Yêu Hà Nội qua tranh ký họa

Cứ cuối tuần, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội lại hẹn nhau ở một góc phố nào đó và cùng nhau vẽ những bức ký họa về phố phường Hà Nội. Với họ, đó vừa là tình yêu, vừa là trách nhiệm đối với mảnh đất dấu yêu này.

Cuốn sách mới của nhóm USK Hà Nội.
Cuốn sách mới của nhóm USK Hà Nội.

Lan tỏa tình yêu với đô thị 

Tháng 9-2016, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi - USK Hà Nội) ra đời do bốn kiến trúc sư (KTS): Trần Thị Thanh Thủy, Đinh Hải, Chu Quốc Bình, Nguyễn Hoàng Lâm sáng lập. Là những người có gắn bó sâu nặng với Hà Nội, như một lẽ tự nhiên, họ mong muốn lưu giữ vẻ đẹp và lan tỏa tình yêu Hà Nội tới cộng đồng thông qua những bức ký họa. 

Những “thủ lĩnh” đầu tiên đã nhanh chóng xác lập một hướng đi: Tìm hiểu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc của các địa danh trong thành phố, đặc biệt quan tâm đến những công trình cổ có giá trị trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội. Lẽ ấy, khiến họ nhanh chóng quy tụ được rất đông các thành viên tham gia. Thành viên cũng đa dạng, từ giới chuyên môn với những nhà kiến trúc, họa sĩ cho tới nhân viên văn phòng, sinh viên các trường đại học, thậm chí cả các em học sinh nhưng có chung đam mê ký họa và yêu phố phường Hà Nội. Đến nay, nhóm đã có hơn 6.000 thành viên và là thành viên của Tổ chức Ký họa đô thị thế giới (Urban Sketchers Group).

KTS Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm USK Hà Nội cho biết: “Hoạt động của nhóm không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và kiến trúc của các công trình đô thị mà còn lan tỏa tình yêu với đô thị cho cộng đồng bằng ký họa”. Thông qua ký họa đô thị, các thành viên lớn tuổi được hồi tưởng và sẻ chia những ký ức về Hà Nội, về quê hương với bạn bè và các thế hệ sau; các bạn trẻ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Còn các em ở tuổi thiếu niên chính là cánh tay nối dài và tương lai của nhóm. 

Những công trình ý nghĩa

Sau một quá trình hoạt động tích cực, nhóm USK Hà Nội đã để lại nhiều dấu ấn đẹp từ những hoạt động hằng tuần, các cuộc triển lãm nho nhỏ, việc đăng cai tổ chức Hành trình Ký họa châu Á - Hà Nội 2019 (Asia-link Sketchwalk Hanoi 2019) với sự tham dự của hơn 300 KTS từ 18 quốc gia đến Hà Nội lần lượt ký họa tại những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội. Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội còn làm được nhiều công trình giá trị. Trong đó, không thể không nhắc tới các cuốn sách như “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”, “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” và mới nhất, là “Ấn tượng Hà Nội từ những ký họa công trình thời Pháp” vừa ra mắt nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nếu cuốn “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” với khoảng 200 bức ký họa khi ra mắt năm 2018 đã nhận được sự đón nhận của nhiều người, thì với cuốn sách “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”, ra mắt công chúng đầu năm 2019 lại dựng lên một câu chuyện khác. 87 con phố và ngõ Hà Nội thân thuộc, giàu chất thơ được nhóm cặm cụi vẽ trong suốt ba năm. Từng góc phố, từng mái nhà, những khuôn cửa, những bảng hiệu mang vết dấu thời gian được nhìn qua lăng kính của các thành viên nhóm Ký họa đô thị Hà Nội khiến người ta - dù ở gần hay đang ở xa - đều thấy yêu, thấy nhớ Hà Nội. Đan xen với những bức ký họa là các bài viết vừa cung cấp tư liệu về khu phố cổ Hà Nội, vừa gợi lại ký ức hoặc cảm hứng với nhiều câu chuyện, nhiều trải nghiệm mà các nhà văn, họa sĩ, KTS đã ghi lại. Nhóm vừa được trao Giải thưởng Quốc gia về Thông tin đối ngoại toàn quốc 2020 với cuốn sách này.

Với tác phẩm mới nhất, “Ấn tượng Hà Nội từ những ký họa công trình thời Pháp” (NXB Kim Đồng, 10-2020), USK Hà Nội như muốn nói một lời tri ân với mảnh đất mình đang sống trong dịp đại lễ 1010 năm. Tiếp tục cách làm như hai cuốn trước, nhưng ở công trình thứ ba này mở ra một không gian mới, những câu chuyện mới. Nói như PGS, TS, KTS Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng nghiên cứu Kiến trúc quốc gia, “hãy lật giở từng trang sách, những bức họa và dòng chữ sẽ hiện ra, dẫn dắt bạn vào thế giới của không gian và thời gian, của ký ức và hoài niệm, của những hào hoa sang trọng nhưng gần gũi, của giao thoa văn hóa Đông - Tây và của cả biết bao đau thương mất mát một thời. Tất cả đã là một phần không thể tách rời của Hà Nội”.

Thông qua những việc làm rất cụ thể và thiết thực, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội không chỉ cho thấy tình yêu sâu nặng của nhóm với Hà Nội, mà hơn thế, phần nào cho thấy thái độ sống, thái độ ứng xử với văn hóa xưa. Đặc biệt, USK Hà Nội đã mở ra một hướng tiếp cận các di sản văn hóa qua ký họa. Những khu tập thể cũ, những mái ngói thâm nâm nơi phố cổ, hay những căn biệt thự Pháp đã xuất hiện trên hàng nghìn tấm ảnh. Song, khi hiện ra trên ký họa, nó mang một ngôn ngữ khác, truyền đến cho công chúng đương đại một cảm xúc thẩm mỹ mới. 

back to top