

Năm 2000: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 16 đến 19/11).

Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến thăm, nói chuyện với cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 17/11/2000. (Ảnh: TTXVN)

Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến thăm, nói chuyện với cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 17/11/2000. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2005: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 19 đến 25/6).

Năm 2006: Tổng thống Hoa Kỳ George Bush thăm chính thức Việt Nam, dự Hội nghị cấp cao APEC (từ ngày 17 đến 20/11).

Năm 2007: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 18 đến 23/6).

Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ, ngày 22/6/2007, tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C. (Ảnh: TTXVN)

Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ, ngày 22/6/2007, tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2008: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 23 đến 26/6).

Năm 2013: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 24 đến 26/7). Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Năm 2015: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 6 đến 10/7). Hai nước ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà trắng ở thủ đô Washington D.C, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, từ ngày 6 đến 10/7/2015. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà trắng ở thủ đô Washington D.C, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, từ ngày 6 đến 10/7/2015. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2016: Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 22 đến 25/5).

Năm 2017: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 29 đến 31/5). Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm cấp nhà nước tới Việt Nam; dự Hội nghị cấp cao APEC (từ ngày 11 đến 12/11).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại cuộc họp báo quốc tế, sau khi kết thúc hội đàm trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 đến 12/11/2017 của Tổng thống Hoa Kỳ. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại cuộc họp báo quốc tế, sau khi kết thúc hội đàm trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 đến 12/11/2017 của Tổng thống Hoa Kỳ. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2018: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, tại Hoa Kỳ (từ ngày 26 đến 27/9).

Năm 2019: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân dịp Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ-Triều Tiên được tổ chức tại Việt Nam (ngày 27/2).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ-Triều Tiên, ngày 27/2/2019. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ-Triều Tiên, ngày 27/2/2019. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2020: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, thảo luận về phối hợp phòng, chống dịch Covid-19 (ngày 6/5).

Năm 2021: Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam (từ ngày 24 đến 26/8). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, có các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ (từ ngày 21 đến 24/9).

Năm 2022: Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ, thăm làm việc tại Hoa Kỳ (từ ngày 11 đến 17/5).

Năm 2023Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (từ ngày 10 đến 11/9). Hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, ngày 25/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Ảnh: TTXVN)

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, ngày 25/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2024: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ (tháng 9/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump (ngày 11/11).

Năm 2025: Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ (ngày 4/4 và ngày 2/7).

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ khẳng định, 30 năm qua là hành trình Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục xây dựng lòng tin và tăng cường hiểu biết.

Từ một trong những nội dung hợp tác đầu tiên là khắc phục hậu quả chiến tranh, rà soát bom mìn ở Việt Nam, trợ giúp người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, hay tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam, hai nước đã từng bước tạo dựng lòng tin, vun đắp quan hệ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper ấn nút hủy nổ bom mìn tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ngày 2/4/2025. (Ảnh: TTXVN)

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper ấn nút hủy nổ bom mìn tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ngày 2/4/2025. (Ảnh: TTXVN)

Từ niềm tin chính trị được tăng cường, hai nước mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác khác. Điểm nhấn trên hành trình xây dựng và nâng tầm quan hệ hai nước phải kể đến thành tựu về hợp tác kinh tế.

Theo ông Phạm Quang Vinh, từ 500 triệu USD tại thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ sau 30 năm đã tăng khoảng 300 lần. Với Việt Nam, Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu cả về kinh tế lẫn hợp tác khu vực và quốc tế. Hoa Kỳ cũng coi Việt Nam có vai trò địa chiến lược rất quan trọng trong khu vực, nhất là tại ASEAN.

Liên quan đến vấn đề thuế quan của Mỹ trong bối cảnh hiện nay, tại cuộc tọa đàm “30 năm quan hệ Việt-Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững” do Báo Tiền phong tổ chức vào ngày 11/7 vừa qua, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh nhìn nhận, thực trạng mới có nhiều phức tạp, nhưng cũng có thể nhận thấy nhiều cơ hội, là động lực để phát huy nội lực, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nền kinh tế Việt Nam trong mối quan hệ với Mỹ.

30 năm hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ không phải không có những khác biệt và thách thức, song hai nước đã liên tục vun đắp hiểu biết lẫn nhau và xây dựng các cơ chế đối thoại. Từ câu chuyện liên quan dân chủ, nhân quyền, lao động, hay năng lượng, môi trường, an ninh, an toàn hàng hải, hai nước đều có những cơ chế hợp tác và đối thoại.

Hợp tác khoa học-công nghệ, y tế, văn hóa, du lịch ngày càng mở rộng, thực chất hơn. Việt Nam liên tục đổi mới và hội nhập hiệu quả cũng tạo thêm năng lực, uy tín cho quốc gia tham gia các vấn đề quốc tế, từ chính trị, ngoại giao đến hợp tác kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Hoa Kỳ đi vào chiều sâu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự toạ đàm doanh nghiệp do Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN (USABC), Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) đồng tổ chức, tại Hoa Kỳ, ngày 23/9/2024. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự toạ đàm doanh nghiệp do Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN (USABC), Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) đồng tổ chức, tại Hoa Kỳ, ngày 23/9/2024. (Ảnh: TTXVN)

Với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, cùng thái độ đối thoại chân thành, thẳng thắn, xây dựng, trên nền tảng vững chắc đã được xây dựng suốt 30 năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đứng trước những cơ hội lớn để mở rộng hợp tác chiến lược thời gian tới.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, hai nước có nhiều trụ cột hợp tác, trong đó, quan hệ kinh tế là rất quan trọng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư SelectUSA, chào đón đoàn Việt Nam gồm hơn 100 người tham dự. Quy mô đoàn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại song phương với Hoa Kỳ. Bên cạnh kinh tế, hợp tác giáo dục, y tế, quốc phòng cũng là trụ cột quan trọng của hợp tác hai nước.

Hai nước có nhiều trụ cột hợp tác, trong đó, quan hệ kinh tế là rất quan trọng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper

Nhấn mạnh đến hợp tác công nghệ cao, Đại sứ Knapper khẳng định, Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 9/2023) là một thành tựu lịch sử, trong đó hai bên nhấn mạnh hợp tác công nghệ cao và nhất là ngành bán dẫn. Hai nước nhận thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng và sẵn sàng vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu về sản xuất công nghệ cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (Trump International Hung Yen) - Dự án mang thương hiệu Trump (Tập đoàn Trump của Hoa Kỳ) đầu tiên tại Việt Nam và là một trong hơn 20 dự án của Tập đoàn trên toàn cầu, chiều 21/5/2025. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (Trump International Hung Yen) - Dự án mang thương hiệu Trump (Tập đoàn Trump của Hoa Kỳ) đầu tiên tại Việt Nam và là một trong hơn 20 dự án của Tập đoàn trên toàn cầu, chiều 21/5/2025. (Ảnh: TTXVN)

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cam kết đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân lực Việt Nam để đáp ứng nhu cầu về lao động, với mục tiêu giúp Việt Nam đóng vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chuỗi giá trị công nghệ cao và hiện thực hóa tiềm năng trở thành trung tâm bán dẫn khu vực và toàn cầu.

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa phát triển mới. Những chính sách, cải cách của Việt Nam thời gian qua nhận được sự quan tâm lớn của giới doanh nhân Hoa Kỳ, gia tăng niềm tin về một Việt Nam là đối tác uy tín, một thị trường và trung tâm sản xuất, nhất là sản xuất công nghệ cao.

Theo Đại sứ Knapper, việc Việt Nam sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sẽ thúc đẩy việc ra quyết định, cấp phép và phê duyệt các dự án đầu tư hiệu quả hơn. Cùng với đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, tầm quan trọng của công nghệ cao và hạ tầng kỹ thuật số được thúc đẩy cũng giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn.

Đánh giá cao sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong các cuộc thảo luận về thuế quan và quan hệ thương mại với Hoa Kỳ vừa qua, ông Knapper khẳng định, các cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, cũng như hoạt động trao đổi của các phái đoàn cấp cao hai nước cho thấy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang ở giai đoạn tốt nhất. Hoa Kỳ mong muốn quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Thế giới đang thay đổi rất sâu sắc. Trong khi Hoa Kỳ điều chỉnh những ưu tiên chiến lược, Việt Nam hướng tới một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đạt nhiều thành tựu lớn, song về đầu tư, hai nước còn nhiều tiềm năng khai thác.

Theo ông Phạm Quang Vinh, tranh thủ thêm tiềm năng từ Hoa Kỳ về đầu tư, hợp tác khoa học-công nghệ, giáo dục, đổi mới sáng tạo, cũng như tham gia vào các chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ về đổi mới sáng tạo và công nghệ giúp Việt Nam có thêm nguồn lực phát triển. Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn là cách để hai nước làm “vết thương quá khứ” tiếp tục lành lại, gia tăng hiểu biết và xây dựng lòng tin lẫn nhau.

30 năm qua là hành trình Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục xây dựng lòng tin và tăng cường hiểu biết.

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ

Chiến tranh đã lùi xa 50 năm. Chặng đường bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ 30 năm qua chứng kiến nỗ lực mở rộng và làm sâu sắc thêm niềm tin, cũng như hiểu biết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tăng cường tôn trọng và lòng tin chiến lược, cam kết chính trị từ lãnh đạo cấp cao, cùng sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, địa phương và nhân dân hai nước là những yếu tố then chốt để hai nước viết tiếp câu chuyện thành công trong kỷ nguyên hợp tác mới.

Ngày xuất bản: 12/7/2025

Nội dung: THỂ TRẦN - QUỲNH LAN