Kỳ 1: Mạch nối từ đạn bom đến hòa bình
Giao thông là mạch nối bền bỉ đến lạ kỳ! Giữa bom đạn khốc liệt, những tuyến đường vẫn không ngừng vươn dài, chuyên chở ý chí và niềm tin từ hậu phương đến tiền tuyến. Sau ngày thống nhất, giữa hoang tàn đổ nát và muôn trùng gian khó, ngành giao thông hồi sinh từng cây cầu, con đường, nối liền miền xuôi với miền ngược, vùng cao với đồng bằng, quá khứ đau thương với tương lai đổi mới.
Những con đường mang tên Bác
Ngày 19/5/1959, thực hiện Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền nam, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mang tên Đoàn 559 đã ra đời với nhiệm vụ mở đường Trường Sơn. Ra đời vào đúng ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên tuyến đường này còn được biết đến với tên gọi đường mòn Hồ Chí Minh.
Suốt 16 năm chiến tranh, tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã trở thành mạch máu vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn miền bắc vào tiền tuyến miền nam. Vượt qua mưa bom, bão đạn, tuyến chi viện chiến lược này không ngừng được mở rộng, với gần 17 nghìn km đường cơ giới, hàng nghìn km đường giao liên, đường ống xăng dầu, hệ thống cung trạm giữa rừng núi. Bộ đội Trường Sơn đã đào đắp hơn 21 triệu m³ đất đá để làm đường, lấp hố bom bằng cả sức người và phương tiện cơ giới. Gần 4 triệu tấn bom đạn cùng hàng rào điện tử tinh vi đã được lập ra hòng cắt đứt mạch chi viện nhưng lớp lớp thanh niên vẫn “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…
Không dấu vết trên bản đồ, những con tàu không số lặng lẽ rẽ sóng trùng khơi. Nỗ lực mở tuyến vận tải biển bắt đầu từ tháng 7/1959, khi Tiểu đoàn 603 được thành lập với vỏ bọc là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Dù chưa thành công khiến đơn vị phải giải thể nhưng từ kinh nghiệm quý báu ấy, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759 - đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân. Với 38 cán bộ, chiến sĩ cùng những chiếc thuyền cải trang thô sơ, Đoàn 759 tiếp tục sứ mệnh mở ra một huyền thoại mới: Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là bước ngoặt quan trọng, khẳng định sự bền bỉ, sáng tạo và quyết tâm sắt đá trong công cuộc chi viện cho miền nam.
Hơn 30 năm can trường bám biển, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh từng chỉ huy 12 chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền nam. Ở tuổi ngoài 90, vị thuyền trưởng năm nào vẫn nhớ như in mọi ký ức từ chuyến đi đầu tiên trên tàu 54 rời Hải Phòng ngày 12/9/1963, chở 60 tấn vũ khí cập bến Cà Mau; đến khi trở thành thuyền trưởng tàu 41, ông đã cùng đồng đội đưa hàng trăm tấn vũ khí cập bến an toàn tại Bến Tre, Trà Vinh, Phú Yên, Quảng Ngãi... “Trong suốt 14 năm, hơn 1.800 lượt tàu thuyền đã gian nan vượt qua 4 triệu hải lý vận chuyển vũ khí và đưa cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền nam. Gọi là tàu không số, nhưng thật ra tàu nào cũng có số hiệu. Để vượt qua tầm kiểm soát của địch với các đội hải thuyền, tàu chiến trên biển, máy bay trên không và hệ thống radar dọc tuyến…, những con tàu vận chuyển vũ khí buộc phải giấu số hiệu. Mang theo cờ một số nước, nhiều khi tàu vươn ra hải phận quốc tế rồi mới ngược về Cà Mau. Có lúc giả làm tàu đánh cá, đôi khi lại hóa trang thành tàu chở dầu… để che mắt địch”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể.
![]() |
Ký ức về những năm tháng đi mở tuyến vận tải biển chi viện cho miền nam vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh. |
Hồi sinh sau bom đạn
Những con tàu không số, những con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã góp phần vun đắp niềm tin sắt đá về khát vọng độc lập, thống nhất non sông. Sau ngày giải phóng, ngành giao thông với sứ mệnh đi trước mở đường tiếp tục nhiệm vụ khôi phục và dựng xây đất nước. Theo các tài liệu ghi chép lại, với phương châm “địch rút tới đâu, đường biển vươn tới đó”, ngay từ đêm 9/5/1975, tàu Sông Hương đã đưa 541 cán bộ người miền nam từ Hà Nội trở về, góp phần tăng cường lực lượng tiếp quản các vùng vừa được giải phóng. Chuyến tàu biển đầu tiên đã mở ra việc kết nối lại các hành lang vận tải bắc-nam sau chiến tranh.
Một tuần sau ngày thống nhất, phái đoàn do Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Tường Lân dẫn đầu đã vào tiếp quản và điều hành công tác giao thông tại phía nam. Ngày 14/7/1975, Tổng cục Giao thông Thủy miền Nam được thành lập, do ông Nguyễn Tường Lân làm Tổng cục trưởng. Thời điểm này, hệ thống giao thông sau tàn phá của bom đạn đã hư hỏng nặng nề. Tại miền nam, nhiều tuyến đường lún lầy dày đặc ổ gà, ổ voi, khiến tốc độ di chuyển chỉ đạt khoảng 15-20 km/giờ. Tình hình ở miền bắc cũng không khá hơn, ngoại trừ một số đoạn thuộc Quốc lộ 1, Quốc lộ 5 và quanh khu vực Hà Nội được trải nhựa, còn lại phần lớn đã xuống cấp trầm trọng.
Đại hội Đảng lần thứ IV (12/1976) xác định rõ yêu cầu phải “tích cực mở mang giao thông vận tải và thông tin liên lạc” nhằm khắc phục sự mất cân đối trong phát triển kinh tế. Trên tinh thần đó, ngành giao thông vận tải đã nhanh chóng tổ chức, kiện toàn bộ máy, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn ngày càng cao của công cuộc tái thiết đất nước. Hàng loạt các Sở Giao thông công chính và doanh nghiệp quốc doanh trong các lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hàng không, hàng hải… được thành lập, tạo nền móng cho giai đoạn phục hồi và phát triển tiếp theo.
Trước nhu cầu đi lại giữa hai miền tăng mạnh, đòi hỏi hàng không dân dụng trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, ngày 11/2/1976, Tổng cục Hàng không dân dụng được thành lập, trực thuộc Hội đồng Chính phủ nhưng vẫn do Bộ Quốc phòng quản lý. Giai đoạn đầu, Đoàn bay 919 khai thác 42 máy bay trên 11 sân bay. Từ 20/8/1976, hàng không dân dụng bắt đầu bán vé, cước vận chuyển, song đối tượng mua còn hạn chế, thủ tục nghiêm ngặt.
![]() |
Ông Khuất Minh Trí (giữa) ôn lại kỷ niệm với hai người lái chuyến tàu Thống nhất Bắc - Nam đầu tiên. |
Kết nối các phương thức vận tải
Trong khi đường biển đã được nối thông, đường bộ và hàng không từng bước khôi phục, thì hạ tầng đường sắt dưới sự tàn phá của chiến tranh đã bị tê liệt nghiêm trọng. Tuyến bắc-nam chỉ còn 5% chiều dài có thể vận hành, đặt ra bài toán khó cho ngành giao thông. Ngay sau giải phóng, hơn 450 cán bộ, công nhân đường sắt miền bắc đã chi viện cho miền nam, bắt đầu hành trình khôi phục tuyến đường huyết mạch. Trước yêu cầu cấp bách đó, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công trường khôi phục đường sắt Thống Nhất do Bộ trưởng Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ làm Trưởng ban. Ngày 14/11/1975, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 358-TTg khẩn trương triển khai công việc. Đến ngày 2/12/1975, Ban Bí thư tiếp tục có chỉ thị huy động toàn Đảng, toàn dân tập trung khôi phục tuyến đường chiến lược này.
Cả nước cùng hướng về công trường khôi phục đường sắt Thống Nhất với hàng loạt chiến dịch lao động quy mô lớn. Từ rừng sâu Tây Nguyên, khu IV đến Việt Bắc, công nhân lâm nghiệp khai thác gỗ làm tà vẹt; hàng trăm nhà máy, xí nghiệp quốc phòng và dân sự tăng ca sản xuất thép, xi-măng, linh kiện cầu đường. Gắn bó nhiều năm với ngành đường sắt, ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kể: Lần đầu tiên chúng ta triển khai một công trường lớn kéo dọc dài đất nước, vừa rà phá bom mìn, vừa thiết kế, thi công. Hơn 10 vạn cán bộ, công nhân, chiến sĩ bộ đội và nhân dân các địa phương đã ngày đêm ra sức khắc phục khó khăn. Nhiều bộ đội, lao động phổ thông được đào tạo tại chỗ thành thợ làm cầu, đường chuyên nghiệp.
![]() |
Công trường khôi phục cầu Thạch Hãn năm 1975. Ảnh tư liệu |
Sau hơn một năm khẩn trương thi công, đúng 10 giờ 55 phút ngày 4/12/1976, mối ray cuối cùng đoạn Minh Cầm-Chu Lễ (Quảng Bình) được nối lại, khôi phục trọn vẹn tuyến bắc-nam sau 30 năm gián đoạn. Cùng ngày, hai chuyến tàu đầu tiên đã lăn bánh suốt tuyến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khép lại một chương tự hào trong lịch sử ngành giao thông vận tải Việt Nam.
Khôi phục hệ thống giao thông là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn đầu kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Nguyên Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ, với nguồn lực hết sức hạn chế, ngành đã kiên trì từng bước phục hồi, đồng thời sớm định hình tư duy phát triển dài hạn, lấy các vùng kinh tế trọng điểm làm hạt nhân để nâng cấp hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Cuối những năm 1980, Việt Nam bắt đầu xây dựng quy hoạch giao thông mang tầm chiến lược.
Các tổ chức quốc tế cũng từng đưa ra nhiều khuyến nghị sát thực tiễn như ưu tiên phát triển đường bộ, nâng cấp cảng biển, hàng không và từng bước khôi phục đường sắt nhằm giảm chi phí logistics. Những định hướng ấy đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, tiếp tục được hiện thực hóa qua những bước tiến mạnh mẽ của hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ.
(Còn nữa)