

Giữa bối cảnh chuyển đổi xanh là xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thay đổi mang tính bước ngoặt. Xác định tăng trưởng xanh phải góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nước ta hướng tới một nền kinh tế bền vững, góp phần trung hòa carbon và giảm gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Là một trong những đối tác phát triển chiến lược của Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) luôn đồng hành ở nhiều lĩnh vực then chốt. Để hiểu hơn về sự sát cánh của ADB đối với các dự án chuyển đổi năng lượng, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam về vấn đề này.

ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Phóng viên: Trong Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á vừa diễn ra tại Italia, Chủ tịch ADB Masato Kanda khẳng định, ADB đang tăng cường đầu tư để xây dựng khả năng chống chịu bằng cách củng cố cơ sở hạ tầng, phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái, đồng thời, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Theo ông, Việt Nam sẽ được ADB hỗ trợ như thế nào trong mục tiêu này?
Ông Shantanu Chakraborty: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là đối tác đáng tin cậy tại châu Á-Thái Bình Dương trong việc cùng các thành viên và đối tác giải quyết những thách thức phức tạp.
Chiến lược Đối tác quốc gia của ADB với Việt Nam giai đoạn 2023-2026 ưu tiên hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và phát triển khu vực tư nhân của Việt Nam. Với chiến lược này, ADB có thể hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển bền vững thông qua nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, năng lượng tái tạo, việc làm xanh, phát triển thị trường vốn và tài chính, phát triển khu vực tư nhân và huy động tài chính bên ngoài, bao gồm các nỗ lực tăng cường hội nhập khu vực như sáng kiến Lưới điện ASEAN và Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 4/2025, Phó Chủ tịch ADB Scott Morris đã tái khẳng định ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn và các dự án năng lượng. Chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thông qua đầu tư vào năng lượng tái tạo và hệ thống giao thông carbon thấp. Thực tế, ADB đang tài trợ cho tuyến đường sắt đô thị số 3 của Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Scott Morris, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Ảnh Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Scott Morris, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Ảnh Dương Giang-TTXVN
Ngân hàng Phát triển châu Á cũng tích cực hỗ trợ hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam thông qua việc tăng cường các chiến lược và khuôn khổ chính sách về khí hậu, lồng ghép chính sách khí hậu vào ngân sách và kế hoạch quốc gia, đồng thời chuẩn bị và triển khai các dự án và chương trình đầu tư khí hậu chất lượng cao. ADB đang triển khai một số sáng kiến khí hậu chủ chốt, chẳng hạn như Cơ chế tài chính đổi mới cho khí hậu tại châu Á-Thái Bình Dương (IF-CAP), một giải pháp tài chính khí hậu sáng tạo nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
ADB cũng đang hỗ trợ Việt Nam thông qua Nền tảng Hỗ trợ kỹ thuật tiên tiến về Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) với việc xây dựng NDC 3.0, tập trung vào lĩnh vực chất thải. NDC 3.0 được xây dựng dựa trên các cam kết trước đây, thể hiện tham vọng cao nhất có thể nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, thúc đẩy phát triển bền vững. Ngoài ra, ADB có thể hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn vốn ưu đãi từ các quỹ khí hậu đa phương như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Quỹ Đầu tư khí hậu (CIF).
Nhà máy Điện gió Ia Pết - Đak Đoa 1 và Nhà máy Điện gió Ia Pết - Đak Đoa 2 là một trong các dự án nhà máy điện gió đầu tiên đi vào hoạt động, góp phần khai thác hiệu quả năng lượng gió và phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Nhà máy Điện gió Ia Pết - Đak Đoa 1 và Nhà máy Điện gió Ia Pết - Đak Đoa 2 là một trong các dự án nhà máy điện gió đầu tiên đi vào hoạt động, góp phần khai thác hiệu quả năng lượng gió và phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Điện năng lượng mặt trời được lắp đặt tại một số nhà máy trong khu công nghiệp Deep C, Hải Phòng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Điện năng lượng mặt trời được lắp đặt tại một số nhà máy trong khu công nghiệp Deep C, Hải Phòng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Ninh Thuận vươn mình phát triền từ lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: TTXVN
Ninh Thuận vươn mình phát triền từ lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: TTXVN
Phóng viên: Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường nỗ lực chuyển sang một nền kinh tế xanh. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc xanh hóa nền kinh tế?
Ông Shantanu Chakraborty: Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia hướng đến việc thúc đẩy các sáng kiến chiến lược và củng cố khuôn khổ pháp lý cho các mô hình tăng trưởng thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm cả nền kinh tế tuần hoàn, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Đổi mới sáng tạo và số hóa mang lại những cơ hội to lớn cho Việt Nam trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế xanh. Hệ sinh thái khởi nghiệp năng động của Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nhân rộng các công nghệ mới trong mọi khía cạnh của nền kinh tế. Việc khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong công nghệ xanh và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ xanh bằng nguồn tài trợ, cố vấn và hợp tác công tư sẽ thúc đẩy việc áp dụng năng lượng tái tạo, sản xuất thông minh và nông nghiệp bền vững.
Với đặc điểm là một trong những nước bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, Việt Nam có cơ hội tận dụng mối quan tâm chung của toàn cầu thông qua tăng cường hợp tác quốc tế để huy động các nguồn lực tài chính khí hậu, chẳng hạn như cam kết Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD, để thúc đẩy năng lượng tái tạo và bảo đảm quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và bao trùm.
Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng chậm đã hạn chế lợi ích của việc xanh hóa nền kinh tế. Các cải cách thể chế đang diễn ra cho thấy kết quả bước đầu tích cực, nhưng việc triển khai kịp thời và hiệu quả là rất quan trọng để tăng trưởng nhanh hơn và công bằng trên diện rộng, tạo cơ sở cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bao trùm.
Bên cạnh đó, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hạn chế để hỗ trợ đổi mới, sáng tạo. Những lỗ hổng về quy định và chính sách phức tạp cản trở việc áp dụng công nghệ. Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đòi hỏi các khoản đầu tư lớn cho R&D của cả khu vực công và tư nhân. Các quy định kỹ thuật số đang phát triển của Việt Nam cần được củng cố, đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo và an ninh, bảo mật dữ liệu. Thông qua chương trình ADB Ventures (quỹ đầu tư mạo hiểm của ADB), một số doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã tiếp cận được vốn đầu tư ban đầu để phát triển công nghệ xanh ở Việt Nam.

Chuyển đổi xanh phải bao trùm để bền vững, áp dụng cách tiếp cận tích hợp nhằm giải quyết công bằng xã hội và tăng cường sự tham gia để mang lại cơ hội và lợi ích cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Các chính sách và cách tiếp cận này cần mang tính toàn diện, bao gồm: quản trị, chuyển đổi lực lượng lao động, tiếp cận năng lượng, khả năng phục hồi khí hậu và hỗ trợ tài chính.
Phóng viên: Từ những cơ hội và thách thức trên, theo ông, Việt Nam cần làm gì để quá trình chuyển đổi xanh thêm hiệu quả và bền vững hơn nữa?
Ông Shantanu Chakraborty: Từ góc nhìn của ADB, chuyển đổi xanh phải bao trùm để bền vững, áp dụng cách tiếp cận tích hợp nhằm giải quyết công bằng xã hội và tăng cường sự tham gia để mang lại cơ hội và lợi ích cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Các chính sách và cách tiếp cận này cần mang tính toàn diện, bao gồm: quản trị, chuyển đổi lực lượng lao động, tiếp cận năng lượng, khả năng phục hồi khí hậu và hỗ trợ tài chính.
Hành trình của Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững và bao trùm là một nỗ lực đầy tham vọng nhưng thiết yếu, ADB rất vinh dự là đối tác tin cậy trong sứ mệnh này. Thông qua việc sử dụng chiến lược các nguồn lực tài chính, chuyên môn kỹ thuật, khả năng tập hợp và huy động nguồn lực từ nhiều đối tác, chúng tôi quyết tâm hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời, bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng và toàn diện.
Việt Nam cần mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng xanh và giảm thiểu carbon trong các ngành công nghiệp
Phóng viên: Ngân hàng Phát triển châu Á có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như thế nào? Lộ trình hỗ trợ ấy được triển khai ra sao?
Ông Shantanu Chakraborty: Châu Á-Thái Bình Dương cần khoảng 1,5 nghìn tỷ USD đầu tư hàng năm vào năng lượng để đạt được chuyển đổi năng lượng bền vững. Lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 đòi hỏi mức đầu tư hàng năm phải tăng đáng kể so với mức hiện tại, đạt từ 6,7 nghìn tỷ USD lên 11,7 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức thu nhập trung bình cao với GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được các mục tiêu về kinh tế và môi trường, Việt Nam cần mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và giảm thiểu carbon trong các ngành công nghiệp.
Mũi Cà Mau trước nguy cơ biển xâm thực nghiêm trọng. (Ảnh: Lưu Trọng Đạt)
Mũi Cà Mau trước nguy cơ biển xâm thực nghiêm trọng. (Ảnh: Lưu Trọng Đạt)
Ngân hàng Phát triển châu Á có thể hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam thông qua Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) và Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). ETM sẽ tận dụng cách tiếp cận dựa trên thị trường và chứng minh cách thức loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Theo JETP, ADB đã cam kết cung cấp 2,1 tỷ USD cho Việt Nam để thực hiện JETP, và ADB đang hợp tác với các đối tác Việt Nam để phát triển các dự án đầu tư khả thi trong thời gian tới.
Ngoài ra, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 có thể đạt được thông qua việc phi cabon hóa ngành giao thông vận tải và phát triển hệ thống giao thông công cộng. Ví dụ, ADB đã tài trợ cho việc sản xuất xe buýt công cộng chạy điện và mạng lưới trạm sạc xe điện thông qua Vinfast, cũng như xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội.
Chúng tôi cũng đang triển khai Chương trình Bầu trời xanh sạch châu Á nhằm mở rộng quy mô đầu tư của ADB vào việc cải thiện chất lượng không khí và giảm phát thải tại châu Á-Thái Bình Dương. ADB đã khẳng định vị thế là tổ chức hàng đầu trong các nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, là tổ chức cho vay lớn thứ hai thế giới về chất lượng không khí, với 29% trong số các cam kết năm 2023 (với 7 tỷ USD), mang lại lợi ích hoặc lợi ích song hành về chất lượng không khí. Tại Việt Nam, chúng tôi đang hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan để hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án cải thiện chất lượng không khí và giảm phát thải khí nhà kính tại các đô thị.
Phóng viên: Có thể thấy, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng sang nền kinh tế xanh và là Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Hồi tháng 4/2025, ông từng bày tỏ, ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam 2-3 dự án để triển khai JETP. Xin ông có thể chia sẻ thêm về điều này và cập nhật tiến triển mới về các dự án.
Ông Shantanu Chakraborty: Chúng tôi đang thúc đẩy tăng trưởng xanh và hỗ trợ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về khí hậu “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” thông qua các sáng kiến chuyển đổi năng lượng. Để hỗ trợ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam, ADB đã cam kết tài trợ cho khu vực công lên tới 1 tỷ USD và tài trợ khu vực tư nhân lên tới 1,1 tỷ USD để hỗ trợ các khoản đầu tư phù hợp.
Thông qua cơ chế chuyển đổi năng lượng của ADB, chúng tôi đang tìm hiểu hỗ trợ cho Việt Nam để mở ra các khoản đầu tư mới vào năng lượng sạch, lưới điện và lưu trữ năng lượng, phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể về điện và năng lượng của chính phủ, bao gồm các nghiên cứu về khử carbon trong ngành điện. ADB đang có một số dự án trong quá trình phê duyệt, và sẵn sàng hỗ trợ thêm các dự án khác theo nhu cầu của Việt Nam.
Vào tháng 2/2025, Ngân hàng Phát triển châu Á đã ký một biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hỗ trợ tối ưu hóa các chiến lược năng lượng và phát triển các giải pháp đổi mới để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và hướng tới trung hòa carbon. ADB cũng đang hỗ trợ nhiều đối tác khác ở Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á phát triển hợp tác năng lượng khu vực thông qua Nhóm công tác đặc biệt về chuyển đổi năng lượng tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và Lưới điện ASEAN để thúc đẩy kết nối xuyên biên giới và đầu tư vào năng lượng tái tạo tại các nước ASEAN hướng tới thị trường năng lượng tái tạo khu vực.

Phóng viên: Tại Việt Nam, khí nhà kính không chỉ được phát ra môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông đô thị mà còn từ sản xuất nông nghiệp. ADB có kế hoạch hỗ trợ gì cho Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính từ các tác nhân này và hướng tới sản xuất xanh, bền vững?
Ông Shantanu Chakraborty: Nông nghiệp chiếm khoảng 33% tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của Việt Nam, trong đó, hoạt động trồng lúa, chăn nuôi và sử dụng phân bón đã tạo ra một lượng khí thải đáng kể. Vì thế, việc giải quyết phát thải từ lĩnh vực này là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu khí hậu của quốc gia.
Chúng tôi đã và đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy phát triển xanh, bền vững. Nhận thức được nông nghiệp là một nguồn phát thải chính, ADB hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như các cơ quan chức năng và đối tác phát triển liên quan để triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp với khí hậu.
Một trong những sáng kiến trọng tâm là hỗ trợ Chương trình Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ hướng tới năm 2030 để chuyển đổi canh tác lúa có giá trị cao. ADB đã thực hiện một số đánh giá và có thể hỗ trợ hiệu quả thực hiện chương trình này thông qua các hoạt động sau:
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á đang triển khai dự án Tài trợ giảm thiểu và quản lý hóa chất nông nghiệp (FARM), được hỗ trợ bởi khoản tài trợ 7,5 triệu USD từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Sáng kiến này giúp nâng cao chất lượng nông sản và giảm phát thải khí nhà kính bằng cách giảm thiểu sử dụng hóa chất nông nghiệp, cải thiện quản lý chất thải và thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu và sức khỏe hệ sinh thái.
ADB cũng cam kết hỗ trợ sáng kiến của Chính phủ chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam thông qua hỗ trợ kỹ thuật, tập trung vào việc thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trên toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp để tăng năng suất, cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động môi trường. Chúng tôi sẽ hợp tác với Chính phủ, các đối tác khu vực tư nhân và nông dân sản xuất nhỏ để xác định các đổi mới kỹ thuật số có khả năng mở rộng, tăng cường năng lực kỹ thuật, tạo ra môi trường chính sách và đầu tư thuận lợi.
Nói rộng hơn, chúng tôi cam kết tất cả các dự án được tài trợ, bao gồm các dự án tại Việt Nam, phải tuân thủ Thỏa thuận Paris. Trong ngành nông nghiệp, ADB thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu, không chỉ tăng năng suất và an ninh lương thực mà còn tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm phát thải. Thông qua những nỗ lực này, ADB tái khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống sản xuất nông nghiệp ít carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.
Tập đoàn TH tiên phong trong thực hiện mô hình kinh tế xanh tuần hoàn. Ảnh TTXVN
Tập đoàn TH tiên phong trong thực hiện mô hình kinh tế xanh tuần hoàn. Ảnh TTXVN
Cam kết hỗ trợ 10 tỷ USD cho Sáng kiến Lưới điện ASEAN
Phóng viên: Một vấn đề khác đang được quan tâm trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh là phát triển lưới điện truyền tải và mới đây, Việt Nam cũng vừa tham gia vào Sáng kiến Lưới điện ASEAN. Sự “nhập cuộc” này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khu vực nói chung?
Ông Shantanu Chakraborty: Nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, do gia tăng dân số và kinh tế phát triển. Nếu không hành động, khu vực này có thể phải đối mặt với thách thức mất an ninh năng lượng, chi phí điện tăng cao và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhiên liệu hóa thạch.
Trong bối cảnh một số quốc gia ASEAN dư thừa năng lượng trong khi các nước khác lại thiếu hụt, một lưới điện chung toàn khu vực sẽ cho phép chia sẻ điện năng hiệu quả, điều tiết nhu cầu điện theo khác biệt múi giờ giữa các nước, bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và đáng tin cậy hơn. Điều này cũng sẽ giúp khu vực tối đa hóa các nguồn năng lượng tái tạo bằng cách tạo ra một thị trường lớn hơn và ổn định hơn cho các nhà sản xuất năng lượng sạch.
Lưới điện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là sáng kiến lớn được thiết kế để kết nối mạng lưới điện của 10 quốc gia thành viên ASEAN, cho phép vận hành lưới điện tích hợp hoàn toàn vào năm 2045. Lưới điện này sẽ giúp cải thiện an ninh năng lượng, tăng cường khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống năng lượng và thúc đẩy quá trình khử carbon của khu vực. Sáng kiến trên có sự cộng hưởng với sáng kiến hợp tác năng lượng trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng do ADB điều phối. ADB cũng đang hợp tác với các đối tác phát triển để thiết lập các giải pháp tài chính chuyên biệt cho sáng kiến này.
ADB có thể sẵn sàng cam kết 10 tỷ USD cho Sáng kiến Lưới điện ASEAN để đẩy nhanh các kết nối xuyên biên giới, các dự án lưới điện quốc gia và các sáng kiến năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện năng trong nội khối. Qua đó, tăng cường nguồn năng lượng tin cậy và khả năng tiếp cận năng lượng cho 670 triệu người dân trong khu vực.

Lưới điện ASEAN đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực thông qua kết nối hệ thống và tăng cường thương mại điện năng giữa các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, sáng kiến này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và tích hợp các nguồn năng lượng đa dạng, bao gồm cả nguồn năng lượng tái tạo dồi dào trong khu vực.
Phóng viên: Bên cạnh lợi ích có một nguồn cung năng lượng ổn định và an toàn, liệu rằng, các quốc gia Đông Nam Á sẽ đối mặt với những khó khăn nào khi triển khai Sáng kiến Lưới điện ASEAN?
Ông Shantanu Chakraborty: Việc triển khai Sáng kiến Lưới điện ASEAN là một nhiệm vụ phức tạp, dài hạn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và chiến lược. Nó đòi hỏi sự hợp tác ở tất cả các cấp độ giữa các quốc gia, khu vực tư nhân, các nhà tài trợ và các đối tác phát triển (có thể bắt đầu với các dự án kết nối song phương và tiểu vùng được phối hợp chặt chẽ như một nền tảng cho kết nối khu vực).
Những khó khăn chủ yếu trong việc triển khai sáng kiến Lưới điện ASEAN, trước hết, bao gồm các thách thức về mức độ cam kết chính trị và phối hợp khác nhau giữa các quốc gia thành viên ASEAN và xu hướng ưu tiên kết nối trong nước hơn là kết nối khu vực. Tiếp đến, đó là những thách thức về mặt thể chế do thiếu một cơ quan điều phối cho sự phát triển của Lưới điện ASEAN. Những thách thức về kỹ thuật và thương mại cũng nổi lên dưới hình thức hạn chế về hài hòa hóa quy định, các yêu cầu về giấy phép và giấy chứng nhận, các thỏa thuận thương mại có khả năng được các ngân hàng tài trợ và năng lực kỹ thuật. Cuối cùng, là những thách thức về tài chính, do cần nguồn vốn đáng kể cho việc chuẩn bị dự án giai đoạn đầu, giảm thiểu rủi ro và đầu tư vốn ở quy mô lớn.
Toàn cảnh Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa
Toàn cảnh Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa
Là đối tác phát triển tin cậy trong khu vực, Ngân hàng Phát triển châu Á đang thúc đẩy Sáng kiến Lưới điện ASEAN bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Theo yêu cầu của ASEAN, chúng tôi đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển khác để thiết lập cơ chế tài trợ đặc biệt cho sáng kiến này.
ADB cũng đã khởi động một chương trình Hỗ trợ kỹ thuật trị giá 4,2 triệu USD, với sự hỗ trợ từ Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu, cũng như Quỹ Năng lượng sạch của ADB thuộc Quỹ Đối tác tài trợ năng lượng sạch và Quỹ công nghệ cao, nhằm giúp ASEAN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường thương mại điện trong khu vực.
Xin cảm ơn ông Shantanu Chakraborty!
E-Magazine | Nhandan.vn
Chỉ đạo nội dung: HỒNG MINH
Nội dung: NGỌC KHÁNH
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân
Trình bày: VÂN THANH
