Đây là nỗ lực đáng tự hào của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB), khẳng định quyết tâm đưa những tác phẩm ballet đỉnh cao đến gần hơn với khán giả trong nước.
Từ tiểu thuyết cùng tên của Cervantes, biên đạo tài năng Marius Petipa đã chọn ra một nhánh nhỏ, đó là câu chuyện tình yêu cuồng nhiệt của Kitri, con gái chủ quán trọ và Basilio, chàng thợ cắt tóc nghèo, để xây dựng nên một vở ballet tràn đầy năng lượng và cảm hứng khi kết hợp cùng âm nhạc của Ludwig Minkus. Trải qua hơn 150 năm kể từ lần đầu được trình diễn (năm 1869), ballet “Don Quixote” vẫn chinh phục được công chúng thế giới nhờ vẻ đẹp tinh tế của ngôn ngữ hình thể, kỹ thuật ballet cổ điển và triết lý về tình yêu, khát vọng, ước mơ... Quyết tâm đưa một trong những tác phẩm ballet nổi tiếng nhất thế giới lên sân khấu Việt, các nghệ sĩ VNOB đã cống hiến cho khán giả một phiên bản mãn nhãn và tràn đầy cảm xúc.
Với kết cấu gồm 2 màn, 5 cảnh, vở diễn đưa người xem bước vào cuộc phiêu lưu đầy thú vị đan xen giữa “mộng” và “thực” của hiệp sĩ Don Quixote. Từ căn phòng và giấc ngủ chập chờn của người quý tộc già xứ Mancha, khán giả được đến với quảng trường Barcelona sôi động, nơi có đám đông thị dân đang nhảy múa, những đấu sĩ bò tót phô diễn tài năng… Và nương theo cuộc rượt đuổi đầy kịch tính vì tình yêu, vở diễn đưa người xem hòa mình vào không gian cắm trại của người Digan bên những chiếc cối xay gió, bước vào thế giới mộng tưởng của khu rừng trong mơ, đắm chìm cùng những điệu múa sôi động trong quán rượu và lâng lâng hạnh phúc cùng khung cảnh rực rỡ trong đám cưới của Kitri và Basilio.
Trên hành trình đó, có những khoảnh khắc cảm động và cả những tiếng cười hài hước, kết hợp uyển chuyển cùng ngôn ngữ ballet cổ điển và điệu nhảy Flamenco cuồng nhiệt, tiếng Castanet rộn ràng đậm sắc màu Tây Ban Nha... Đặc biệt, sự chuyển dịch liên tục giữa các bối cảnh thực và mộng trong vở diễn đã trở thành những khơi gợi đầy nghệ thuật mang theo thông điệp về khát vọng được yêu thương, dám theo đuổi ước mơ...
Đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật, Nghệ sĩ Ưu tú Phan Mạnh Đức, Giám đốc VNOB cho biết, đây là tác phẩm ballet có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Nhà hát. Quá trình chuẩn bị và tập luyện kéo dài trong gần một năm, với việc từng bước xử lý những khó khăn trong quá trình dàn dựng. Bên cạnh đáp ứng đòi hỏi về tài chính, thời gian, một trong những thách thức lớn nhất mà nhà hát phải đối mặt là làm thế nào để bảo đảm đủ nguồn nhân lực chất lượng tham gia. “Don Quixote” cần tới gần 60 diễn viên trên sân khấu, trong khi nguồn nhân lực biểu diễn ballet luôn khan hiếm. Tìm lời giải cho vấn đề này, Nhà hát quyết định phối hợp Học viện Múa Việt Nam để trao cơ hội cho những học viên giàu tiềm năng vào vai phù hợp.
So với những tác phẩm ballet khác, “Don Quixote” có tính kịch cao hơn, đòi hỏi diễn viên không chỉ giỏi nhảy múa mà còn phải thể hiện được tính cách nhân vật thông qua diễn xuất, cho nên để bảo đảm tính chỉnh thể về chất lượng vở diễn, Nhà hát đã kỳ công mời nghệ sĩ Phạm Minh - gương mặt tài năng tốt nghiệp Trường Ballet Quốc gia Kiev, hiện là Giám đốc Trường Múa La SALLE (Pháp) phối hợp cùng biên đạo múa, Nghệ sĩ Ưu tú Lưu Thu Lan dàn dựng tác phẩm.
Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa toàn cầu, ngày càng có nhiều đơn vị ballet quốc tế đến Việt Nam biểu diễn, do vậy đòi hỏi về nghệ thuật của công chúng cũng cao hơn, dẫn đến áp lực dành cho ê-kíp sáng tạo và đội ngũ diễn viên Nhà hát lớn hơn. Song chúng tôi vẫn quyết tâm hết sức để có một phiên bản ballet “Don Quixote” đúng chuẩn quốc tế được trình diễn trên đôi chân của những nghệ sĩ Việt.
Nghệ sĩ Ưu tú Phan Mạnh Đức, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam
Theo Giám đốc VNOB, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa toàn cầu, ngày càng có nhiều đơn vị ballet quốc tế đến Việt Nam biểu diễn, do vậy đòi hỏi về nghệ thuật của công chúng cũng cao hơn, dẫn đến áp lực dành cho ê-kíp sáng tạo và đội ngũ diễn viên Nhà hát lớn hơn. “Song chúng tôi vẫn quyết tâm hết sức để có một phiên bản ballet “Don Quixote” đúng chuẩn quốc tế được trình diễn trên đôi chân của những nghệ sĩ Việt”, Nghệ sĩ Ưu tú Phan Mạnh Đức khẳng định.
Tham gia dàn dựng vở diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Lưu Thu Lan thừa nhận, đây là thử thách nghệ thuật lớn nhất với chị từ trước đến nay, bởi đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về cả kỹ thuật và diễn xuất của một tác phẩm đồ sộ, cao trào từ đầu đến cuối như “Don Quixote”, lại vẫn có thể làm nổi bật màu sắc Tây Ban Nha là điều không đơn giản. Suốt nhiều tháng trời, ê-kíp sáng tạo và biểu diễn đã phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên sàn tập để đổi lấy gần hai giờ “chiêu đãi” người xem một bữa tiệc nghệ thuật thăng hoa, với sự xuất hiện của hàng trăm bộ trang phục rực rỡ làm nổi bật những bước nhảy nội lực, quyện hòa ăn ý trong không gian ánh sáng đa tầng cùng hiệu ứng sân khấu ấn tượng.
Vở diễn là cuộc hội ngộ của những nghệ sĩ ballet kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm, như Nghệ sĩ Ưu tú Cao Chí Thành, Nghệ sĩ Ưu tú Phan Lương, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thu Hằng, Phùng Quang Minh, Bùi Tuấn Anh… và những nghệ sĩ trẻ tài năng của Nhà hát như Nguyễn Đức Hiếu, Vũ Khánh Băng, Trần Bảo Ngọc… Đặc biệt ở chỗ, các nghệ sĩ trẻ được trao đất diễn rộng hơn, khiến sức sống, độ tươi mới của vở diễn càng trở nên mạnh mẽ. Nghệ sĩ Ưu tú Lưu Thu Lan cho hay, đây cũng chính là chủ ý của chị và Nhà hát khi dựng vở để khẳng định rằng, những người đi trước sẵn sàng trao truyền kinh nghiệm, cơ hội cho những người trẻ, để họ có thêm trải nghiệm, cơ hội học tập, sẵn sàng nhận trách nhiệm và nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật.
Theo dõi vở ballet có tiết tấu nhanh, mạnh từ đầu đến cuối như “Don Quixote”, người xem không khỏi bất ngờ trước sức bền, độ dẻo dai của diễn viên, nhất là hai nghệ sĩ xuất hiện xuyên suốt vở: Khánh Băng (Kitri) và Đức Hiếu (Basilio). Với hai nghệ sĩ trẻ, đây cũng là hành trình khám phá bản thân. Họ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu nội tâm nhân vật để lột tả thành công tính cách từng vai diễn mà vẫn thể hiện được dấu ấn cá nhân. Vào vai hiệp sĩ Don Quixote, dù chỉ đóng vai trò như cây cầu nối đầy chất thơ trong vở diễn, nhưng Nghệ sĩ Ưu tú Cao Chí Thành cũng đã thể hiện được bản lĩnh “gừng càng già càng cay” khi lột tả thành công tinh thần quả cảm vì tình yêu và lẽ phải của nhân vật.
Làm nên sức hấp dẫn của vở diễn, không thể không nói đến điểm nhấn âm nhạc. Dưới sự chỉ huy của “cây đũa thần” Đồng Quang Vinh, hơn 60 nhạc công của Dàn nhạc giao hưởng VNOB đã mang đến những giai điệu hưng phấn và quyến rũ từ đầu đến cuối. Ballet “Don Quixote” có thể xem là “trái ngọt” đáng tự hào được làm nên từ sự cộng hưởng nỗ lực của tất cả các thành tố sáng tạo và biểu diễn. Được biết, sau hai đêm ra mắt tại Nhà hát Hồ Gươm, VNOB đang lên kế hoạch phối hợp một số đơn vị để giới thiệu rộng rãi hơn tác phẩm ballet đặc sắc này đến công chúng.