Chuyện tình tạc vào thế kỷ
Tiết trời lập xuân, chúng tôi về miền tây Quảng Trị đến với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Đường 9 Nam - Lào là trục đường duy nhất nối hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông với trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị. Men theo con đường, dòng sông Đakrông nước trong xanh man mác, bốn mùa khi vơi lúc đầy nhưng câu chuyện tình nàng Đakrông vẫn ấm áp, đầy dư vị. Chuyện tình vấn vít hàng thế kỷ trong lòng đồng bào Vân Kiều, Pa Cô suốt miền biên giới Việt - Lào. Trong tâm thức của đồng bào Vân Kiều Pa Cô, sông ĐaKrông là cội nguồn của sự sống, tình yêu và huyền thoại.
Ông Hồ Mừng, già làng bản Khe Ngài, xã ĐaKrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) một trong những bản làng đầu tiên của đồng bào Vân Kiều kể: “Trước đây miền núi Đakrông chỉ có những khe suối nhỏ. Ngay cả bản Khe Ngài, cái nôi của đồng bào Vân Kiều cũng chỉ có một con suối nhỏ gọi là “khe”. Con sông Đakrông hùng vĩ bắt đầu từ chuyện tình nàng Đakrông mới có, sông Đakrông trong tâm thức của đồng bào như là vị thần che chở, thể hiện lòng tốt và sự bao dung. Không chỉ người Vân Kiều, Pa Cô ở Việt Nam mà đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở nước bạn Lào cũng kể về con sông Đakrông cùng câu chuyện đó. Sông Đakrông xuất phát từ nước bạn Lào…”.
Từ động A Pong nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, nơi có đông đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống và có họ hàng thân thuộc với đồng bào Quảng Trị sông Đakrông vượt qua đồi núi, qua bao khe đá gập ghềnh từ bên kia biên giới chảy vào đất Việt, đi qua đồi núi thấp, đổ dòng về với biển. Có bao nhiêu nước non là bấy nhiêu tình yêu của đôi tình nhân, bao nhiêu sự che chở của thần tình yêu mà đồng bào sống dọc hai bên bờ sông gọi là Yàng Phơ rơ.
![]() |
Cầu treo Đakrông bắc qua sông Đakrông. |
Một chuyện tình, hai đất nước
Chuyện tình đi qua hàng thế kỷ, nhưng ngày nay trên tuyến biên giới Việt - Lào ở Quảng Trị, mùa mừng lúa mới hay Tết Nguyên đán, những lần đi khách của bản làng, họ hàng hai bên, mọi người lại kể cho nhau nghe chuyện tình nàng Đakrông. Ông Hồ Văn Nghĩ, già làng ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho hay: “Hàng chục đời truyền tai nhau một câu chuyện tình đẹp, chuyện tình nàng Đakrông, không chỉ đồng bào phía mình mà đồng bào nước bạn Lào cũng kể chuyện cổ tích này, đó là giá trị văn hóa truyền thống của hai bên”.
Chuyện kể rằng ngày xưa, khi núi đồi Quảng Trị chỉ là những khe suối nhỏ, người Vân Kiều Pa Cô dựa vào sông núi để sinh tồn. Tại bản làng núi thấp có đôi vợ chồng sinh được 10 cô con gái, tại bản làng đồi núi cao có đôi vợ chồng sinh được 10 chàng trai. Sáu cô con gái đầu lòng của gia đình nọ thích ăn ngon, mặc đẹp, ham chơi. Sáu đứa con trai đầu lòng của gia đình kia đẹp mã, thích lang thang săn bắt và đam mê sắc đẹp. Thời gian trôi qua, các cô gái và chàng trai đến tuổi dựng vợ gả chồng. 6 cô gái và 6 chàng trai đầu của hai gia đình rất hợp nhau nên duyên chồng vợ. Cũng bởi thế, 4 chàng trai và 4 cô gái còn lại chăm chỉ cần cù, hăng say lao động cũng được hai gia đình se duyên. Chàng trai út của gia đình bên kia lấy cô gái út của bên này làm vợ, cô gái út ấy có tên là Đakrông. Một cô gái nết na, đôn hậu, chăm chỉ lao động và biết yêu thương dân làng.
Thời gian trôi qua, 6 đôi vợ chồng thích ăn ngon mặc đẹp, thích lang thang đây đó, lười lao động đã nảy sinh những mâu thuẫn gia đình và chính giữa họ cũng trở nên mâu thuẫn với nhau. Các anh trai đầu nhìn nhận lại, thấy vẻ đẹp bên ngoài không bằng vẻ đẹp của tấm lòng nên thường “nhìn vào” các cô em dâu út. 4 đôi vợ chồng trai gái út vẫn cần cù lao động chăm sóc cho gia đình, vun đắp cho cuộc sống. Đặc biệt là vợ chồng nàng Đakrông, dù vất vả gian nan gì cũng quấn lấy nhau, yêu thương nhau, san sẻ cho nhau và quan tâm những người bên cạnh. Vợ chồng Đakrông được mọi người yêu mến, đi đâu ai cũng thương, ai cũng nhắc khiến vợ chồng các anh rất ganh tị. Trong hoàn cảnh ấy, người anh cả đã nhận thấy sự lấp lánh trong nhân cách và cả nhan sắc của nàng Đakrông. Anh trai cả tìm mọi thứ để chia rẽ vợ chồng em út nhưng chẳng mảy may khiến họ rời xa.
Cũng theo ông Hồ Phương “đồng bào Vân Kiều, Pa Cô thường có nhiều câu chuyện huyền thoại, như chuyện về loài cá thần trên dòng sông Sê Pôn, chuyện Núi Ngài, Khe Ngài… Nó mang yếu tố tâm linh thể hiện sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và đấng siêu nhiên. Điều đó làm phong phú thêm kho tàng bản sắc văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở miền tây Quảng Trị”.
Lấp lánh một dòng sông
Con sông Đakrông ngày đêm miệt mài chảy. Hơn 200 km từ nước bạn Lào chảy qua địa phận Hướng Hóa, ôm lấy chân đèo Khe Sanh hợp với sông Rào Quán, nhập thành dòng chảy lớn dọc Đường 9 đi qua địa phận Đakrông về Ba Lòng xuôi về Thạch Hãn rồi đổ về Cửa Việt. Nghệ nhân ưu tú Kray Sức, người Pa Cô ở Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) cho chúng tôi hay: “Tên gọi con sông tùy theo từng cụm cư dân. Ở mỗi khúc sông khác nhau được đặt tên khác. Dòng Đakrông rộng lớn ở thượng nguồn gọi là Đako, qua địa phận thị trấn Krông Klang được gọi là Klang, phía hạ lưu còn có tên gọi Ba Lòng, Thạch Hãn… sông xuôi về Cửa Việt, mang chuyện tình sử của đôi trai gái với tính nhân văn cao cả, họ được hạnh phúc khi đấu tranh vì tình yêu”.
Âm thanh của nước sông Đakrông mang mang vô tận, như câu chuyện tình yêu của cô con gái mang tên dòng sông Đakrông. Khi chia tách vợ chồng em trai út không thành, người anh cả bắt nhốt cô em dâu út. Chàng trai út đi tìm ngày đêm không thấy vợ ở đâu, lòng nhớ thương hết đỗi. Đêm trăng sáng, chàng đem khèn A-rên ra thổi. Điệu khèn Pô-xu nhắn gửi lời yêu thương đến người vợ yêu thương của mình. Nàng Đakrông bị nhốt trong phòng nghe tiếng khèn của chồng liền hát điệu Pô-xu “Nếu anh không đến thì em sợ/Nếu đêm nay ở đầu nhà đung-ta-na-đát/Có tiếng khèn A-rên của anh gọi thì em chờ/Mẹ không buộc váy của em vào cột/Mẹ còn cho thêm đôi vòng cổ/Vì biết anh là A-long-pa-roi”. Biết được ý định này của vợ chồng Đakrông, người anh cả ngày đêm canh giữ. Hôm vợ chồng Đakrông đưa nhau chạy trốn. Người anh rượt đuổi theo. Dọc đường vợ chồng Đakrông chạy trốn, từ sau lưng họ khe núi nứt ra dòng nước, ngọn nước đổ nhào ngăn bước người anh. Tức tối quá người anh lấy đá ném dọc dòng sông và tiếp tục rượt đuổi nhưng cuối cùng đuối sức bởi dòng nước bao quanh. Ngày nay, dòng Đakrông mênh mang vô tận ngổn ngang đá núi, dọc dòng sông, có rất nhiều đá, có tảng lớn chắn ngang dòng nhưng nước Đakrông vẫn dồn lên vượt qua đá núi, mãi che chở cho đôi tình nhân.
Một kết thúc có hậu khi vợ chồng em gái út được ở cùng nhau sống trong hạnh phúc và tạo dựng nên bản làng bình yên. Câu chuyện nàng Đakrông và dòng sông cùng tên có ngọn nguồn từ đó.
Chuyện tình nàng ĐaKrông, ngọn nguồn Đakrông tồn tại hàng thế kỷ, đi suốt chiều dài lịch sử của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn Quảng Trị. Với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, mỗi ngọn núi con sông đều gắn liền với huyền thoại, sự thiêng liêng của núi rừng, của tự nhiên… đối với con người. Đó là nền tảng văn hóa truyền đời của đồng bào, là sức sống của dân tộc cho đến nghìn đời sau. Ông Hồ Phương, nguyên Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Đakrông, người nhiều năm tìm hiểu đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị cho hay “người Vân Kiều, Pa Cô có ý thức bảo vệ nguồn nước, con suối, dòng sông gắn bó với bản làng và là nguồn sống đặc biệt quan trọng đối với đồng bào ở đây. Sông Đakrông, huyện Đakrông, xã Đakrông…, rất nhiều cái tên đều bắt nguồn từ đó. Theo tiếng đồng bào ở đây Đa là nước, Krông là nước sông. Chuyện tình sử trên dòng Đakrông là câu chuyện tình nhuốm màu huyền thoại được đồng bào tin yêu truyền tụng cho nhau để giải thích nguồn gốc con sông này”.