Thúc đẩy hợp tác nghị viện, tăng cường kết nối với khu vực Trung Á và Kavkaz

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, và Phu nhân tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2 đến ngày 8/4/2025.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên và ở cấp cao nhất của Chủ tịch Quốc hội đến Uzbekistan và Armenia kể từ khi Việt Nam và hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp do tác động của xu hướng phân tuyến, phân tách, sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Chiều 1/4/2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân lên đường tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2-8/4/2025. (Ảnh: TTXVN)
Chiều 1/4/2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân lên đường tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2-8/4/2025. (Ảnh: TTXVN)
Hiện tại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục phát triển năng động; ASEAN tập trung giải quyết các vấn đề nội khối, duy trì đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm. Trong khi đó, các nước Trung Á và khu vực Kavkaz tiến hành cải cách trong những năm gần đây và đạt được tăng trưởng tích cực, nỗ lực duy trì ổn định chính trị-xã hội, tận dụng mọi cơ hội để phát triển kinh tế.
Việt Nam - thành viên có trách nhiệm, tin cậy và sáng tạo tại IPU
IPU được thành lập từ năm 1889 tại Paris, Pháp và có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, là tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền, hiện có 181 thành viên và 15 thành viên liên kết. IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao nghị viện khắp thế giới, có vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay.
Đại hội đồng IPU-150 diễn ra ở Uzbekistan có chủ đề “Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội”, tương đồng với nội dung đang được thảo luận tại Liên hợp quốc, hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh về phát triển xã hội dự kiến diễn ra vào tháng 11/2025 tại Qatar.
Kể từ khi chính thức là thành viên IPU từ năm 1979, hơn 40 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đề xuất nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào hoạt động của IPU; sẵn sàng cùng với IPU và Nghị viện các nước thành viên thực hiện các nghị quyết và sáng kiến của IPU, nhằm góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững.
Lễ khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, ngày 15/9/2023. (Ảnh: TTXVN)
Lễ khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, ngày 15/9/2023. (Ảnh: TTXVN)
Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn của IPU, nhiều lần giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ chế của IPU, nhất là đã từng đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015) và Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội (năm 2023). Những đóng góp của Quốc hội Việt Nam được Ban thư ký và các thành viên IPU coi trọng, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác nghị viện, thúc đẩy kết nối tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việc tham dự các hoạt động của IPU là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nước ta, nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam, tham khảo quan điểm của các nước về các vấn đề quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Tham dự các phiên họp của IPU, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đều khẳng định cam kết của Việt Nam chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nối tiếp truyền thống hữu nghị Việt Nam-Uzbekistan
Việt Nam và Uzbekistan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/1/1992. Quan hệ giữa hai nước là quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Hai bên đã tiến hành trao đổi đoàn các cấp, tuy không thường xuyên, và có một số cuộc gặp bên lề các Hội nghị quốc tế, gần đây nhất là cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng ở Nga vào tháng 10/2024.
Hai bên có cơ chế tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao; Ban Đối ngoại Trung ương đã có một số đoàn thăm và làm việc với các chính đảng Uzbekistan; Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 3/2024.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gặp Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Uzbekistan S. Safoev, tháng 3/2025. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gặp Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Uzbekistan S. Safoev, tháng 3/2025. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư giữa hai bên còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của hai bên. Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Uzbekistan về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật được thành lập năm 1996, có Chủ tịch Phân ban ở cấp Thứ trưởng Công thương, đến nay đã tổ chức được 7 khóa họp. Thương mại song phương giữa Việt Nam và Uzbekistan có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khiêm tốn. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 202 triệu USD, tăng 26,5% so với năm 2023.
Hợp tác nông nghiệp là thế mạnh trong quan hệ hai nước, với nhiều bước chuyển biến tích cực, chủ yếu nhờ các doanh nhân người Việt Nam làm ăn, sinh sống tại Uzbekistan mở nhà hàng, đầu tư chăn nuôi, liên doanh sản xuất tơ tằm. Phía Uzbekistan thể hiện sự quan tâm tới việc phát triển nuôi trồng cá nước ngọt, cá lúa và đề nghị Việt Nam xem xét cử chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dưới thời Liên Xô (trước đây), đã có khoảng 3.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam học tập tại Uzbekistan. Từ năm 2004, hằng năm phía bạn cấp từ 2 đến 3 suất học bổng trao đổi.
Những năm qua, hai bên phối hợp triển khai một số hoạt động hợp tác văn hóa lớn, điển hình như ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2012-2014 ; tổ chức Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Uzbekistan (năm 2012) ; Những ngày văn hóa Uzbekistan tại Hà Nội và Thanh Hóa (năm 2018). Một số lần, Việt Nam đã cử đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan Âm nhạc tại Uzbekistan.
Trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam và Uzbekistan đã ký Hiệp định hợp tác du lịch năm 1996. Năm 2016, diễn ra chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại thủ đô Tashkent. Năm 2021, chuyến bay thẳng từ Tashkent đến Phú Quốc lần đầu tiên được triển khai để phục vụ hoạt động du lịch giữa hai nước, sau đó đường bay từ Tashkent đến Cam Ranh cũng được đưa vào khai thác để đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao từ Uzbekistan và các nước Trung Á khác. Năm 2024, có khoảng 20.000 khách du lịch Uzbekistan đến Việt Nam.

Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan vào tháng 3/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định:
“Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Uzbekistan, và mong muốn hai bên tiếp tục phát huy nền tảng chính trị và mối quan hệ tốt đẹp từ thời Liên Xô, tạo xung lực mới cho tăng cường hợp tác, phù hợp với nhu cầu, mong muốn và thế mạnh của hai nước”.
(Theo TTXVN)
Sáng 18/3/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17-19/3. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 18/3/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17-19/3. (Ảnh: TTXVN)
Bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam-Armenia
Năm 1992, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Armenia được chính thức thiết lập, ghi dấu mốc son trong lịch sử phát triển quan hệ giữa hai nước. Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam và Armenia không ngừng thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương. Việc Đại sứ quán Armenia chính thức được mở tại Việt Nam vào năm 2013 đã mở ra giai đoạn phát triển mới của quan hệ song phương.
Về chính trị-ngoại giao, Armenia coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Hai nước duy trì hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, bao gồm cấp cao, nổi bật gần đây là cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Nikol Pashinyan nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (năm 2024) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan (tháng 11/2024).
Do địa lý xa xôi nên quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước còn ở mức thấp. Tuy vậy, năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, lan rộng và gây ảnh hưởng nặng đến kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng trưởng ấn tượng, đạt khoảng 3,4 triệu USD, xuất khẩu từ Việt Nam sang Armenia đạt 2,67 triệu USD và nhập khẩu từ Armenia sang Việt Nam đạt 650 nghìn USD. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 492 triệu USD, tăng 42% so với năm 2023.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước được thúc đẩy tích cực sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực. Armenia có một vài dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam như dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, vốn đăng ký là 12,9 triệu USD tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Quảng Nam và dự án trong lĩnh vực nghiên cứu trị giá 0,01 triệu USD tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai nước đã thiết lập cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, họp khóa đầu tiên vào tháng 3/2017 tại Hà Nội.
Tại các cuộc làm việc trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2024, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan nêu rõ:
Armenia luôn coi Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực; Việt Nam và Armenia luôn ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trên diễn đàn quốc tế.

Chuyến tham dự Đại hội đồng IPU-150, thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả của Việt Nam. Chuyến thăm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực Trung Á và Kavkaz, cụ thể là Uzbekistan và Armenia.
Chuyến công tác nhấn mạnh sự đóng góp tích cực, có trách nhiệm, chủ động của Việt Nam tại IPU và các diễn đàn đa phương, giúp tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế; khẳng định rằng thông qua việc dự Đại hội đồng IPU-150, Việt Nam tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ với các nước, các nghị viện thành viên IPU, qua đó nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngày xuất bản: 1/4/2025
Chỉ đạo thực hiện: Bích Hạnh - Trường Sơn
Nội dung: Minh Hằng - Nguyễn Hà
Trình bày: Nhã Nam
Nguồn: Bộ Ngoại giao, TTXVN