Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tuần hoàn, cần phải tích hợp thiết kế sinh thái vào các chính sách. Đây là "chìa khóa" để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và áp lực phát triển bền vững ngày càng gia tăng, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu. Việt Nam đã bước đầu tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn, nhưng việc hoàn thiện khung pháp lý vẫn còn đặt ra nhiều thách thức. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để làm rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp: Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường.

Kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng để Việt Nam tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý cơ bản “đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác”.

Thực tế Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như: Mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy… trong nông nghiệp có mô hình vườn-ao-chuồng, vườn-rừng-ao-chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhưng các mô hình này cũng đã bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Hiện nay, toàn xã hội đã nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn đã được hình thành như: Mô hình khu công nghiệp sinh thái tại một số địa phương; sáng kiến “Không xả thải ra thiên nhiên” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam; đối tác toàn cầu về nhựa của Việt Nam... Các mô hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường; giảm rủi ro cho doanh nghiệp và khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất...

Quy trình sản xuất "xanh" tại trang trại của TH True Milk tại Nghệ An. (Ảnh: Thành Đạt)

Quy trình sản xuất "xanh" tại trang trại của TH True Milk tại Nghệ An. (Ảnh: Thành Đạt)

Thực tiễn áp dụng kinh tế tuần hoàn ở cấp độ doanh nghiệp cho thấy, Việt Nam đã dần hình thành những mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn ở cấp độ chuỗi, nhóm và các doanh nghiệp riêng lẻ.

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp cũng đã từng bước chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh đã vận dụng ngày càng nhiều khái niệm “cộng sinh công nghiệp”, khi chất thải của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác. Đơn cử, khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân được chuyển sang tham gia quá trình sấy của nhà máy Meizan. Chất thải của các công ty sản xuất khuôn đúc được tận dụng làm gạch không nung, làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất khác..

Có thể thấy, Việt Nam có nhiều thuận lợi để chuyển đổi sang mạng lưới kinh tế tuần hoàn như: Sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khoa học và công nghệ đang góp phần hình thành những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo và hiệu quả theo hướng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và chi phí. Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

PV: Theo ông, đâu là những rào cản pháp lý đang cản trở quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp: Qua hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng xanh hóa đã được ban hành cho thấy, Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 142) và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên, vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Ðề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QÐ-TTg ngày 7/6/2022 đã xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 (Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23/1/2025). Trong đó, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; tiết kiệm năng lượng: phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản) tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, hiện nay quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn phân tán, thiếu đồng bộ. Thí dụ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức ghi nhận về kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn là một chính sách phát triển kinh tế mới, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, thách thức nên cần có hệ thống chính sách và công cụ thúc đẩy mang tính toàn diện, đồng bộ, với lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cần thiết phải được quy định chi tiết và đầy đủ.

Kinh tế tuần hoàn là một chính sách phát triển kinh tế mới, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, thách thức nên cần có hệ thống chính sách và công cụ thúc đẩy mang tính toàn diện, đồng bộ, với lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cần thiết phải được quy định chi tiết và đầy đủ.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Trong khi đó, các quy định về kinh tế tuần hoàn cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ khung, chưa có dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trước đó để tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ cho việc phát triển mô hình kinh tế này ở Việt Nam hiện nay.

PV: Cụ thể, những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải khi muốn chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là gì, đặc biệt trong bối cảnh khung pháp lý còn chưa đầy đủ, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp: Như tôi đã trao đổi ở trên, doanh nghiệp còn vướng nhiều khó khăn khi chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Tập trung chủ yếu vào năng lực, hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ.

Đối với doanh nghiệp, quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn thiếu cơ chế bảo đảm áp dụng và thực thi hiệu quả trên thực tế, trong đó thiếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường; thiếu quy định bảo đảm áp dụng thống nhất chính sách quản lí chất thải theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; chưa có quy định về các thiết chế bảo đảm thực thi hiệu quả chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn trên thực tế…

Đối với doanh nghiệp, nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn yếu. Kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình.

Chẳng hạn như kinh tế tuần hoàn trong xử lý, tái chế chất thải, có thể nhận thấy Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.

Xu hướng phát triển xanh như việc tự tạo ra "nguồn điện sạch" thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường tại các trang trại sản xuất sữa tại Nghệ An. (Ảnh: Thành Đạt)

Xu hướng phát triển xanh như việc tự tạo ra "nguồn điện sạch" thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường tại các trang trại sản xuất sữa tại Nghệ An. (Ảnh: Thành Đạt)

PV: Trên thế giới, những nước thành công trong phát triển kinh tế tuần hoàn đã xây dựng khung pháp lý như thế nào? Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ họ, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp: Kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào chương trình nghị sự của EU từ 20 năm trước. EU đã có một thời gian dài tích hợp kinh tế tuần hoàn trong các khung khổ chính sách và pháp luật và hiện vẫn tiếp tục được hoàn thiện. EU nhấn mạnh vào việc công nhận sản phẩm cho kinh tế tuần hoàn là việc thiết kế không chỉ hạn chế ở tính bền vững và tính hiệu quả về năng lượng của sản phẩm hoặc là chỉ đưa thông tin lên nhãn mác một cách tự nguyện. Mặc dù tất cả các lĩnh vực cần được chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn nhưng cần ưu tiên các lĩnh vực có tác động nhiều nhất và có triển vọng cải thiện như ngành điện tử và công nghệ thông tin và truyền thông; sản xuất pin và phương tiện đi lại; bao bì đóng gói; nhựa; dệt, xây dựng; thực phẩm, nước và dinh dưỡng.

Hay như tại Singapore, cách tiếp cận của mô hình Singapore là chiến lược chính sẽ xoay quanh việc vận dụng khái niệm kinh tế tuần hoàn nhất quán và đảm bảo tính bền vững trong quá trình sản xuất, thực hành tiêu dùng và các giải pháp quản lý rác thải hướng tới việc bảo tồn tài nguyên.

Năm 2009, Trung Quốc ban hành Luật Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, coi đây là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển quốc gia. Kinh tế tuần hoàn đã được tích hợp vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, 13 của Trung Quốc và đi kèm với các chiến lược, luật pháp cùng chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án thí điểm từ năm 2005. Trung Quốc triển khai kinh tế tuần hoàn một cách hệ thống trên ba cấp độ: Vĩ mô (thành phố, tỉnh, huyện); trung gian (khu vực cộng sinh); vi mô (doanh nghiệp), với trọng tâm vào các lĩnh vực công nghiệp, môi trường xây dựng, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái.

Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Nhật Bản bắt đầu triển khai nền kinh tế tuần hoàn từ năm 1991 và được coi là một điển hình về cách tiếp cận cấp quốc gia. Năm 2002, Nhật Bản ban hành Luật Cơ bản về xây dựng xã hội tái chế nhằm tăng cường tỷ lệ tái chế và giảm thiểu chôn lấp chất thải, qua đó thúc đẩy tái chế và phi vật chất hóa dài hạn. Theo đó, Nhật Bản đã đạt được tỷ lệ tái chế rất cao, chẳng hạn vào năm 2007, chỉ 5% chất thải của nước này phải xử lý bằng chôn lấp, năm 2010, tỉ lệ tái chế kim loại lên tới 98%. Đặc biệt, khả năng thu hồi vật liệu từ thiết bị điện tử, tái sử dụng cho sản xuất của Nhật Bản rất cao, giúp tiết kiệm chi phí và giảm sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Chính phủ định kỳ cần có hướng dẫn về ưu tiên hàng đầu đối với các ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện ban hành hành lang pháp lý liên quan đến kinh tế tuần hoàn phù hợp với chủ trương của Đảng như: hướng dẫn cụ thể về triển khai Luật Bảo vệ môi trường sẽ giúp cho bức tranh tổng thể về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam sớm hoàn thiện. Theo đó, nên có quy định cụ thể về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi và tái chế hoặc chi trả chi phí cho việc xử lý rác thải, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

PV: Để khuyến khích ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào trong quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và quản lý chất thải, theo ông cần tập trung vào những giải pháp nào?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp: Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, đồng thời thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.

Để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần ưu tiên bốn việc chính: lồng ghép thiết kế kinh tế tuần hoàn vào các chính sách; ưu tiên các ngành chính về nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may và vật liệu xây dựng; đảm bảo các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý; chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn phải là nỗ lực của toàn xã hội…

Tôi lấy thí dụ, trong lĩnh vực quản lý chất thải, trọng tâm của mô hình kinh tế tuần hoàn là kiểm soát, xử lý và tái chế rác thải, biến đổi chúng thành các tài nguyên tái tạo. Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm thành công của các quốc gia,... về công nghệ quản lý và xử lý rác thải. Theo đó, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro xỉ từ nhiệt điện than. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chất lượng và hiệu quả sử dụng vật liệu xây dựng không nung, phát triển thị trường vật liệu xây dựng từ tro, xỉ... Mặt khác, Nhà nước cần có ưu đãi các doanh nghiệp xử lý, tiêu thụ tro xỉ.

Để triển khai thành công kinh tế tuần hoàn không thể không thay đổi tư duy về cả vòng đời sản phẩm. Trong bối cảnh đó, nguyên tắc tư duy mới để tạo ra các sản phẩm bền vững được gọi là thiết kế sinh thái. Do vậy, trong hoạt động đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế tuần hoàn, chúng ta phải tích hợp thiết kế sinh thái vào các chính sách. Đây là "chìa khóa" để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, cần xác định ưu tiên các ngành then chốt để tích hợp các hoạt động tuần hoàn. Theo đó, Việt Nam nên ưu tiên các ngành có liên quan chặt chẽ đến thương mại. Các ngành như nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may và vật liệu xây dựng. Bằng cách ưu tiên các ngành này, Việt Nam có thể phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững và khả năng thích ứng lâu dài.

Huy động sự tham gia của cộng đồng vào phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện kinh tế tuần hoàn, cần kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia, thì mới có thể đạt được thành công trong quá trình triển khai. Theo đó, cần nâng cao ý thức của toàn xã hội về sự tham gia từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ðề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QÐ-TTg ngày 7/6/2022 đã xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

PV: Vậy, những nội dung gì cần được ưu tiên trong việc hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp: Thứ nhất, chuyển đổi tuần hoàn nên được lồng ghép vào các cải cách thể chế hiện tại. Trong bối cảnh nền kinh tế tuần hoàn, việc hợp lý hóa khuôn khổ quản trị và quy trình quản lý chính là chìa khóa. Thí dụ, việc đơn giản hóa các thủ tục tái sử dụng nước thải đã xử lý và giải quyết chênh lệch chi phí giữa nhựa nguyên sinh và nhựa tái chế, có thể mở ra các cơ hội. Điều này đòi hỏi những nỗ lực phối hợp giữa các bộ. Các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý có thể tăng cường sự hợp tác liên ngành, giảm rào cản quan liêu và tạo ra một môi trường thúc đẩy đổi mới - động lực thiết yếu cho nền kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, phát triển kinh tế tuần hoàn không phải trong một thời gian ngắn là có thể làm được, đây là một quá trình lâu dài, cần sự cố gắng, nỗ lực toàn xã hội, sự đồng lòng của toàn dân trong các lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng lĩnh vực môi trường. Việt Nam phải tiếp tục đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm của quá trình chuyển đổi tuần hoàn để đảm bảo quá trình này vừa công bằng vừa bao trùm. Việt Nam cũng phải tiếp tục tạo cơ hội cho các cuộc đối thoại đa ngành và đa bên liên quan, thúc đẩy sự tham gia và quyền sở hữu của toàn xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày xuất bản: 16/5/2025
Tổ chức thực hiện: Nam Đông
Nội dung: Lê Hằng
Trình bày: Thùy Lâm