150.000 ca mắc Covid-19 và chiến dịch tăng tốc tiêm chủng của Việt Nam

Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày vẫn đi ngang trên bản đồ dịch, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại các tỉnh, thành phố phía nam. Chỉ sau 1 tuần đạt đỉnh 100.000 ca nhiễm Covid-19 (26/7), Việt Nam đã chính thức vượt mốc 150.000 ca vào ngày 1/8. Tăng tốc tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, giảm ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong là yêu cầu cấp thiết ở thời điểm này.
Nỗ lực phẳng hóa đường cong lây nhiễm
Chỉ trong 7 ngày, số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã tăng thêm 50.000 ca mới, đưa tổng số ca Covid-19 tại Việt Nam vượt mốc 150.000 ca. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày, cả nước phát hiện thêm khoảng 8.000 ca nhiễm. Con số này cao hơn nhiều so với trung bình số ca mắc các tuần trước đó, nhưng cũng đã có phần đi ngang tuần qua.

Đây là những nỗ lực làm phẳng hóa đường cong của lây nhiễm của ngành y tế và chính quyền các địa phương. Biểu đồ số ca F0 đi ngang càng tạo thêm niềm tin về khả năng khống chế dịch bệnh của các tỉnh, thành phố phía nam trong thời gian tới đây.
Từ 19/7, trong vòng 13 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam và 8 ngày giãn cách tại TP Hà Nội (từ 24/7), cả nước ghi nhận hơn 93.000 ca mắc mới. Nhiều địa phương đã quyết định kéo dài giãn cách xã hội để tăng thêm các biện pháp mạnh hơn nữa, làm sạch các “vùng đỏ”.
Ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19:
“Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, từ khi áp dụng Chỉ thị 15, siết chặt theo Chỉ thị 16, tốc độ tăng ca nhiễm bình quân/ngày đã chậm lại, hiện nay chỉ tăng bình quân 1,5 lần /ngày so với lúc áp dụng Chỉ thị 15 (hơn 6 lần bình quân/ ngày).
Tuy nhiên, số tuyệt đối ca mắc hằng ngày vẫn lớn do dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng. Do đó để kiểm soát được dịch có thể mất hàng tháng, TP Hồ Chí Minh có thể sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1/8.
Trong khi đó, dịch lại đang tiếp tục leo thang ở nhiều địa phương lân cận, trong đó nặng nề nhất là Bình Dương với số ca mắc gia tăng liên tiếp cao nhiều ngày qua. Đến nay, địa phương này ghi nhận 16.094 ca nhiễm, đứng thứ 2 cả nước. Long An, Đồng Nai cũng đứng trong top 5 ca nhiễm tại Việt Nam.
Tại Hà Nội, một tuần qua đã phát hiện nhiều chùm ca bệnh ho, sốt ngoài cộng đồng. Hà Nội cũng đã triển khai những biện pháp mạnh ngay từ ngày 24/7 bằng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Chỉ thị của thành phố với các biện pháp giãn cách xã hội cao nhất để ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.
Để chuẩn bị cho tình huống xấu hơn, Hà Nội đã gấp rút xây bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Tam Trinh, quận Hoàng Mai, đồng thời yêu cầu khẩn trương kiểm tra, hoàn thiện 10 dự án nhà tái định cư để trưng dụng phòng, chống dịch. Mô hình điều trị tháp "4 tầng" cũng đã được đặt ra và TP Hà Nội đã phân công cho các bệnh viện đảm nhận các tuyến điều trị.
Để hạn chế tới mức thấp nhất việc lây nhiễm lan rộng, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969/TTg-KGVX) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021.

Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Đối với khu vực liên tỉnh thì phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.
Trước tình hình rất nghiêm trọng của đợt dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, các địa phương phải tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, giảm thiểu tử vong.
Ngành y tế đã tập trung mọi nguồn lực, những nhân lực tinh nhuệ nhất "đổ bộ" miền nam để thiết lập nhanh chóng các Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, nhằm mục tiêu phát huy phương châm “4 tại chỗ” thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” gồm tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh Covid-19 nặng để điều trị.

Chiến dịch đẩy mạnh tiêm chủng của Việt Nam

