Trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4/1975 là một mốc son trong lịch sử vẻ vang của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam.

Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng” chỉ sau 6 ngày luyện tập, chuyển loại máy bay khẩn trương, chiều 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng gồm 4 phi công của Trung đoàn 923 là Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và phi công Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On, sử dụng máy bay A37 tập kích sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc tập kích đã phá hủy 24 máy bay, làm cho tinh thần của Mỹ-ngụy hoảng loạn, thúc đẩy nhanh chóng quá trình tan rã của ngụy quyền Sài Gòn.

Các phi công Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phi công Trần Văn On được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hán Văn Quảng là một trong sáu phi công của Phi đội Quyết thắng tham gia ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975. Đây là một trong những trận đánh nổi tiếng của Không quân nhân dân Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, những ký ức hào hùng về trận không kích sân bay Tân Sơn Nhất năm 1975 vẫn vẹn nguyên trong hồi ức của người cựu phi công ấy.

"Bằng giá nào cũng phải có tiếng bom ở sân bay Tân Sơn Nhất"

Đã 50 năm trôi qua sau Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Đại tá Hán Văn Quảng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vẫn nhớ lại rõ ràng thời khắc lịch sử khi cùng đồng đội ném bom, tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Sài Gòn vào ngày 28/4/1975.

Bằng giọng nói trầm ấm, Đại tá Hán Văn Quảng hào hứng kể cho chúng tôi về thời khắc lên đường nhận nhiệm vụ đặc biệt ngay dịp cuối tháng 4 năm 1975: “Chúng tôi được nhận nhiệm vụ vào miền nam ngày 22/4/1975, xuất phát từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Khi đó, tôi cũng bỡ ngỡ, lo lắng nhưng xen lẫn tự hào, bởi có cơ hội cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Vào đến sân bay Đà Nẵng, cả đội mới biết được cấp trên giao nhiệm vụ chuyển sang lái máy bay A-37 mà ta mới thu được của địch, chuẩn bị cho một trận đánh lớn bằng chính loại máy bay này”.

Trước đó, trong chiến đấu, Hán Văn Quảng chỉ bay máy bay MiG-17. Dòng máy bay này có cự ly bay rất ngắn và chỉ đánh trên địa bàn miền bắc, không đi xa được.

Đại tá Hán Văn Quảng kể: “Khi gặp, thủ trưởng đã giao nhiệm vụ cho chúng tôi là phải ‘thần tốc làm chủ máy bay, làm sao đến trước ngày 30/4 là phải làm nhiệm vụ được’. Ngày 22/4, chúng tôi vào đến Đà Nẵng, hôm sau bắt đầu tìm hiểu về máy bay A-37, nghiên cứu, rồi lên học buồng lái. Cả đội đều có tinh thần phấn khởi, nhưng cũng xen lo lắng vì không biết có hoàn thành được nhiệm vụ trong thời gian ngắn như thế. Chúng tôi lao vào học, học hỏi anh Trần Văn On (một phi công của quân đội Sài Gòn đã được giáo dục, cải tạo), suy nghĩ tìm mọi cách để bay được trên máy bay của địch”.

Lệnh của cấp trên là bất kể bằng giá nào cũng phải có tiếng bom ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại tá Hán Văn Quảng

Một khó khăn là ký hiệu toàn bộ thiết bị trên máy bay đều bằng tiếng Anh, trong khi các phi công của ta không biết ngoại ngữ này. Sau một hồi hội ý, đề xuất được đưa ra là Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On dịch chữ trên các núm, nút công tắc ra tiếng Việt, sau đó Hán Văn Quảng viết ra giấy, cắt thành những mảnh đề-can nho nhỏ dán đè lên bảng điều khiển của từng công tắc, đèn báo, đồng hồ… trong buồng lái để dễ sử dụng.

Theo  Đại tá Hán Văn Quảng, cả đội chỉ có khoảng hai ngày rưỡi học buồng lái (từ chiều ngày 22/4 đến hết ngày 24/4) nghiên cứu các tính năng, kỹ-chiến thuật của máy bay. Đến ngày 25/4, các phi công bắt đầu vào bay thực tế. Trải qua hơn 2 ngày thực hành tập luyện bay, mỗi anh em trong phi đội chỉ được bay từ một đến hai chuyến bằng máy bay A-37, do chỉ có một máy bay tốt mà huấn luyện cho cả 5 phi công.

Chia sẻ về ý đồ chiến thuật cho cuộc tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, Đại tá Hán Văn Quảng cho biết, tiến trình giải phóng Sài Gòn của quân ta diễn ra rất nhanh chóng và thần tốc. Chiều ngày 28/4/1975, Tư lệnh Lê Văn Tri mới giao nhiệm vụ cho chúng tôi và bàn phương án tác chiến, cũng đã dự kiến địch đang tập trung  các loại máy bay tiêm kích ở các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ. Các phi công cũng chuẩn bị phương án chọn thời điểm tấn công lúc chiều tối là thời gian thay ban nên quân địch sẽ mất cảnh giác, không kịp có phương án đối phó ngay.

Phi đội Quyết thắng sau trận đánh trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang), chiều 28/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Phi đội Quyết thắng sau trận đánh trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang), chiều 28/4/1975. (Ảnh tư liệu)

“Tư lệnh đã giao nhiệm vụ phi đội chia thành 2 tốp. Tốp 1 có ba máy bay của anh Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ và Nguyễn Văn Lục trong Phi đội bất kể bằng giá nào cũng phải ném được bom vào khu đỗ máy bay của sân bay Tân Sơn Nhất. Còn tốp 2 gồm 2 máy bay của anh Vượng với anh On và Hán Văn Quảng  làm nhiệm vụ tiêm kích bay đằng sau sẵn sàng, nếu địch xuất kích lên tấn công ta thì 2 máy bay sau sẽ cắt bom tiến hành không chiến để bảo vệ cho ba máy bay tốp 1. Lệnh của cấp trên là bất kể bằng giá nào cũng phải có tiếng bom ở sân bay Tân Sơn Nhất”, Đại tá Hán Văn Quảng nói.

Như vậy, đội hình tấn công sân bay Tân Sơn Nhất có phi công Nguyễn Thành Trung bay số 1, có vai trò dẫn đường bởi ông là người thông thuộc địa hình khu vực tác chiến; Từ Đễ bay số 2; Nguyễn Văn Lục bay số 3; Hoàng Mai Vượng với Trần Văn On bay số 4 trên một máy bay; và Hán Văn Quảng bay số 5. 

Việc lựa chọn mục tiêu đánh vào Sài Gòn có tới sáu địa điểm gồm: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Tổng nha Cảnh sát ngụy, Kho xăng Nhà Bè, sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi thảo luận, phi đội đề nghị cấp trên cho phép tấn công vào sân đỗ máy bay Tân Sơn Nhất, bởi đây là mục tiêu diện rộng, dễ nhận biết, dễ phát hiện từ xa, thuận lợi cho việc tấn công. Đặc biệt, khi đánh trúng mục tiêu này sẽ gây tiếng nổ, cháy lớn làm cho địch náo loạn và hoảng sợ.

"18 quả bom tấn công sân bay Tân Sơn Nhất đã làm rung chuyển ý chí của địch".

Đại tá Hán Văn Quảng

Tuy nhiên, việc đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất cần phải bảo đảm an toàn cho hai đoàn đại biểu quân sự 4 bên của ta đóng quân ở Trại Davis nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ cách mục tiêu tấn công khoảng 300m. 

Ông Quảng nhớ lại: “Dẫn đầu biên đội, anh Trung lao vào cắt bom, nhưng bom không ra. Anh Từ Đễ lao vào tiếp theo, cắt được cả bốn quả. Lúc bấy giờ, địch ở dưới bắt đầu hoảng loạn, xe cộ và người chạy náo loạn. Sau đó, anh Lục vào ném được hai quả bom, rồi anh Vượng ném tiếp bốn quả. Tôi vào ném tiếp 4 quả và nghe thấy tiếng địch hoảng loạn trong vô tuyến điện: ‘Việt Cộng, Việt Cộng oanh kích! Không phải máy bay bên mình’. Phía dưới tiếng bom nổ và cột khói bốc lên nghi ngút, tình hình địch rối ren hoảng loạn.

Sau đó, anh Trung xin quay lại không kích lần thứ hai nhưng bom vẫn không ra, rồi xin tiếp tục quay lại ném lần thứ ba cũng cắt được 4 quả bom. 18 quả bom đã được ném xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Khi anh Trung xin quay lại ném bom lần thứ 3, nếu biên đội đợi anh Trung thì khả năng không đủ dầu về hạ cánh nên tôi hô biên đội hướng 150 thoát ly. Bốn máy bay cùng theo hướng thoát ra cửa sông Sài Gòn, tôi tập hợp và dẫn biên đội về ở độ cao thấp 400m-500m”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hán Văn Quảng kể lại chuyến bay trở về khá gian nan của Phi đội Quyết thắng sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất. (Video: HỮU TÚ - QUỐC TUẤN)

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hán Văn Quảng kể lại chuyến bay trở về khá gian nan của Phi đội Quyết thắng sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất. (Video: HỮU TÚ - QUỐC TUẤN)

Hồi tưởng lại khoảnh khắc của trận đánh 50 năm về trước, Đại tá Hán Văn Quảng tự hào nói: “Trong khoảng 10 năm, từ năm 1965 cho đến đầu năm 1975, bộ đội không quân ta chủ yếu làm nhiệm vụ phòng thủ đất nước, bảo vệ các mục tiêu đặc biệt, mục tiêu trọng yếu để chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Thế nhưng sau đó, lực lượng không quân đã không những phòng thủ mà còn trực tiếp tấn công vào sào huyệt của địch, làm chủ bầu trời Sài Gòn. 18 quả bom tấn công sân bay Tân Sơn Nhất đã làm rung chuyển ý chí của địch”.

Sau khi oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất, cả biên đội tập hợp bay về và hạ cánh tại sân bay Thành Sơn. Hành trình trở về của Phi đội Quyết thắng cũng may mắn bởi 5 máy bay đều trở về an toàn. Nếu không, niềm vui chiến thắng đã không trọn vẹn. Khi cả phi đội đã hạ cánh, thợ máy kiểm tra và bảo: “Dầu còn lại chỉ bay thêm được khoảng hai, ba phút nữa thì máy bay của các anh rơi ngoài sân bay hết”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thăm và khen ngợi Phi đội Quyết thắng. Từ phải qua trái: Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng. (Ảnh tư liệu)

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thăm và khen ngợi Phi đội Quyết thắng. Từ phải qua trái: Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng. (Ảnh tư liệu)

Lúc máy bay cuối cùng hạ cánh, tất cả phi công trong buồng lái cùng hô vang: "Hoan hô! Chúng ta chiến thắng rồi!". Tư lệnh Lê Văn Tri ngồi trên đài chỉ huy ra khẩu lệnh: “Tất cả phi đội chấp hành mệnh lệnh chiến trường” và sau đó trực tiếp đến từng máy bay, ôm từng phi công một. Phút chờ đợi của mọi người ở sân bay cũng căng thẳng không kém những phi công đi chiến đấu. Bởi nếu như ở ngoài miền bắc, các phi công bay đi làm nhiệm vụ chỉ khoảng 30-40 phút, trong khi thời gian đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất mất hai giờ đồng hồ.

Một thợ máy thân thiết của phi công Hán Văn Quảng  ôm chầm lấy vai mà nói: "Quảng ơi! Mày đã về đây rồi, cứ tưởng không thằng nào về nữa. Chờ đến ba, bốn chục phút rồi, mọi người đang mong ngóng chúng mày". Câu nói của người thợ máy hôm đó khiến ông Quảng trào nước mắt.

Tôi may mắn được gắn bó với bầu trời

Năm 1965, khi đang là sinh viên Trường Thể dục thể thao Hà Bắc (cũ), Hán Văn Quảng đã lọt vào vòng sơ tuyển phi công quân sự, rồi được chọn đi học lái máy bay chiến đấu sau khi vượt qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe. Tiếp đó, ông được gửi đi đào tạo ở Liên Xô gần 3 năm, rồi sang Trung Quốc học nâng cao 6 tháng. Thời gian đào tạo lúc ấy khá gấp gáp do đất nước đang có chiến tranh, các phi công cần được đào tạo nhanh để về tham gia chiến đấu. Đầu năm 1969, Hán Văn Quảng về nước và được phân công về Trung đoàn 923 (Đoàn Không quân Yên Thế).

Ông Quảng và đồng đội ở Trung đoàn 923 chiến đấu bảo vệ bầu trời miền bắc suốt nhiều năm ròng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 923 đã cơ động chiến đấu trên 11 sân bay thuộc 8 tỉnh, thành phố; phối hợp hiệp đồng chiến đấu với các đơn vị bạn. Trung đoàn đã bắn rơi 107 máy bay các loại của không quân Mỹ; đánh hỏng nặng hai tàu khu trực thuộc hạm đội 7 của Mỹ và trận oanh kích của phi đội Quyết Thắng ngày 28/4/1975.

Đại tá Hán Văn Quảng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015

Đại tá Hán Văn Quảng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015

Với những thành tích và chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn 923 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại đội 4 mà Đại tá Hán Văn Quảng là thành viên cũng đã ba lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Gần 30 phi công ưu tú của Trung đoàn đã được phong tặng và truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày hòa bình, Hán Văn Quảng tiếp tục có nhiều năm gắn bó với lực lượng phòng không-không quân. Trong quá trình công tác, ông đã giữ những chức vụ như: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372 ở Đà Nẵng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm và ghi vào sổ vàng của Sư đoàn 372. Đồng chí Phạm Thanh Ngân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân và đồng chí Hán Văn Quảng sư đoàn trưởng đón tiếp Chủ tịch nước. (Ảnh NVCC)

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm và ghi vào sổ vàng của Sư đoàn 372. Đồng chí Phạm Thanh Ngân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân và đồng chí Hán Văn Quảng sư đoàn trưởng đón tiếp Chủ tịch nước. (Ảnh NVCC)

Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hán Văn Quảng sinh năm 1946 ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Ông được chọn làm phi công quân sự khi mới 19 tuổi. Ông là một trong những thành viên của Phi đội Quyết thắng tham gia tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 và có gần 40 năm công tác trong quân đội. Ông được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015.

Sống mãi những ký ức về đồng đội

Sau chiến tranh, Đại tá Hán Văn Quảng có nhiều dịp trở lại sân bay Thành Sơn (Phan Rang), nơi ghi dấu ấn trận đánh đặc biệt của Phi đội Quyết thắng. Mỗi lần trở lại, ký ức ông thêm bồi hồi vì những kỷ niệm xưa. Dù chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, trong tâm trí của người phi công ngày nào vẫn là hình ảnh khó phai về đồng đội từng “vào sinh ra tử”, đặc biệt với những người đã hy sinh.

Các phi công Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Từ Đễ trong dịp được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015. (Ảnh NVCC)

Các phi công Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Từ Đễ trong dịp được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015. (Ảnh NVCC)

Một trong số đó là người đồng đội thân thiết của Hán Văn Quảng - phi công Nguyễn Văn Bảy (B). Ông kể: “Anh Bảy (B) là người Cà Mau, cùng trúng tuyển phi công với tôi năm 1965. Dù lớn hơn tôi 3 tuổi, nhưng hai anh em hợp tính nhau lắm”. Trong mắt ông Quảng, người bạn gốc miền nam ấy sống rất tình cảm. Nguyễn Văn Bảy (B) luôn coi ông Quảng như em trai. Cuộc sống của họ trong quân đội có nhiều sự trùng hợp thú vị: Cùng trúng tuyển vào phi công một năm, cùng được cử sang Liên Xô đào tạo gần 3 năm; cùng vào Đại đội 4 của Trung đoàn 923, hay cùng được các chuyên gia Cuba hướng dẫn bay biển.

Trong lịch sử của Trung đoàn 923, Nguyễn Văn Bảy (B) cũng được nhớ tới là phi công lập chiến công xuất sắc trong trận “không đối hạm” trên vùng biển Quảng Bình. Ngày 19/4/1972, đúng 16 giờ 5 phút, hai chiếc máy bay MiG-17 do các phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) xuất kích từ sân bay Khe Gát (Quảng Bình). Khi bay qua cửa Lý Hòa, phát hiện mục tiêu, lúc 16 giờ 13 phút, Lê Xuân Dị nhanh chóng cắt bom vào tàu Khu trục hộ tống USS Higbee theo phương pháp ném bom “thia lia”. Tàu khu trục hộ tống USS Higbee phát nổ, tạo nên một cột khói lớn, bị hư hỏng nặng, dàn pháo trên boong tàu bị phá hủy. Chiếc MiG-17 thứ 2 do Nguyễn Văn Bảy (B) tiếp tục bay vòng ra biển, khi đến gần cửa Dinh thì phát hiện đội hình địch. Nguyễn Văn Bảy (B) cho máy bay lướt qua phía trên tàu địch rồi vòng lại và cắt bom vào tuần dương hạm USS Oklahoma City.

Trận “không đối hạm” ngày 19/4/1972 là trận đánh đầu tiên mà MiG-17 của chúng ta tấn công chiến hạm Mỹ, khiến cho hải quân Mỹ không dám đánh phá bờ biển Quảng Bình trong nhiều tháng.

Hoàn thành nhiệm vụ đánh biển đặc biệt đó, Nguyễn Văn Bảy (B) trở lại Hà Nội gặp Hán Văn Quảng. “Thấy tôi đang trực ở sân bay Gia Lâm đã 20 ngày liền vì khi đó thiếu phi công, dù mới đi đánh biển về, anh Bảy (B) vẫn nhiệt tình bảo trực thay cho tôi. Sự quan tâm đồng đội của anh ấy đáng quý biết bao, tình cảm ấy không bao giờ tôi quên”, ông Quảng bùi ngùi.

Ngày 6/5/1972, biên đội MiG-17 của Nguyễn Văn Lục và Nguyễn Văn Bảy (B) không chiến với 24 máy bay cường kích của Mỹ tại bầu trời Thanh Hóa, nhằm ngăn chặn không quân Mỹ bắn phá miền bắc. Phi công Nguyễn Văn Bảy (B) đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 1 chiếc A6. Nhưng do lực lượng hai bên không cân sức, máy bay bị trúng đạn, phi công Nguyễn Văn Bảy (B) đã anh dũng hy sinh khi máy bay lao xuống ngọn núi Pu Ví, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. “Thật đau xót khi anh ấy hy sinh khi còn quá trẻ, mới 29 tuổi”, ông Quảng nghẹn ngào nói.

Thật đau xót khi anh Bảy (B) hy sinh khi còn quá trẻ, mới 29 tuổi.

Vào năm 1994, để ghi nhận chiến công xuất sắc của phi công Nguyễn Văn Bảy (B), Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Một đồng đội khác trong Phi đội Quyết thắng cũng luôn hiện diện trong ký ức của Đại tá Hán Văn Quảng là phi công Hoàng Mai Vượng. Ông Vượng cùng ở Đại đội 4, tham gia chiến đấu với Hán Văn Quảng nhiều năm. Sinh ra ở vùng đất Diễn Châu (Nghệ An), phi công Hoàng Mai Vượng trong cảm nhận của Hán Văn Quảng là người trung thực, tốt tính và sống tình cảm. Họ đã cùng bay chiến đấu với nhau suốt từ năm 1969, cùng thực hiện trận quyết chiến vào sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 4/1975.

Hòa bình lập lại, phi công Hoàng Mai Vượng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ canh giữ bầu trời và tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1976, phi công Hoàng Mại Vượng đã hy sinh trong khi bay làm nhiệm vụ. Sau này, vào tháng 7/2014, Chủ tịch nước đã có quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ-phi công Hoàng Mai Vượng.

Vào mỗi dịp tháng tư lịch sử, cựu phi công của Phi đội Quyết thắng vẫn luôn cùng đồng đội tổ chức những buổi gặp mặt với những bạn bè cùng chiến đấu một thời, để ôn lại những kỷ niệm đầy gian khổ, khó khăn trong thời chiến tranh.

Đã tròn nửa thập kỷ sau khoảng khắc tiếng bom vang lên ở sân bay Tân Sơn Nhất, “Ở thời điểm này, chúng tôi nhớ nhất tới các đồng đội, các cấp chỉ huy - những người bảo đảm máy bay, phục vụ các ngành đã tạo điều kiện cho chúng tôi có chuyến bay đáng nhớ năm đó. Với tinh thần ‘thần tốc, táo bạo’, chỉ trong mấy ngày, chúng tôi đã được huấn luyện và cất cánh đi đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Trong trận đánh đó, đồng đội của chúng tôi, từ cán bộ chỉ huy, lãnh đạo cho đến những cán bộ phục vụ ở dưới mặt đất đã ‘nâng cánh cho chúng tôi bay’, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt là đánh thẳng vào sào huyệt của ngụy quyền Sài Gòn góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch mùa xuân năm 1975”, Đại tá Hán Văn Quảng nhấn mạnh.

Trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 khẳng định thêm sự góp mặt của Không quân nhân dân Việt Nam vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thể hiện trọn vẹn ý nghĩa lớn lao khi tất cả các binh chủng đều tham gia vào Đại thắng mùa Xuân 1975, nối liền một dải non sông.

------------------------

Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: THẢO LÊ - NGÂN ANH
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT, BÁO NHÂN DÂN, HỮU VIỆT