Phát triển trên tinh thần bản địa
Nhìn lại những cái tên đã góp phần giúp định danh kiến trúc Việt Nam trong vòng dăm năm trở lại đây, không khó để nhận ra thành công của họ là các công trình được thiết kế trên tinh thần, hoặc được truyền cảm hứng từ tinh thần bản địa sâu sắc.
Một Võ Trọng Nghĩa (sinh năm 1976) sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo Quảng Bình, nơi con người sống an lành và hài hòa với tự nhiên trong cộng đồng làng nhỏ xinh, bao phủ bởi tre, mương nước, sông ngòi, cánh đồng bát ngát. Tất cả các công trình xây dựng lớn nhỏ trong cộng đồng, từ nhà ở dân sinh đến nơi sinh hoạt chung, như chùa, đền, đình... đều nương vào thiên nhiên, hòa mình trong thiên nhiên. Vì thế, anh luôn mơ ước đan cài các ký ức ấy trong thiết kế kiến trúc của mình, để rồi đạt được thành công bước đầu với các thiết kế gắn kết thiên nhiên - vật liệu - không gian thật hài hòa, tất cả trong một. Phát triển trên nền tảng triết lý truyền thống này của người Việt kết hợp với các phương pháp tiếp cận, xử lý vật liệu hiện đại, Võ Trọng Nghĩa và cộng sự đã thành công trong loạt kiến trúc với tre, nứa, cây lá địa phương mà khởi đầu là công trình quán cà-phê Gió và Nước (Bình Dương, 2007) với nguyên liệu chính là cây tầm vông được xử lý kỹ lưỡng để tạo độ bền vật liệu. Công trình này ngay lập tức giành giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á (Arcasia Awards) 2007- 2008, khởi đầu cho rất nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế sau này, được công ty của anh thiết kế theo hướng như Gió và Nước.
KTS Nguyễn Hòa Hiệp (sinh năm 1978), cũng là một người hướng các thiết kế kiến trúc hài hòa với nơi chốn của chúng. Bên cạnh đó, tiêu chí tối quan trọng của anh với các cộng sự tại A21 studio là tận dụng nguyên vật liệu địa phương. Những quán cà-phê, spa, khu nghỉ dưỡng, do các anh thiết kế không chỉ trả lại cho không gian cụ thể, trong đó sự trong lành của tự nhiên nguyên thủy mà còn tận dụng tối đa những nguyên vật liệu thừa, phế thải tại chỗ, xử lý, sắp xếp lại với nhãn quan của những người trẻ hiện đại, góp phần thổi vào cảnh quan địa phương những điểm nhấn mới mẻ nhưng hòa hợp. Quán cà-phê Mái Lá (Nha Trang, 2104) được làm lại từ một xưởng gỗ tư nhân là một thí dụ thú vị cho hướng đi của A21 studio. Các KTS tận dụng toàn bộ gỗ còn lại để định hình một khung cảnh mới cho quán. Xung quanh các khung thép cố định và vững vàng là gỗ: mẩu gỗ nhỏ, không đều nhau được sửa, ghép lại thành các tấm giống như ghép cửa chớp, vừa giúp chắn nắng nhưng cũng vừa đón nắng vào bên trong, đồng thời tạo hoa văn trang trí cho tường. Các KTS còn sử dụng kỹ thuật ghép mộng truyền thống trong quá trình xây dựng công trình này.
Kiến trúc đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người
Hoàng Thúc Hào (sinh năm 1971) đã xây dựng cho mình một triết lý kiến trúc giản dị như thế. Theo đó, một công trình kiến trúc dù nhỏ hay lớn cũng đều là sản phẩm của sự hài lòng, hạnh phúc của cả ba bên: chủ đầu tư, KTS và người thụ hưởng. Các mô hình nhà cộng đồng, sân chơi, nhà ở xã hội cho công nhân được xây dựng trên tinh thần nhân văn này, đem lại cho anh và cộng sự uy tín, danh tiếng và cả niềm vui. Anh cho rằng: "Kiến trúc là hoa của đất, mọc lên từ một địa phương cụ thể nên phải là kết tinh của tinh thần sống của con người, miền đất nơi đó". Ngôi nhà cộng đồng Suối Rè (Hòa Bình, 2010), nơi có cả người Kinh và Mường cùng chung sống bên nhau hàng trăm năm qua, đã được thiết kế dựa trên các đặc điểm kiến trúc nhà của cả hai tộc người này, bảo đảm mùa đông ấm, chắn được gió lạnh, mùa hè mát, ngăn được oi bức của thời tiết. Các KTS đã xử lý hài hòa cả về khung kết cấu tổng thể cho ngôi nhà, cách sử dụng vật liệu địa phương, việc tận dụng đất và không gian bao quanh để làm hầm, thảm cỏ... Ngôi nhà độc đáo nhưng không hề xa lạ với người bản địa, do có sự tham dự của họ vào công tác xây dựng, đặc biệt là tận dụng được công năng của ngôi nhà quanh năm.
Khu nghỉ dưỡng I-resort (Nha Trang, 2011 - 2012) do nhóm KTS A21 studio thực hiện cũng được phát triển trên nền tảng một kiến trúc tương hợp với địa phương, có thể sống lâu dài với địa phương thông qua nguyên tắc tương tự như của Hoàng Thúc Hào. KTS Nghiêm Đình Toàn của A21 Studio chia sẻ về việc sử dụng các phiến đá và cây tranh tự nhiên để làm tường, mái cho khu nghỉ dưỡng: "Mình đem đến đây một kiến trúc thì nó không chỉ làm vui lòng người sử dụng, từ xa đến mà còn làm hài lòng người địa phương, tạo công ăn việc làm cho họ thông qua cách mình tận dụng nguyên liệu tự nhiên ở địa phương mà họ là những người am hiểu hơn ai hết".
Lâu nay, trên khắp cả nước, nhất là ở các đô thị lớn, các địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, xuất hiện dòng chảy ào ạt của các đại công trình biểu tượng cho quốc gia, địa phương, những trung tâm, khu đại đô thị lớn nhỏ mọc lên hằng ngày, đẩy giới KTS trong nước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt với nhau và với các công ty kiến trúc quốc tế về ý tưởng và công năng, về sự mới mẻ và tính tiên phong trong thiết kế một cách phô trương, hoa mỹ, về khả năng làm vừa lòng chủ đầu tư ở tinh thần tận dụng không gian theo hướng vị lợi thay vì trao cho người sử dụng quyền tận hưởng... Nhưng vẫn còn rất nhiều KTS, nhất là những người thuộc thế hệ trẻ hơn, nhận chân được các giá trị căn bản của kiến trúc và kiên trì đi con đường của mình. Kiến trúc suy cho cùng cũng là tạo ra một không gian để con người sống, vậy thì không có lý do gì để không sống và làm việc trong hạnh phúc.
Tinh thần ấy, với những tên tuổi như anh Nghĩa, Hào, Hiệp, Hòa... chắc chắn sẽ truyền cảm hứng lớn cho cộng sự cũng như các lớp đồng nghiệp kế cận, để họ có thêm động lực khởi nghiệp và tiếp nối bởi họ chẳng thể thành công, nếu chỉ lầm lụi một mình trên đường dài. Để đội ngũ KTS trẻ có thể tìm thấy thành công, khi tìm lối đi riêng trên sân chơi toàn cầu hoá bằng cách tựa vào văn hóa và tinh thần bản địa. Rồi lách mình qua một khe cửa hẹp, để tìm tới thành công.
Trong khuôn khổ WAF 2016 vừa được tổ chức tại Arena Berlin (CHLB Đức), KTS Hoàng Thúc Hào (KTS trưởng của văn phòng kiến trúc 1+1>2) và KTS Nghiêm Đình Toàn (KTS thuộc nhóm A21 Studio - TP Hồ Chí Minh) đã vinh dự được "ngồi ghế nóng", nhờ thành tích đã từng có công trình giành giải thưởng của WAF 2015. WAF thành lập năm 2008. Đến nay, Việt Nam có khá nhiều giải thưởng từ liên hoan kiến trúc này, nổi bật là năm 2014 với ba giải: giải lớn nhất Công trình của năm dành cho Nhà nguyện của A21 Studio, hai giải cho hạng mục Nhà và Khách sạn -Khu giải trí cho Công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa và cộng sự; năm 2015 với hai giải cho hạng mục Nhà: công trình Nhà Sài Gòn của A21Studio, hạng mục cộng đồng - dân sinh với Nhà cộng đồng Cẩm Thanh, Hội An của VP 1+1>2. ARCASIA Awards (giải thưởng của Hội đồng kiến trúc châu Á, gồm 19 thành viên là các Viện kiến trúc quốc gia trong khu vực, thành lập năm 1967) có hệ thống giải thưởng mới từ năm 2013. Trong năm này, công trình Nhà xanh (Stacking Green) của Võ Trọng Nghĩa và cộng sự và Nhà cộng đồng Suối Rè của VP 1+1>2 được giải Danh dự theo hạng mục. Năm 2015, hai giải Vàng hạng mục dành cho Bes Pavilion - không gian cộng đồng ở Hà Tĩnh của hai KTS Trần Ngọc Phương - Đoàn Thanh Hà và Nhà Bình Thạnh của Võ Trọng Nghĩa và cộng sự, một giải Danh dự dành cho Nhà tổ mối (Đà Nẵng) của hai KTS Trần Thị Ngụ Ngôn - Nguyễn Hải Long. |