Trong nhiều năm qua, tại các hoạt động giao lưu đối ngoại nhân dân Việt Nam-Cuba, có một nhân vật quen thuộc luôn góp mặt với tập thơ nhỏ trên tay. Ông thường đọc thơ, trao tặng thơ như một cách bày tỏ tình yêu dành cho Cuba. Đó là nhà ngoại giao Nguyễn Văn Thọ, nguyên Tham tán Chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba nhiệm kỳ 1996 -1999. Nay đã 86 tuổi rồi, ông vẫn miệt mài sáng tác, đều đặn gửi gắm tình cảm sâu nặng dành cho "Hòn đảo tự do", nơi ông trìu mến gọi là "quê hương thứ hai", vào những vần thơ lục bát bình dị.

Cuba sâu đậm nghĩa tình... Lòng tôi nhớ mãi đinh ninh suốt đời…

Đó là hai câu trong bài thơ "Phần đời khó quên" mà nhà ngoại giao Nguyễn Văn Thọ sáng tác năm 2017, nhân kỷ niệm 50 năm ngày đầu tiên ông đặt chân đến Cuba. Ông chậm rãi đọc, từng lời thơ như thấm đẫm hoài niệm, mở ra cuộc trò chuyện về ký ức gắn bó với Cuba.

Theo lời ông Thọ, suốt quãng thời gian theo học tại Viện Quan hệ Quốc tế Moskva (Liên Xô), chuyên ngành Mỹ Latin, ông đã đọc và được nghe nhiều về cuộc cách mạng Cuba, cũng như về tình cảm thủy chung mà nhân dân hai nước Việt Nam và Cuba dành cho nhau trong những năm tháng gian khó. Từ những trang sách và câu chuyện ấy, ông đã sớm dành cho Cuba một thiện cảm đặc biệt, khởi đầu cho mối duyên gắn bó về sau.

Tàu thủy Gruzia của Liên Xô chở 300 lưu học sinh Việt Nam từ cảng Kaliningrad đến cảng La Habana vào tháng 8/1967. Ông Nguyễn Văn Thọ có mặt trên tàu với vai trò phiên dịch tiếng Nga cho đoàn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tàu thủy Gruzia của Liên Xô chở 300 lưu học sinh Việt Nam từ cảng Kaliningrad đến cảng La Habana vào tháng 8/1967. Ông Nguyễn Văn Thọ có mặt trên tàu với vai trò phiên dịch tiếng Nga cho đoàn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tháng 8/1965, ông Thọ về công tác tại Bộ Ngoại giao, chuyên trách về Cuba và Mỹ Latin. Sau đó, ông được cử sang La Habana để học tiếng Tây Ban Nha. Trong tâm trí ông, hành trình tới La Habana cùng đoàn 300 lưu học sinh Việt Nam trên tàu thủy Gruzia của Liên Xô vào tháng 8/1967 vẫn còn nguyên vẹn, rõ nét:

"Năm mươi năm đã trôi qua… Tàu Liên Xô chở chúng ta cập bờ… Mỗi lần nhớ về hành trình tới Cuba, tôi lại thầm đọc đôi câu thơ ấy. Khi đó, tôi được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp giao nhiệm vụ làm phiên dịch tiếng Nga cho đoàn 300 lưu học sinh Việt Nam trên tàu thủy Liên Xô Gruzia. Tôi vẫn không thể nào quên 16 ngày đêm lênh đênh trên biển, từ cảng Kaliningrad đến cảng La Habana. Với tôi, đó vừa là vinh dự, vừa là niềm vui, mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời".

Ông Nguyễn Văn Thọ làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, năm 1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, năm 1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ đi chặt mía ở ngoại ô La Habana, Cuba, năm 1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ đi chặt mía ở ngoại ô La Habana, Cuba, năm 1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngày ấy, chào đón sinh viên Việt Nam ở Cuba không chỉ có biển trời mênh mông, mà còn có cả lòng người rộng mở. Theo ông Thọ kể, các bạn Cuba, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vẫn sẵn lòng trao gửi kiến thức và hỗ trợ lưu học sinh Việt Nam như người thân trong gia đình. Bản thân ông cũng cảm nhận được tình cảm chân thành ấy trong suốt thời gian học tập và công tác tại Cuba.

Trong hai năm học bổ túc tiếng Tây Ban Nha tại La Habana, ông Thọ có cơ hội phục vụ và phiên dịch cho các đoàn Việt Nam sang thăm và làm việc tại Cuba. Sau đó, ông đảm nhiệm cương vị Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, phụ trách Văn phòng - Hành chính tổng hợp. Những cuộc gặp gỡ với lãnh đạo và người dân Cuba, cùng những chuyến công tác tới nhiều địa phương, đã giúp ông thấm thía và trân trọng sự quan tâm mà bạn bè Cuba dành cho Việt Nam. Ông hồi tưởng, đôi mắt ánh lên niềm tự hào:

"Năm 1968, tôi được tham gia đoàn của Giáo sư Ca Văn Thỉnh, lúc bấy giờ là Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương, sang Cuba nghiên cứu về lịch sử 100 năm cuộc đấu tranh giành độc lập của nước bạn (giai đoạn 1868-1968). Trong suốt một tháng đi cùng đoàn, được nghe các giáo sư, tiến sĩ và các nhà sử học giới thiệu về lịch sử Cuba tôi càng thêm yêu mến đất nước này. Đặc biệt, tôi vô cùng cảm kích sự ủng hộ quý báu của nhân dân Cuba dành cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam."

Ông Nguyễn Văn Thọ (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng đoàn của Giáo sư Ca Văn Thỉnh, Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương, trong chuyến thăm và làm việc của đoàn tại Cuba, tháng 10/1968. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng đoàn của Giáo sư Ca Văn Thỉnh, Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương, trong chuyến thăm và làm việc của đoàn tại Cuba, tháng 10/1968. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ (ở giữa) chụp ảnh với Giáo sư Ca Văn Thỉnh (bên trái), Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương và Tiến sĩ, Giáo sư Julio Le Riverant, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Cuba, tháng 10/1968. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ (ở giữa) chụp ảnh với Giáo sư Ca Văn Thỉnh (bên trái), Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương và Tiến sĩ, Giáo sư Julio Le Riverant, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Cuba, tháng 10/1968. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong cuộc trò chuyện với tôi, có một người mà ông Thọ nhắc đến với tất cả sự yêu kính. Đó là bà Melba Hernández Rodríguez del Rey (28/7/1921 - 9/3/2014), bạn chiến đấu thân thiết của lãnh tụ Cuba Fidel Castro, người dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam và tham gia tích cực vào các hoạt động ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Bà Melba là Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Đoàn kết với Miền Nam Việt Nam (thành lập năm 1963).

Tháng 10/1968, ông Thọ được cử làm phiên dịch cho bà Melba trong chuyến thăm khu ký túc xá của lưu học sinh Việt Nam tại Siboney, La Habana. Ông kể lại, bà Melba luôn quan tâm, yêu quý và đối xử với sinh viên Việt Nam như người thân trong gia đình. "Không chỉ là phiên dịch viên, tôi còn là nhân chứng của tình hữu nghị nồng ấm giữa Việt Nam và Cuba, đặc biệt là tình cảm thương mến mà 'mẹ Melba' dành cho sinh viên Việt Nam", ông chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thọ (thứ ba từ phải sang) phiên dịch cho bà Melba Hernández Rodríguez del Rey trong chuyến thăm khu ký túc xá của lưu học sinh Việt Nam tại Syboney, La Habana, tháng 10/1968. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ (thứ ba từ phải sang) phiên dịch cho bà Melba Hernández Rodríguez del Rey trong chuyến thăm khu ký túc xá của lưu học sinh Việt Nam tại Syboney, La Habana, tháng 10/1968. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đặc biệt, ông vẫn nhớ rất rõ những cuộc gặp gỡ, dù ngắn ngủi, với Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Lần đầu tiên ông được gặp vị lãnh tụ Cuba là vào tháng 9/1969, khi nhân dân Việt Nam đang chịu mất mát to lớn trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày đau thương đó, không chỉ người dân Việt Nam, mà cả lãnh đạo và nhân dân Cuba cũng cùng chia sẻ niềm tiếc thương vô hạn. Chủ tịch Fidel Castro cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Cuba đã đích thân đến viếng tại Đại sứ quán Việt Nam ở La Habana. Ông Thọ hồi tưởng lại trong niềm xúc động:

"Tôi là người phụ trách tiếp đón, đồng thời được lắng nghe những chia sẻ chân thành và sâu sắc của Chủ tịch Fidel Castro. Tôi nhớ mãi hình ảnh vị lãnh tụ với phong thái vô cùng giản dị, ánh mắt đầy nhiệt huyết, cùng những câu nói xúc động về Bác Hồ và về tình cảm sâu sắc dành cho Việt Nam".

Sau này, trên cương vị Tham tán Chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, ông Thọ càng thêm gắn bó với đất nước này, không chỉ vì công việc ngoại giao mà còn bởi những kỷ niệm cá nhân sâu sắc. Thời gian trôi qua, tình yêu dành cho Cuba vẫn luôn đậm sâu, theo ông trên mọi hành trình sau đó, từ Mexico, Nicaragua đến Angola, và được ông gửi gắm vào những bài thơ như một cách lưu giữ ký ức không chỉ của riêng ông, mà còn là tiếng lòng chung của bao thế hệ Việt Nam từng gắn bó với Cuba.

Ông Nguyễn Văn Thọ và bà Phạm Thị Nam chụp ảnh kỷ niệm trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, năm 1972. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ và bà Phạm Thị Nam chụp ảnh kỷ niệm trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, năm 1972. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ và bà Phạm Thị Nam chụp ảnh kỷ niệm tại nhà riêng, ngày 6/4/2025. (Ảnh: Thanh Hằng)

Ông Nguyễn Văn Thọ và bà Phạm Thị Nam chụp ảnh kỷ niệm tại nhà riêng, ngày 6/4/2025. (Ảnh: Thanh Hằng)

Cuba chắp mối tơ hồng... Gieo duyên thắm đượm, một lòng bên nhau

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi giống như một buổi đối thoại đầy chất thơ, với mỗi phần ký ức được ông Thọ kể lại một cách mượt mà, uyển chuyển, đôi khi còn pha chút hóm hỉnh. Ông tâm sự rằng ông không chỉ yêu mến mà còn mang ơn Cuba, bởi nơi đây đã nối duyên cho ông với bà Phạm Thị Nam, khi ấy là sinh viên khoa tiếng Anh, Đại học La Habana (khóa 1968 - 1972).

Gương mặt ông rạng rỡ khi nhắc đến người bạn đời đã đồng hành suốt bao năm qua. Sau khi tốt nghiệp, bà Nam được ở lại thực tập một năm tại Đài Phát thanh La Habana, rồi trở về nước công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Cuba chính là “sợi tơ hồng” xe duyên, nơi chứng kiến tình yêu của họ nảy mầm, đơm hoa kết trái.

Ngày ấy, họ đã có những kỷ niệm khó phai ở một nơi tuy cách xa Việt Nam về địa lý nhưng lại vô cùng gần gũi trong tim. Trời Cuba chan hòa ánh nắng, biển rì rào sóng vỗ, bạn bè thì nồng hậu, tất cả hòa cùng những khoảnh khắc lặng lẽ và riêng tư, dệt nên một miền nhớ đậm chất thơ.

Ông Thọ luôn biết ơn Cuba, bởi nơi đây không chỉ mang lại cho ông kiến thức chuyên môn mà còn bồi đắp những giá trị về lòng thủy chung, sự đồng điệu và sẻ chia – những điều đã trở thành nền tảng vững bền cho tình yêu. Sau này, con trai và con dâu của ông cũng học tập và nên duyên vợ chồng tại Cuba. Trong những cuộc sum họp gia đình, họ thường ôn lại những ngày sống, học tập và làm việc tại đất nước anh em thân thiết ấy.

Ông Thọ hóm hỉnh đọc đôi câu thơ trong lúc tìm lại những bức ảnh gia đình chụp từ rất lâu: "Con trai cũng ở Cuba. Cả con dâu nữa, thành ra bốn người…". Ông xúc động bày tỏ: "Cuba không chỉ là ký ức của riêng tôi, mà còn là sợi dây kết nối tâm hồn, tạo nên một gia đình với những thế hệ gắn bó và yêu mến Cuba."

Lắng nghe câu chuyện của ông bà, tôi hiểu rằng quãng đời ở Cuba đã để lại biết bao kỷ niệm đủ để lắng đọng thành thơ. Dù giờ đây ở cách xa “quê hương thứ hai” nửa vòng trái đất, nhưng trong trái tim họ, Cuba vẫn luôn hiện hữu. Những năm tháng ấy, vì thế, ông Thọ đã nâng niu gửi vào thơ và đặt tên bằng một cụm từ giản dị mà sâu sắc: "Phần đời khó quên".

Nay về nghỉ dưỡng tuổi già… Làm thơ để nhớ Cuba một thời

Từ khi nghỉ hưu năm 1999, ông Thọ luôn tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, đoàn kết giữa Việt Nam và Cuba. Say mê làm thơ, ông còn là Tổ trưởng Tổ thơ Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao. Ông luôn mong muốn những vần thơ của mình sẽ là món quà tinh thần dành tặng bạn bè Cuba ở Việt Nam, góp phần nhỏ bé giúp thế hệ trẻ hai nước thêm hiểu và trân trọng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, thủy chung và trong sáng giữa hai dân tộc.

Năm 2022, ông được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Câu lạc bộ Hưu trí, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ hưu trí ngành ngoại giao. Cầm trên tay một tập thơ sáng tác trong những năm tháng nghỉ hưu, ông xúc động chia sẻ:

"Khi ở Cuba, tôi từng viết một số bài văn vần lục bát. Tuy nhiên, lúc đó tôi bận công tác nên không có nhiều thời gian dành cho thơ. Sau khi về hưu, tôi tham gia Hội Hữu nghị Việt Nam–Cuba. Trong những dịp kỷ niệm quan trọng của quan hệ hai nước, tôi làm thơ để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với lãnh đạo và nhân dân Cuba."

Bằng khen Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao tặng ông Nguyễn Văn Thọ vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Câu lạc bộ Hưu trí. (Ảnh: Thanh Hằng)

Bằng khen Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao tặng ông Nguyễn Văn Thọ vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Câu lạc bộ Hưu trí. (Ảnh: Thanh Hằng)

Ông Thọ đã mượn thơ để điểm lại nhiều dấu mốc quan trọng trong lịch sử Cách mạng Cuba, tiêu biểu là bài thơ "Vinh quang tháng Tư” ca ngợi chiến thắng Girón (19/4/1961) nổi tiếng trong lịch sử Cuba trước cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ và "Vinh quang Moncada” sáng tác nhân dịp kỷ niệm 70 năm cuộc tấn công Pháo đài Moncada (26/7/1953 – 26/7/2023) do lãnh tụ Fidel Castro lãnh đạo chống lại chế độ độc tài Fulgencio Batista – sự kiện mở đầu cho giai đoạn quyết định dẫn đến thắng lợi của cách mạng Cuba.

Với giọng điệu chắc nịch, chậm rãi, ông khẳng định rằng mối quan hệ Việt Nam-Cuba không chỉ là mối giao hảo giữa hai quốc gia, mà là một tình cảm gắn bó keo sơn, sâu sắc và bền vững, được hun đúc qua thử thách và lịch sử, bằng lòng tin, lý tưởng cách mạng và sự thủy chung hiếm có giữa hai dân tộc. Tình cảm ấy, với tất cả sự trân trọng, ông đã thể hiện trong bài thơ "Việt Nam – Cuba", sáng tác nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (2/12/1960 – 2/12/2010). Bài thơ được đăng trong tập "Ngoại giao làm thơ", do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2010:

Khi bên đây ban ngày tôi thức
Là lúc bên kia anh say giấc ngủ đêm
Hai bán cầu, hai nước, hai tên
Nhưng có cùng một tên: CÁCH MẠNG

Ông Nguyễn Văn Thọ đọc tặng phóng viên Báo Nhân Dân bài thơ “Việt Nam – Cuba” do chính ông sáng tác nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (2/12/1960 – 2/12/2010). (Ảnh: Thanh Hằng)

Ông Nguyễn Văn Thọ đọc tặng phóng viên Báo Nhân Dân bài thơ “Việt Nam – Cuba” do chính ông sáng tác nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (2/12/1960 – 2/12/2010). (Ảnh: Thanh Hằng)

Đặc biệt, ông còn viết nhiều bài thơ tưởng nhớ lãnh tụ Fidel Castro như: "Mừng sinh nhật Chủ tịch Fidel Castro tròn 90 tuổi", "Fidel ngời sáng tấm gương", "Về Quảng Trị nhớ Fidel" và "Vô cùng thương tiếc Fidel kính yêu!". Trong bài thơ "Việt Nam – Cuba", ông đã gợi lại câu nói bất hủ của Fidel Castro: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!"

Bao năm chống Mỹ gian nan
Cuba ủng hộ Việt Nam nhiệt tình
Như anh em một gia đình
Sẵn sàng hiến cả máu mình quản chi...

Dù sáng tác nhiều, nhưng "nhà ngoại giao làm thơ" vẫn luôn giữ sự khiêm nhường đáng quý. Ông nói, miệng nở nụ cười hiền hậu:

"Thơ của tôi chỉ là những bài vần văn giản dị, chân thành, góp phần ca ngợi tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Cuba. Tôi thường sáng tác bằng tiếng Việt, sau đó tự chuyển ngữ sang tiếng Tây Ban Nha. Các đồng chí Cuba rất thích và tôi rất vui vì có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào việc tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc."

Mong sao nước bạn Cuba… Khó khăn, thử thách vượt qua kiên cường

Đó là đôi lời nhắn nhủ của ông Nguyễn Văn Thọ khi tôi hỏi: "Bác mong muốn gửi gắm điều gì tới bạn bè Cuba qua buổi trò chuyện hôm nay?". Ông cho biết, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn luôn theo dõi những tin tức về Cuba trên báo Nhân Dân và bày tỏ sự lạc quan vào tương lai tươi sáng của nước bạn:

"Tôi có niềm tin vững chắc rằng nhân dân Cuba, với truyền thống cách mạng kiên cường, sẽ đoàn kết, nỗ lực vượt qua thử thách, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Việt Nam đang hỗ trợ Cuba về kinh nghiệm đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, cũng như về chuyển giao kỹ thuật trồng lúa, ngô và cải tiến công nghệ canh tác. Tôi rất phấn khởi và mong rằng các dự án này sẽ tiếp tục thành công, giúp nước bạn từng bước tự túc được lương thực và năng lượng."

Ông Nguyễn Văn Thọ thường tìm đọc các ấn phẩm viết về lãnh tụ Cuba Fidel Castro và đất nước Cuba. (Ảnh: Thanh Hằng)

Ông Nguyễn Văn Thọ thường tìm đọc các ấn phẩm viết về lãnh tụ Cuba Fidel Castro và đất nước Cuba. (Ảnh: Thanh Hằng)

Đặc biệt, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền tới thế hệ trẻ hai nước về mối quan hệ Việt Nam–Cuba. Ông đánh giá cao việc Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, và Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, phối hợp ra mắt chuyên trang đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, với nhiều hình ảnh và tư liệu quý về tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc.
Ông Thọ tự hào nhắc lại kỷ niệm lần được tháp tùng Tổng Biên tập báo Granma, ông Frank Agüero Gómez, sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 1999. Ông rất vui khi biết rằng hai tờ báo Đảng vẫn duy trì hợp tác tốt đẹp và tiếp tục góp phần vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba, để nhân dân hai nước luôn dõi theo nhau, thấu hiểu và cùng nhau gìn giữ tình hữu nghị thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế.

"Thật vinh dự và tự hào khi được chia sẻ những ký ức về Cuba tới bạn đọc của Báo Nhân Dân. Đây là cơ hội quý báu để cá nhân tôi, cũng như nhiều thế hệ từng học tập, công tác tại Cuba, được bày tỏ lòng biết ơn và tình cảm sâu sắc đối với lãnh đạo và nhân dân Cuba anh em."

Ông Nguyễn Văn Thọ tháp tùng ông Frank Agüero Gómez, Tổng Biên tập Báo Granma, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương, tháng 11/1999. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ tháp tùng ông Frank Agüero Gómez, Tổng Biên tập Báo Granma, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương, tháng 11/1999. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ tháp tùng ông Frank Agüero Gómez, Tổng Biên tập Báo Granma, trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11/1999. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thọ tháp tùng ông Frank Agüero Gómez, Tổng Biên tập Báo Granma, trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11/1999. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tạm biệt tôi, ông Nguyễn Văn Thọ khẳng định rằng suốt cuộc đời này, ông sẽ không bao giờ quên được "phần đời khó quên" ở Cuba. Tôi xúc động trước tình cảm giản dị mà bền bỉ ấy, và kính chúc ông luôn mạnh khỏe, tràn đầy cảm hứng để tiếp tục sáng tác thơ ca ngợi mối quan hệ Việt Nam–Cuba. Tôi tin rằng, những vần thơ mộc mạc sẽ tiếp tục là một cách tri ân ý nghĩa, góp phần gìn giữ tình hữu nghị đẹp đẽ và bền lâu giữa hai dân tộc anh em.

Ngày xuất bản: Tháng 05/2025
Tổ chức thực hiện: Quang Thiều, Trường Sơn
Nội dung: Thanh Hằng
Trình bày: Thanh Hằng
Ảnh: Thanh Hằng, Nhân vật cung cấp