Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến Chiến lược văn hóa Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ rằng, phát triển đất nước phải chú trọng đến sự phát triển đồng thời của cả bốn lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, phát triển tổng thể chứ không thể chỉ tập trung vào lĩnh vực đơn lẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Văn hóa, trong đó có nghệ thuật, được xác định là phương tiện hữu hiệu để bồi đắp, phát triển thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh: HOÀNG HOA
Văn hóa, trong đó có nghệ thuật, được xác định là phương tiện hữu hiệu để bồi đắp, phát triển thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh: HOÀNG HOA

Đây là tư tưởng xuyên suốt và mang tính định hướng chiến lược, phản ánh cái nhìn toàn diện, biện chứng và thực tiễn sâu sắc của Bác về công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Phát triển đồng bộ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bốn yếu tố: chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa; thì văn hóa không phải là yếu tố phụ thuộc mà ngang hàng và cùng tham gia vào quá trình phát triển đất nước. Trước hết, về chính trị, việc xây dựng một hệ thống chính trị ổn định, vững mạnh, gắn bó với nhân dân, thấm nhuần đạo đức cách mạng và phục vụ lợi ích dân tộc giữ vai trò trung tâm. Việc đổi mới và hoàn thiện thể chế nhà nước phải đi đôi với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận và công bằng trong xã hội.

Về kinh tế, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình và đạt được nhiều thành tựu lớn về mọi mặt. Trong khi đó, công nghiệp văn hóa và sáng tạo được ghi nhận đang chứng minh là ngành kinh tế hiệu quả, với tỷ lệ giá trị gia tăng cao so với đầu tư, tránh lãng phí tài nguyên và phát huy hiệu quả lợi thế quốc gia. Yếu tố văn hóa chú trọng trong hoạt động kinh tế. Ngược lại, kinh tế cần được phát triển trong mối quan hệ hài hòa với văn hóa và xã hội, bảo đảm không làm tổn hại đến bản sắc và môi trường sống.

Về văn hóa, văn hóa Việt Nam là kết tinh của lịch sử, truyền thống, bản sắc dân tộc và đời sống tinh thần phong phú của nhân dân. Văn hóa tạo ra sức mạnh nội sinh cho đất nước, gắn kết cộng đồng, định hướng giá trị xã hội và là điểm tựa để xây dựng một xã hội văn minh, phát triển hài hòa, nhân văn và bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ thông tin 4.0 hiện nay, việc phát triển văn hóa càng có ý nghĩa chiến lược, tạo nên “sức đề kháng” cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Về xã hội, con người là trung tâm của sự phát triển. Một xã hội phát triển là xã hội công bằng, dân chủ, văn minh - nơi mọi người đều được tiếp cận cơ hội phát triển, hưởng thụ thành quả kinh tế, văn hóa và có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Phát triển xã hội cần đi liền với việc xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách vùng miền, nâng cao chất lượng sống của người dân, chăm lo phúc lợi và bảo vệ quyền con người.

Sự kết hợp hài hòa giữa chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội là yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế đất nước vững mạnh, đồng thời duy trì và phát huy sức mạnh quốc gia, bảo đảm cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc lâu dài cho người dân. Việc hiện thực hóa tư tưởng đó của Hồ Chí Minh, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh không chỉ là sứ mệnh của Đảng, Nhà nước, mà còn là của toàn dân tộc trong tiến trình phát triển đất nước toàn diện và bền vững.

Trụ cột mềm trong phát triển quốc gia

Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội phát triển đan xen. Các yếu tố như biến đổi khí hậu, khủng hoảng y tế, bất ổn kinh tế-xã hội, cùng với tác động sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi một cách tiếp cận phát triển mới mang tính tích hợp, đa chiều và bền vững. Việc phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội không chỉ là một yêu cầu tất yếu, mà còn là điều kiện tiên quyết để bảo đảm năng lực thích ứng và khả năng cạnh tranh của quốc gia. Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia là sự tiếp nối đầy sáng tạo tư tưởng phát triển đồng bộ của Bác Hồ.

Quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được ban hành ngày 12/11/2021 đã xác định văn hóa là một trụ cột quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển quốc gia. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà còn là mục tiêu, là động lực nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đồng bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội là nền tảng lý luận nhất quán, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã tiếp nối và cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn chính sách, khẳng định văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là động lực nội sinh của sự phát triển bền vững, là trụ cột mềm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Do đó, việc tiếp tục phát huy giá trị của truyền thống, văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và đẩy mạnh ngoại giao văn hóa chính là những nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình phát triển đất nước. Đây cũng là con đường thiết thực để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đồng bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, trong đó văn hóa giữ vai trò hạt nhân trong kiến tạo nền tảng tinh thần, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên hội nhập.