XANH HÓA CÁC KHU CHẾ XUẤT, KHU CÔNG NGHIỆP GIA TĂNG GIÁ TRỊ ĐẦU TƯ

“Xanh” hóa các khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm gia tăng giá trị đầu tư, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần thực hiện quy hoạch cho thời kỳ phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là sau hợp nhất với hai địa phương là Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương.

CHÚ TRỌNG KHU CÔNG NGHIỆP
CÔNG NGHỆ CAO

Nhờ chú trọng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao và tạo ra giá trị gia tăng lớn vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, 5 năm qua Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút đầu tư đạt hơn 2,86 tỷ USD.

Việc nhận giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Tòa nhà phức hợp Misa Campus tại Khu chế xuất Tân Thuận mới đây cũng là lúc khẳng định chặng đường phát triển mới của Công ty Cổ phần Kotia SaiGon trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển phần mềm.

Công trình này có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 1,2ha; bao gồm các hoạt động sản xuất phần mềm, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ.

Khu chế xuất Tân Thuận đang thực hiện chuyển đổi sang mô hình công nghệ cao, thu hút chất xám sau 35 năm hình thành. Ảnh: QUÝ HIỀN

Khu chế xuất Tân Thuận đang thực hiện chuyển đổi sang mô hình công nghệ cao, thu hút chất xám sau 35 năm hình thành. Ảnh: QUÝ HIỀN

Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố (Hepza) đánh giá, đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, dự án này đóng vai trò then chốt trong việc hình thành một trung tâm sáng tạo, nghiên cứu và phát triển phần mềm hiện đại, hướng tới chuẩn mực quốc tế, qua đó trở thành "thỏi nam châm" thu hút nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao vào khu chế xuất này.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp cho biết: Việc áp dụng cơ chế “một cửa tại chỗ” mà Hepza đã và đang thực hiện đã giúp doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục hành chính một cách tập trung, rõ ràng và thuận tiện. Từ đó, rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị dự án, tiết kiệm chi phí và gia tăng niềm tin vào môi trường đầu tư đang ngày càng đổi mới, chuyên nghiệp.

Sản xuất "sạch hơn", giảm phát thải tại Công ty TNHH giấy Xuân Mai, Khu công nghiệp Hiệp Phước. Ảnh: THẾ ANH

Sản xuất "sạch hơn", giảm phát thải tại Công ty TNHH giấy Xuân Mai, Khu công nghiệp Hiệp Phước. Ảnh: THẾ ANH

Bên cạnh đó, công tác phát triển hạ tầng Khu chế xuất-khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh cũng đạt kết quả ấn tượng, với việc xây dựng 531.242m² nhà xưởng cao tầng, gấp 5,3 lần chỉ tiêu đề ra (trong nhiệm kỳ 2020-2025), góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Mô hình này cũng đang phát triển mạnh tại Khu chế xuất Tân Thuận, sẽ tiếp tục nhân rộng ra các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Lực lượng lao động khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ kỹ thuật, năng động, từng bước tiếp cận với các ứng dụng khoa học công nghệ, thích nghi với nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế. Hầu hết, các doanh nghiệp đều chủ động đào tạo lại lao động để phù hợp với thực tế công việc, một số doanh nghiệp có tỷ lệ lao động trình độ đại học trên 90%.

Hệ thống điện áp mái tại Khu công nghiệp Tân Tạo, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: QUÝ HIỀN

Hệ thống điện áp mái tại Khu công nghiệp Tân Tạo, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: QUÝ HIỀN

Đến nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hút hơn 257.700 lao động. Riêng giai đoạn 2020-2025, các khu chế xuất, khu công nghiệp có 132 dự án mới đi vào hoạt động, thu hút 26.090 lao động, đạt 104% chỉ tiêu mà Đảng bộ Hepza đề ra (tạo 25.000 việc làm mới).

Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ thành phố Thủ Đức. Ảnh: THẾ ANH

Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ thành phố Thủ Đức. Ảnh: THẾ ANH

QUYẾT TÂM CHUYỂN ĐỔI,
GIA TĂNG GIÁ TRỊ ĐẦU TƯ

Theo Quy hoạch phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, từ nay đến năm 2033, thành phố mở rộng và đầu tư 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 3.833ha, bên cạnh 17 khu chế xuất-khu công nghiệp hiện hữu. Trong đó, thành phố đang thực hiện thí điểm chuyển đổi năm khu chế xuất, khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ và trung tâm logistics.

Trong đó, một số mô hình Khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp “xanh”, giảm thâm dụng lao động được thành phố ưu tiên thu hút đầu tư, đưa ra những chính sách hấp dẫn để tạo lập mô hình chuyển đổi phù hợp, tiến tới Net Zero.

Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Ví dụ, triển khai chuyển đổi thí điểm Khu công nghiệp Hiệp Phước thành khu công nghiệp sinh thái theo Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hay mô hình chuyển đổi có giá trị gia tăng cao tại Khu chế xuất Tân Thuận đã và đang được triển khai, hướng tới hình thành “Khu công nghiệp phức hợp Tân Thuận”.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận (chủ đầu tư xây dựng khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7) cho hay: Khu chế xuất Tân Thuận cũng là khu công nghiệp hình thành đầu tiên của thành phố, với thâm niên 35 năm hoạt động. Ngành công nghiệp chủ yếu vẫn là những ngành thâm dụng lao động, nằm ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, do đó cần sớm chuyển đổi để nâng cao giá trị gia tăng.

Hiện tại, khoảng một phần ba doanh nghiệp trong khu chế xuất Tân Thuận có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi, tập trung vào các lĩnh vực như dịch vụ công nghệ thông tin, linh kiện ô-tô, bán dẫn và công nghệ sinh học y dược.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận

Hiện tại, khoảng một phần ba doanh nghiệp trong khu chế xuất có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi, tập trung vào các lĩnh vực như dịch vụ công nghệ thông tin, linh kiện ô-tô, bán dẫn và công nghệ sinh học y dược. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực viễn thông, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin có ưu thế nổi bật sẽ góp phần dẫn dắt cũng như tạo ra giá trị cao trong thu hút đầu tư.

Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2 tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: TRỊNH BÌNH

Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2 tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: TRỊNH BÌNH

Ông Phạm Thanh Trực chia sẻ thêm: Trong giai đoạn 2025-2030, đối với các khu công nghiệp mới, Thành phố Hồ Chí Minh bố trí bình quân 20ha/khu, hoặc 5% diện tích khu công nghiệp trên địa bàn thành phố tùy theo điều kiện thực tế và tính chất từng khu để bố trí cho các dự án công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Triển khai cơ chế thủ tục đầu tư đặc biệt, cho phép tích hợp các thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy vào một quy trình rút gọn thống nhất.

“Hepza chú trọng mở rộng không gian phát triển các khu công nghiệp, xây dựng mới một số khu công nghiệp công nghệ cao, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, gắn với khu đô thị công nghiệp tích hợp đầy đủ tiện ích xã hội, tạo môi trường sống và làm việc đạt chuẩn quốc tế nhằm thu hút chuyên gia quốc tế và nhân lực chất lượng cao trong nước”, ông Trực cho biết thêm.

Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC tại TP Vũng Tàu. Ảnh: PVN

Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC tại TP Vũng Tàu. Ảnh: PVN

Trong giai đoạn 2025-2030, đối với các khu công nghiệp mới, Thành phố Hồ Chí Minh bố trí bình quân 20ha/khu, hoặc 5% diện tích khu công nghiệp trên địa bàn thành phố tùy theo điều kiện thực tế và tính chất từng khu để bố trí cho các dự án công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp tpTP Hồ Chí Minh

Cũng theo Hepza, việc sắp hợp nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương vào Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành nên siêu đô thị mới mang tên Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt trội so với từng địa phương riêng lẻ. Từ đây sẽ có vị thế mới, tầm cao mới với quy mô kinh tế tài chính thương mại lớn nhất cả nước và đóng vai trò động lực tăng trưởng chủ đạo của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Một góc Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 2 tại tỉnh Bình Dương (cũ). Ảnh: TRỊNH BÌNH

Một góc Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 2 tại tỉnh Bình Dương (cũ). Ảnh: TRỊNH BÌNH

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: sau hợp nhất 3 địa phương: tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2025-2030, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu hút vốn đầu tư đạt từ 20 tỷ đến 21 tỷ USD.

Quy hoạch phân khu đất khu chế xuất, khu công nghiệp có quy mô từ 13.000ha đến 13.300ha. Đất khu chế xuất, khu công nghiệp đủ điều kiện cho thuê từ 6.500ha đến 6.800ha.

Về chuyển đổi mô hình khu công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển từ 4-5 khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái. Xây dựng hoàn thành và triển khai Đề án chuyển đổi thí điểm 5-6 khu chế xuất, khu công nghiệp.

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: Sau hợp nhất 3 địa phương: tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2025-2030, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu hút vốn đầu tư đạt từ 20 tỷ đến 21 tỷ USD.

Bài đăng Báo Nhân Dân ngày 19/06/2025
Nội dung: QUÝ HIỀN
Ảnh: QUÝ HIỀN, THÀNH ĐẠT, THẾ ANH

Trình bày: BẢO MINH