Thực tế công tác tinh gọn bộ máy
Trong những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang đã lãnh đạo cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của tỉnh đánh giá vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của một số cơ quan, tổ chức chưa cụ thể, còn chồng chéo, trùng lắp... Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước còn lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và khóm, ấp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít cấp uỷ, tổ chức đảng ở cơ sở còn yếu; việc quản lý đảng viên ở nhiều nơi thiếu chặt chẽ; công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở một số địa bàn và trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn khó khăn.
Từ thực tế đó, Tỉnh ủy An Giang đã nhanh chóng xây dựng và triển khai thực hiện Đề án và Chương trình hành động số 19-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII) về “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh”. Phát huy thành quả từ việc hoàn chỉnh chức danh Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng khóm, ấp, An Giang có 100% khóm ấp triển khai với 888 khóm, ấp. Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tại 9/11 đơn vị cấp huyện và 93/156 đơn vị cấp xã; 3/11 đơn vị cấp huyện hợp nhất Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục - Thể thao; sáp nhập Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa cấp huyện đạt 100%. Điểm nổi bật của An Giang là việc tiếp tục nhân rộng mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Trong năm 2018, toàn tỉnh có 92/156 đơn vị (chiếm 59%), trong đó, mỗi huyện đạt tỷ lệ tối thiểu 50%. An Giang phấn đấu đến hết năm 2020 có 100% đơn vị cấp xã thực hiện mô hình này”.
Ngoài hai địa phương là huyện Châu Phú và TP. Long Xuyên đã triển khai Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND cấp huyện thì tỉnh đang rà soát triển khai thêm ở các địa phương có đủ điều kiện. Song song tại các địa phương đã triển khai Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND cấp huyện là hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện thành Văn phòng cấp ủy, HĐND và UBND.
Với hệ thống các cơ quan khối Tuyên giáo, các huyện, thị, thành ủy đã triển khai thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy Trung tâm Bồi dưỡng chính trị. Đến nay, có 7/11 địa phương, gồm: TP Long Xuyên, Châu Đốc; thị xã Tân Châu và các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân, Tịnh Biên thực hiện mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện; các địa phương còn lại đang xây dựng đề án để tổ chức thực hiện. Hiện có 3/11 đơn vị (huyện Châu Phú, TP Châu Đốc và Long Xuyên) thực hiện hợp nhất hóa chức danh Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Tiến tới hợp nhất Ban Dân vận và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện thành Ban Dân vận - Mặt trận ở những địa phương có đủ điều kiện.
Thời gian tới, An Giang tiếp tục thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ; ban tổ chức cấp uỷ cấp huyện với phòng nội vụ thành một cơ quan là Ban Tổ chức - Nội vụ. Hợp nhất Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh; Ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện với thanh tra huyện thành một cơ quan là Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra. Hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Sở Thông tin và Truyền thông thành một cơ quan là Ban Tuyên giáo - Thông tin và Truyền thông; ban tuyên giáo, trung tâm bồi dưỡng chính trị và phòng văn hóa - thông tin cấp huyện thành một cơ quan là Ban Tuyên giáo - Văn hóa - Thông tin. Hợp nhất Đảng uỷ khối Dân Chính Đảng với Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng ủy khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh. Đẩy mạnh việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước (thực hiện từ năm 2018). Thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể tương ứng trên cơ sở thành lập các tổ chức bộ máy mới.
Những khó khăn đặt ra
Bất cập đầu tiên đã gây khó khăn trong công tác cán bộ từ thực tiễn hợp nhất chức danh, sáp nhập các đơn vị là giữa quy định về vị trí việc làm và số lượng biên chế hằng năm, cùng đó là vị trí việc làm có chức danh cán bộ nhưng biên chế giao là biên chế công chức. Theo hướng dẫn của Trung ương về xây dựng Đề án vị trí việc làm theo Nghị định số 36/2013/NĐ-CP và Thông tư số 05/2013/TT-BNV thì việc xây dựng và mô tả vị trí việc làm bao gồm cả cán bộ được bầu cử, phê chuẩn của Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh, huyện; các Ban của HĐND cấp tỉnh, huyện. Cụ thể là các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện; Thường trực HĐND và Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, huyện. Vậy nhưng trước đây, biên chế hằng năm Bộ Nội vụ giao là biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chưa tách bạch giữa biên chế cán bộ và biên chế công chức. Do vậy, UBND tỉnh giao biên chế cán bộ giữ các chức danh được bầu cử, phê chuẩn nằm trong tổng biên chế của cơ quan Văn phòng thuộc HĐND, UBND cấp tỉnh, huyện.
![]() |
Lễ trao quyết định công tác cán bộ của Tỉnh ủy An Giang.
Tổng biên chế hành chính, UBND tỉnh An Giang giao cho cấp huyện là 1.391 biên chế (bình quân 126 biên chế/huyện). Qua rà soát, các chức danh cán bộ được bầu cử, phê chuẩn của HĐND, UBND cấp tỉnh, huyện; các Ban của HĐND cấp tỉnh, huyện chiếm 123 biên chế (tương đương với tổng biên chế hành chính giao cho một huyện). Và trong thời gian qua, việc cân đối biên chế tại các huyện rất khó khăn, luôn trong tình trạng thiếu biên chế để phân bổ cho các phòng chuyên môn. Thực trạng cho thấy, có phòng chuyên môn thuộc UBND huyện chỉ có ba biên chế (một Trưởng phòng, một Phó Trưởng phòng, một chuyên viên giúp việc) chưa bảo đảm nhân lực để hoàn thành nhiệm vụ cấp thẩm quyền giao.
Theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ, nhưng đến nay các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Do đó chưa đồng bộ với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Nhiều Thông tư liên tịch của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực với Bộ Nội vụ hướng dẫn về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh không quy định cứng số lượng, tên gọi các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên quá trình sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu là giữ nguyên trạng số lượng, tên gọi như trước đây nên hiệu quả tinh giản tổ chức bộ máy chưa cao.
Đơn cử như việc Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc Trung tâm Y tế huyện, thành phố, thị xã quản lý như hiện nay, có nhược điểm là: Trạm Y tế xã chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của nhiều đơn vị: Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện. Khó khăn trong việc xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Hay việc hợp nhất Trung tâm Bồi dưỡng chính trị về ban Tuyên giáo cấp huyện nhưng biên chế công chức, viên chức và chế độ lại khác nhau khiến địa phương gặp lúng túng trong giải quyết chính sách. Hệ thống văn bản quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập chưa được ban hành kịp thời; đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh gửi Bộ Nội vụ nhưng chưa được phê duyệt, vì vậy khó khăn trong việc thẩm định và quản lý số lượng người làm việc của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.