Triển lãm ảnh của các nghệ sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước

Đó là những tác phẩm của các nghệ sĩ mà tên tuổi của họ luôn được nhắc đến với lòng kính phục: Vũ Năng An, Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Lâm Hồng Long, Ðinh Ðăng Ðịnh (Giải thưởng Hồ Chí Minh) và Triệu Ðại, Nguyễn Ðình Ưu (Giải thưởng Nhà nước).

Đoàn quân Nam tiến.
Đoàn quân Nam tiến.

Có thể nói qua những bức ảnh của họ, từng chặng đường lịch sử của cách mạng Việt Nam đã hiện lên rõ nét. Ngày “Chiếm Bắc Bộ phủ” (19-8-1945, Vũ Năng An), hàng chục vạn đồng bào nội, ngoại thành Hà Nội đã xuống đường mít tinh. Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An kể lại rằng ngày 17-8-1945, ông đang ở nhà, thì một người bạn cũ đến nói rằng mai nên ra Nhà hát Lớn chụp ảnh sẽ có nhiều chuyện hay.

Nghe lời bạn, ông hăng hái vác máy ảnh đi từ rất sớm, và ông đã được chứng kiến, đã được ghi lại những giờ phút lịch sử có một không hai: Cuộc mít-tinh trở thành cuộc biểu tình tuần hành của nhân dân Hà Nội nổi dậy cướp chính quyền ngày 19-8-1945.

Ông cũng cho rằng sự trung thực, cũng như sự nhạy bén chính trị của mình lóe sáng ở thời điểm này. Ðể rồi từ đấy, ông trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh cách mạng, ông trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1949.

Những bức ảnh tài liệu ông chụp được đã trở thành tài sản quý, như “Bác Hồ ở mặt trận Ðông Khê 1950”.

Ảnh chụp ngày 17-8-1945 còn được nhìn thấy ở một tác giả nổi tiếng khác, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản-một trong những phóng viên chiến tranh đầu tiên. Tham gia cách mạng từ trước năm 1945, làm phóng viên cho nhiều tờ báo tiến bộ ở Hà Nội thời kỳ 1936-1939, ông trực tiếp có mặt trong hàng ngũ những người tham gia cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, chụp được rất nhiều ảnh.

Bức “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Ba Ðình” của ông đã đi vào trang đầu cuốn Biên niên sử nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như một hình ảnh đẹp nhất.

Tại triển lãm này, người xem còn được nhìn thấy những bức ảnh vô cùng quý giá của ông, khi đồng bào Nam Bộ nổ súng đánh giặc 10-46, cả nước sục sôi khí thế "Nam Bộ là máu của Việt Nam", ông đã ghi lại hình ảnh đoàn quân Nam tiến đang hành quân vào mặt trận.

Một loạt tác phẩm về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại cũng được giới thiệu với công chúng dịp này. Đó là “Phất cờ trên nóc hầm De Castries”-bức ảnh đã trở thành biểu tượng của sự kiện “lừng lẫy năm châu” này. Hay “De Castries và Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp đầu hàng, là những tư liệu vô cùng quý giá.

Đất nước thống nhất, mốc son lịch sử đó được ghi lại bằng hình tượng “Mẹ con ngày gặp mặt”-tác phẩm gây xúc động hàng triệu trái tim trên khắp thế giới. Trong ảnh là chiến sĩ tình báo Lê Văn Thức bị địch kết án tử hình, giam tại Nhà tù Côn Đảo từ năm 1968. Phút giây người con trai đó gặp lại mẹ già xiết bao mừng tủi. Bức ảnh có sức nặng hơn nghìn lời nói này đã được tặng Bằng Danh dự của Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế năm 1991. Tác phẩm này cũng không chỉ là đỉnh cao trong sự nghiệp của nghệ sĩ Lâm Hồng Long, mà còn là tài sản quý giá, mang dấu ấn một thời kỳ lịch sử hào hùng và bi tráng của dân tộc.

Tổng số 50 ảnh trưng bày tại triển lãm ảnh, có một số lượng rất lớn những tác phẩm quý chụp chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cố nghệ sĩ Ðinh Ðăng Ðịnh là người đã chụp hàng nghìn tấm ảnh về Bác Hồ, bởi từ năm 1949, ông được cử làm phóng viên đi theo phản ánh các hoạt động của lãnh tụ. Ông cũng là người đã chụp hàng nghìn tấm ảnh về cuộc kháng chiến của dân tộc, nhưng trọn đời, ông tự hào là người có nhiều ảnh về Bác.

Những tấm ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” (1960), “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Bác Hồ với dũng sĩ miền Nam”... thật sự là những tác phẩm tuyệt vời về lãnh tụ, mà người xem không thể không biết ơn người chụp.

Võ An Ninh, người chép sử bằng ảnh- đã ghi lại những hình ảnh xúc động về nạn đói 1945. Ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh cao niên suốt đời rong ruổi ghi lại những hình ảnh đẹp đẽ của đất nước. Ông không chỉ có những bức ảnh thể hiện khát vọng thanh bình, lòng nhân ái, khoan dung, những tâm hồn Việt. Ông cũng là một trong sáu nhà nhiếp ảnh đầu tiên được vào Phủ Chủ tịch chụp chân dung Bác Hồ những ngày đầu lập nước.

Những tác giả trong triển lãm này, nhiều người đã mất, nhưng những tác phẩm của họ thì sẽ sống mãi với thời gian, ghi dấu những khoảnh khắc không thể nào quên của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

back to top