2.180 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)


Trường đại học (ĐH) Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tiếp nối truyền thống từ Trường ĐH Đông Dương (1906), Trường ĐH Quốc gia Việt Nam (1945), Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1956), sau gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, hiện nay trường đang cùng các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu đa ngành, chất lượng cao của Việt Nam, từng bước tiến kịp trình độ các ĐH tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Với đội ngũ 349 cán bộ giảng dạy, trong đó có 11 giáo sư, 36 phó giáo sư, 120 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 120 thạc sĩ, trường đang đào tạo 4.504 sinh viên (SV) chính quy (trong đó có 197 SV hệ chất lượng cao) tại 14 ngành đào tạo ĐH, 676 học viên cao học và 93 nghiên cứu sinh tại 24 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 16 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.

Các giáo sư đầu ngành và chuyên gia có trình độ cao của trường đã và đang thực hiện hàng trăm đề tài dự án, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu có quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế. Trong quan hệ hợp tác với 80 trường ĐH và các tổ chức giáo dục, tổ chức quốc tế trên thế giới, trường đang triển khai hơn 40 chương trình hợp tác khoa học và giáo dục, tài trợ học bổng; trung bình hàng năm có khoảng hơn 100 lượt cán bộ, SV của trường ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ và cũng đón khoảng hơn 100 lượt cán bộ, SV của các nước đến làm việc và học tập tại trường.

* Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội có các khoa: Báo chí, Du lịch học, Đông phương học, Giáo dục quốc phòng, Lịch sử, Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Ngôn ngữ học, Quốc tế học, Tâm lý học, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài, Triết học, Văn học, Xã hội học.

* Năm 2004, chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH là 1.280 (cho hai khối thi C và D), chỉ tiêu học sau ĐH là 325 thạc sĩ và 30 nghiên cứu sinh. Năm 2003, có khoảng 18.000 hồ sơ đăng ký dự thi.

* Thông tin chi tiết về Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội có trên trang web: http://www.ussh.edu.vietnam. Hoặc liên lạc qua địa chỉ: 336 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hiện nay, trường có 90 giảng đường với diện tích 8.000 m2, được trang bị các hệ thống âm thanh, máy vi tính, các thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập. Trường cũng đang vận hành một phòng truy cập internet gồm hàng chục máy vi tính, phục vụ miễn phí cho cán bộ và SV.

Bên cạnh đó, kho sách giáo trình và các nguồn tư liệu khác về khoa học xã hội và nhân văn của Trung tâm Thông tin - thư viện (ĐH Quốc gia Hà Nội) đặt trong khuôn viên của trường với số lượng và chủng loại phong phú, luôn luôn được cập nhật đang phục vụ ngày càng có hiệu quả cho công tác trọng tâm của nhà trường là đổi mới phương pháp dạy - học.

Trong số 14 ngành tuyển sinh ĐH, năm 2004 trường bắt đầu tuyển sinh ngành Hán Nôm ngay từ đầu (khác với trước đây, ngành này thuộc Khoa Văn học và SV được tuyển vào học ngành Hán Nôm từ học kỳ thứ 4). Thạc sĩ Nguyễn Văn Mạo, phó trưởng Phòng Đào tạo cho biết, trong số các thí sinh trong cả nước đăng ký dự thi vào trường, trong những năm gần đây rất nhiều thí sinh dự thi vào Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (có lẽ do nhu cầu nguồn nhân lực cho cải cách hành chính từ trung ương đến địa phương).

Trước đây, các SV được tuyển thẳng (mỗi năm có gần 100 SV) thường chọn vào các khoa Văn học, Báo chí, Lịch sử do ba khoa này "nổi" nhất trường. Nhưng bây giờ số SV vào thẳng đã chọn vào nhiều khoa khác nữa, trong đó có khoa Triết học vì cơ hội kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp cao (có thể đi dạy ở các trường ĐH, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp...).

Những kết quả bước đầu từ mô hình đào tạo hệ cử nhân chất lượng cao đang ngày càng thu hút nhiều SV tham dự. Các SV thuộc hệ cử nhân chất lượng cao có điểm tổng kết loại khá rất ít, chủ yếu là loại giỏi, trong đó có nhiều người đạt loại xuất sắc. SV hệ này vẫn phải đóng học phí như quy định chung đối với mọi SV, nhưng đồng thời lại được hưởng học bổng cao, từ 180.000 đồng đến 300.000 đồng/tháng, tùy theo kết quả học tập.

Năm học 2003-2004, trường tiếp tục mở khóa 4 với chỉ tiêu 80 SV cho các ngành Văn học (20), Triết học (20), Lịch sử (20) và Ngôn ngữ học (20). Đối tượng tuyển chọn là SV đã trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, thỏa mãn một trong các điều kiện : đoạt giải ba trở lên trong các kỳ thi học sinh (HS) giỏi toàn quốc lớp 12; là HS giỏi 3 năm THPT; thi tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi; điểm thi ĐH ≥ 22 điểm đối với khối C và ≥ 21 điểm đối với khối D.

Ngoài các hệ cử nhân khoa học, từ khóa tuyển sinh 2001, nhà trường còn nhận nhiệm vụ do ĐH Quốc gia Hà Nội giao là đào tạo hệ cử nhân sư phạm với các ngành Ngữ văn và Lịch sử. Điểm chuẩn vào hệ này thường từ 22 đến 23,5 điểm. Với mô hình đào tạo đan xen, các SV hệ cử nhân sư phạm này được tiếp cận môi trường học thuật cao, như SV hệ cử nhân khoa học.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Lâm - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong lộ trình phát triển Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thành một ĐH nghiên cứu - mô hình ĐH tiên tiến trên thế giới, nhà trường sẽ giữ ổn định quy mô đào tạo bậc ĐH, giảm tỷ lệ SV hệ tại chức và tăng chỉ tiêu bậc đào tạo sau ĐH; 100% giảng viên có học vị thạc sĩ trở lên, trong đó 70% có học vị tiến sĩ; nhanh chóng bảo đảm tất cả các môn học trong chương trình đào tạo đều có giáo trình, chuyên luận; đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo và tăng cường năng lực chuyển tải tri thức và sáng tạo tri thức của đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Trong năm học 2003-2004, trường sẽ thành lập thêm hai khoa mới trên cơ sở hai bộ môn trực thuộc là Khoa học quản lý và Thông tin - thư viện, mở thêm một số chuyên ngành đào tạo sau ĐH như Hồ Chí Minh học, Quan hệ quốc tế, Tôn giáo học, Lịch sử văn hóa Việt Nam, Nhân học (bậc cao học) và châu Á học (đào tạo tiến sĩ). Mục tiêu chung đến năm 2010 là sản phẩm đào tạo của trường đạt trình độ các ĐH tiên tiến trong khu vực và ở một số lĩnh vực đạt trình độ quốc tế.

(Thế giới mới)