Chuyện đời, chuyện nghề người làm báo

Tuấn Mark và những câu chuyện về nghề lần đầu tiên được kể

Nguyễn Tiến Anh Tuấn, biệt danh Tuấn Mark từ lâu đã là cái tên quen thuộc với giới ảnh báo chí Việt Nam. Trong gần 15 năm làm nghề, anh đã vinh dự giành được nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Có thể kể đến một vài dấu mốc như Giải đặc biệt Cuộc thi Khoảnh khắc báo chí 2019 Hội Nhà báo Việt Nam; Giải đặc biệt Khoảnh khắc Vàng lần thứ 6 của TTXVN năm 2023; Giải Vàng và Bạc Cuộc thi ảnh Khoảnh khắc báo chí 2024 Hội Nhà báo Việt Nam; Giải B và C Giải thưởng ảnh báo chí Vì sự phát triển VH-TT&DL của Bộ VH-TT&DL các năm 2023-2024...

Nhiều tác phẩm ảnh báo chí của Tuấn Mark cũng đồng thời giành các giải thưởng ảnh Nghệ thuật lớn trong nước như: Huy chương Vàng Ảnh nghệ thuật quốc tế Việt Nam 2025; Huy chương Bạc và Đồng Ảnh nghệ thuật toàn quốc 2020; Huy chương Bạc Vapa 2025...

Không chỉ vậy, Trưởng khối Media của Báo điện tử Dân trí còn nổi bật với tư duy làm nghề tận tâm, khoa học và có phần… khá khắc kỷ.

Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với anh về nghề báo cũng như những kỹ năng tác nghiệp để có được những bức ảnh đáng giá.

Tác giả chụp ảnh máy bay Su-130MK trên bầu trời Hà Nội.

Tác giả chụp ảnh máy bay Su-130MK trên bầu trời Hà Nội.

Vận động viên chuyên nghiệp, chiếc máy 3.2 pixel và những năm tháng làm dịch vụ

PV: Trước khi đến với nghề báo, anh là một vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp? Lý do nào khiến anh đổi hướng đột ngột sang một lĩnh vực chẳng mấy liên quan?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Trước đây, tôi học và chơi bóng chuyền chuyên nghiệp từ năm 16 tuổi. Đến đầu năm 2008 thì tôi giải nghệ khi trước đó đã bị vỡ sụn đầu gối. Mặc dù đã nghỉ để điều trị, nhưng tôi khong thể quay trở lại phong độ cũ. Bên cạnh đó, tố chất cơ thể của mình cũng không đủ để đáp ứng với môi trường thể thao chuyên nghiệp. Thêm vào đó, thời điểm này, CLB chủ quản Bưu điện Hà Nội cũng chuẩn bị giải thể. Thế là tôi nghĩ: Thôi thì nghỉ để tìm hướng đi khác cho cuộc sống.

Giai đoạn này, bố tôi định hướng cho con trai theo ngành Công an, nhưng tôi không muốn theo nghề của bố. Bước ngoặt đến khi một người bạn của bố rủ tôi lên Sơn La thi đấu giải bóng chuyền của tỉnh khoảng 1 tuần. Lúc này, anh trai tôi có đưa tôi một chiếc máy ảnh compact Panasonic nhỏ xíu, chỉ có 3.2 mega pixel để chụp chơi dọc đường. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết cầm máy ảnh chụp là gì.

PV: Sau đó bao lâu thì anh quyết định rẽ hẳn sang chụp ảnh?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Cuộc sống không êm ái như mọi người nghĩ. Sau chuyến đi này, tôi đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau như làm survey (khảo sát ý kiến), giao hàng, làm dịch vụ, kể cả các công việc chân tay. Rồi tôi cũng xác định làm nghề gì cũng cần kiến thức nên phải đi học thêm và đăng ký lớp Tại chức Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội với chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

Song song, tôi bắt đầu cầm chiếc máy Compact đi… chụp linh tinh rồi up ảnh lên blog cá nhân, được nhiều anh em, bạn bè thích thú. Lúc này, tôi mới tham gia một khóa đào tạo về chụp ảnh kéo dài khoảng 1 tháng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Chủ yếu là kiến thức gốc về máy phim và chụp ảnh cơ bản , nhưng tôi lại được gặp rất nhiều người, học được từ họ những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và góc nhìn khác nhau.

Tại đây, tôi cũng gặp được một người anh cùng tên, đã gợi ý, định hướng cho tôi tiếp tục kiên nhẫn thêm với nghề ảnh. Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, có lẽ đây là động lực đầu tiên giúp mình quyết tâm với con đường còn rất nhiều điều chưa biết tới. Cũng từ khóa học này, những cánh cửa mới dần mở ra khi anh em cùng lớp chia sẻ cho nhau cơ hội làm… ảnh dịch vụ. Hầu hết những người rẽ ngang làm phóng viên ảnh vẫn thường bắt đầu “cái nghiệp” của mình từ chụp dịch vụ cả.

Với cá nhân tôi, đây là một giai đoạn rất quan trọng khi mình phải làm rất nhiều công việc khác nhau từ chụp học sinh ở trường, đến… ma chay, hiếu hỉ, sự kiện… Từ đây, tôi hoàn thiện dần khuôn hình, bố cục; trang bị thêm những kỹ năng và khả năng ứng biến với nhiều tình huống khác nhau.

Sau đó, tôi tiếp tục làm ảnh Studio, ảnh cưới, rồi gặp rất nhiều anh em là phóng viên ảnh các báo và họ cũng phải… sống thêm bằng nghề dịch vụ bên ngoài. Điều ấy chứng tỏ, nghề báo không hẳn là một nghề mà thu nhập đủ hấp dẫn để mình thay đổi định hướng. Vào giai đoạn 2010-2011, thu nhập từ chụp dịch vụ của mình khoảng trên dưới 20 triệu đồng.

Hầu hết những người rẽ ngang làm phóng viên ảnh sau này thường bắt đầu “cái nghiệp” của mình từ chụp dịch vụ cả.

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn

PV: Đó là một con số rất lớn vào thời điểm đó. Nhưng, sau cùng, anh vẫn chấp nhận rẽ ngang để trở thành một người làm báo chuyên nghiệp?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Năm 2011, tôi đã quen rất nhiều anh em làm phóng viên ảnh các báo, một người anh làm cùng Studio cũng là phóng viên ảnh của TTXVN. Họ cũng đặt vấn đề có muốn thử… đi làm báo không.

Vậy là đầu năm 2012, tôi thông qua anh Hoàng Hà xin vào VnExpress để làm… cộng tác viên thử việc không lương. Mỗi tháng, nhuận bút ảnh chỉ là 3-5 triệu đồng. Thời gian này, tôi vừa làm báo, vừa chạy dịch vụ bên ngoài để nuôi cơ hội. Và thú thật, mọi chuyện vẫn khá ổn.

Khó khăn lớn nhất là nghề báo khác hoàn toàn với những kiến thức và trải nghiệm xã hội mình đã tích luỹ. Ngoài ra, áp lực công việc cũng vô cùng lớn. Có những lúc làm xong, ảnh chưa đạt, tôi được yêu cầu chụp lại đến 5-7 lần nhưng cuối cùng vẫn không đủ chất lượng để được đăng tải.

Nhà báo Tuấn Mark tác nghiệp ở SEA Games 32 tại Campuchia.

Nhà báo Tuấn Mark tác nghiệp ở SEA Games 32 tại Campuchia.

Mỗi cơ quan báo chí có những nguyên tắc riêng. Ví dụ tại VnExpress, những chuyến đi xa trên 60km sẽ được tính tiền taxi. Nhưng có lần, khi chiếc xe dừng trước cửa doanh trại quân đội thì đồng hồ mới hiển thị… 58 cây số. Mấy anh em tự trả tiền. Chúng tôi không thể “ăn gian” những khoản này được. Vì đó là nguyên tắc, mình phải tuân thủ. Hơn nữa, mình đang làm cho một cơ quan báo chí. Mình không thể tự lừa dối chính bản thân mình và cơ quan được.

Cũng thời gian này, VnExpress còn có thêm nguyên tắc: Trong bài, nếu nội dung ảnh và video trùng nhau sẽ không dùng một trong hai loại hình. Khi đó, tôi vẫn đang là cộng tác viên thử việc. Quy định này vừa hạn chế, nhưng cũng là động lực buộc tôi phải làm tốt nhất có thể. Làm sao phải tạo ra góc khác biệt, chỉn chu hơn, sạch hơn, nội dung hấp dẫn hơn so với phóng viên video. Chính cách thức có phần khắc nghiệt ấy đã giúp rèn dũa tôi ngay từ đầu, không cho phép tôi được làm nghề một cách xuề xòa, hay tự hài lòng với bản thân. Phóng viên cần mang tới cho bạn đọc những góc nhìn mới lạ, khiến họ tò mò xem tiếp; thay vì đưa những cái mà ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác đều có, hoặc bài của báo này giống y hệt các báo khác.

Tác giả tác nghiệp tại sân bay Điện Biên (sân bay Mường Thanh cũ) năm 2024.

Tác giả tác nghiệp tại sân bay Điện Biên (sân bay Mường Thanh cũ) năm 2024.

PV: Khó khăn là vậy, thu nhập lại thực sự chênh lệch với những ngày anh chạy dịch vụ. Vậy điều gì đã giữ anh lại với nghề báo?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Như đã nói, trong gần 2 năm làm VnExpress, tôi hoàn toàn không có lương. Nhưng, khi đi làm, có những bài view cao, được viral khắp nơi với phản hồi tích cực từ độc giả, đặc biệt là các bài có tính chất phản biện xã hội, tôi cảm thấy mình đã làm được một việc có ích cho cộng đồng.

Ngoài ra, nếu làm dịch vụ, bản thân tôi sẽ chỉ là một người làm kỹ thuật và không định vị được mình là ai. Khi làm báo, tôi được tiếp cận rất nhiều câu chuyện, con người khác nhau; từ những nguyên thủ quốc gia đến công nhân móc cống, người làm vệ sinh môi trường, từ học sinh sinh viên đến ngôi sao giải trí hạng A, rồi tiếp cận môi trường an ninh, quốc phòng… Qua đó, nhãn quan và kiến thức của mình được mở rộng rất nhiều. Tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn và bắt đầu suy nghĩ xem mình sẽ trở thành một con người thế nào, thay vì chỉ chạy theo nhu cầu về kinh tế để bảo đảm cuộc sống. Về phía gia đình, người thân cũng tự hào hơn vì con mình làm báo chứ không phải kiểu người trước đây mà mọi người hay gọi là… lông bông.

Đây có lẽ là những lý do quan trọng để tôi quyết định gắn bó với nghề, và càng ngày càng thấy chụp ảnh báo chí hấp dẫn hơn…

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn tác nghiệp trong đại dịch Covid-19 ở Hà Nội năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn tác nghiệp trong đại dịch Covid-19 ở Hà Nội năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Cũng xin kể thêm, sau này khi về Dân trí với vai trò Trưởng khối Media, tôi có kể lại câu chuyện những ngày đầu của mình ở VnExpress với nhiều bạn sinh viên tới thực tập hay thử việc. Các bạn đều khẳng định: “Em đam mê và em sẽ làm được”. Nhưng các bạn không nghĩ rằng, khi bắt đầu làm báo, tôi đã 28 tuổi. Còn các bạn mới chỉ 21, 22 thôi. Khi ấy, tôi buộc phải lo cho cuộc sống, cho gia đình tương lai. Việc một người gần 30 tuổi mới bắt đầu đi làm báo thực sự rất khó khăn và không hề dễ dàng.

PV: Anh đã vượt qua những khó khăn “không hề đơn giản” ấy thế nào, thưa anh?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Tôi cố gắng hết mình, khát khao khẳng định bản thân. Hằng ngày, mỗi lần chụp ảnh xong, tôi được đồng nghiệp và các cấp quản lý góp ý, giai đoạn đó là nhà báo Hoàng Hà. Đây cũng là giai đoạn có thể may mắn đến nhiều với tôi khi gặp được rất nhiều người anh có kinh nghiệm trong nghề giúp đỡ, những người đồng nghiệp đáng kính, làm nghề một cách tử tế để mình noi gương. Các cơ quan báo chí tôi làm việc đều coi trọng ảnh báo chí, đây là thuận lợi vô cùng lớn.

Tôi cũng tự mày mò học hỏi; rồi đặt ra câu hỏi: Tại sao người ta lại có góc này, nhân vật nọ, câu chuyện kia, cách thể hiện mới lạ mà mình không làm được? Từ những sản phẩm ban đầu nội dung có phần ngây ngô mà đến giờ xem lại tôi cũng phải bật cười, thì dần dần những bức ảnh cũng chặt chẽ hơn, có nội dung và “sắc sảo” hơn.

PV: Chặng đường làm nghề tiếp theo của anh sau trải nghiệm tại VnExpress như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Sau 18 tháng cộng tác với VnExpress, tôi chuyển sang Znews khi ấy là Zing trong 5 năm; rồi tiếp tục về VCCorp làm một số trang tin như Soha, Sport5, CafeF… trong gần 2 năm. Tiếp đó, tôi về Dân Trí đảm nhận vai trò Trưởng khối Media.

Tôi cũng tự mày mò học hỏi; rồi đặt ra câu hỏi: Tại sao người ta lại có góc này, câu chuyện kia, cách thể hiện mới lạ mà mình không làm được.

Dùng thặng dư báo chí để… tái đầu tư cho báo chí

PV: Theo anh, cần phải hiểu mối quan hệ giữa máy ảnh và người chụp ảnh như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Có rất nhiều yếu tố để tạo ra một bức ảnh tốt, trong đó quan trọng nhất là 2 thành tố con ngườithiết bị. Một người dù chụp ảnh giỏi tới đâu, nhưng nếu sử dụng một thiết bị yếu, chụp chậm chỉ khoảng 2 hình/giây chắc chắn sẽ không chụp ảnh môn thể thao có tốc độ cực nhanh được. Hay như để chụp đêm nếu không có đèn sẽ phải cần những chiếc máy hiện đại, có ISO tốt, độ nhạy sáng cao. Phóng viên ảnh phải có sự đầu tư, không thể không có được.

Nhưng ngược lại, cũng không thể đánh giá: Anh chụp tốt, xuất sắc chỉ là do thiết bị xịn được. Phóng viên ảnh sẽ cần phải có rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, sự nhạy bén và cả sự tính toán khoa học, cụ thể trong từng trường hợp.

Hình ảnh một sư thầy "phát lộc" trong lễ khai hội chùa Hương năm 2017. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)

Hình ảnh một sư thầy "phát lộc" trong lễ khai hội chùa Hương năm 2017. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)

PV: Nhưng có lẽ, việc đầu tư thiết bị cần phải phù hợp với cả sự tích lũy về lao động, thưa anh?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Nói thêm về thiết bị, năm 2012, ngày vào VnExpress, tôi đã vay người yêu 20 triệu đồng để đổi máy ảnh, từ Canon sang Nikon và mua thêm ống kính. Và tới tận bây giờ, tôi vẫn chưa trả được người yêu và đã cưới cô ấy làm vợ. Món nợ ấy vẫn còn đây, nhưng được trả bằng cuộc sống, bằng tình yêu và rất nhiều thứ khác nữa (Cười).

Theo tôi, dù cơ quan có cấp hay không, thì mỗi phóng viên ảnh đều cần tự trang bị thiết bị cho bản thân mình. Từ trước tới nay, tôi đã sử dụng rất nhiều thế hệ máy, có đồ được cơ quan cấp phát, nhưng đa số là tự mua. Những gì cơ bản được cấp thì tôi cố gắng tận dụng. Những thiết bị khác thể hiện góc nhìn, sự khác biệt của mình thì phải đầu tư thêm.

Nhưng chắc chắn, mọi việc đầu tư đều không tự nhiên mà có. Ở Việt Nam, rất hiếm người ngay từ đầu đã mua những bộ máy ảnh trị giá vài trăm triệu đồng. Hầu hết có lẽ đều phải bắt đầu bằng những chiếc máy ảnh nhỏ, rẻ và không chuyên. Hành trình của tôi với nghề đã bắt đầu từ chiếc Panasonic du lịch, rồi chuyển Nikon D70s, D80, 5D, 5D MarkII, Nikon D800, D5, D6… Máy hay ống kính đều phải mua dần dần.

Cần phải nhắc lại, không phải cứ là phóng viên ảnh là sẽ có nhiều tiền. Thời điểm bắt đầu làm nghề, nhuận bút của tôi rất thấp, tháng nhiều thì được 5-7 triệu đồng. Đến tận năm 2020, sau gần 10 năm, thu nhập cao nhất của tôi từ làm báo mới đạt bằng thời điểm thu nhập từ làm dịch vụ năm 2011.

Dàn thiết bị tác nghiệp của nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn.

Dàn thiết bị tác nghiệp của nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn.

Câu chuyện cần tính tới là tiền ở đâu để đầu tư?

Đầu tiên, thặng dư công việc phóng viên ảnh khác với các nghề khác. Chúng ta có thể tranh thủ cuối tuần, ngày nghỉ để chụp thêm ảnh dịch vụ và sản phẩm, sự kiện. Không nên lãng phí sở trường và đang là nghề của mình. Thế là có một chút khoản dư.

Rồi tiền giải thưởng. Khi anh làm báo tốt, anh có những sản phẩm đặc sắc được ghi nhận, anh sẽ có cả khen thưởng và giải thưởng; đồng nghĩa với việc lại có thêm một khoản tiền. Khi bạn làm tốt, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng với giá trị sản phẩm và công sức mình bỏ ra.

Tôi thường đặt riêng phần này ra để tái đầu tư. Mỗi tháng 2-3 triệu đồng thì một năm chúng ta đã có cơ hội có thêm một ống kính mới khoảng hơn 20 triệu đồng; sau 2-3 năm có thể thay được một máy ảnh mới khoảng 50-60 triệu đồng. Tất nhiên, đây là bài toán đếm cua trong lỗ và không phải ai cũng để kiên trì làm được.

Thêm vào đó, các bạn trẻ cũng không nên có tiền nhưng mua ồ ạt, mua theo phong trào, giống anh này, anh kia hay người nổi tiếng nọ và cuối cùng lại… không biết chụp cái gì. Chúng ta phải xác định chúng ta mua thiết bị để làm gì thì lúc đấy mới đem lại hiệu quả. Chạy đua vũ trang, lan man về thiết bị mà không có mục tiêu rất dễ… trở thành lãng phí và “lỗ” nặng.

So với các nghề khác, nghề báo đúng là không có nhiều thặng dư bằng. Nhưng tôi quan niệm, mình phải luôn cố gắng thể hiện bản thân, thay vì lúc nào cũng chỉ làm đều đều và trông chờ vào đồng lương. Nếu bạn làm tốt bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng với công sức của mình. Lúc đấy, bạn sẽ không phải lo nghĩ, mỗi tháng tôi chỉ có từng này lương, từng này nhuận bút thôi.

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn

Tính toán trong tác nghiệp – bài toán khó nhưng không thể bỏ qua

PV: Sở hữu rất nhiều bức ảnh đắt giá, có lẽ, việc tác nghiệp của anh luôn dựa trên sự tính toán kỹ lưỡng và cẩn trọng?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Phải tính chứ, tính nhiều là khác. Ở đây, tôi xin phân sự tính toán có ý đồ theo 2 giai đoạn: Khi là một phóng viên ảnh độc lập và khi đã ở vị trí quản lý.

Năm 2019, khi còn làm tại VCCorp thì tại Việt Nam xuất hiện nguyệt thực một phần. Rất nhiều anh em phóng viên rủ tôi ra sân bay nhưng tôi không đi được do lúc này con trai thứ 2 của tôi mới được vài tháng. Ở nhà bế con, nhưng tôi vẫn sốt ruột lắm vì nghĩ nếu anh em chụp được ảnh đẹp thì sao? Mình hiểu, mình biết mà mình lại không đi chụp?

Thế là 12 giờ 30 hôm đó, tôi bảo vợ: Chồng ra ngoài một tý. Thú thực, lúc đó, tôi cũng chưa biết mình sẽ phải đi đâu. Tôi lấy điện thoại, mở bản đồ bắt đầu tính toán để tìm điểm tác nghiệp. Mục tiêu là sẽ phải ghi lại cảnh máy bay bay qua nguyệt thực. Tôi sẽ phải đứng ở vị trí nào, hướng nào, chụp theo góc bao nhiêu độ để đạt hiệu quả tốt nhất. Thế là vạch vạch, vẽ vẽ ra như… đang giải phương trình một bài toán hình học.

5 phút sau, tìm được đáp án, tôi xuống lấy xe máy và đi thẳng sang Thuận Thành (Bắc Ninh) dù chưa từng tới địa phương này trước đó. Đến một khu chợ thì tôi xác định đây chính là vị trí mình đánh dấu trên bản đồ. Lúc đó khoảng 2 giờ 30 phút. Đợi một lúc thì thấy một vài chiếc máy bay bay qua, đúng góc tôi đã hình dung luôn. Tôi chụp khoảng 10 chiếc máy bay và may mắn có một chiếc xuyên đúng tâm nguyệt thực đang ở cực đại.

Khoảnh khắc chiếc máy bay xuyên qua nguyệt thực một phần. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)

Khoảnh khắc chiếc máy bay xuyên qua nguyệt thực một phần. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)

Ngay cả việc chụp lúc đó cũng phải ứng biến linh hoạt. Máy ảnh D5, ống kính 400mm lắp X2 thành 800mm, tốc 1/8.000, iso 50 và khẩu lên đến F40 nhưng vẫn dư sáng, nhưng tôi đã chuẩn bị cả filter giảm sáng lắp ở đuôi siêu tele. Nếu ngắm vào nguyệt thực cũng không thể lấy nét chụp được do quá chói sáng. Tôi lựa chọn cách chụp bám nét đuổi theo máy bay và lia ngang qua nguyệt thực để hạn chế tối đa khó khăn này. Nhưng cũng phải nói thêm, kết quả này dựa trên sự tích lũy lâu dài từ rất nhiều năm trước đó, hiểu về hàng không, biết về thiên văn, kỹ năng, sử dụng thiết bị một cách phù hợp chứ không thể tự nhiên mà có được.

PV: Đó là với sự kiện đột xuất. Vậy còn với các sự kiện đã có kế hoạch từ trước, anh đã tính toán và xử lý như thế nào, thưa anh?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Năm 2022, Việt Nam tổ chức Triển lãm quốc phòng quốc tế lần đầu tiên. Trước sự kiện chính thức, tôi và phóng viên Mạnh Quân đã đi khảo sát và chụp hơn 20 buổi khác nhau. Chúng tôi tới tất cả các tòa nhà cao tầng xung quanh sân bay Gia Lâm. Không còn một vị trí nào chúng tôi không đặt chân đến. Nếu hôm đó, đội bay huấn luyện bay đẹp mà mình đứng vị trí sai coi như thất bại.

Sau cùng, chúng tôi rút ra được một vài vị trí tốt và phân chia cho anh em tác nghiệp. Riêng tôi, qua tham khảo ảnh tổng duyệt của cơ quan báo chí bạn thì thấy bạn có một góc ảnh rất đẹp, nhưng góc chụp lại hơi thấp do máy bay quá cao, cũng không triển vọng lắm. Tôi gọi điện hỏi người anh đồng nghiệp xem vị trí này ở đâu thì được chỉ dẫn tới một quán cafe 7 tầng gần sân bay.

Hôm sau, đúng ngày lễ khai mạc chính thức diễn ra, tôi đánh liều tới địa chỉ trên từ 6 giờ sáng. Sau khoảng 30 phút chờ đợi, tôi bấm chuông và ngỏ ý với quản lý quán mình muốn lên đặt máy tác nghiệp. Lúc này, áp lực rất lớn khi phải tính toán nhiều phương án khác nhau. Liệu máy bay có bay thấp hơn hôm tổng duyệt hay không, như vậy sẽ đúng với thông tin tôi nắm được và sẽ đúng ý đồ chụp đối đỉnh máy bay của tôi. Thời tiết thì lại cực xấu, sẽ phải dùng ống kính tiêu cự thế nào để bắt trọn cảnh dàn Su-30MK2 nhả bẫy nhiệt khi khoảnh khắc sẽ chỉ diễn ra một lần?

Vác 2 balo máy ảnh, chân máy nặng hơn 30kg lên tầng 7 quán cà phê, sau rất nhiều cân nhắc, tôi đánh liều bỏ qua ống kính 70-200mm. Máy ảnh Z9 lắp ống kính 400mm và dùng máy ảnh D6 lắp siêu tele 600mm - những máy ảnh và ống kính siêu tele tốt nhất, hiện đại nhất lúc bấy giờ.

Không thể cùng chụp 2 máy, tôi quyết định chỉ dùng máy D6 và ống kính 600mm, đây là một quyết định có cân nhắc vì tôi đã tính toán khoảng cách giữa tôi và máy bay lúc thả đạn nhiễu khoảng hơn 1km, nhưng khá rủi ro vì thời tiết hôm đó cực xấu. Bên cạnh đó, trong trường hợp dàn Su-30MK2 bay gần vào mình mới thả nhiễu thì ảnh cũng sẽ có khả năng bị cận và cụt 2 bên. Ngoài ra, tôi cũng xác định sẽ để file Raw [những bức ảnh thô nguyên gốc-PV] để có thể xử lý hậu kỳ tốt hơn về sau.

Bức ảnh Sức mạnh của "hổ mang chúa" SU-30MK2 tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)

Bức ảnh Sức mạnh của "hổ mang chúa" SU-30MK2 tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)

Thực tế diễn ra đúng như tôi tính toán. Tốp 4 chiếc Su-30MK2 số 1 bay khá thấp, thẳng mặt tôi rồi thả đạn nhiễu rực rỡ trên nền trời. Tôi bấm máy đón trước liên tục cho tới khi dàn tiêm kích bay ngang qua đầu, máy ghi lại cảnh tượng trình diễn đặc biệt này. Một vài đồng nghiệp khác đứng bên cạnh cũng tác nghiệp nhưng lại sử dụng ống kính tối đa 400mm nên kết quả không tốt bằng do góc quá rộng, dù crop lại thì dàn máy bay vẫn lọt thỏm và ảnh vỡ nát do thời tiết xấu và để file JPG khó edit tốt hơn được.

Bức ảnh “Hổ mang chúa” Su-30Mk2 trình diễn tại Lễ khai mạc Triển lãm quốc phòng Việt Nam 2022 khi đó thực sự rất khác biệt. Điều này cho thấy, để tác nghiệp tốt, đòi hỏi phóng viên cần có kinh nghiệm, sự chuẩn bị, phán đoán và cả tính chuyên nghiệp cực cao.

Theo Tuấn Mark, tính toán trong nghề phóng viên ảnh đòi hỏi không chỉ sự nhạy bén mà còn cả kiến thức, hiểu biết sâu rộng. Điển hình, trong các sự kiện ngoại giao, phóng viên sẽ phải nắm rõ quy trình lễ tân, lúc nào gặp, lúc nào bắt tay… Trên cơ sở đó, người chụp sẽ phán đoán trước nhân vật sẽ ứng xử thế nào trong từng hoàn cảnh. Ngoài ra, khi chụp máy bay, mặt trời, mặt trăng, phóng viên còn cần có kiến thức về hàng không nói chung và không quân nói riêng, hiểu về địa lý, dùng các ứng dụng hỗ trợ thông tin về đường bay, thiên văn để tìm phương hướng, vị trí…

PV: Khi trở thành một người giữ vai trò quản lý, sự tính toán của anh đã thay đổi thế nào?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Cuối năm 2020, khi về nhận nhiệm vụ tại Báo Điện tử Dân trí, một trong những nhiệm vụ đầu tiên tôi được giao là phải làm thế nào nâng cao kỹ năng, tay nghề ảnh của phóng viên toàn báo. Đây là bài toán rất khó và cũng đã thay đổi suy nghĩ của tôi. Tôi dành ra khoảng 1 tháng rà soát tất cả tin bài trên mặt trang để phân loại ảnh nào tốt, ảnh nào chưa đạt rồi chia ra các tiêu chí đánh giá. Sau đó, tôi tổ chức nhiều khóa đào tạo khắp cả nước để hướng dẫn anh em tác nghiệp để cung cấp kiến thức, giúp anh em nhận biết và từ đó thay đổi tư duy của mình về ảnh báo chí. Từ nhận thức, việc bấm chụp máy ảnh hay điện thoại đã dễ hơn nhiều, kể cả trong việc edit, biên tập ảnh.

Thứ hai, tôi kiên quyết đề xuất tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát việc vi phạm bản quyền ảnh và báo cáo Ban Biên tập hàng tuần. Dần dần, các phóng viên có ý thức về việc tự sản xuất và không còn đi xin ảnh hoặc khai thác trái phép của báo bạn. Tiếp theo, tôi cùng Ban Biên tập xây dựng một bộ quy tắc tiêu chuẩn, yêu cầu cả tòa soạn thực hiện theo.

Song song với nhiệm vụ này, tôi cũng bắt đầu tuyển dụng phóng viên mới về khối Media của Dân trí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó tiến hành đào tạo, hướng dẫn nhóm nhân sự trẻ theo khả năng cụ thể của từng người, tạo ra sự cân bằng và tiếp nối thế hệ có tuổi trong khối.

PV: Cách làm này dường như đã mang lại kết quả rất tích cực, đặc biệt trong các sự kiện lớn như Làng Nủ năm 2024 hay vừa rồi là Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Quan điểm của chúng tôi là với các sự kiện lớn sẽ không chỉ có phóng viên vùng miền tác nghiệp mà cần huy động sức mạnh tổng lực của toàn cơ quan. Tuy nhiên phải hài hoà được cả việc mang lại tuyến bài tốt cho tờ báo và các phóng viên vùng miền vẫn có cơ hội tác nghiệp, trải nghiệm, cống hiến ở các sự kiện lớn. Hai ví dụ bạn nhắc tới là một điển hình. Ở đây, tôi xin nói nhiều hơn về Lễ diễu binh, diễu hành ngày 30/4 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một cựu chiến binh thực hiện nghi thức chào khi đoàn diễu binh, diễu hành đi qua tại TP HCM ngày 30/4/2025. (Ảnh: Ngọc Tân)

Một cựu chiến binh thực hiện nghi thức chào khi đoàn diễu binh, diễu hành đi qua tại TP HCM ngày 30/4/2025. (Ảnh: Ngọc Tân)

Ngoài hơn 10 phóng viên văn phòng miền Nam, Dân trí tiếp tục huy động nhân sự của khối Media vào tác nghiệp trong 5 ngày cuối trước khi ngày lễ kỷ niệm chính thức. Cũng như các lần trước đó, chúng tôi tác nghiệp đưa tin công tác chuẩn bị trước 1 tháng, khảo soát các điểm cao quanh thành phố, liên tục rút kinh nghiệm qua từng đợt sơ duyệt, tổng duyệt để có thể có vị trí tốt nhất vào hôm sự kiện chính thức diễn ra. Hướng dẫn cụ thể cho phóng viên cần khai thác hình ảnh gì, nhân vật thế nào, cảm xúc ra sao, các khuôn hình và bối cảnh cần có… Kết quả, tuyến live của Dân trí đã được đánh giá rất cao về cả mặt thông tin lẫn chất lượng hình ảnh trực quan.

Tất nhiên, vẫn còn những thiếu sót, như tư duy sản phẩm khác biệt sau sự kiện. Đây cũng là điều chúng tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ, rút kinh nghiệm vào các sự kiện lớn tiếp theo.

Phóng viên ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận trình độ thế giới

PV: Gần đây, nhiều người thường so sánh và lấy mẫu hình báo chí thế giới để so sánh với cách làm của phóng viên trong nước. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào, thưa anh?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Nhắc tới việc này, tôi xin kể một kỷ niệm năm 2015. Thời điểm đó, tôi có chụp hiện tượng siêu trăng tại Hà Nội. Ban đầu, tôi sử dụng ống có tiêu cự 500mm chụp lấy mặt trăng; sau đó tiếp tục dùng tiêu cự 70-200 chụp đầu tượng rồng ở Hồ Tây. Khi dùng kỹ thuật chồng ảnh, kết quả đưa ra là đầu rồng đang ngậm siêu trăng cực kỳ ăn khớp.

Bức ảnh này khi được đăng báo và Facebook đã nhận được rất nhiều lời khen. Tuy nhiên, ngay sau đó, một phóng viên ảnh kỳ cựu của hãng AFP là chú Hoàng Đình Nam đã liên lạc với tôi hỏi: “Tuấn ơi, cháu chụp ảnh này là một shoot hay chụp chồng hình đó. Chú cũng chụp siêu trăng nên muốn hỏi lại cháu”.

Lúc này tôi mới biết AFP và một số hãng thông tấn lớn trên thế giới không cho phép chụp ảnh báo chí chồng hình. Điều này để lại cho tôi một khoảng trống mênh mông. Liệu rằng mình làm thế có đúng hay không? Hình như, mình là một thằng… rất vớ vẩn và chẳng có trình độ gì so với mặt bằng chung của quốc tế. Bao năm nay, họ đã đặt ra những quy tắc ở một chuẩn mực rất khác. Thế thì, mình sẽ phải học chụp như họ, phải có những cách làm thực sự chuyên nghiệp, tiệm cận với cách làm thế giới. Với tôi, đây cũng là một thời điểm mang tính bản lề, giúp mình phải tiếp tục tích lũy kiến thức, kỹ năng làm nghề.

Tác giả (áo kẻ xanh) trong đám đông phóng viên quốc tế tại sự kiện Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 ở Hà Nội.

Tác giả (áo kẻ xanh) trong đám đông phóng viên quốc tế tại sự kiện Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 ở Hà Nội.

PV: Kết quả của việc thay đổi tư duy về ảnh của anh đã được thể hiện như thế nào sau dấu mốc bản lề 2015 đó, thưa anh?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Để nói sau năm 2015 có sản phẩm ảnh nào của mình tiếp cận được môi trường ảnh thế giới không thì tôi nghĩ không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp là phóng viên ảnh Việt Nam có và có rất nhiều. Giai đoạn này, một số hãng thông tấn nước ngoài có đặt hàng tôi vì một số sự kiện họ không tiếp cận được. Điều này có được do họ đã tìm hiểu và có sự tin tưởng nhất định với tôi.

Tại sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội năm 2019, tôi cùng nhiều đồng nghiệp tác nghiệp tại buổi họp báo cuối cùng của ông Donal Trump trước khi ông về nước. Lúc này, sau hơn 10 phút phát biểu hỏi đáp, ai cũng muốn chụp được khoảnh khắc ông Trump bước vào cánh gà và vẫy tay chào. Nhưng do hàng trăm phóng viên đứng ở bục thẳng chính diện, hầu hết ảnh đều bị dính bàn tay che mặt Tổng thống Mỹ.

Trước thời điểm này, tôi đã chụp đủ hình mình cần và hình dung khi kết thúc họp báo ông Trump sẽ bước vào cánh gà nào, tự hình dung một góc chụp khác để tránh lỗi này. Thế là, thay vì đứng ở bục giữa, tôi ra một góc cuối bục phóng viên sát vách hội trường bên phải, một chân đứng bục một chân đứng thang nhôm, sử dụng ống tiêu cự 400mm và chờ đợi.

Tổng thống Donald Trump giơ tay chào sau khi kết thúc họp báo tại sự kiện Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 ở Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)

Tổng thống Donald Trump giơ tay chào sau khi kết thúc họp báo tại sự kiện Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 ở Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)

Chỉ 1 phút sau, ông Trump bước xoay người vẫy tay chào và bước vào cánh gà. Tôi lập tức bấm máy. Những bức ảnh đó gần như là góc duy nhất bàn tay Tổng thống Mỹ không che mặt ông. Đây cũng là bức ảnh cover trên tờ Washington Post ngày hôm đó. Sản phẩm này đến từ sự tính toán, kỹ năng tác nghiệp và quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và một phần may mắn mà có.

Nội dung rõ ràng, góc nhìn khác biệt, hình ảnh ấn tượng là thứ báo chí thế giới họ đang cần, Việt nam cũng vậy. Ví dụ trên cho thấy hướng đi tôi chọn là đúng.

PV: Bắt đầu làm báo từ năm 2012. Vậy là chỉ chưa đầy 10 năm sau, anh đã trở thành phụ trách ảnh của một tờ báo lớn. Bí quyết của anh là gì?

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn: Theo tôi, đầu tiên, phải bền bỉ theo định hướng đã lựa chọn, đặt cho mình các mục tiêu ngắn hạn đến dài hạn. Nếu có thời gian và điều kiện, các phóng viên ảnh trước hết hãy tập trung vào một mảng nào đó trong ít nhất 5 năm, thay vì lan man mỗi ngày làm những việc giống bao người đã và đang làm rồi. Hãy cố gắng trở thành “master” trong lĩnh vực của mình.

Bản thân tôi, năm 2008, khi bắt đầu cầm máy ảnh, tôi xác định phải chụp ảnh sao cho đẹp và tốt thôi. Đến năm 2012 khi bắt đầu đi làm báo, tôi tiếp tục kiên định với quyết tâm phải trở thành một phóng viên ảnh. 2015 thì là năm bản lề như tôi đã chia sẻ, cần phải nâng cao level bản thân và tiệm cận trình độ ảnh báo chí quốc tế.

Từ năm 2018 trở đi, tôi xác định mình phải là người chụp những bức ảnh khác biệt. Đôi khi cần xác định mục tiêu ở những thị trường ngách, nơi người ta không chụp hoặc bỏ qua một đề tài nào đó vì khó chụp, khó đẹp hoặc không thể làm hay được… để mọi người nhận ra đây là một thị trường hoàn toàn có thể khai thác được, thậm chí khai thác rất tốt.

Đến giai đoạn trở thành quản lý, tôi định hướng, ngoài việc duy trì việc chụp ảnh thường xuyên thì cần cân bằng ekip anh em phóng viên trong cơ quan, bảo đảm khi có bất kỳ sự kiện lớn nhỏ nào, chúng tôi cũng có thể tạo ra những giá trị tốt nhất trong top đầu của làng báo, thể hiện được vị thế của cơ quan mình đang làm việc.

Tôi đã có lần... suýt chết

"Năm 2015, tôi đã có lần suýt chết. Khi đó xảy ra vụ cháy xưởng ô-tô cạnh tòa nhà Keangnam. Nhận được thông tin, tôi xách máy chạy ra ngay vì gần nhà. Khi tôi có mặt, lực lượng chức năng vẫn chưa tới. Rất nhiều thanh niên đang cố gắng dẫn vòi nước từ hầm Keangnam sang, trèo lên mái tôn một nhà xưởng bên cạnh để cố gắng dập lửa.

Tôi cũng lên theo để giúp họ kéo vòi nước lên mái, sau đó thấy có góc tiếp cận tốt, tôi nán lại ghi lại cảnh người dân tự chữa cháy. Khi đang tác nghiệp ở độ cao khoảng 6m so với mặt đất, bất ngờ mảng tôn dưới chân tôi rách toạc. Tôi chỉ kịp quăng máy ảnh rồi dang hai tay ra để giữ người kẹt lại mái tôn và không bị rơi xuống dưới. Rất may, do đi giày, mặc quần jeans và áo dài tay, lại được 2 thanh niên ở đó kéo lên nên tôi vẫn an toàn, chỉ xây sát nhẹ.

Nhưng chưa đầy 1 phút sau, một trong 2 người đã giúp tôi lại bị tụt xuống y hệt. Do cởi trần và mặc quần ngắn, cả người anh ấy bị mái tôi xé rách toạc, máu chảy lênh láng khắp người từ chân tay tới 2 bên mạng sườn. Lúc đấy, tôi mới nhận ra sự nguy hiểm luôn trực chờ trong những sự việc thời sự. Bên dưới ngổn ngang sắt thép và lửa cũng đã cháy lan sang, nếu rơi xuống không biết tôi có còn ngồi đây trò chuyện với anh không.

Đó chỉ là một ví dụ trong hàng trăm tình huống nguy hiểm trong quãng thời gian hơn 10 năm làm báo của tôi. Có những sự kiện lao vào bão lũ đưa tin, tác nghiệp trong giai đoạn Covid-19, ghi hình điều tra phản ánh tiêu cực xã hội bị xã hội đen đe doạ, tấn công… Làm báo mà thiếu kiến thức sẽ rất nguy hiểm. Do đó, cần liên tục trang bị kỹ năng, bổ sung kiến thức để mình có thể làm nghề tốt hơn, an toàn hơn."

Ngày xuất bản: 23/5/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, TUẤN MARK, MẠNH QUÂN, KHOA NGUYỄN, NGỌC TÂN
Trình bày: BÌNH NAM