Cùng với 435 cán bộ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Thiếu tá Lê Việt Hải tạm biệt đồng đội, tạm xa gia đình đến với bản làng xa xôi, thực hiện phương châm "công an tìm đến dân", Thấm thoát gần 2 năm nhận nhiệm vụ, đối với người thầy giáo vai mang quân hàm, quãng thời gian "gần dân, hiểu dân" là một trải nghiệm thực tế quý báu để cống hiến và trưởng thành hơn. 

Ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, Hải có ấn tượng mạnh với hình ảnh người lính cứu hỏa - những con người lặng thầm, dũng cảm, đoàn kết, sẵn sàng xả thân cứu người giữa khói lửa hiểm nguy. Những hình ảnh ấy, qua tin tức, phim ảnh, đã gieo vào cậu học trò thôi thúc tìm hiểu, lựa chọn thi vào Trường đại học Phòng cháy chữa cháy.

Sau này, anh có cơ hội được đi đào tạo tiến sĩ tại Liên bang Nga theo chương trình phối hợp giữa Bộ Công an Việt Nam và Nga, nằm trong kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - giảng viên nguồn của Trường đại học Phòng cháy chữa cháy.  

Hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh 4 năm, Lê Việt Hải trở về nước làm giảng viên tại Khoa Nghiệp vụ 3, Trường đại học Phòng cháy chữa cháy - đơn vị trực thuộc Bộ Công an từ cuối năm 2022.

Đến tháng 6/2023, thực hiện Kế hoạch số 285/KH-BCA ngày 31/5/2023 của Bộ Công an (kế thừa và cụ thể hóa Kế hoạch số 314/KH-BCA ngày 26/7/2021), anh chủ động viết đơn xung phong, tình nguyện nhận nhiệm vụ tăng cường về xã biên giới trọng điểm về an ninh, trật tự.

Thiếu tá Lê Việt Hải nói: Tôi coi đây không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là cơ hội rèn luyện bản thân, tích lũy kinh nghiệm, cọ xát với điều kiện công tác thực tế ở cơ sở, từ đó có thêm hành trang vững chắc để phục vụ lâu dài cho công tác giảng dạy, đào tạo học viên gắn với yêu cầu thực tiễn công tác.

Thiếu tá Lê Việt Hải chuẩn bị chở đồ cứu trợ cho bà con.

Thiếu tá Lê Việt Hải chuẩn bị chở đồ cứu trợ cho bà con.

Xã A Mú Sung nằm ở cực bắc huyện Bát Xát, cách trung tâm huyện khoảng 100 km, còn hoang sơ, điều kiện khó khăn, còn hơn 80% số hộ dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; mật độ dân cư thưa thớt, sống rải rác trên địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao xen lẫn thung sâu là điểm đến của người giảng viên Trường đại học Phòng cháy chữa cháy. 

Địa bàn xã trải rộng, hiểm trở, nhiều thôn bản giáp biên cách xa trung tâm xã 15-20 km, phải đi bộ đường rừng, qua sông suối, khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa thì sạt lở, mùa khô thường trực nguy cơ cháy rừng. Thế nhưng, công an xã chỉ có 8 cán bộ, phải đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn.

Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, con còn nhỏ, xa nhà dài ngày, như nhiều đồng chí, đồng đội thực hiện nhiệm vụ tăng cường cơ sở, Thiếu tá Hải thường xuyên chịu áp lực về tinh thần, nhất là khi người thân ốm đau mà không thể về chăm só. Sự khác biệt về ngôn ngữ và phong tục cũng gây không ít khó khăn trong quá trình nắm tình hình, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Một số nhiệm vụ chuyên môn còn chồng chéo giữa ngành dọc và chính quyền cấp xã.

Nhưng, thuận lợi lớn nhất đối với anh là sự quan tâm, động viên thường xuyên của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám hiệu Trường đại học Phòng cháy chữa cháy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai cùng sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân xã A Mú Sung.

Tại Công an xã A Mú Sung, Thiếu tá Lê Việt Hải được phân công làm cảnh sát khu vực, phụ trách kiêm nhiệm các mặt công tác: phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo; thống kê - tổng hợp; khai thác hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Địa bàn anh trực tiếp phụ trách là thôn giáp biên Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Địa hình xa, khó khăn vất vả nhưng không ngăn cản được tấm lòng nhiệt huyết và bước chân quả cảm của Hải xuống bám nắm địa bàn, từng hộ gia đình để tuyên truyền pháp luật; phòng, chống ma túy, buôn lậu, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng cháy, chữa cháy; quản lý cư trú; vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ...

Thực tế công tác tại cơ sở, đặc biệt ở một địa bàn vùng cao biên giới như A Mú Sung, có nhiều khác biệt so với môi trường giảng dạy và nghiên cứu học thuật. Tuy nhiên, chính những năm tháng học tập, rèn luyện nghiêm túc trong chương trình nghiên cứu sinh tại Liên bang Nga, cùng với nền tảng chuyên môn được đào tạo và giảng dạy tại trường đại học đã giúp Thiếu tá Hải hình thành được tác phong làm việc khoa học, tư duy hệ thống, khả năng xử lý tình huống linh hoạt, chủ động trong mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tá Hải tuyên truyền pháp luật tại trường học.

Thiếu tá Hải tuyên truyền pháp luật tại trường học.

Thiếu tá Hải cùng đơn vị tích cực phối hợp chính quyền, các tổ chức đoàn thể thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 102/107 hộ dân thuộc diện cải tạo, xây mới.

Thiếu tá Hải cùng đồng đội tham gia sửa nhà dân sau bão số 3.

Thiếu tá Hải cùng đồng đội tham gia sửa nhà dân sau bão số 3.

Kinh nghiệm giảng dạy cũng là một lợi thế lớn khi anh triển khai công tác tuyên truyền pháp luật, thiết kế nội dung phù hợp với từng đối tượng, lối diễn đạt dễ hiểu, trực quan, giúp bà con ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận kiến thức pháp luật, kỹ năng ứng phó một cách hiệu quả.

Trong các tình huống thực tiễn: tổ chức công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; điều tra nguyên nhân sự cố; huấn luyện phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, trường học, anh luôn cố gắng kết hợp lý thuyết chuyên ngành với thực tiễn địa phương, vận dụng linh hoạt các giải pháp kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế vừa hiệu quả, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể.

Với kiến thức chuyên môn sâu, Thiếu tá Hải đã giúp đơn vị triển khai nhiều nội dung mới, tổ chức tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho cán bộ, người dân và giáo viên; thành lập Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; vận động trang bị hơn 650 bình chữa cháy, bảo đảm 100% hộ dân có phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ.

Anh cùng tập thể đơn vị xây dựng, duy trì các mô hình tiêu biểu: “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc, không có tệ nạn xã hội”, “Cổng trường an toàn giao thông”; “Thôn an toàn về an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn ma túy”; “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”.

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Thiếu tá Hải cùng đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 102/107 hộ dân thuộc diện cải tạo, xây mới.  

Ngoài việc ưu tiên dành nhiều thời gian bám nắm cơ sở, anh tranh thủ buổi tối, nghiên cứu, viết báo cáo khoa học gửi hội thảo trong và ngoài nước, trong đó nhiều bài liên quan đến Công an cấp xã và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở Lào Cai.

Qua gần 2 năm công tác tại xã biên giới, Thiếu tá Hải càng thấm thía tính đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Bộ Công an trong việc đưa cán bộ từ cơ quan Bộ về tăng cường tại cơ sở. Chủ trương này không chỉ bổ sung lực lượng chiến đấu tuyến đầu mà còn là môi trường rèn luyện toàn diện cho mỗi cán bộ - từ bản lĩnh chính trị, kỹ năng công tác đến kinh nghiệm xử lý tình huống thực tế.

Giảng viên trường Đại học phòng cháy chữa cháy chia sẻ: Với cá nhân tôi, bài học lớn nhất là: muốn dân tin, dân nghe, dân theo thì cán bộ phải sống cùng dân, mọi việc làm đều vì lợi ích của dân. Phải kiên trì, giản dị, lắng nghe, nói đúng tiếng nói của dân, mới vận động được dân. Những đêm trực cao điểm phòng chống bão lũ, những buổi tuần tra, nằm rừng ngăn chặn buôn lậu, chống vượt biên trái phép, những lần vượt lũ lên bản xa… dạy tôi nhiều hơn bất kỳ giáo trình nào.

Anh kể: Tôi nhớ nhất lần dẫn đoàn công tác của tỉnh Lào Cai vượt bùn đất, đi bộ, lội suối vào thôn Ngải Trồ để trao quà cho bà con giữa những ngày đầu bão Yagi năm 2024. Tuyến đường duy nhất vào bản bị sạt lở nghiêm trọng, cầu tràn bị lũ cuốn trôi, nhưng không ai quay đầu. Mỗi suất quà tới tay bà con là một lần chúng tôi lội suối, leo dốc, dựng cầu tạm, tất cả đều quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hay như lần lên bản tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí, một cụ già người Dao rụt rè mang khẩu súng tự chế đã rỉ sét nộp và thủ thỉ: “Bây giờ có cán bộ rồi, dân không cần giữ súng nữa” - lúc đó, tôi thật sự xúc động. Đó là khi lòng tin đã được gieo, mỗi ngày nhiều thêm một chút.

Sau cơn bão Yagi, Thiếu tá Hải cùng đồng đội, chính quyền trực tiếp đi từng bản, khắc phục thiệt hại, dựng lại mái nhà, kéo đường điện, chia nhau từng thùng mì tôm và nước suối. Cả tuần mưa bão, mất điện, mất nước, không thay được bộ quần áo khô, nhưng ai cũng ấm lòng khi nhìn thấy ánh đèn trở lại trên sườn núi. Những trải nghiệm ấy giúp anh hiểu sâu sắc hơn: làm công an không chỉ là giữ gìn an ninh trật tự mà là giữ lấy niềm tin của nhân dân.

Nói về người cán bộ tăng cường, Trưởng Công an xã A Mú Sung Ly Có Mừ tự hào nói: Xuất phát điểm là cán bộ giảng dạy tại trường, nhưng khi về cơ sở, đồng chí Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Việt Hải, không ngại khó, ngại khổ, nhanh chóng bắt nhịp với địa bàn, chủ động học tiếng dân tộc thiểu số, bám dân, bám bản. Đồng chí được giao phụ trách địa bàn thôn Lũng Pô - thôn giáp biên - nơi địa hình phức tạp, đường sá hiểm trở, nhưng đồng chí luôn có mặt kịp thời khi có vụ việc, trực tiếp tham gia xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, ma túy, phòng cháy, chữa cháy, thiên tai…  

Những kết quả đó đã được cấp ủy, chính quyền xã và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá rất cao. Đồng chí Hải cũng đã được Ủy ban nhân dân xã tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.

Thời gian còn lại ở cơ sở không còn nhiều, điều lưu luyến nhất với người giảng viên Trường Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy có lẽ không phải là cảnh sắc núi rừng – dù nơi đây đẹp hùng vĩ và nguyên sơ – mà chính là con người. Đó là những cụ già thân thiện, thường gọi các cán bộ công an xã là “cán bộ của bản mình”; là những em nhỏ ríu rít chạy theo mỗi khi đoàn công tác đến trường phát quà; là những buổi sáng tinh mơ, đồng bào cùng cán bộ sửa đường, dựng nhà, trồng chè trên triền núi.

Tôi cảm thấy mình còn “mắc nợ” mảnh đất này - không chỉ vì chưa kịp làm hết những điều đã dự định, mà còn bởi những khó khăn nơi đây vẫn còn rất nhiều. Hơn 80% số hộ dân trong xã thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp tự cung tự cấp; nhiều bản làng vẫn chưa có nước sạch, sóng điện thoại yếu; trẻ em còn thiếu thốn điều kiện học tập, nhiều em phải đi hàng chục cây số mới được học tiếp cấp trung học; người già thì chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế.

"Nếu có thêm thời gian, tôi muốn được cùng bà con triển khai thêm những mô hình thiết thực, mở rộng các lớp huấn luyện, hỗ trợ thêm về kiến thức, kỹ năng sống, nâng cao nhận thức pháp luật và phòng chống thiên tai. Dù là những việc nhỏ, nhưng tôi tin rằng nếu được thực hiện kiên trì và đúng cách, sẽ mang lại những giá trị bền vững, góp phần lan tỏa niềm tin và hy vọng nơi vùng biên cương của Tổ quốc", Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Việt Hải trải lòng.

Ngày xuất bản: 18/5/2025
Nội dung: THANH HÀ
Trình bày: XUÂN BÁCH-NGỌC BÍCH
Ảnh: NVCC