Quãng sông dài từ thị trấn nối với cồn dẫu chẳng lẵm xa, ngót chừng hơn nửa tiếng đi ghe, nhưng lại rộng mông mênh khiến tấc dạ của Tình cứ bời bời theo ngọn gió cuối xuân. Chiều xứ này buồn hiu hắt. Tình bao nhiêu tuổi, là bao nhiêu buổi chiều lềnh khênh sóng nước, ran rát tiếng bìm bịp, lẫn cái thắt thẻo mỗi lần ngó về cồn. Nội hay xa xăm biểu Tình đừng ngồi với sóng nước Cố Giang. Nó nghiệt lắm con. Nó vỗ mòn tuổi xuân mình hồi nào hổng hay. Nó nhuộm bạc phơ tóc. Nó chất chồng thời gian thành nếp lên trán. Nó phả hơi làm mờ mắt. Nghiệt nhất là nó làm mình chùng chình cuộc người. Đi hay ở, lỡ dở phần số. Cuộc người hay phần số, tại mình hay do trời, kỳ thực, chỉ là một lần sang sông. Từ Cố Giang sang cồn là đời tắt nắng. Từ cồn sang tới Cố Giang là vắng hẳn một tiếng cười. Nhưng, lạ kỳ ở chỗ, dù từ đâu sang đâu thì hổng ai thèm quay về.
Bận đó Tình đâu chừng mười sáu, cô Út Thẩn dẫn thằng Lọt sang cồn, cũng mùa cạn xuân. Nội ra mé sông nhìn về phía cồn, vén áo bà ba chậm khóe mắt, rồi cười bâng lâng theo tiếng véo von của con sáo sậu. Năm ấy, thằng Lọt đã mười hai, ngoảnh đầu nhìn miết Cố Giang. Ánh mắt nó rớt trúng tia nhìn của Tình. Trời đất, khoảnh khắc đó, Tình muốn nhảy xuống sông, bơi ra chiếc ghe. Nhưng, má níu tay nó lại. Ngoại trừ khuôn mặt giống má, Tình không giống má cái gì hết, kể cả tính nết. Tình cứ hiền queo. Má thì dứt khoát, quyết liệt kiểu người đàn bà cầm chìa khóa giữ tiền của nhà mình.
Khóc gì mà khóc. Ruột rà gì đâu? Tiếng má lảnh lót vang động thinh không. Khúc sông lộng gió. Gió quyện tán lá. Gió lay bờ cỏ. Gió lả lai con nước. Đêm đó Tình say lướt khướt. Nó trốn mé sông, ngồi mình với chai rượu gạo. Lần đầu tiên thứ nước đục, cay xè, uống tới đâu nóng rấm rức người tới đó.
*
Mười sáu tuổi, Tình cũng theo chuyến xe đò lên phố xá thị thành nuôi nâng giấc mơ chữ nghĩa cho đẹp lòng vợ chồng ông chủ tiệm vàng nức tiếng Cố Giang. Chuyện cũ gói ghém lại cũng vừa chừng chục năm. Thoảng khi Tình vẫn hay hỏi trong đêm bốn bề tường vôi của căn nhà trọ nơi đất lạ. Liệu bên cồn thằng Lọt sao rồi? Cô Út Thẩn có còn đánh võng chuối nữa hay không? Mà liệu thời này có ai thèm nằm thứ võng bện bằng cọng sống lưng của lá chuối? Giờ thiên hạ xài võng dù, võng nhựa, bay cái vèo ra tiệm là mua được. Chứ đâu như hồi đó, đánh cái võng chuối là cả tuần lễ, mười ngày. Võng chuối nằm mát lưng, đẩy đưa giấc ngủ của nó từ hồi còn bé tí cho đến tận rời sóng nước Cố Giang. Mấy hôm đầu trọ nơi thị thành xa hoa này, Tình chạy ra cái chợ sầm uất hỏi võng chuối, người ta lắc đầu nguầy nguậy, ngó thằng nhà quê đi dép tổ ong đục lỗ rồi cười. Tình lúng túng quay về căn nhà trọ, tự dưng thèm cái võng sau nhà, thèm nằm đó nghe cô Út Thẩn vừa đánh dây chuối vừa kể chuyện bên cồn, hay nghe thằng Lọt chí chách hỏi mấy câu ngáo ngơ.
Hình như từ nhỏ đến lớn, Tình chưa bao giờ quẩn quanh với tía má. Nhà trước mở ra cái chợ sầm uất với tiệm bán lụa lấp lánh cuốn ánh mắt dân thị trấn ngoái đầu nhìn thèm thuồng mỗi bận đi qua. Nhà sau mở ra mé sông bát ngát sóng nước. Tình chẳng bao giờ ra nhà trước. Tiệm lụa kẻ vô người ra, thợ thầy luôn đông đúc. Nhà sau lại vắng lặng, chỉ mỗi cô Út Thẩn lúi húi chuyện chợ búa, bếp núc, rồi đánh võng. Hết giờ học là chạy ra chái bếp sau. Trong đầu vẫn ong óc lời má dặn. Học cho giỏi rồi tía má cho lên thành phố, đất này chẳng nuôi được đứa con ngọc ngà của tiệm lụa trứ danh châu thổ.
*
Bây giờ đã là những ngày cạn xuân, Tình về theo một đoàn chuyên gia khảo sát một dự án du lịch của tỉnh. Phải làm sao để tỉnh mình như trái tim châu thổ, mỗi nhịp đập là một sự rộn ràng hút hàng trăm ngàn người đến đây. Chục năm bôn ba phố thị, học ra trường Tình lại làm tiếp nghiên cứu rồi được giữ lại làm giảng viên. Đôi lúc các đề án cần góp ý, khoa cử Tình đảm trách, nhất là mấy chuyện liên quan văn hóa bản địa của sóng nước đất chín nhánh sông này. Nhưng, đây là lần đầu tiên Tình chạm đề tài gắn với nơi mình sinh ra. Tình ngó nghiêng tập tài liệu. Khi đọc đến chi tiết khôi phục lại văn hóa nguồn của đất này, Tình không do dự, gật đầu theo đoàn chuyên gia. Một dự án được tài trợ bởi hiệp hội du lịch quốc tế.
Sáng trong trời, nắng mai non rải đều trên con sông Cố Giang, Tình lừng khừng rồi bước xuống ghe. Đoàn chuyên gia hơn chục người chia làm hai ghe đi dọc khúc sông để khảo sát. Đất này ôm trong lòng nhiều câu chuyện. Những câu chuyện trải dài châu thổ như phù sa muôn chỗ vẫn bồi lở đời người. Có chuyện giống, có chuyện khác.
Tỷ như võng chuối, thứ võng tao nôi của dân Nam kỳ lục tỉnh từ thuở vỡ đất đã làm nên thương hiệu xứ này. Võng chuối nằm mát lưng, bền chặt, đung đưa không đứt. Võng gặp mùa hè võng mát lưng. Võng gặp mùa đông võng ấm người. Để làm một cái võng là trần thân chứ đâu có dễ. Phải lựa cây chuối xiêm chưa trổ buồng mùa nắng, rồi rọc sống lưng thành những sợi bằng nhau, thắt chục sợi lại thành một cọng, thắt chục cọng lại thành một dây. Mà hồi đó làm gì có điện, mấy bà ngoại, mấy bà má miệt này phải đốt đèn dầu mà đánh võng. Xứ này muỗi bay như sáo thổi nên phải đốt thêm vỏ dừa khô để đuổi. Vậy đó cái mùi nó ám vào từng sợi chuối, ám luôn vào võng.
Tình nghe cái giọng ngọt mà trầm buồn của người đàn bà tóc bạc heo may ngồi trên ghe nhẩn nha giải thích. Gã phiên dịch trẻ diễn giải lại cho các chuyên gia người nước ngoài chẳng sót từ nào. Con sông dài, dòng trôi miên mải, nhưng mấy chuyện xưa xa cũ càng này, chỉ có người xứ này mới thuộc lòng, khắc dạ và lời kể ron rót như gieo vào lòng người một tiếng sóng âm ba vang động. Khẽ nghiêng người ngó về người đàn bà, Tình bất giác ngờ ngợ. Chưa kịp hỏi tên thì thấy ghe cập vào cồn.
Lần đầu tiên, Tình mới bước lên cồn Côi Cút. Bất giác gã trai ba mươi tuổi đời lóng ngóng.
*
Đêm còn hiu hiu gió. Gió xuân chẳng làm người ta buốt lạnh nhưng đủ sức cứa lòng Tình một nỗi riêng mang. Cả đoàn tụ lại ngôi nhà ba gian cũ kỹ ngồi xem người đàn bà tóc bạc heo may đánh võng, mùi dừa khô đốt lên ngái nồng, ngọn đèn dầu leo lét. Trong ánh sáng vàng dịu đó, Tình thấy lại đôi tay cũ ngày xưa. Phải, đó là cô Út Thẩn. Tình ngó thằng phiên dịch trẻ, ánh mắt Tình rơi trúng đôi mắt tròn xoe như hai hột nhãn của nó. Hệt như cái ánh mắt hồi thằng Lọt ngoái lại nhìn Tình năm đó. Năm nó sang sông về cồn. Năm Tình mười sáu còn thằng Lọt mới mười hai.
Tàn canh. Gió lạnh. Đêm treo màn tối. Bìm bịp bủa vây sóng nước tiếng gọi bầy nghe nhưng nhức lòng. Tình ngồi lại với thằng phiên dịch trẻ. Là Lọt của ngày xưa. Câu chuyện lang bạt của quãng đời như sóng nước xứ này vỗ thắt dạ người ta. Út Thẩn chỉ là người ở từ thời nội của Tình còn xuôi ghe qua tận Nam Vang. Một lần sóng to gió lớn ghe úp. Tía má Út Thẩn với ông nội của Tình chẳng về nữa. Bà nội Tình cám cảnh mà giữ lại. Rồi Út Thẩn mang bầu, chẳng biết cha là ai, nội cất riêng cái chái bếp cho Út Thẩn một phòng. Càng lớn, Lọt càng giống một ai đó. Giống đến nỗi má Tình sợ của nả trong nhà bị chia năm xẻ bảy. Chuyến sang sông lần đó là nội sắp xếp cho má con Lọt sang cồn nương náu. Cũng là nội hằng tháng cho người đem gạo rồi thịt thà, tiền bạc sang cồn cho má con Lọt sống. Chừng Lọt lớn lên, cũng được nội sắp xếp lên thị thành trọ học, may thay được cái học bổng tu nghiệp bên nước ngoài. Ngày Lọt đi, nội yếu chẳng lên đưa tiễn. Hôm đó, chỉ mỗi má Lọt và tía của Tình. Vậy đó, giờ Lọt về, theo cái đề án du lịch này là để trả ơn sóng nước Cô Giang, là để cho người ta biết, bên cồn vẫn còn người đàn bà đánh võng chuối vò võ đợi chờ một điều mông lung.
Đêm đã sâu. Đen và đặc quánh. Tình nhìn trong góc tối, gương mặt Lọt càng lộ nét giống một người. Ai đặt cho cái cồn tên Côi Cút sao mà buồn dữ thần. Buồn như câu vọng cổ của miệt sông nước. Nhưng, với Tình, buồn hay vui, nặng hay nhẹ, âu cũng là từ mình mà ra. Tình bá vai thằng Lọt. Ghì đầu nó vào lòng mình. Đêm khóc vỡ cả tiếng bìm bịp.
*
Tình ngồi đó, trong ngôi tiệm lụa nức tiếng ngày xưa, giờ cũng đã bạc thếch cũ kỹ. Nội đã yếu, chân đi bước chập chững. Tía má cũng trắng đời mình theo bao ngọn bấc tàn mùa. Thời hay thế thì đến cuối cùng trả về đất cũng là những xác thịt, chứ tiền của nào mà mang theo. Tía có thể im, nội có thể giấu, má có thể không nhận. Nhưng Tình thì chẳng thể bởi đó là ruột rà của mình. Tình thắp nhang lên bàn thờ gia tiên, khấn cầu bình an cho người em của mình.
Dự án du lịch được đánh giá cao. Thằng Lọt chính thức được giao chủ trì công đoạn triển khai. Nghề đánh võng chuối cũng được phục dựng để như một điểm nhấn của Cố Giang. Từ con sông rộng, qua cồn Côi Cút giờ đâu có bao xa? Hay sáng mai con cho ghe chở nội với tía má qua bên ấy một lần? Một lần thôi là mình thành một nhà liền mà!
Hình như chẳng ai nói gì. Chỉ có giọt nước mắt lăn dài. Và nụ cười nhẹ tênh bay từ nhà trước ra nhà sau. Nụ cười đậu lại nơi chiếc võng chuối ngày xưa Tình hay nằm nghe thằng Lọt hỏi mấy câu ngáo ngơ. Hồi đó tóc tụi nó còn xanh. Xanh ngát cả Cố Giang.